NHÂN VẬT LỊCH SỬ BỊ LÃNG QUÊN – Nguyễn Phước Thứ

by admin

Tại xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang ngày nay có hai tích gắn với tên tuổi một nhà yêu nước được nhân dân địa phương kính trọng, đó là phủ thờ và phần mộ ông Nguyễn Phước Thứ. Tuy nhiên, nhân vật nầy hầu như vắng bóng trong các công trình nghiên cứu về lịch sử An Giang. Vậy, Nguyễn Phước Thứ là ai và có công trạng gì?

Ông Nguyễn Phước Thứ là một chí sĩ kháng Pháp vào cuối thế kỷ XIX ở tỉnh An Giang. Ông cũng là một cư sĩ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nên dân gian gọi là ông Đạo Bảy hoặc ông Đạo Thứ, sau khi ông mất thì người đời sau gọi là ông Cố Bảy. Hiện nay người ta chưa tìm được bất kỳ tài liệu nào chính xác về năm sanh, quê quán, lai lịch của ông. Có lẽ một phần vì lúc sanh thời ông phải che giấu thân thế của mình để lẫn trốn mật thám Pháp, rồi càng về sau lai lịch của ông càng chìm vào bóng mờ lịch sử.

Theo tư liệu điền dã của chúng tôi tại địa phương, ông Nguyễn Phước Thứ là người từ miền Trung lưu lạc vào Nam, có thân hình cao lớn, mạnh khỏe, giỏi võ nghệ lại tinh thông Hán học, từng tham gia quân đội triều Nguyễn. Sau khi đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời năm 1849, ông đến quy y làm đệ tử Đức Phật Thầy Tây An. Năm 1867, quân Pháp chiếm An Giang, một đội quân nhỏ do ông chỉ huy đã kéo về mật khu Láng Linh – Bảy Thưa, gia nhập vào nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp dưới trướng Quản cơ Trần Văn Thành.

Sau nhiều lần xâm nhập bất thành do không quen địa hình sìn lầy, đồng thời cũng không chiêu dụ được nghĩa binh Gia Nghị, quân Pháp quyết định tổ chức trận càn quét lớn vào đầu năm 1873. Dù đã chống trả ngoan cường, nhưng do lực lượng chênh lệch và vũ khí thô sơ, binh Gia Nghị bị đàn áp trước hỏa lực mạnh mẽ của địch. Chủ soái Trần Văn Thành cùng một số ít tàn quân rút sâu vào vùng rừng núi Thất Sơn, sau đó không ai biết rõ tung tích. Ông Nguyễn Phước Thứ may mắn trốn thoát trong trận càn nầy và cũng tìm cách ẩn lánh.

Năm 1874, ông thay danh đổi tánh lén lút trở về làng Phú Lâm với diện mạo mới: tu sĩ đồng thời là thầy thuốc Nam. Ông lập cốc tu hành theo phong cách của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, thờ trần điều (vải đỏ sẫm), hằng ngày bốc thuốc trị bịnh cho dân chúng quanh vùng. Do trị bịnh không lấy tiền, lại thường khuyên bảo mọi người tu hành, làm lành lánh dữ, ăn ở nhơn đức… nên ông được quần chúng quý mến và quy tụ khá đông.

Chưa có tư liệu chính xác để khẳng định trong thời gian trở về Phú Lâm ông có tiếp tục liên lạc với các phong trào kháng Pháp hay không. Chúng ta nên lưu ý, trong thời gian nầy, vị tu sĩ yêu nước Ngô Lợi đang lập làng kháng chiến An Định ở núi Tượng (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) với tư cách giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa – một tôn giáo có quan hệ mật thiết với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Tuy nhiên ông Nguyễn Phước Thứ vẫn bị bọn mật thám theo dõi và báo về trên, chánh quyền Pháp yêu cầu truy bắt khẩn cấp. Ngay sau đó, quân đội Pháp được bố trí về Phú Lâm vây bắt ông, nhưng một lần nữa ông may mắn trốn thoát. Không bắt được kẻ “phiến loạn”, Pháp quay sang bắt 80 tín đồ và trói trước cốc trị bịnh của ông, chúng yêu cầu ông ra mặt thì sẽ thả những người nầy. Trước tình cảnh đó, ông tự nguyện ra đầu thú để cứu dân lành vô tội.

Khi giam ở Khám đường Châu Đốc, có lúc lại di lý về Khám lớn Sài Gòn, ông bị tra tấn dã man nhưng vẫn nhứt quyết cho rằng mình chỉ là một người tu hành, không biết gì về chuyện chánh trị. Ông bị tòa đại hình của chánh quyền thực dân kết án tử hình. Năm 1880, chiếc máy chém được chở từ Sài Gòn về làng Phú Lâm xử tử công khai Nguyễn Phước Thứ. Máy chém là hình thức xử tử mà Pháp mang đến Nam Kỳ khi vùng đất nầy trở thành thuộc địa và ông Nguyễn Phước Thứ là nhà yêu nước đầu tiên ở An Giang bị xử chém. Chém xong, Pháp bêu đầu ông để “răn đe”. Đêm đến, người dân địa phương lén mang đầu ông xuống ráp vào thân rồi đem chôn.

Xung quanh cái chết của ông, có những chi tiết được truyền khẩu trong dân gian như ông không ăn uống gì mà chỉ xin uống một trái dừa tươi để “mát lòng người yêu nước”. Chi tiết nầy giống với câu chuyện lúc ra đi của một vài nhà yêu nước khác ở miền Nam, cũng chỉ là chuyện kể dân gian như một motif về phút cuối đời của các anh hùng, chưa rõ thực hư nhưng phần nào nói lên khí khái của người yêu nước và thái độ kính trọng của nhân dân. Hiện ngôi mộ ông Nguyễn Phước Thứ nằm gần vị trí mà ông bị hành hình, còn cốc trị bịnh của ông được trùng tu thành phủ thờ Nguyễn Phước Thứ, người địa phương gọi với cái tên thân thuộc là cốc Ông Cố Bảy. Song, cả hai di tích đều do gia đình và nhân dân địa phương tự bỏ tiền ra tu bổ.

Đến nay nhân vật lịch sử Nguyễn Phước Thứ hầu như không hề được nhắc đến trong các nghiên cứu về lịch sử An Giang, không một công trình văn hóa nào mang tên ông, thậm chí người An Giang cũng không biết Nguyễn Phước Thứ là ai. Đây là một sự lãng quên đầy đáng tiếc. Điều đó có thể một phần vì tư liệu hạn chế khiến người đời sau không biết rõ về ông, một phần vì những hoạt động của ông mang màu sắc tôn giáo, hư hư thực thực nên ít được giới nghiên cứu và chánh quyền địa phương quan tâm.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Giảng (sanh năm 1930, cháu dâu của ông Nguyễn Phước Thứ) tâm sự trong nước mắt: “Ngày nào bà cũng trông có người tới tìm lịch sử ông. Bao nhiêu đoàn đến đây rồi, nhưng sau đó không thấy tăm hơi gì hết. Bà năm nay 87 tuổi rồi, không biết còn đợi được tới ngày người ta công nhận ông hay không? Bà đợi cả đời người rồi! Mấy ổng nói chuyện đông chuyện tây giỏi lắm, mà sao chuyện người ta chết sờ sờ ở cái đất mình thì mấy ổng quên?”.

Để tỏ lòng trân trọng một chí sĩ yêu nước tiền bối, hy vọng tỉnh An Giang sớm có những việc làm thiết thực, trả lại vị trí xứng đáng cho ông Nguyễn Phước Thứ trong dòng chảy lịch sử tỉnh nhà buổi đầu chống xâm lược. Cụ thể như trùng tu lại phủ thờ – mộ phần và công nhận là di tích lịch sử, đặt tên ông cho đường phố, trường học hay công trình văn hóa… Hiện nay, con cháu của ông còn giữ những tư liệu văn bản có giá trị lịch sử, được viết cả bằng chữ Hán, chữ Nôm lẫn chữ Pháp… Việc sưu tầm, bảo tồn và trưng bày các hiện vật nầy có thể góp phần làm sáng tỏ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Phước Thứ, một nhân vật còn khá nhiều bí ẩn.

— VĨNH THÔNG

You may also like

Leave a Comment