Nhà nước Congo tự do – một trong những chương ghê tởm nhất của chủ nghĩa thực dân.  

by admin

Nhà nước Tự do Congo (1885-1908) là một quốc gia-doanh nghiệp[1] của riêng Vua Léopold II của Bỉ. Léopold II đã lập ra một tổ chức phi chính phủ ảo, gọi là Association Internationale Africaine, mà ông là cổ đông duy nhất đồng thời là chủ tịch hội để quản lý nhà nước này. Toàn bộ lãnh thổ nhà nước này ngay nay là Cộng hòa Dân chủ Congo. Dưới sự cai trị của Léopold II, Nhà nước Tự do Congo chìm trong cảnh khủng bố, giết chóc hàng loạt, săn người làm nô lệ. Số lượng người bị giết từ 5 đến 20 triệu người tùy nguồn số liệu khác nhau. Năm 1900, sự tàn bạo của chính quyền Léopold II ở đây bị báo chí châu u và Mỹ lên án mạnh mẽ. Năm 1908, Nhà nước Tự do Congo được chuyển thành Congo thuộc Bỉ. Vào tháng 11 năm 1884, thủ tướng Đức Otto von Bismarck triệu tập một hội nghị 14 quốc gia để phân chia dứt điểm châu Phi. Khoảng 2.344.000 km vuông lãnh thổ Congo đã được trao cho vua Leopold II của Bỉ như tài sản cá nhân, để rồi từ đó ông ta lập ra Nhà nước Congo Tự do (État indépendant du Congo, EIC). Nó tồn tại như một vùng đệm giữa các thuộc địa của Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha; và nhanh chóng được quốc tế công nhận chủ quyền cũng như giữ vị thế trung lập; điều này thỏa mãn chính sách thuộc địa châu Phi của các cường quốc Anh và Pháp (Anh muốn thiết lập hệ thống từ Bắc xuống Nam còn Pháp là từ Tây sang Đông, hệ thống này giao nhau tại Congo).
Là tài sản cá nhân của vua Bỉ, mọi tấc đất, mọi người dân tại Congo đều là của nhà vua, người dân ở đây còn thấp kém hơn cả dân các thuộc địa khác. Ngay khi nắm toàn bộ quyền kiểm soát Congo, Leopold II vứt luôn cái mặt nạ từ thiện và tiến hành khai thác thuộc địa thông qua lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên lúc đầu việc buôn bán ngà voi không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng và chính quyền thường xuyên phải trả những khoản nợ lớn đến mức suýt phá sản. Đến năm 1890 thì nhu cầu cao su thế giới bùng nổ, Nhà nước Congo Tự do tăng cường tối đa bóc lột bằng cách cưỡng bức dân Congo đi lấy mủ cao su mọc hoang để xuất khẩu sang châu u và châu Mỹ. Dân phải đóng thuế bằng cách vào rừng cạo mủ cao su trên những cây dây leo (khác với loại cây cao su thân gỗ Hevea brasiliensis được trồng khắp thế giới) đem đi nộp. Lúc đầu không có công nghệ khai thác, người cạo mủ phải bôi cao su lên da mình rồi bóc ra khi nó khô, cứ như vậy từng mảng một và việc này gây ra cảm giác rất đau đớn, việc người ta bị chảy máu đến chết sau khi lấy mủ không hề hiếm. Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới có công nghệ hứng mủ bằng máng và chậu. Công ty Congo thuộc Bỉ – ABIR (Compagnie du Congo Belge ) được cấp phép khai thác cao su tự nhiên trong Nhà nước Congo Tự do.

Hạn ngạch thuế cao su cao tới điên rồ, và gần như không thể trả đủ số. Để thúc ép các làng mạc đóng thuế, công ty thành lập quân đội riêng với lính đánh thuê ở các nước Zanziba, Nigeria, Liberia và mua chuộc các bộ lạc ăn thịt người ở miền Thượng Congo, miễn cho họ đóng thuế nếu chịu đi lính cho nhà vua, lập nên quân đội bản xứ gọi là Force Publique với sĩ quan da trắng và quân lính da đen, vào năm 1900 quy mô của nó là 19.000 người. Khi quân lính đi thu thuế, họ sẵng sàng giết rồi đốt cả 1 làng chống đối, những người không đủ hạn ngạch cao su bị đánh đập bằng roi da, vợ con bị bắt làm con tin để ép đi khai thác cho đủ số, trong lúc đó con tin thường xuyên bị đánh đập hãm hiếp. Nếu vẫn không đủ thuế, quân lính của nhà vua thường giết chết những kẻ thiếu thuế, do sử dụng súng đạn nhập khẩu khá tốn kém nên họ thường giết nạn nhân bằng dao rựa rồi chặt 1 cánh tay về làm tin. Quân lính của nhà vua nói rằng họ càng mang về nhiều tay thì thời hạn quân dịch của anh ta càng giảm bớt nên không ngần ngại chém giết. Đôi khi họ không trực tiếp giết nạn nhân mà chỉ chặt tay mang về, nạn nhân không chết và những bức ảnh người da đen với cánh tay cụt nổi tiếng khắp thế giới để lên án chế độ tàn bạo này. Thuế cao su còn tạo ra những cảnh đau lòng khi đến mùa nộp thuế, làng này tấn công làng kia hoặc chém giết lẫn nhau để cướp cho đủ cao su hoặc chặt đủ tay về nộp thuế…

Cao su khai thác từ Congo lúc đó gọi là cao su đỏ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. So với nó thì những đồn điền cao su ở Đông Nam Á còn nhân đạo chán. Bằng những biện pháp tàn bạo trên, công ty AIBR thu được lợi nhuận khổng lồ vào cuối thập niên 1890, bằng cách bán một kilôgam cao su ở châu u với giá 10 franc trong khi chi phí khai thác chỉ là 1,35 franc. Trong hai năm đầu tiên kể từ khi thành lập (1892-94) công ty này có tổng lợi nhuận là 131.340 franc, đến năm 1898 đã là 2.482.697 franc. Giá trị cổ phiếu ABIR đã tăng từ 1892 franc (năm 1892) lên 15.000 franc (năm 1903). Tiền chảy vào túi riêng của Leopold II và ông ta lấy số tiền đó xây dựng hàng loạt công trình ở Bỉ, được báo chí trong nước ca ngợi là nhà bảo trợ nghệ thuật

Thuế cao su đã đủ bóc lột thậm tệ rồi, nhưng chính sách khai thác không đầu tư của thực dân Bỉ còn khiến Congo cực kỳ lạc hậu so với thế giới. Đời sống của nhân dân không khá hơn so với thời tiền thuộc địa, thậm chí còn tệ hơn vì khai thác cao su. Dịch bệnh lan tràn khắp Congo. Một số bệnh dịch, đặc biệt là bệnh ngủ ở châu Phi, bệnh đậu mùa, bệnh cúm lợn và bệnh lỵ amip, đã tàn phá các khu dân cư bản địa. Chỉ riêng năm 1901, người ta ước tính rằng 500.000 người Congo đã chết vì bệnh ngủ (bệnh này khá phổ biến ở châu Phi nhưng ở các nước khác lại ít người chết). Dịch bệnh, đói kém và bạo lực kết hợp làm giảm tỷ lệ sinh trong khi tử vong tăng cao khiến dân số suy giảm. Theo thống kê không đầy đủ, ước tính trong 23 năm (1885 – 1908) Leopold II cai trị, Nhà nước tự do Congo đã gây ra cái chết của từ 5 – 20 triệu người bản xứ, con số được đồng thuận cao nhất từ 10 – 12 triệu người, trong khi vào năm 1924, Congo thuộc Bỉ (lúc này đã đổi quy chế thuộc địa) mới có hơn 10 triệu dân. Điều mỉa mai nữa là ông ta chưa một lần nào đặt chân tới Congo.

“Nhà nước tự do Congo” là một trong những xì căng đan quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 20, rất nhiều nhà truyền giáo, nhà văn, nhà báo u Mỹ đến Congo trở về đều không tiếc lời tố cáo những tội ác man rợ tại đây, mà sự độc ác vượt quá cả tiêu chuẩn thực dân hồi đó (có cả nhà Mỹ Mark Twain và nhà văn Anh Arthur Conan Doyle – tác giả tiểu thuyết Sherlock Holmes). Cuối cùng, nước Anh phải công khai yêu cầu quốc tế xem xét lại Hiệp định Berlin 1885 do đã trao quá nhiều quyền hạn và lãnh thổ cho vua Bỉ. Cuộc chiến tuyên truyền và pháp lý kéo dài và cuối cùng dưới áp lực quốc tế, năm 1908 Leopold II phải tuyên bố từ bỏ mọi lợi ích cá nhân ở Congo, EIC giải thể và thành lập Congo thuộc Bỉ (Congo Belge).
Sự tàn bạo của Leopold khiến cho nhiều cuộc nổi dậy chống lại ông đã diễn ra, tất cả đều bị đàn áp dã man: Quân lính của nhà vua được lệnh phải mang về một bàn tay của quân nổi dậy, cho mỗi viên đạn mà họ bắn ra. Điều này có nghĩa nếu bắn trượt, họ sẵn sàng chặt bàn tay của ai đó để có thứ mang về báo công.

Quân lính của vua Leopold nằm dưới sự chỉ huy của các sỹ quan da trắng, nhưng đội ngũ của nó lại có không ít người da đen. Điều này khiến họ trở thành những kẻ đồng lõa gây ra nỗi đau mà đồng bào phải gánh chịu. Các nhà sử học ước tính rằng dưới sự cai trị tàn bạo của Leopold, đã có 10 triệu người thiệt mạng.

You may also like

Leave a Comment