“Bập vào Ấn Độ như một lần trót thử ma túy. Nghiện. Ám ảnh. Hành. Nhớ quay nhớ quắt. Một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được nữa.” Tác giả Hồ Anh Thái đã viết những dòng này trong tập truyện ngắn “Ở lại để chờ nhau”, kể về những năm thanh xuân gắn bó với Ấn Độ đa sắc màu văn hóa.
Văn hóa, cuộc sống và con người Ấn Độ từ xưa đã luôn thu hút không chỉ các nhà nghiên cứu, mà còn cả du khách tứ phương. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi nhắc tới Ấn Độ, các bạn trẻ vẫn có chút “e dè” vì những cách biệt về cách sống, về văn hóa. Vậy nên, tuy rất muốn đến và khám phá, trải nghiệm Ấn Độ, nhưng phần lớn các bạn trẻ Việt thường không đủ can đảm. Vẫn có những “travel blogger” đến và “review” cuộc sống ở Ấn Độ, giúp người xem phần nào có cái nhìn về đất nước này. Nhưng những chuyến đi ngắn ngày ấy khó có thể khám phá được hết mọi mặt, mọi ngóc ngách của cuộc sống. Thế nhưng, có một người đã dành cả thanh xuân để sống, học tập và trải nghiệm “xứ sở cà ri” và đưa tất cả những gì diễn ra trong khoảng thời gian ấy lên những trang sách của tập tản văn “Ở lại để chờ nhau”.
Cơ duyên “bập vào Ấn Độ”
Đầu những năm 1990, nhà văn Hồ Anh Thái lên đường sang Ấn Độ học tập. New Delhi chào đón tác giả bằng sự đông đúc và náo nhiệt vốn có của thủ đô đất nước hơn một tỷ dân. Giống như nhiều du học sinh khác sang đây theo diện học bổng, anh chàng người Việt sống trong ký túc xá của trường. Giờ đây bạn bè đồng môn của tác giả đến từ khắp năm châu.
Vừa mới chân ướt chân ráo vào nhận phòng, tác giả đã được một anh bạn người Hàn Quốc tên Lim nhắc nhở: Đừng cho anh bạn Modi cùng phòng vay tiền. Anh chàng này vay tiền nhiều người, nhưng chưa thấy trả cho ai. Đáng tiếc, để thể hiện ý tốt của người mới đến, tác giả đã cho “chúa chổm” mượn tạm ít tiền mất rồi. Hai anh bạn kia vẫn chậm hơn một bước.
“Ma lực” của văn hóa Ấn Độ
Có thể thấy rõ trong từng trang viết, tác giả không đề cập đến văn hóa Ấn Độ theo hướng khảo cứu, mà thể hiện nó qua từng câu chuyện, qua từng kỷ niệm với bạn bè du học nơi đây, cùng những chuyến công tác và gặp lại bạn bè cũ khi ông đã là nhà ngoại giao hoặc thỉnh giảng trong các trường đại học.
“Ma lực” đó có thể là đức tin và niềm tự hào về sông Hằng linh thiêng, là tập tục ăn chay, là nguyên tắc trong học hành, hay sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo, nam nữ…
Vì những nét đặc trưng văn hóa ấy mà nhưng du học sinh ở Ấn Độ cũng gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. Chẳng hạn như: chớ dại mà hỏi đường người Ấn Độ, đi tới đâu, chúng ta cũng nên mang theo một tấm bản đồ. Khi có ai đó hỏi đường, nhất là người nước ngoài, người dân địa phương sẽ chỉ đường một cách rất nhiệt tình, cho dù họ cũng chẳng biết đường đi chăng nữa. Hoặc nếu một người Ấn Độ bảo bạn hãy chờ một phút, thì hãy cứ chắc chắn một điều rằng, khoảng thời gian mà bạn phải chờ đợi đủ để nhâm nhi một tách cafe, đọc một tờ báo, thậm chí là đi dạo them vài vòng.
Nhưng cái nét văn hóa ấy lại có “ma lực hút ta vào”, để rồi bị “nghiện”, không tài nào mà dứt ra được.
Đẹp nhất, có lẽ là chân dung một gia đình người Ấn giúp đỡ cô gái Việt Nam trong truyện “Không ra nước mắt” và đặc tả người con trai trong gia đình ấy ở truyện “Đàn chó hoang ăn chay”. Hai câu chuyện đẹp như huyền thoại về lòng nhân hậu được Hồ Anh Thái kể một cách bình dị. Đó là người Ấn đẹp. Hồ Anh Thái cũng có vài bức biếm họa về tính cách Ấn, trong đó một nét tính cách nổi tiếng được nhà văn lột tả có phần trìu mến, là chuyện người Ấn chỉ đường sai và hứa hẹn ngày mai ở truyện “Shame”.
Có lẽ đọc xong cuốn sách, người ta sẽ muốn làm một chuyến đi, trở về Ấn Độ, tìm lại những miền ký ức bị bỏ quên ở đó, hay tới Ấn Độ để trải nghiệm về một niềm đam mê, một nỗi nhớ quay quắt, một thứ ám ảnh có thể làm bạn héo hon khi rời xa.