Vào năm 2012, Amber Bourke, người Úc, mới ngoài 20 tuổi và đang du lịch bụi qua Ai Cập thì cô phát hiện mình có khả năng đáng kinh ngạc. Tại một ngôi làng nhỏ trên bán đảo Sinai, cô tình cờ thấy một nơi dạy “lặn tự do” (lặn dưới nước mà không cần bất kỳ thiết bị thở nào) – và quyết định thử.
“Tôi đã nín thở trong 4 phút và tôi lặn xuống độ sâu 18 mét,” Bourke kể.
Bourke từng là nhà vô địch bơi nghệ thuật khi còn là thiếu niên nhưng chưa bao giờ thử lặn tự do. Cô bị cuốn hút bởi bộ môn này và bắt đầu tìm hiểu xem mình có thể lặn sâu đến đâu.
Trong bộ môn này, vận động viên phải lặn xuống vùng nước sâu theo phương thẳng đứng chỉ bằng một hơi thở, chỉ sử dụng sức mạnh cơ bắp để đẩy mình xuống dưới. Với mỗi mét hạ xuống, áp suất nén lên cơ thể tăng lên, thu hẹp không gian chứa không khí. Thời điểm môn lặn tự do mới phát triển, các nhà sinh lý học cho rằng con người chỉ có thể lặn tự do tối đa 30 mét, lúc này, áp suất tác động lên cơ thể lớn gấp 4 lần so với trên bề mặt và thể tích không khí bên trong cơ thể đã giảm xuống còn 1/4.
Đến năm 2018, Bourke đã là một trong những vận động viên lặn tự do giỏi nhất thế giới. Cô từng đạt đến độ sâu 73 mét – một kỷ lục thế giới. Nhưng khi lên đến bề mặt, cô bị ngất một lúc nên kỷ lục không được công nhận.
“Nếu bạn ở dưới nước đủ lâu, luôn có khả năng lượng oxy cơ thể sẽ giảm xuống mức mà não bạn sẽ quyết định ngừng hoạt động để bảo vệ bản thân khỏi tổn thương. Theo một cách nào đó, đó là một điều tốt… nhưng lại gây khó chịu khi kết thúc một chuyến lặn dài,” Bourke giải thích.
Tiến sĩ Anthony Bain, một nhà sinh lý học tại Đại học Windsor ở Canada, cho biết nhiều thợ lặn tự do chuyên nghiệp có thể tích phổi lớn hơn người bình thường. Các nghiên cứu về các ngư dân vùng Bajau sống ở Đông Nam Á cũng đã chứng minh phổi lớn hơn, về mặt lý thuyết sẽ cho phép nín thở lâu hơn.
Tuy nhiên về cơ bản, sống sót khi chìm dưới nước trong một thời gian dài là một kỹ năng có thể học được. Theo Bain, các nghiên cứu cho thấy rằng những thợ lặn tự do đã tự “tiến hóa” cơ thể sao cho phù hợp với việc lặn.
Bourke không rõ liệu cô có khác biệt nào về sinh lý không, nhưng cô biết rằng sau hơn 10 năm rèn luyện, cô đã học được cách quản lý không gian phổi của mình. Ngay cả khi ở độ sâu 70 mét, cô ấy vẫn có thể “đem” thêm không khí từ phổi vào.
“Lần đầu tiên tôi lặn sâu 30 mét, tôi thực sự cảm thấy rất nhiều áp lực lên cơ thể, đặc biệt là ở ngực, cảm giác như thể bạn đang bị nghiền nát vậy. Nhưng bây giờ, khi lặn tới độ sâu 70 mét, tôi không còn cảm thấy áp lực đó nữa,” Bourke nói.
Mặc dù vậy, sự thích nghi chính là về mặt tâm lý: phát triển khả năng có ý thức để chống lại sự thôi thúc phải thở. Theo Bain, một người chưa qua đào tạo lặn tự do sẽ bắt đầu “cử động thở không chủ ý” sau không quá 2 – 3 phút dưới nước. Tuy nhiên, những thợ lặn tự do ưu tú có thể vượt qua thời điểm này bằng tinh thần, nín thở cho đến khi họ “làm giảm lượng oxy trong máu một cách đáng kể”.
Theo: The Guardian