Khó khăn của mình chính là thừa nhận mình sai, trong khi mình đã hùng hồn bày tỏ vào ngày hôm trước. Ngay lúc nhận ra điều mình giải thích là sai, mình cảm thấy trong lòng chùng xuống.
Khác với việc phát hiện một điều mới mẻ – khi đó mình rất rất là vui, đặc biệt khi điều đó lí giải cho một trăn trở bấy lâu nay của mình. Phát hiện một lỗi sai trong lời dạy thật sự là một điều khủng khiếp.
– Mình phải quay lại và nói làm sao?
– Mình phải khắc phục lại bằng tông giọng hùng hồn hơn, hay ngược lại,…
– Những lỗi sai khác trước đây mà có lẽ mình còn chưa nhận ra, ai sẽ là người giải thích lại với học sinh?
– Nếu học sinh tự mình khám phá ra, hoặc được giải thích bởi một người khác thì liệu mình còn được tôn trọng không?
Những nỗi sợ này làm mình cạn kiệt năng lượng, tới mức mình cảm thấy ko đủ sức để làm việc gì nữa.
Đến đây thì mình thấy đủ nghiêm trọng để mình phải xem lại chuyện gì đang xảy ra vậy?
Mình nghĩ một hồi lâu, và nhận ra mình đã tự cho rằng bản thân mình quá quan trọng.
Việc dạy của mình quá quan trọng đến mức mình nghĩ một mình mình sẽ làm nên tất cả. Mà quên rằng, thành quả sau cùng là cố gắng của cả cô và trò, cùng nhiều sự trợ giúp khác.
Mình đã từng nhận sai với học sinh, nhận sai với phụ huynh.
Khi mình hiểu rằng phản ứng và quyết định thuộc về người đối diện, mình sẽ không phải lo nghĩ không đâu, mà tập trung vào vấn đề mới trước mắt. Cứ như vậy, tạo thói quen luyện tập thực tế, đương đầu và học hỏi.
Ngạc nhiên là, học sinh thường rất mau chóng và nhẹ nhàng cho qua khi mình nói lời xin lỗi. Có xin lỗi thì mới thấy điều này đúng lắm luôn.
Công việc tự học và dạy học của mình cũng có nhiều vấp váp. Một khi mình nhận ra điều cụ thể mình đang vướng mắc, sẽ dễ dàng chuyển hướng hành vi rất thuyết phục.
Các bạn có khi nào thành công trong việc thay đổi bản thân chưa? Cùng mình chia sẻ nhé.
_ Hồng Phúc _