Sau chiến tranh thế giới thứ 2, phần lớn quân nhân Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh, nhưng vẫn còn một bộ phận lính Nhật trên các đảo ở Thái Bình Dương, thường là sau khi thua trận dạt lên rừng núi tiếp tục đánh du kích, mất liên lạc với đơn vị nên không biết rằng chiến tranh đã kết thúc và tiếp tục kháng cự nhiều năm sau chiến tranh. Bây giờ, nếu lên google tìm kiếm “người lính Nhật cuối cùng”, dù bằng ngôn ngữ nào thì thường nó sẽ ra kết quả là thiếu úy Onoda Hiro (1922-2014), người đã chiến đấu ở Philippines từ năm 1945 cho đến khi ra đầu hàng vào tháng 3 năm 1974, và được đón chào về nước như một người hùng. Tuy nhiên điều này không thực sự chính xác, thiếu úy Onoda thực tế là binh lính NGƯỜI NHẬT BẢN cuối cùng ra đầu hàng, bởi vì sau ông ta còn 1 người lính Nhật nữa được tìm thấy, nhưng hơi khác một tí vì ông ta không phải người Nhật.
Binh nhì Nakamura Teruo (中村 輝夫, Trung Thôn Huy Phu) (1919-1979), tên khai sinh là Attun Palalin; còn được gọi là Suniuo, là người dân tộc Amis (A Mỹ), một dân tộc bản địa Đài Loan. Nakamura nhập ngũ quân đội Đế quốc Nhật Bản tháng 11 năm 1943, tham gia đơn vị tình nguyện Takasago (高砂義勇隊, Cao sa nghĩa dũng đội, Takasago Giyūtai) là lực lượng gồm những thổ dân Đài Loan chiến đấu cho người Nhật, phân biệt với Quân tình nguyện Đài Loan là người gốc Hoa ở Đài Loan chiến đấu cho Nhật Bản. Nakamura đóng quân trên đảo Morotai, Đông Ấn Hà Lan (nay là Indonesia), tháng 9 năm 1944, quân đội Đồng Minh đổ bộ lên đánh chiếm hòn đảo, Nakamura cùng một số lính Nhật sống sót dạt lên rừng núi đánh du kích, bị mất liên lạc với quân đội. Từ năm 1945, máy bay của Đồng Minh thường xuyên thả tờ rơi kêu gọi lính Nhật sót lại ngừng chiến đấu, chiến tranh đã kết thúc, nhưng hầu hết lính Nhật cho rằng đó là tâm lý chiến của đối phương nên tiếp tục chiến đấu. Nakamura cho biết rằng ông tin là chiến tranh chưa kết thúc, do thường xuyên thấy máy bay quân sự bay qua đầu, thực tế là do gần đó có một căn cứ của không quân Indonesia hoạt động.
Đến khoảng năm 1956 thì Nakamura bỏ trốn khỏi nhóm lính Nhật, ông tự dựng lên một túp lều nhỏ trên một cánh đồng có hàng rào 20×30m, sống sót bằng cách trồng khoai lang và chuối, thỉnh thoảng câu cá. Túp lều của Nakamura được một phi công tình cờ phát hiện vào giữa năm 1974. Vào tháng 11 năm đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Jakarta đã yêu cầu chính phủ Indonesia hỗ trợ trong việc tổ chức một sứ mệnh tìm kiếm, được thực hiện bởi Không quân Indonesia trên Morotai, Nakamura bị quân nhân Indonesia phát hiện và bắt giữ vào ngày 18 tháng 12 năm 1974, ông ta được bay đến Jakarta và nhập viện để theo dõi sức khỏe ở đó.
Nakamura quyết định trở về Đài Loan chứ không đến Nhật Bản, khi trở về, báo chí Đài Loan gọi ông là Lý Quang Huy (李光輝 Lee Kuang-hui), một cái tên mà đến khi hồi hương ông mới biết đến. Ban đầu, chính phủ Đài Loan không hào hứng đón nhận ông, coi ông là một người trung thành với Nhật Bản. Nhưng vào thời điểm đó, nhận thức của công chúng Nhật Bản về Nakamura và sự hồi hương của ông khác biệt đáng kể so với những người bị bỏ lại được phát hiện trước đó, chẳng hạn như Onoda Hiro, người đã được phát hiện chỉ 9 tháng trước đó và vừa là một sĩ quan vừa là người dân tộc Nhật Bản. Vì chỉ là một binh nhì trong một đơn vị thuộc địa ở nước ngoài, Nakamura không được hưởng lương hưu (do thay đổi năm 1953 trong luật lương hưu), do đó chỉ nhận được số tiền tối thiểu 68.000 yên (227,59 đô la Mỹ vào thời điểm đó, tương đương 1.300 đô la Mỹ năm 2021). Điều này đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt trên báo chí, thúc đẩy chính phủ và công chúng Đài Loan quyên góp tổng cộng 4.250.000 yên cho Nakamura, gần bằng số tiền Onoda nhận được trước đó.
Cuộc sống sau khi hồi hương của Nakamura cũng không dễ dàng. Cha mẹ ông đều đã chết, đứa con trai mà khi ông đi lính mới chỉ sơ sinh giờ đã làm cha của 4 đứa con, còn vợ ông thì đã tái hôn với người khác. Theo Thời báo Đài Bắc, chồng mới của vợ ông sẵn sàng dọn ra ngoài ở riêng và để hai vợ chồng đoàn tụ, nhưng Nakamura không muốn xáo trộn cuộc sống hiện tại của họ nên đã mua một căn hộ gần đó và dành thời gian thăm họ thường xuyên. Năm năm sau khi hồi hương, ngày 15 tháng 6 năm 1979, Nakamura qua đời vì bệnh ung thư phổi. Ông được coi là một biểu tượng về một người đàn ông dũng cảm và là người lính tận tụy.