Điểm rơi nào giữa hai luồng may mắn và bất hạnh, yêu thương và đau khổ? Chúng ta không bao giờ có khả năng chỉ giữ lấy một trong hai. Cuộc sống này là cân bằng cả ngọt ngào lẫn đắng cay, đủ đầy và mất mát. Không có nỗi đau cũng tức là không có tình yêu, và cuộc sống như thế còn có thì khác gì được sinh ra để chờ chết?
Điều tồi tệ nhất của việc giữ những ký ức không phải là nỗi đau, mà là sự cô độc. Ký ức cần phải được chia sẻ.
Trong cuộc đời mình, ai trong số chúng ta chẳng từng tự hỏi vì sao những khổ đau của số phận lại rơi vào mình, hay rộng ra hơn, vì sao thế giới này phải tồn tại những nỗi đau: đói nghèo, thiên tai, bệnh tật, bất công,… Những điều ấy, cả ngàn đời nay, dù đã qua bao nhiêu thiên niên kỷ đi chăng nữa, vẫn bám lấy sự sống, vẫn đày đoạ loài người. Con người lớn lên, và học cách chấp nhận ấy là một phần của sự sống: sống tức là có hạnh phúc và cũng có đau khổ, sống tức là phải chấp nhận những mất mát. Vậy một cuộc sống không tồn tại mất mát nào thì sao?
Người truyền ký ức của Lois Lowry chính là câu trả lời cho câu hỏi ấy.
Người truyền ký ức lấy bối cảnh là một vùng đất đã hoàn thành thời kỳ Đồng nhất (Sameness), và đang sống ở kỷ sau Đồng nhất ấy. Đồng nhất chính là đồng hoá mọi điều kiện sống ở mọi nơi, đồng hoá hoàn cảnh của con người làm một – tất cả con người của nơi ấy, dù là ai đi chăng nữa, đều có một hoàn cảnh sống y hệt nhau. Trình độ Đồng nhất đã đạt đến độ toàn vẹn và hoàn hảo: không đói nghèo, không chiến tranh, không thiên tai, không có những bất công do giai cấp và địa vị xã hội; hay nhìn chung, thế giới ấy đã loại trừ bằng hết tất thảy những tai hoạ có thể đày đoạ loài người. Để làm được như thế, thế giới phải vận hành theo một cách quy chuẩn đến từng li: mỗi người đến tuổi thành niên sẽ được những bô lão đứng đầu giao cho một công việc nhất định, theo những đặc điểm phẩm chất mà họ thể hiện trong quá trình lớn lên, và sẽ làm việc đó suốt đời mình. Họ trưởng thành, bắt cặp với một ai đó khác để thành vợ chồng, và nuôi nấng hai đứa trẻ một trai một gái. Nói là “nuôi nấng”, vì bản thân họ không tự sinh ra những sinh linh, mà có những người phụ nữ chuyên trách sinh nở, hoàn toàn giống như một công việc thông thường. Ở thế giới đó, không có thời tiết, không có màu sắc, cũng không có ký ức về bất cứ điều gì sâu xa hơn cuộc đời của chính mình, và trên tất cả, không có nỗi đau. Làm thế nào để không có nỗi đau? Ta đau vì ta yêu. Không có nỗi đau cũng chính là không có tình cảm hay cảm xúc thông thường của một con người, không có hỉ – nộ – ái – ố, không buồn cũng chẳng vui. Trái tim ta không rung động vì những điều đẹp đẽ thường nhật, làm ngơ trước những mất mát và những hành động phi nhân tính nhất. Chính trong cuốn sách ấy, một nhân vật cũng đã nói,
Chúng ta không dùng từ “yêu” nữa, từ đó đã quá cổ xưa rồi.
Tuy thế, tình cảm của loài người vẫn là một dạng thức tồn tại không thể khắc chế, nên dù có trải qua cả kỳ Đồng nhất, dù có muốn hay không, con người vẫn sẽ yêu, hay manh nha cảm giác động lòng trước một ai đó. Và người ta đi tới một phương thức khác: uống một loại thuốc để kìm chế cảm xúc ấy, suốt cả đời mình, kể từ tuổi thành niên. Nhờ đó, người ta hoàn toàn biến thế giới ấy thành một hệ quy chiếu chuẩn, thuần nhất, không sai khác. Người ta chẳng phải lo nghĩ trái tim mình sẽ rạn vỡ vì yêu, vì phải chịu tổn thương, và sẽ mang những tổn thương ấy suốt đời; người ta cũng chẳng phải lo nghĩ tới cái đói nghèo, sự phân biệt, hay tệ nạn – những điều mà chúng ta vẫn đang gồng mình chống chọi từng ngày một trong bất an và run sợ. Người ta sống mà chẳng có mối đe doạ nào cả. Một thế giới quá đỗi hoàn hảo để sống, có lẽ thế.
Nhưng kể cả thế, ký ức hay lịch sử loài người vẫn là một sự tồn tại, vẫn là không thể mất đi được. Nó lơ lửng ở đó, trong thế giới ấy, đe doạ loang ra giữa cộng đồng người. Điều ấy thật sự nguy hiểm, bởi con người tại thế giới ấy vốn chẳng biết điều gì về quá khứ, về lịch sử; những luồng ký ức và những sự vật từng tồn tại trước thời kỳ Đồng nhất ấy, dù là giản đơn như màu sắc, ánh sáng mặt trời, một bông tuyết hay một cảm giác lạnh lẽo thoáng qua, một khi xâm nhập vào tiềm thức con người, cũng có thể gây nên những cơn hoảng loạn tột độ. Vì thế, cộng đồng cần những người nắm giữ ký ức, và sau này nắm giữa sứ mệnh truyền ký ức. Những người ấy sống tách biệt với cộng đồng, ôm trong mình toàn bộ hiểu biế về lịch sử loài người, những hạnh phúc lẫn thống khổ của ngàn vạn năm tồn tại của con người trên trái đất, thay cho cả cộng đồng. Chỉ có một số rất hiếm trong cộng đồng có được khả năng đặc biệt để có thể gánh vác trọng trách ấy.
Jonas, cậu bé vừa lên mười hai tuổi, háo hức nhận nhiệm vụ của cuộc đời mình như những người bạn đồng niên khác, nhưng lại là đứa trẻ duy nhất không có công việc nào. Trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người, cậu trở thành người được chọn cho sứ mệnh ký ức. Vô hình trung, cậu cũng sẽ trở thành người được tôn sùng nhất trong cộng đồng – sẽ có những thắc mắc mà chỉ mình cậu có thể đưa ra giải đáp và lời khuyên, bởi chỉ có mình cậu hiểu được lý do.
Từ đó, những buổi học – ta tạm gọi là học, hay lĩnh hội – của một mình Jonas với người truyền ký ức, hay người đang giữ ký ức nhưng giờ đã quá già cỗi, bắt đầu. Quá trình truyền ký ức được thực hiện bằng phương pháp da liền da – truyền ký ức qua những tiếp xúc vật lý. Jonas được thấy những điều chưa từng thấy trong đời mình, và dĩ nhiên là cả cuộc đời những người khác trong cộng đồng nữa: tuyết, gậy trượt tuyết, mặt trời, cái lạnh khi xộc ngón tay vào tuyết, cảm giác kỳ diệu khi được trượt trên bề mặt gọi là tuyết đó. Tới đây ta mới hiểu, vì sao Lowry lại chỉ viết Jonas cảm thấy sự thay đổi ở một quả táo, rằng nó vẫn là nó, nhưng cũng không là nó nữa. Cậu chỉ đơn giản là biết nó đã thay đổi trước đó. Thế nào là thay đổi, vì sao Lowry lại chỉ nói tới thay đổi và rồi dừng lại, quả táo đó thay đổi ở chỗ nào? Jonas lần mò ký ức như một đứa trẻ sơ sinh, từ màu sắc, từ cách gọi tên những vật kỳ lạ xung quanh, rồi chạm tới những ý niệm lớn lao hơn – tình yêu, niềm hạnh phúc, những điều thiêng liêng tới nỗi không thể diễn tả bằng lời, đẹp đẽ, đầy say mê và nâng giấc.
Dĩ nhiên, loài người không chỉ có những ký ức đẹp đẽ và hạnh phúc, mà còn đầy rẫy những đoạn lịch sử đau thương. Jonas phải ghi nhớ hết những điều ấy, cảm nhận cái đau tan xương nát thịt của một người lính trên chiến trường, cái đói khủng khiếp của một đứa trẻ vô gia cư, nỗi cô đơn, niềm đau bất tận của sự mất mát – những cảm xúc con người nhất, bản năng nhất. Trong thân xác và linh hồn của đứa trẻ ấy, hiện tại đã tích tụ cả ngàn năm loài người, ngồn ngộn cả hạnh phúc lẫn đau thương, hy vọng lẫn tuyệt vọng.
Nhưng cũng từ những hiểu biết ấy, Jonas mới có khả năng để nhìn ra những điều đầy bất mãn và đau đớn trong thế giới của chính mình. Cậu nhận ra rằng, để vận hành một cách hoàn hảo đến thế, thế giới này đã nghiệt ngã biết bao nhiêu. Cậu nhìn thấy cha mình, người được nhận công việc chăm sóc trẻ sơ sinh trước khi chúng đủ cứng cáp để mang tới cho các gia đình, tiêm thuốc gây chết một đứa bé hoàn toàn khoẻ mạnh, chỉ vì đứa bé đó ở một cặp sinh đôi và nhẹ hơn đứa kia vài gram. Cậu biết tới Rosemary, người vài ba năm trước tưởng như đã thành người giữ ký ức, cuối cùng đã chọn cách tự sát sau khi ký ức được chất lên mình. Cái chết của Rosemary là một nút thắt của cuốn truyện: nó đánh gãy phòng tuyến cuối cùng của Jonas, khiến mặt thoáng nhận thức của cậu bắt đầu nứt vỡ. Cậu nhận ra thế giới hoàn hảo mà cậu, hay tất thảy những người khác, tôn thờ và tin tưởng, thật ra chỉ là dystopia, là đáy cùng của những lựa chọn khi tạo ra thế giới. Đây không phải sự sống, những con người ở đây không thật sự được sống, cột trụ của thế giới này được xây lên bằng đau đớn, bất công và che giấu. Và chính Jonas, cùng với người truyền ký ức, sẽ thay đổi nó.
“Người truyền ký ức”, trên tổng thể, là một tiểu thuyết nhỏ đẹp đẽ và sống động. Cuộc sống ở “utopia”, những thay đổi mà Jonas đột ngột cảm thấy, cơn bão ký ức đầy say mê lẫn thống khổ và cuối cùng là cuộc giải thoát (, dù có thật sự là giải thoát hay không), làm nên một câu chuyện đầy gợi cảm. Thước đo nào, chuẩn mực nào cho thứ gọi là “utopia”? Điểm rơi nào giữa hai luồng may mắn và bất hạnh, yêu thương và đau khổ? Chúng ta không bao giờ có khả năng chỉ giữ lấy một trong hai. Cuộc sống này là cân bằng cả ngọt ngào lẫn đắng cay, đủ đầy và mất mát. Không có nỗi đau cũng tức là không có tình yêu, và cuộc sống như thế còn có thì khác gì được sinh ra để chờ chết?
Theo thời gian, Người truyền ký ức vẫn là một trong những cuốn sách khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất. Đâu là phần người nhất của loài người? Ấy chính là cảm xúc. Chính cảm xúc người mới làm nên sự sống. Sứ mệnh của chúng ta giữa cuộc đời này là yêu thương, học cách chấp nhận những xoay chuyển không thể làm khác của cuộc đời, và cùng nhau chiến đấu cho một thế giới an toàn và hạnh phúc hơn.
Thu Hà