NHẬT KÝ CỦA 1 CHIẾC BILLBOARD (BẢNG QUẢNG CÁO).

by admin

Đầu tiên, tôi là nhân vật chính trong câu chuyện này. Đây không phải là một câu chuyện hư cấu mượn vật tả người mà nó là thật. Đúng vậy, tôi đã từng là một chiếc Billboard – bảng quảng cáo đúng nghĩa. Tại sao lại như vậy ư?

Tôi đã từng có xuất phát điểm giống tất cả mọi người ở đây. Một người chẳng biết gì về thời trang, chẳng biết gì về các thương hiệu cũng chẳng biết ăn mặc như thế nào. Trong tâm trí non nớt ngày đấy tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, thế là phải mày mò. Tôi bắt đầu với những bộ phim ngày xưa mà mình mê có âm hưởng của văn hoá đường phố như You Got Served, Step-up hay các MVs âm nhạc đời đầu của Big bang như We belong together, Lies. Có thể nói khởi điểm một cách vui nhộn là “Phong cách hiphop” như nhiều nhà sáng tạo nội dung thời trang hiện tại đang nói, tôi bắt đầu thời trang bằng niềm tin yêu với văn hoá đường phố. Có cơ hội may mắn hơn nhiều người khác là tôi được sang Úc, dù không thể nào so sánh với Mĩ hay Anh nhưng cũng có thể tiếp cận được với nhiều nguồn thông tin và cửa hàng thời trang khác nhau ở đó. Song song, vừa làm vừa học cho nên tôi cũng có chút đỉnh tiền để có thể theo đuổi cái sự yêu thời trang này. Và thế là, chiếc “Billboard” này bắt đầu hành trình.

Với bất kì một người đam mê văn hoá đường phố lúc đó, “Thời trang” chỉ gói ghém trong 1 từ đó là “Sneaker”. Những đôi Air Jordan đi vào trong giấc ngủ, những dấu Swoosh đầy huyền diệu – rồi sau này là adidas Yeezy đầu tiên là 350 Turtle Dove và kỉ nguyên của Boost das sau đó (Yeezy, Nmd, Ultraboost). Cứ đến thứ sáu hàng tuần, tôi lại ngóng chờ xem đôi giày nào sẽ xuất hiện tại Footlocker tại khu tôi sống – rồi lại camp. Cảm giác sở hữu những đôi giày hot lúc đó phê lắm – kiểu hơn hẳn những người khác (ít nhất là trong khu vực tôi sống và với cộng đồng sneaker nước nhà). Một chiếc billboard đang dần hình thành trong mindset thời trang của tôi.

Như mọi người đều biết, sneaker cũng nhanh chóng tạo ra một lượng cung và cầu mới. Đó là với đôi giày này phối với quần áo kiểu gì, phối như thế nào. Cùng với dòng chảy streetwear giai đoạn 2015-2017 lúc đấy, tôi bắt đầu biết tới các thương hiệu thời trang đường phố theo dạng “Hypebeast” kiểu Supreme, A Bathing Ape, Kith. Lao đầu vào quần quần áo áo, tôi sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn đô kiếm được từ việc làm thêm để thoả mãn nhu cầu thể hiện bản thân. Cái cảm giác mang trên người một chiếc Bogo (Box logo) của Supreme hay cá mập (Shark) của Bape là một tầm cao trong thời trang, bước ra đường tôi hãnh diện lắm. Cũng như bao người khác – niềm vui đó thoả mãn được tôi và tạo cho tôi cảm giác là mình hơn hẳn người khác. Và điều đó cứ tiếp tục khi mà thời trang đường phố bắt đầu trở nên cao cấp hơn với sự xuất hiện của các thương hiệu như Off-white, Gosha Rubchinskiy và tiến dần đến luxury brand như Louis Vuitton, Gucci (Thời đó như vậy thôi).

Trong mindset của tôi lúc đấy, việc theo đuổi những thứ thương hiệu hot – trend – đang được nhiều người quan tâm đấy thực sự mang cho tôi nhiều ánh mắt ngưỡng mộ, nhiều sự ghen tị và sự quan tâm nhất định. Đối với tôi, đó là thời trang – là đẹp, là sự hãnh diện khi mang trên người những logo các brands mà ai cũng mơ ước, cũng thèm khát. Là Luxury.

Nhưng rồi một ngày, có một người bạn Úc của tôi – vốn là 1 chủ một cửa hàng thời trang với các thương hiệu đến từ Nhật Bản như Visvim, Comme Des Garcon, WTAPS hay Neighborhood hỏi 1 câu rằng: “Thực sự mày đang bỏ ngàn đô để mua 1 chiếc áo Supreme giá gốc là $75 ư? Tao không đánh giá gì mày đâu – nhưng mày cứ như 1 cái billboard của các fashion brand vậy”.

Đến lúc đó, tôi bỗng ngẫm nghĩ lại. Thực vậy, tôi không khác gì một cái “Free Billboard” – “Một-chiếc-bảng-quảng-cáo-miễn-phí” của các thương hiệu thời trang vậy. Chỗ nào cũng có logo không to thì nhỏ trên quần, trên áo – trên tất cả mọi thứ tôi đang mặc vậy. Billboard cũng thế, nó được đặt chỗ đông người – chỗ mà ai cũng có thể nhìn thấy được và chạy các TVC, các poster hay logo của các brands lên trên đó. Đỉnh cao hơn tôi còn là một cái mobile Billboard – một chiếc billboard có hai chân và di động. Chiếc bảng quảng cáo này đi khắp thành phố, ngạo nghễ cho rằng nó đẹp và nó mới là thời trang.

Giống như mọi chiếc bảng quảng cáo khác mà chúng ta thấy ở trong thành phố. Giá trị của con người tôi hay đúng hơn là “Tuyên ngôn thời trang” của tôi mang tới bằng 0. Người ta nhìn 1 chiếc billboard vì cái gì? Vì chiếc bảng đó? Không – vì nội dung mà nó đang trình chiếu – ở đây, có nghĩa là tôi đang mặc cái gì? Đang mặc thương hiệu nào? Đang khoe brand chi?. Người ta có thực sự quan tâm tới tôi – một chiếc bảng quảng cáo di động hay không? Không – đơn giản chỉ vì tôi là một cái billboard của các fashion brands, không hơn và không kém.

Ngoài ra, billboard còn phụ thuộc vào giá trị của chiếc bảng đó nằm ở đâu. Nó nằm ở trung tâm, ở trục chính của thành phố – thành phố lớn hay thành phố nhỏ. Nó nằm ở trung tâm thương mại hay những nơi xa xôi. Nó nằm ở khu dân cư thượng lưu hay nơi mà tất cả ai cũng có nhìn thấy được. Có thể nói, billboard giống như là các celebs, những influencers hay đúng hơn là những người nổi tiếng vậy. Người ta trả tiền để các billboard sống đó show diễn cho người xem. Và tôi có phải là 1 billboard loại tốt không? Tất nhiện là không so với những người trên.
Billboard nó chỉ thể hiện được công năng duy nhất của nó là trình diễn (Màn hình), quảng cáo và đưa ra thương hiệu. Cũng chẳng ai quan tâm cái biển đó do ai phân phối, do ai làm và thiết kế nó như thế nào – cũng giống như tôi vậy. Cái sự mặc thời trang của tôi không chóng thì tàn cũng như cái bảng billboard khác thay thế, một cái billboard hợp thời hơn – vị trí cao hơn – đẹp hơn.
Vốn dĩ ban đầu tôi “chơi” đồ, “mặc” đồ nhưng tôi nhận ra với cái billboard này – đồ đã “chơi” ngược lại tôi. Tôi sử dụng tiền để đắp thương hiệu lên người và thực sự nó chẳng đẹp chút nào. Thứ người ta quan tâm duy nhất đó là brand tôi đang mặc là gì, logo nó xuất hiện ở đâu chứ chẳng cần hay rằng “ngôn ngữ thời trang” của tôi là chi. Sau một khoảng thời gian suy nghĩ và nhận xét lại bản thân – tôi nghĩ mình không thích làm một cái bia quảng cáo cho bất kì ai, nếu nó không mang lợi ích gì đó cho bản thân. (Rõ ràng).

Thời trang nó nhiều hơn là một cái “Billboard”, giá trị của nó nằm ở nhiều phương diện khác nhau (chất liệu, thiết kế hoặc có thể là câu chuyện đằng sau). Ai mà chẳng thích đồ hiệu, nhưng không phải đắp đồ lên người là đẹp – không phải gắn logo dày đặc trên người là sang. Tôi đi tìm hiểu thêm về thời trang, về thế nào là luxury fashion (Thời trang cao cấp theo cách mà mình hiểu nhất), thế nào là bản chất của một nhà thiết kế thời trang và các câu chuyện đằng sau – bên cạnh đó là việc kinh doanh của một bộ máy thương hiệu. Và tôi nhận ra, billboard chỉ là bề nổi – thứ điều khiển cái bảng quảng cáo đó còn khủng khiếp và thú vị hơn nhiều.

Vậy, các bạn có đang là 1 cái billboard của fashion hay không?

You may also like

Leave a Comment