Sự đau khổ hiện sinh có thể được tìm thấy trong những câu hỏi như: “Ý nghĩa của điều này là gì?”, “Mục đích của tất cả là gì?”, “Mọi thứ là để làm gì vậy?”,… Đó là cảm giác làm một người xa lạ ở một vùng đất xa lạ. Cảm giác lạc lõng, tựa như linh hồn của bạn không ở trong cơ thể. Cảm giác không biết điều gì là chân thật trong một thế giới dường như được xây nên từ giả dối.
Khi CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh) công bố tỉ lệ tự sát đã tăng trong hai thập kỷ qua ở hầu hết tiểu bang của Hoa Kỳ – ở một nửa số bang tỉ lệ này tăng đến 1/3 – nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra nhằm tìm được chính xác điều gì dẫn đến số liệu thống kê như vậy. Một số người cho rằng những gì chúng ta đang chứng kiến là kết quả của một sự khủng hoảng hiện sinh đang ám ảnh xã hội của chúng ta.
Những giả thuyết phổ biến nhất được dùng để giải thích cuộc khủng hoảng này là: 1. Sự suy tàn của tôn giáo. 2. Sự thiếu hụt tính cộng đồng và 3. Sự khan hiếm những công việc thực sự có mục đích.
Tất cả những yếu tố này đều có tính thuyết phục cao và góp phần rất lớn vào cuộc khủng hoảng hiện sinh thời hiện đại, nhưng tôi không hoàn toàn tán đồng với những lời giải thích ấy: chúng không phù hợp với những trải nghiệm cá nhân của tôi.
Tôi theo Đạo, tôi thực hành những nghi lễ đức tin giúp tôi trả lời những câu hỏi lớn trong cuộc sống. Nhà thờ mà tôi tham gia đáp ứng mọi tiêu chuẩn về một cộng động lành mạnh. Tôi có một gia đình hạnh phúc, một nhóm bạn thân và trò chuyện với họ thường xuyên. Tôi cũng rất hài lòng với công việc của mình và cảm thấy rằng nó là một công việc có mục đích.
Đáng lý cuộc sống của tôi sẽ là hình mẫu chuẩn của một cuộc sống có ý nghĩa… nhưng tôi vẫn trải qua nỗi đau tột cùng của đau khổ hiện sinh. Tôi không nói về chứng trầm cảm hay những bất hạnh. Những trăn trở hiện sinh có thể dẫn đến trầm cảm hay tự tử, nhưng nghịch lý là nó cũng có thể song hành cùng hạnh phúc. Thực tế, hạnh phúc có thể làm trầm trọng hóa vấn đề của khủng hoảng hiện sinh: “Tôi khá là hạnh phúc… vì sao tôi vẫn cảm thấy bất mãn?”
Sự đau khổ hiện sinh có thể được tìm thấy trong những câu hỏi như: “Ý nghĩa của điều này là gì?”, “Mục đích của tất cả là gì?”, “Mọi thứ là để làm gì vậy?”,… Đó là cảm giác làm một người xa lạ ở một vùng đất xa lạ. Cảm giác lạc lõng, tựa như linh hồn của bạn không ở trong cơ thể. Cảm giác không biết điều gì là chân thật trong một thế giới dường như được xây nên từ giả dối.
Nếu sự suy tàn của tôn giáo, cộng đồng và mục đích không giải thích được những vấn đề trên, thì điều gì có thể?
Chúng tôi có một vài giả thuyết như sau:
Nguồn cơn của đau khổ hiện sinh bắt nguồn:
Từ cộng động và lối sống
Lý do mà các cộng đồng hiện đại, giàu có với các giá trị truyền thống và tập quán chung không phải là liều thuốc giúp làm dịu đau khổ hiện sinh là vì chúng là không gian mở.
Bạn có thể cảm thấy gắn kết với nền văn hóa được chia sẻ trong cộng đồng của mình, nhưng bạn luôn ý thức được rằng hàng triệu người ở bên ngoài cộng đồng không cùng sẻ chia điều đó. Có những lựa chọn khác, những lựa chọn thay thế, những nguyên tắc và niềm tin khác giúp bạn xây dựng cuộc sống. Ở đâu có sự lựa chọn, ở đó có FOMO (Fear of missing out – Nỗi sợ bị bỏ lại). Bạn có chắc mình đã chọn đúng không?
Khi quyết định mình có nên thuộc về một cộng đồng tôn giáo hay không, chúng ta cảm thấy mình đang ở trong một “thời điểm đa dạng và áp lực”, James K.A. Smith viết, “nơi tín đồ bị bao vây bởi sự nghi ngờ và những kẻ nghi ngờ, và lâu lâu lại cảm thấy tin những điều đó.”
Bởi vì tín đồ và những người không thật sự có đức tin sống trong cùng một địa phương, những lối sống và hệ thống đức tin khác nhau liên tục ảnh hưởng qua lại, nên mỗi nhóm thường xuyên phải chịu những “áp lực chéo”.
Những người theo đạo bị vây quanh bởi những người không có nhu cầu về đức tin và những ràng buộc đi kèm với đức tin. Họ buộc phải tự hỏi liệu những kẻ ngoại đạo này có thật sự kém hạnh phúc hơn vì cuộc sống của họ xoay quanh những dự án cá nhân thay vì Chúa hay không. “Dù tôn giáo đã tồn tại từ lâu,” Smith viết, “niềm tin không xuất hiện dễ dàng. Đức tin bị thách thức liên tục. Chúng ta không nghi ngờ, mà chúng ta không tin, hoặc vừa tin vừa nghi ngờ.”
Những người không theo đạo cũng trải nghiệm điều tương tự. Ngay cả những người vô thần cũng thi thoảng muốn một điều gì siêu việt hơn. Anh ta có thể thừa nhận một cách lý trí một số lợi ích mà đức tin mang lại, nhưng sẽ không thay đổi suy nghĩ của mình để trải nghiệm chúng. Ernest Hemingway có một giai đoạn không còn tin vào tôn giáo. Một nhà viết tiểu sử miêu tả ông lúc ấy như sau: “Ông ấy nhung nhớ sự ủi tinh thần của tôn giáo như một người đàn ông vừa lạnh vừa ướt đang muốn uống một cốc whiskey ngon.”
Tất nhiên những áp lực chéo này không chỉ diễn ra giữa tín đồ và những người không có đức tin. Mạng xã hội cho phép chúng ta thấy một cách đủ đầy và sống động những phong cách sống khác. Bạn nên tập thể dục kiểu đó hay kiểu này? Ăn kiêng kiểu một hay kiểu hai? Sống ở đây hay ở đó? Làm chủ hay làm nhân viên? Dù bạn chọn con đường nào, chúng ta đều trông thấy những dấu hiệu đang vẫy gọi ta ở những con đường khác.
Chúng ta bị ám ảnh bởi những khả năng, bởi câu hỏi liệu chúng ta có sống đúng hay không và liệu người khác có đang sống tốt hơn hay không. Cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn và trong thời hiện đại, dường như cỏ ở mọi hướng đều tươi tốt.
Anomie: trạng thái vô chuẩn mực
Vào đầu thế kỷ 20, nhà xã hội học người Pháp Emile Durkheim đã thực hiện một cuộc khảo sát nhằm tìm ra những yếu tố nào gây ảnh hưởng nhất đến tỉ lệ tự tử tại một quốc gia. Ông phát hiện ra chỉ số này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi một sự hiện diện trong xã hội mà ông gọi là anomie.
Anomie, nghĩa là “không luật lệ” trong tiếng Đức và tiếng Pháp, được Durkheim định nghĩa là trạng thái “vô chuẩn mực” – sự không có quy tắc chung, tiêu chuẩn chung hay giá trị chung. Đó là một khái niệm mô tả rất rõ bối cảnh của xã hội hiện đại. Trong một cộng đồng nhỏ, dường như tất cả mọi người đều có chung một nền văn hóa. Nhưng khi nhìn rộng ra thế giới, không có giá trị chung nào được sẻ chia cả.
Hậu quả nguy hiểm của trạng thái vô chuẩn mực có thể là tự sát, nhưng nó cũng khiến những người đang sống liên tục cảm thấy lo lắng và trống rỗng. Có hai lý do cho việc này:
Chuẩn mực tạo nên một hệ quy chiếu để bạn đánh giá mình đang ở đâu. Tự do cá nhân mà không có bất kỳ hướng dẫn, tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng nào mang đến cảm giác trôi nổi trong không gian sâu thẳm. Sự không trọng lượng ban đầu sẽ mang lại cảm giác phấn thích đấy, nhưng khi không có hệ quy chiếu để biết mình ở đâu, trên dưới trái phải đều vô nghĩa.
Bạn có nhiệm vụ tạo ra các quy tắc, giá trị và kỳ vọng của riêng bạn – ý nghĩa cá nhân của bạn đối với thế giới. Tuy nhiên, dựa vào những tiêu chuẩn do chính bạn định ra để định hướng cuộc sống là một chuyện vô cùng khó khăn. Chúng bắt nguồn từ chính bạn chứ không được thừa nhận bởi những người khác.
Sự thiếu vắng chuẩn mực không chỉ xóa đi những khuôn mẫu để bạn đánh giá cách sống của mình mà còn loại bỏ rào cản để bạn chống lại. Một xã hội có chuẩn mực không chỉ cung cấp ý nghĩa tồn tại cho những người tuân theo nó mà còn cho cả những người chống lại nó. Việc đẩy lùi tiêu chuẩn xã hội mang đến cảm giác có ý nghĩa to lớn – điều chỉnh kỳ vọng, trở thành cá thể độc nhất, tạo nên một nền văn hóa ngầm,…
Nhưng ngày nay có rất ít văn hóa chính thống để bạn nổi dậy chống lại. Vẫn có một số kỳ vọng đấy, nhưng tư tưởng ngự trị là “sống và hãy sống.” Bạn có thể kết hôn ở tuổi 20 hoặc 40 hoặc ở giá đến cuối đời. Bạn có thể sống với ai đó cả đời mà không cần hôn thú, có 9 đứa con hoặc không có đứa nào, mặc bất kỳ thứ gì bạn thích mà không ai ý kiến, hẹn hò với một người không cùng sắc tộc, xỏ khuyên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, có một đứa con ngoài giá thú mà không bị xa lánh, đi làm, không đi làm, hoặc bắt đầu học đại học ở tuổi 50. Bạn gần như có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, miễn là không vi phạm pháp luật và tuân theo một số quy tắc xã hội tối thiểu.
Mặt phải của anomie là không ai quan tâm bạn làm gì.
Và đương nhiên đó cũng là mặt trái.
Cố ý quan trọng hóa vấn đề
Thời kỳ hiện đại ngày nay không chỉ gây “khó khăn” dưới dạng những chuẩn mực xã hội, mà còn dưới dạng những thử thách hiện sinh thực sự.
Cuộc sống ở phương Tây nhìn chung rất yên bình và thoải mái. Chúng ta không bị lôi kéo vào chiến tranh thế giới. Nghèo đói vẫn hiện diện, nhưng nó không phải vấn đề lớn của thập kỷ vừa qua. Nhiều loại bệnh đã được diệt trừ. Số lượng phạm tội giảm xuống. Công nghệ khiến việc kết nối trở nên dễ dàng hơn và mang lại rất nhiều tiện ích khác. Như Stephen Pinker lập luận, thời hiện đại đã “mang lại nhiều tiến bộ vượt bậc cho sự hưng thịnh của loài người.”
Trong bối cảnh hòa bình và thịnh vượng này, nhiều vấn đề lớn đã được giải quyết, và chúng ta có “sự xa xỉ” để tập trung vào những điều nhỏ hơn. Thế nên ta mới có nền văn hóa bắt chẹt từ ngữ để xác định dùng từ như thế nào là xúc phạm và các hành vi gây hấn nhỏ.
Chúng ta tham gia vào những cuộc chiến nhỏ hơn chiến tranh nhưng gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng chẳng kém. Có một khoảng cách lớn giữa việc chúng ta muốn cuộc chiến như thế nào và cảm giác nó thật sự mang lại. Chúng ta khao khát được thực hiện một thử thách hoành tráng nhưng cuối cùng nhận ra chúng ta đang quá an toàn để thực hiện điều đó.
Kết quả là ta tự mình nâng cao cảm giác ấy – bóp méo câu chuyện thành một thứ gì nguy hiểm và có tính đe dọa hơn, hấp dẫn hơn nó vốn có. Do đó ta có trào lưu sách và phim về ngày tận thế và xuất hiện niềm tin rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ hỗn loạn chưa từng có. Có một niềm vui ẩn sau niềm tin rằng mình đang sống trong thời kỳ tồi tệ nhất. Dường như sống trong một thời đặc biệt khiến một cá nhân trở nên đặc biệt.
Tuy nhiên ảo tưởng này không đủ để tạo ra một ý nghĩa lâu dài. Như hình ảnh phản chiếu biến dạng của nhà gương, trông chúng vui đấy, nhưng chỉ giúp bạn giải trí được một lát thôi.
Sự tự ý thức một cách méo mó
Từ nhiều thế kỷ trước, Shakespeare đã nói: “Mọi thế giới là một vở tuồng.” Từ lâu mọi người đã nhận thức được là họ luôn bị người khác theo dõi.
Nhưng chưa bao giờ sân khấu ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ như bây giờ.
Đã từng có một thời bạn chỉ thấy một phần rất nhỏ của những người trong vòng xã hội của bạn. Bạn chỉ thấy họ ở nơi làm việc hoặc ở những buổi tụ tập, cuộc sống cá nhân của họ như một chiếc hộp bí ẩn. Bạn hiếm khi thấy ảnh đi chơi của đồng nghiệp hoặc của những người họ hàng xa. Bạn cũng không thấy ảnh họ đi chơi với con, ăn tối bên bạn đời, ảnh cả bố và mẹ bên đứa trẻ mới sinh,…
Đã từng có một thời như thế. Những bức ảnh nằm trong album cá nhân và chỉ một số ít người trong gia đình mới có thể nhìn thấy. Vì thế bạn không cần phải tạo dáng hoặc cố tỏ ra hoàn hảo trong mỗi khung hình.
Ngày này là một câu chuyện rất khác. “Album cá nhân” của bất kỳ ai cũng để mở cho mọi người trên mạng xã hội. Nó tạo áp lực rằng bạn phải “diễn”, phải “chỉnh sửa” để có thước phim hoàn hảo nhất và rực rỡ nhất. Ngay khi vừa sinh con xong, một người mẹ phải cười và tạo dáng cho bức ảnh bế con mà cô ấy sắp sửa đăng Instagram.
Ngay cả khi bạn không đăng những tấm ảnh đẹp nhất của mình thì việc xem ảnh chụp của người khác cũng phần nào thay đổi cách nhìn của bạn về bản thân. Bạn không thể không tự hỏi cuộc sống của mình được đo đạc như thế nào. Bạn không thể không nghĩ về cách nó trông như thế nào với những người quan sát bên ngoài. Càng ngày ta càng nhìn bản thân từ góc độ của một người đứng xem. Chúng ta bắt đầu để ý xem cuộc sống của mình trông có thú vị và mạo hiểm trong mắt người khác hay không. Ý thức này chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ này, thứ mà chúng tôi gọi là “sự tự ý thức méo mó.”
Hình ảnh phản chiếu không chân thật
Trong phần lớn lịch sử, phương tiện truyền thông nằm trong tay những người ưu tú. Nếu bạn muốn ý kiến của mình được công khai rộng rãi, bạn phải đạt được những thành tựu nhất định. Nếu bạn muốn xuất hiện trên radio hoặc TV, bạn phải được chương trình mời. Nếu bạn muốn xuất bản sách, bạn phải ký được hợp đồng với nhà xuất bản.
Có thể những việc này đi ngược tính dân chủ, nhưng chúng đảm bảo rằng nội dung được truyền bá đã được kiểm duyệt trước. Thời nào cũng có tin rác cả thôi, tuy nhiên những bộ lọc này phần nào đảm bảo những gì ta được xem, được nghe, được đọc đã được kiểm tra bởi những người có năng lực, có giáo dục, có kinh nghiệm,…
Kết quả là nội dung cộng đồng mang đến cho khán giả một cái nhìn truyền cảm hứng về tiềm năng của con người. Họ tạo nên một tấm gương phản chiếu những hình ảnh đẹp đẽ mà Shakespeare có thể nói rằng:
“Con người là một tuyệt tác! Lý trí mới cao quý làm sao! Các khả năng là vô tận! Những hình thức và chuyển động thật đáng khâm phục. Hành động giống một thiên thần. Sự lĩnh hội lại như một vị thánh.”
Chính khách người Anh William Gladstone bổ sung thêm:
“Con người là kỳ quan của tạo hóa. Nghiên cứu về loài người cũng là nghiên cứu cao quý nhất.”
Và bộ trưởng Theodore Parker nói:
“Con người là sản phẩm đáng giá nhất trong tiến trình lịch sử của mình. Một nhà khám phá sẽ tìm ra không có gì cao cả và vĩ đại bằng chính anh ta, không có gì đáng giá bằng anh ta. Ngôi sao vĩ đại nhất là ngôi sao khó thấy nhất bằng kính thiên văn, ngôi sao đang nhìn bạn, chứ không phải bị bạn nhìn.”
Thời đại kỹ thuật số xóa bỏ mọi rào cản, tiếng nói của bất kỳ ai đều có thể được lắng nghe. Chúng ta bị vây quanh bởi một loạt nhận xét, phản hồi và ý kiến chói tai – rất ít trong số đó được kiểm tra, nghiên cứu và cân nhắc kỹ trước khi đăng tải. Thay vào đó, nó là sản phẩm của những cảm xúc nhất thời theo kiểu phản xạ. Nó là sản phẩm từ ID chứ không phải từ bản ngã của chúng ta.
Giờ đây hình ảnh phản chiếu của con người trong tấm gương xã hội không phải là một hình ảnh đẹp đẽ, thậm chí còn là một hình ảnh có thể làm ta bất giác lùi lại. Thay vì phản chiếu độ cao mà con người có thể đạt đến, nó lại phản chiếu hố sâu mà anh ta có thể rơi vào. Đây là con người với những gì nguyên sơ và bản năng nhất.
Một lượng lớn thông tin nhưng không có đòn bẩy cho hành động
Một hệ quả khác của việc sống trong một thế giới không có bộ lọc là lượng thông tin nhỏ giọt được kiểm duyệt năm xưa đã trở thành cơn đại hồng thủy thông tin không thể kiểm soát.
Như chúng tôi đã nói ở trên, có rất nhiều thông tin về lối sống bạn có thể theo đuổi – về nơi đi du lịch, nơi sống và nghề nghiệp tiềm năng. Có vô số danh sách ưu và nhược điểm của hình thức tập thể dục này và chế độ ăn kiêng nọ. Có sẵn lập luận và phản biện đầy đủ cho mọi niềm tin.
Tuy nhiên, không có sự thúc đẩy mang tính hành động nào đối với những thông tin này cả. Bạn có thể tìm thấy nguồn tài nguyên thông tin vô tận, nhưng ít ai có thể chỉ cho bạn rằng bạn nên chọn thế nào. Bạn có thể tìm thấy những mẹo và thủ thuật để cải thiện cuộc sống của mình nhưng lại khó mà áp dụng chúng để thành công trong thực tế.
Trong khi thông tin có sẵn đang bùng nổ theo cấp số nhân thì việc bắt tay thực hiện – một vấn đề thuộc bản chất cơ bản của con người – vẫn không thay đổi. Nhiều thông tin hơn không có nghĩa là hành động dễ dàng hơn. Do có sự không khớp giữa suy nghĩ và hành động, cảm giác FOMO tăng lên và càng làm ta bồn chồn khủng khiếp.
Sống với đau khổ hiện sinh
Không có lý do nào trong những gì chúng tôi vừa liệt kê là xấu xa về mặt bản chất. Những gì tạo nên chúng là sự pha trộn giữa tốt và xấu. Nhưng dù là tích cực hay tiêu cực, chúng khiến việc trả lời cho những câu hỏi lớn – Tôi là ai? Tôi đang đi đâu? Tại sao tôi lại ở đây? – trở nên khó khăn hơn.
Vì thế cuộc sống hiện đại ở phương Tây chúng ta có một nghịch lý. Chất lượng cuộc sống của ta tăng lên, nhưng sức khỏe tinh thần lại giảm xuống. Cuộc sống trở nên an toàn hơn, lành mạnh hơn và dễ dàng hơn – nhưng tỉ lệ trầm cảm, rối loạn lo âu và tự tử lại không ngừng gia tăng.
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng sự thật là mọi người muốn nhiều hơn sự thoải mái và sự tiện nghi – họ muốn một cuộc đời có ý nghĩa và có giá trị, những phẩm chất khó mà định nghĩa được trong thời đại của chúng ta.
Vậy ta nên làm gì?
Chà, mặc dù tôi không nghĩ những thứ như tôn giáo, cộng đồng và mục đích (kể cả mục đích nghề nghiệp và những mục đích khác) mang trong mình câu trả lời, nhưng chúng có thể bảo vệ ta khỏi sự trống rỗng của đau khổ hiện sinh thời hiện đại. Trong một thế giới tưởng chừng vô nghĩa chúng giúp ta cảm thấy có ý nghĩa phần nào.
Tham gia một vài thử thách cũng là một giải pháp. Dù cuối cùng chúng không đáp ứng được mong muốn thực hiện một nhiệm vụ vẻ vang, chúng vẫn tạo nên những điểm nhấn lành mạnh trong cuộc sống – những cột mốc trong trạng thái vô trọng lượng. Bạn nên làm một điều gì đó hơn là để tất cả mọi thứ tê liệt.
Dù bạn có làm gì cũng không có cách nào xoa dịu sự đau khổ hiện sinh. Nó có thể đẩy người ta đến mức từ bỏ cuộc sống này, nhưng chính bản thân nó cũng là một thử thách. Mong muốn liệu bạn có đang sống đúng hay không, tìm ra bạn là ai và bạn đang ở đâu, và ý nghĩa của con người là gì,… tất cả đều là đặc quyền của sự sống.
Vũ | The Art of Manliness