Cách đây không lâu, có đọc được trên một group quân sự nói rằng phần lớn trinh sát dù Nga thi tuyển đại học bằng khối C. Hôm qua trên mạng xuất hiện video trinh sát Nga phá hủy xe tên lửa S-300 ở khoảng cách gần chút nữa mất mạng. Đột nhiên mình bật cười, đúng là dân khối C, hiểu biết về hóa học có vấn đề thật. Chỉ cần đào tạo một chút khoa học thôi ai cũng biết rằng tên lửa chứa đầy các hợp chất dễ cháy nổ, một tác động nhỏ sẽ gây nên phá hủy kinh hoàng. Chưa kể S-300 là loại tên lửa phổ biến của Nga, là trinh sát phải có hiểu biết phần nào về cấu tạo bên trong không thể xử lý bừa bãi như vậy được.
Vấn đề chung của các nước theo mô hình giáo dục Liên Xô trước đây là tình trạng học lệch, học sinh khối tự nhiên không quan tâm môn học xã hội, và ngược lại học sinh xã hội thiếu kiến thức ngành tự nhiên. Việc học lệch tiếp tục kéo dài đến thời kỳ đại học, các ngành học có xu hướng chuyên môn sớm, tách biệt, thiếu liên kết với nhau. Ở Nga và các nước theo hệ thống giáo dục Liên Xô cũ, ta thường thấy trường đại học chuyên ngành như đại học kỹ thuật, đại học kinh tế, đại học y,… Điều này đối lập với các nước phương tây được tổ chức theo mô hình đại học tổng hợp, trường đại học luôn bao gồm phân khoa trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một chút giới thiêu giáo dục phương tây: Khác với Nga, giáo dục phương tây ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Hy Lạp cổ đại, trong đó đề cao việc giảng dạy nền tảng đại cương trên nhiều lĩnh vực. Triết lý Hy Lạp cổ đại tin tưởng rằng việc đào tạo rộng sẽ cung cấp hành trang cần thiết cho thanh niên trong việc xây dựng đất nước trong tương lai. Tại các nước phương tây, ở cấp 3, việc học đều các môn học là yếu tố kiên quyết để đánh giá học lực. Bạn không thể vì mình định theo ngành toán, vật lý mà lơ là văn sử địa, điểm phẩy được tính công bằng như nhau, không có chuyện thiên vị học sinh theo khối tự nhiên, xã hội và bảng điểm là trung bình tất cả môn học. Vì sự nghiêm túc đó, học sinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 có kiến thức tương đối vững chắc trong cả khối tự nhiên lẫn ngành xã hội. Thậm chí một vài nước như Mỹ, Pháp, việc học rộng vẫn theo tiếp đến năm đầu đại học (tức năm đại cương), sinh viên bắt buộc phải đăng ký môn học trên nhiều chuyên ngành khác nhau.
Đào tạo quân sự cũng bị chi phối bởi triết lý giáo dục. Các trường quân sự kiểu Nga thường lấy xuất phát điểm từ các quân binh chủng: trường thiết giáp, bộ binh, pháo binh, đặc công,… Còn với các nước phương tây, tất cả lực lượng mặt đất (xe tăng, bộ binh, tên lửa, pháo binh,…) được đào tạo chung trong học viện quân sự, học viên sẽ chỉ phân chuyên ngành vào năm học cuối. Tất nhiên về chuyên môn , các sĩ quan phương tây ban đầu không tốt như Nga, nhưng bù lại họ am hiểu các đồng nghiệp của mình, từ đó dẫn đến sự hiệp đồng tác chiến nhuần nhuyễn trong tương lai. Điều này đặc biệt quan trọng khi nắm giữ vai trò chỉ huy cao cấp trong những chiến dịch phức tạp. Như đã biết trong những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine, quân Nga cho thấy sự phối hợp quá kém giữa các binh chủng: xe tăng, hậu cần, pháo binh, không quân đều không có tiếng nói chung. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ thực tế là tư lệnh tham mưu của Nga thường đi lên từ ngành thiết giáp nên dường như ông ta không nắm vững vấn đề của các binh chủng khác.
Ngày nay đào tạo rộng là điều quan trọng đối với phát triển khoa học, công nghệ (bao gồm cả tự nhiên, xã hội). Các ngành khoa học đều có liên kết chặt chẽ với nhau, việc có được tầm nhìn tốt, nền tảng vững chắc sẽ giúp bạn không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội đi lên trong ngành khoa học nào. Rõ ràng, chúng ta cần có thay đổi về nhận thức và tư duy giáo dục.