Lao động trẻ em là một khía cạnh quan trọng của chủ nghĩa tư bản Anh thế kỷ 19, cũng như chế độ nô lệ với người da đen ở các bang phía nam nước Mỹ, và vẫn vậy cho đến ngày nay ở Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba khác.
Năm 1797, tiền công của một thợ dệt vải bằng tay ở Bolton là 30 shilling 6 xu một tuần; nhưng đến năm 1830 đã giảm xuống còn năm shilling và 6 xu. Khi tiền lương của những người thợ dệt thủ công bị giảm, gia đình họ phải sống dựa nhiều hơn vào sức lao động của con cái. Không có gì lạ khi những người tìm kiếm sự cứu trợ từ Luật người nghèo bị ép buộc phải gửi con cái của họ đến làm việc trong các nhà máy dệt như một điều kiện tiên quyết để được giúp đỡ. Những đứa trẻ con nhà bần cùng đến từ London và các thành phố khác đã được học việc trong các nhà máy và sau đó, hàng ngàn được vận chuyển đến các nhà máy sợi bông ở Lancashire, Derby và Nottinghamshire. Chúng được đánh giá cao nhờ những ngón tay linh hoạt, có khả năng theo kịp các thao tác nhanh của khung dệt điện.
Trước Đạo luật năm 1833, thanh niên và trẻ em phải làm việc cả đêm, cả ngày, hay thậm chí cả hai, cho đến khi họ không thể làm việc nổi. Tuy nhiên, ngay cả khi các hạn chế về lao động trẻ em được đưa ra chúng vẫn không hiệu quả do thiếu sự thực thi từ chính phủ. Đạo luật năm 1833 cho phép bổ nhiệm chỉ bốn Thanh tra Nhà máy để kiểm tra tất cả các nhà máy và xí nghiệp trên cả nước! Ngoài ra, các hạn chế về công việc hợp pháp chỉ áp dụng cho trẻ em trong các nhà máy dệt – và thậm chí sau đó, nó còn loại trừ trẻ em trong các nhà máy sản xuất lụa và ren. Bất chấp sự trừng phạt dành cho người sử dụng lao động, tay lũ trẻ vẫn tiếp tục bị cắt đứt và chân bọn chúng bị nghiền nát trong những cỗ máy không được che chắn.
Trẻ nhỏ không chỉ phải làm việc ở sâu dưới hầm sâu, mà còn trong những ống khói ngột ngạt tối đen của nước Anh công nghiệp. Một số ống khói nơi lũ trẻ em bị buộc phải làm việc chỉ có kích thước 7 inch (18cm) vuông. Nỗi kinh hoàng khi ở trong bóng tối và sự tù túng chật hẹp bị vượt qua bởi mối đe dọa khủng bố lớn hơn từ bên dưới. Người quét ống khói bị đánh đập, bị đâm bằng kim tiêm, hay có khi bị hun như một biện pháp “khuyến khích” họ thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo báo cáo vào năm 1848, một đứa trẻ lên 10 đã bị bán cho các chủ lao động khác nhau đến hơn 5 lần. Cậu nhóc là một công nhân thông minh và mặc dù bị tàn tật, đã làm sạch không dưới mười hai ống khói trong một ngày. Tại Nottingham vào năm 1850, một cậu bé 10 tuổi khác tên Samuel Whitt, bị kẹt trong một ống khói mà bên dưới ngọn lửa vẫn đang cháy âm ỉ. Cuối cùng cậu bị xé xác bởi hai người đứng đối diện nhau, và chết trong đau đớn. Năm 1851, gần Leeds, George Wilson mới mười tuổi, sau khi làm sạch chín ống khói đã chết khi vừa tròn mười tuổi.
Đối mặt với những nỗ lực để chấm dứt sự man rợ này, các tầng lớp có thẩm quyền đã hú hét ầm ĩ để chống lại.
Một nhà tuyển dụng cho biết: “Da thịt của một số thằng nhóc tồi tệ hơn nhiều so với những đứa khác, cần nhiều thời gian hơn để làm cứng chúng”. Ông ta ước tính sẽ mất sáu tháng để các bộ phận của cơ thể phát triển đủ “sụn”. [Trích từ Lao động thành phố, Tr179] “Bản thân tôi trước đây đã từng tuyển những thằng nhóc khoảng 5 tuổi rưỡi, nhưng tôi không ưa gì chúng; chúng quá yếu ”, một ông chủ khác nói.
Sáu tuổi được mô tả là “độ tuổi tốt để đào tạo”. Nhiều người sau đó đã bị ảnh hưởng bởi sự phát triển còi cọc, dị tật và thậm chí là ung thư. Khá nhiều đứa đã bị bỏng hoặc ngạt thở dẫn đến tử vong. Đây là những đứa trẻ không ai muốn hoặc không đủ khả năng để nuôi. Một số chỉ đơn giản là được bán cho người sử dụng lao động và theo quy luật cung cầu, đứa nào càng nhỏ thì giá càng cao. Mãi đến năm 1875, một Dự luật do Lord Shaftesbury đưa ra mới kết thúc bê bối này.
Trong ngành công nghiệp tơ lụa, những đứa trẻ nhỏ sẽ đứng trên ghế đẩu mười giờ để thực hiện công việc của chúng. Chen chúc trong không gian ngột ngạt, không có thông gió, những khu nhà làm việc này trở thành nhà tù đối với lũ trẻ non nớt. Điều tương tự cũng đúng đối với các nhà máy dệt, nơi trẻ em từ 4 đến 5 tuổi, và thậm chí đáng kinh ngạc có đứa mới lên 3, chỉ vừa mới biết đi, đã được đưa vào làm việc. Trong những điều kiện kinh tởm như vậy, hàng trăm ngàn đứa trẻ, rách rưới và bẩn thỉu, đã phải làm việc cho đến chết dưới cái bóng của người giám thị theo đúng nghĩa đen.
Hammonds giải thích: “Các hình phạt cho việc đến muộn vào buổi sáng phải đủ tàn nhẫn để vượt qua sự cám dỗ khiến cho những đứa trẻ mệt mỏi phải nằm trên giường hơn ba hoặc bốn tiếng”. “Một nhân chứng trước Ủy ban của Sadler cho biết một đứa trẻ, về nhà lúc 11 giờ vào một đêm và thức dậy lúc hai giờ sáng hôm sau bước đi trong hoảng loạn và khập khiễng để đến cổng nhà máy. Trong một số nhà máy, không một giờ phút trôi qua trong một ngày dài mà không có tiếng đánh đập và tiếng kêu đau đớn. Những người cha đánh đập con mình để cứu chúng khỏi bị các giám thị đánh đập tồi tệ hơn. Vào buổi chiều, sự căng thẳng trở nên nghiêm trọng đến mức cây gậy sắt nặng được gọi là con lăn kép phải được sử dụng liên tục, và thậm chí sau đó, không hiếm khi xảy ra trường hợp một đứa trẻ nhỏ, chẳng may ngủ gật và ngã nhào vào chiếc máy bên cạnh, cơ thể bị xé nát…
“Thật vậy, trong một nhà máy, nơi người chủ, ông Gott, đã cấm sử dụng bất cứ thứ gì ngoại trừ một cái vòng sắt (một chiếc vòng kim loại), một số người thợ dệt (thợ dệt) đã cố gắng giữ cho bọn trẻ, mới chỉ lên năm khi bắt đầu làm việc, tỉnh táo từ sáng sớm đến chín giờ tối, bằng cách khuyến khích chúng hát thánh ca. Khi buổi tối trôi qua, sự đau đớn, mệt mỏi và căng thẳng trong tâm trí trở nên không thể chống đỡ được. Lũ trẻ sẽ cầu xin bất cứ ai đến gần để cho chúng biết chúng còn phải làm bao nhiêu giờ nữa. Một nhân chứng nói với Ủy ban của Sadler rằng con của anh ta, một cậu bé sáu tuổi, sẽ nói với anh ta, ‘Cha ơi, bây giờ là mấy giờ?’ Tôi nói có lẽ bây giờ là bảy giờ. ‘Còn hai giờ nữa mới đến chín giờ ư? Con không thể chịu nổi nữa rồi. ‘” [Tr159-160]
Báo cáo của Ủy ban Việc làm của Trẻ em và Thanh niên, do Lord Shaftesbury thành lập năm 1840, đã mô tả điều kiện ác mộng khủng khiếp ở các mỏ than như sau:
“Một cái dây lưng được đặt quanh eo trần để móc một sợi xích từ cỗ xe rồi luồn qua đôi chân, các cậu bé bò với tay và đầu gối để kéo cỗ xe theo sau họ.”
Mô tả về các cô bé làm việc trong hầm mỏ, báo cáo tiếp tục: “Bị xiềng xích, thắt dây đai, hay bị buộc dây như những con chó trong xe đẩy, ướt đẫm và khỏa thân đến nửa mình, bò bằng cả tay và chân để kéo theo những vật nặng trĩu phía sau, họ xuất hiện một cách kinh dị và mất tự nhiên đến khó tả”. [Tr24]
Điều này dẫn đến sự ra đời của Đạo luật về hầm mỏ năm 1842 và giảm số giờ làm việc cho phụ nữ và trẻ em vào năm 1844. Vào thời điểm đó, Bá tước thứ bảy của nhà Shaftesbury đã phát biểu trước Hạ viện về tình trạng kinh khủng của nô lệ trẻ em trong các mỏ than:
“Lao động rất nặng nhọc, đều đặn chín giờ một ngày, có khi mười hai giờ, thậm chí trên mười ba giờ; chỉ dừng hai hoặc ba phút để ăn; có ngày còn chẳng có gì để ăn nữa, đôi khi là làm việc và ăn cùng lúc; đã làm việc cả ngày mà không có gì bỏ vào miệng nhưng nhiều đứa trẻ ngoan trong mỏ, một số dưới sáu tuổi; đôi khi không thể nuốt nổi cái gì do bụi, ẩm ướt, và không khí xấu; nơi đây đôi khi nóng như một cái lò nướng, nóng đến mức làm chảy cả ngọn nến. Rất nhiều bé gái cũng phải đi xuống giống như các cậu bé, bằng thang hoặc giỏ; các cô gái mặc quần chẽn; bị đánh giống như các cậu bé; nhiều con hoang được sinh ra ở hầm mỏ; rất nhiều cuộc chiến giữa chúng; lưng gù vẹo do lao động nhiều; làm việc dưới ánh nến; tiếp xúc với những tai nạn khủng khiếp; làm việc trong không gian rất chật hẹp; trẻ em bị đau nhức và mưng mủ đôi chân. “Tôi không thể ngừng nghĩ về, (một nhân chứng cho biết), nhiều đêm bọn trẻ không ngủ được bởi lưng chúng bị cắt và bầm dập do va vào thành của hầm mỏ , nó quá thấp, nước thường chảy xuống từ mái nhà; nhiều sinh mạng đã bị mất đi theo nhiều cách khác nhau; và nhiều người bị thương nặng do bị bỏng; công nhân khó sống qua tuổi năm mươi. Tôi không thể không đi đến kết luận, (Ông ủy viên Tuffnell nói), cả từ những gì tôi nói và bằng chứng của các nhân chứng đã tuyên thệ ở trên, rằng mọi đánh giá công bằng về hai ngành nghề thì lao động nặng nhọc nhất, trong căn phòng tồi tệ nhất, trong nhà máy được vận hành tồi tệ nhất vẫn còn ít vất vả hơn, ít tàn nhẫn hơn và ít mất tinh thần hơn so với lao động trong các mỏ than.”
Cũng giống như ngày nay, những nỗ lực vào thời điểm đó nhằm hạn chế việc sử dụng lao động trẻ em đã vấp phải sự phản đối từ tầng lớp sử dụng lao động. Khi ngài Robert Peel đưa ra Dự luật sớm nhất là vào năm 1802 để giảm giờ làm việc của trẻ em và cấm làm việc ban đêm đối với trẻ nhỏ, các chủ nhà máy từ Manchester, Glasgow, Leeds, Preston, Keighley và những nơi khác đã gửi chất vấn. Họ nói rằng những hành động như vậy sẽ “gây tổn hại cho việc buôn bán bông” và “sẽ dẫn đến việc đầu tư tất cả lợi nhuận vào cơ sở”.
Những giờ làm việc kéo dài mà bọn trẻ phải chịu đựng đã ngăn cản mọi sự giáo dục chính thức thực sự. Điều này lại vừa ý tầng lớp sử dụng lao động, những người coi giáo dục là có tính chất lật đổ sâu sắc. Giáo dục sẽ chỉ “phương hại đến đạo đức và hạnh phúc của họ”, và dạy chúng coi thường những thứ chúng có trong cuộc sống. Ngài D. Giddy, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia, nói: “thay vì dạy chúng phục tùng, nó sẽ khiến bọn nó trở nên cứng cáp và ương ngạnh, như đã thấy ở các quận sản xuất; nó sẽ cho phép bọn nó đọc những cuốn sách nhỏ đầy tham vọng, những cuốn sách xấu xa và những ấn phẩm chống lại Cơ đốc giáo”, và cuối cùng,“ nó sẽ khiến bọn nó trở nên xấc xược với bề trên”. [17]
Theo Đạo luật năm 1833, chính phủ quyết định chi 20.000 bảng Anh mỗi năm cho việc đi học. Tuy nhiên, cũng trong cùng năm đó, nó đã chi 50.000 bảng Anh cho việc xây dựng lại các chuồng trại tại Lâu đài Windsor. Rõ ràng là trẻ em của tầng lớp lao động được đánh giá thấp hơn nhiều so với lũ ngựa.
Đây là những điều kiện xã hội đã làm phát sinh tình trạng “đi chậm” và “bỏ cuộc” (từ “đình công” không được sử dụng cho đến đầu thế kỷ XIX) chống lại mức lương chết đói, giờ làm quá nhiều và các điều kiện không thể chịu nổi.
- Rob Sewell, Lịch sử chủ nghĩa công đoàn Anh