Những Ẩn Số Trong Tiểu Thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký

by admin

Những ai là fan của Kim Dung thì đều thấy rằng, các tác phẩm của Kim Dung xưa nay sở dĩ hấp dẫn, bởi không chỉ nhờ yếu tố võ thuật đặc sắc, mà còn gắn liền với dòng chảy lịch sử, giàu giá trị nhân văn, và trên hết tất cả những tình tiết xảy ra trong truyện nếu sắp xếp một cách logic, ta sẽ vô hình chung nhìn ra bức tranh ẩn dụ cho xã hội Trung Quốc thời cận hiện đại, giai đoạn 1912- 1976 ( thời điểm nhà Thanh sụp đổ cho đến khi Mao Trạch Đông qua đời)

Những nhân vật và sự kiện xảy ra trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký vô tình mình đã phát hiện ra, nó là ẩn dụ cho những nhân vật và sự kiện lịch sử xảy ra trong thời kỳ cận đại của xã hội Trung Quốc ( giai đoạn 1912- 1976)

P/S: Bài viết là góc nhìn cá nhân của tác giả, các bạn có quan điểm trái chiều, chúng ta cùng thảo luận một cách văn minh, vui lòng không văng tục, chửi bậy, bodyshaming

1/ Minh Giáo, Lục Đại Môn Phái

– Ở thời đại Ỷ Thiên, Cái Bang hầu như đã suy tàn, thay vào đó là sự xuất hiện của một loạt các môn phái mới như Võ Đang, Nga Mi, Không Động, Côn Luân. Mọi thứ xoay quanh Minh Giáo là giáo phái chính

– Minh Giáo tượng trưng cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà tiêu biểu là Chu Nguyên Chương- hoàng đế ăn mày, là thành viên của Minh Giáo, nói cách khác là tương trưng cho giai cấp vô sản Trung Quốc

– Lục Đại Môn Phái tượng trưng cho các tập đoàn quân phiệt Bắc Dương quân tan rã và xâu xé Trung Quốc sau cái chết của Viên Thế Khải. Các tập đoàn quân phiệt như Hoãn hệ, Trực hệ, Phụng hệ, mặc dù xâu xé, tranh giành ảnh hưởng với nhau, nhưng tựu chung đều coi Đảng Cộng Sản là kẻ thù cần tiêu diệt. Cuộc chiến của Lục Đại Môn Phái với Minh Giáo trên Đỉnh Quang Minh, ám chỉ chiến tranh Quốc – Cộng, giữa Quốc Dân Đảng ( có nền tảng thống nhất từ các tập đoàn quân phiệt) và Đảng Cộng Sản

– Tập đoàn quân Nguyên của Nhữ Dương Vương bao gồm Huyền Minh Nhị Lão và nhóm Kim Cương Môn ( A Đại, A Nhị, A Tam) tượng trưng cho phát xít Nhật và nhóm Hán gian Uông Tinh Vệ bán nước. Sự kiện Lục Đại Môn Phái bị quân Nguyên nhốt ở Vạn An Tự xong hun khói đốt cháy, ám chỉ việc các tập đoàn quân phiệt bị Phát Xít Nhật đánh cho chạy chối chết, trong cuộc chiến tranh Trung- Nhật. Sau cùng Minh Giáo giải cứu tất cả, có ý chỉ Đảng Cộng Sản là nhân tố quyết định đánh Nhật, giải phóng đất nước.

– Lực lượng Cái Bang của Trần Hữu Lượng, tượng trưng cho những thành phần phản cách mạng, ngụy danh cộng sản, nhưng thực ra là chủ nghĩa xét lại, cơ hội điển hình như nhóm Tứ Nhân Bang trong Đảng Cộng Sản

2/ Dương Đỉnh Thiên

Dương Đỉnh Thiên là giáo chủ 33 của Minh Giáo, tượng trưng cho hoàng đế Quang Tự của nhà Thanh. Quang Tự là người có chí hướng cải cách, làm việc vĩ đại nhưng luôn bị Từ Hy Thái Hậu kiềm tỏa. Sau cùng Quang Tự vì bất đắc chí mà sa vào lối sống trụy lạc cuối đời, ám chỉ sự kiện Dương Đỉnh Thiên luyện tập Càn Khôn Đại Na Di, mà không quan tâm gì đến giáo chúng ( thiên hạ), rồi cuối cùng tẩu hỏa nhập ma mà chết

=> Sự kiện Thành Côn ám hại Dương Đỉnh Thiên bị tẩu hỏa nhập ma trong Quang Minh Đỉnh, ám chỉ việc hoàng đế Quang Tự bị Viên Thế Khải bán đứng hãm hại trong sự kiện Bách Nhật Duy Tân.

3/ Thành Côn

Thành Côn tượng trưng cho Viên Thế Khải. Viên Thế Khải là kẻ dã tâm lớn, cơ hội chính trị, không việc xấu nào là không làm, miễn là có lợi cho mình. Từ việc tiết lộ bí mật của phái Duy Tân làm hoàng đế Quang Tự bị Từ Hy giam lỏng, cho đến việc y mang quân Bắc Dương vào phế truất Phổ Nghi lật đổ nhà Thanh. Thành Côn vì si tình với sư muội, dành cả thanh xuân tiêu diệt Minh Giáo. Thành Côn còn câu kết với lực lượng quân Mông Cổ của Nhữ Dương Vương. Chi tiết này ẩn dụ cho câu chuyện Viên Thế Khải ký hòa ước 21 điều với Nhật Bản và các nước thực dân phương Tây, ấp ủ kế hoạch tiêu diệt lực lượng Quốc Dân Đảng của Tôn Dật Tiên ở miền nam.

=> Cuối truyện, Thành Côn còn ôm mộng làm hoàng đế, ám chỉ dã tâm làm hoàng đế của Viên Thế Khải và sự kiện Viên Thế Khải đặt niên hiệu Hồng Hiến, xưng đế 83 ngày, bất chấp bị đàn em quay lưng

4/ Trương Vô Kỵ

Trương Vô Kỵ tượng trưng cho Tôn Dật Tiên. Điểm tựu chung giữa Vô Kỵ và Tôn Trung Sơn là có tài, có tâm, có tầm, nhưng thiếu quyết đoán và ngây thơ về ý thức chính trị. Giai đoạn từ năm 1922, Tôn Dật Tiên có xu hướng tiếp cận chủ nghĩa Marx, đã cử Tưởng Giới Thạch sang Liên Xô để học tập, ám chỉ sự việc Trương Vô Kỵ được bầu lên làm giáo chủ Minh Giáo. Cuộc chiến của Trương Vô Kỵ với Thành Côn, chính là ẩn dụ cho cuộc chiến giữa Viên Thế Khải và Tôn Dật Tiên

=> Cuối truyện, sự kiện Trương Vô Kỵ bị Chu Nguyên Chương phỗng tay trên, phải ra đi lang thang cùng crush, ám chỉ sự kiện Tôn Dật Tiên bị mất quyền lực trong Quốc Dân Đảng, phải chạy trốn khỏi Nam Kinh, sống lưu vong ở Quảng Đông.

5/ Chu Nguyên Chương

Chu Nguyên Chương aka Minh Thái Tổ là nhân vật có thật trong lịch sử, trong truyện được Kim Dung hư cấu là một giáo đồ của Minh Giáo. Xuất thân của Chu Nguyên Chương khá đặc biệt, sinh ra trong một gia đình bần cố nông, thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, từng là nhà sư, sau đó đi ăn mày, sống lang bạt, sau đó gia nhập Hồng Cân Quân, lực lượng Hồng Cân Quân, là hình ảnh ẩn dụ cho Hồng Quân Công Nông Trung Quốc.

=> Chu Nguyên Chương chính là nhân vật tượng trưng cho Mao Trạch Đông, lãnh tụ giai cấp vô sản và Đảng Cộng Sản.

6/ Triệu Mẫn

Triệu Mẫn tượng trưng cho Tống Khánh Linh- vợ của Tôn Trung Sơn. 3 chị em họ Tống vốn có ý thức hệ tư sản, chỉ duy nhất có Tống Khánh Linh, sau này ở lại Đại Lục, làm việc cho chính quyền Cộng Sản, không theo hai chị em chạy ra Đài Loan. Trong truyện Triệu Mẫn là quận chúa của Mông Cổ, đối chọi với lực lượng võ lâm Trung Nguyên. Mọi người có thấy giống sự kiện Triệu Mẫn từ bỏ giang sơn, gia đình chạy theo crush không?

7/ Diệt Tuyệt Sư Thái & Chu Chỉ Nhược

Diệt Tuyệt Sư Thái & Chu Chỉ Nhược tượng trưng cho hai chị em Tống Ái Linh & Tống Mỹ Linh, hai chị em nhà này cực kỳ bài xích, căm ghét chủ nghĩa Cộng Sản, cũng giống như Diệt Tuyệt Sư Thái căm thù Minh Giáo vậy.

=> Chu Chỉ Nhược là nhân vật tượng trưng cho Tống Mỹ Linh, em út trong 3 chị em họ Tống, khởi đầu khá vô tư, nhưng sau vì chịu ảnh hưởng của chồng và anh chị em mà dần có xu hướng chống Cộng cực đoan, điều này trong truyện được mô tả bằng quá trình Chu Chỉ Nhược luyện tập Cửu Âm Bạch Cốt Trảo rồi dần dần sa vào ma đạo, cuối cùng trở thành ác nữ.

8/ Tống Viễn Kiều & Tống Thanh Thư

Cha con Tống Viễn Kiều và Tống Thanh Thư là tượng trưng cho cha con Trương Tác Lâm & Trương Học Lương – quân phiệt Phụng Hệ cát cứ ở Mãn Châu ( 3 tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh ngày nay)

=> Tống Viễn Kiều là cầu phía xa, ám chỉ Lư Câu Kiều, địa danh rất nổi tiếng ở vùng Mãn Châu. Tại nơi này, ngày 7/7/1937, xảy ra sự kiện Lư Câu Kiều, phát xít Nhật nổ súng tấn công Trung Quốc, mở màn chiến tranh Trung Nhật

=> Trong truyện Tống Viễn Kiều là đại đệ tử, chấp pháp trưởng môn, nhưng võ công lại thua kém Du Liên Châu, mưu trí thua Trương Tòng Khê. Tống Viễn Kiều là người ba phải, khi thì chống Minh Giáo, lúc lại ủng hộ thằng cháu Vô Kỵ, giống như Trương Tác Lâm, khi thì theo nhận viên trợ của Nhật, lúc thì lại có tư tưởng chống Nhật vì dã tâm của Nhật ở Mãn Châu, kết quả bị Nhật thủ tiêu cho nổ bom chết tan xác.

=> Tống Thanh Thư, chữ Thanh trong tên ám chỉ nhà Thanh, hướng tới vùng đất Mãn Châu, quê hương của nhà Thanh. Tống Thanh Thư là mỹ nam tử đẹp trai nhất trong truyện, giống như Trương Học Lương ngoài đời vậy, giống cả thói si tình nữa.

=> Sự kiện Tống Thanh Thư phản bội Võ Đang, theo Cái Bang, rồi lại theo Nga Mi, ám chỉ sự kiện Đông Bắc Trở Cờ, Trương Học Lương quy thuận Tưởng Giới Thạch để chống Nhật. Ít lâu sau đó, Trương lại làm phản bắt sống Tưởng trong sự biến Tây An năm 1936, ép Tưởng phải ký hòa đàm với Đảng Cộng Sản để chống Nhật. Thông qua Tống Thanh Thư, Kim Dung đã kín đáo bộc lộ quan điểm Trương Học Lương chẳng phải yêu nước báo thù nhà gì cả, chỉ là kẻ ăn cháo đái bát, cơ hội chính trị mà thôi.


9/ Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tính

4 đại sư Kiến- Văn- Trí – Tính, lãnh đạo phái Thiếu Lâm, cũng như quần hùng lục đại môn phái trong công cuộc tiêu diệt Minh Giáo, tượng trưng cho 4 vị lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, bao gồm Phùng Ngọc Tường, Tưởng Giới Thạch, Diêm Tích Sơn và Lý Tông Nhân.

Trong đó, 3 sư đệ có xu hương bài xích Minh Giáo thì Không Kiến là người có xu hướng cởi mở với Minh Giáo hơn, ám chỉ Phùng Ngọc Tường tuy là tướng lĩnh Quốc Dân Đảng, nhưng lại có quan hệ khá hữu hảo với Đảng Cộng Sản và Liên Xô, Phùng Ngọc Tường là người ít có tư tưởng chống Cộng nhất, thậm chí Phùng Ngọc Tường còn được Liên Xô giúp sức về nhân lực, vật lực trong cuộc chiến quân phiệt.

10/ Tam Độ

3 ông sư chữ Độ, những người cao tuổi nhất trong số tăng nhân Thiếu Lâm, tuổi tác cũng xấp xỉ Trương Tam Phong, hầu như chỉ ngồi trong hốc cây tụng kinh niệm Phật, ít ra ngoài quan sát các biến cố của võ lâm, vì thế mà tư duy cứng nhắc, bảo thủ. Tam Độ còn bị Thành Côn qua mặt lừa gạt làm người canh giữ Tạ Tốn, hòng phục vụ mưu đồ của hắn

=> 3 ông sư chữ Độ tượng trưng cho Từ Hy Thái Hậu và các đại thần thuộc phái thủ cựu thời Thanh mạt, kiên quyết bảo thủ các giá trị lỗi thời, bác bỏ tư tưởng duy tân cấp tiến. Nhóm đại thần này bị Viên Thế Khải lợi dụng để thâu tóm quyền lực chuẩn bị cho mưu đồ lật đổ nhà Thanh

=> Việc Độ Ách bị Dương Đỉnh Thiên đánh mù một mắt và sau cùng Kim Cương Phục Ma Khuyên của Tam Độ bị Trương Vô Kỵ phá giải, ám chỉ sự kiện chiến thắng tất yếu cùa tư tưởng duy tân trước những giá trị lạc hậu, lỗi thời.

11/ Quang Minh Tả Hữu Sứ

Dương Tiêu- Phạm Dao, quang minh tả hữu sứ trong Minh Giáo, địa vị chỉ đứng sau Giáo Chủ, tượng trưng cho 2 nhân vật cánh tay trái – phải của Mao Trạch Đông trong Đảng Cộng Sản, đó là Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình.

=> Dương Tiêu là một mỹ nam có cuộc đời tương đối êm ả, ít sóng gió. Dương Tiêu được giáo chủ yêu quý truyền cho một ít tâm pháp Càn Khôn Đại Na Di. Cuộc đời của Dương Tiêu có nhiều nét giống với Chu Ân Lai ngoài đời, mỹ nam đẹp trai xuất thân trong gia đình tiểu tư sản, đẹp trai, tính cách dĩ hòa vi quý, được Mao Trạch Đông tin nể

=> Ngược lại, Phạm Dao lại có cuộc đời truân chuyên, phải dùng Khổ Nhục Kế, tự hủy hoại gương mặt và giọng nói của mình, trà trộn làm nội gián trong phủ Nhữ Dương Vương. Điều này ám chỉ cuộc đời lên voi xuống chó của Đặng Tiểu Bình trong những năm tháng Mao nắm quyền. Nhưng sau cùng thì cả Phạm Dao và Dương Tiêu đều kết thúc cuộc đời một cách có hậu, giống như Chu Ân Lai được nhân dân kính trọng, Đặng Tiểu Bình kế thừa Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc. Tình cảm son sắt của Dương Tiêu và Kỳ Hiểu Phù cũng phần nào gợi nhắc đến tình cảm của Chu Ân Lai với vợ ông – phu nhân Đặng Dĩnh Siêu

12/ Tứ Đại Hộ Giáo Pháp Vương

Tử- Bạch- Kim- Thanh, tứ đại hộ giáo pháp vương tượng trưng cho 4 vị nguyên soái của Hồng Quân Công Nông Trung Quốc. Trong đó:

=> Kim Hoa Bà Bà ( Tử Sam Long Vương) tên thật Đại Ỷ Ty, là thánh nữ của Minh Giáo Ba Tư. Ba Tư (Iran) nằm ở phía tây Trung Quốc, do đó dễ nhìn ra, lực lượng Minh Giáo Ba Tư này là ẩn ý của Kim Dung chỉ các đế quốc phương Tây Âu- Mỹ. Kim Hoa Bà Bà thực ra là nội gián của Minh Giáo Ba Tư, đến Trung Thổ ăn cắp bí kíp Càn Khôn Đại Na Di, các đế quốc tư bản phương Tây đã ăn cắp các thành tựu phát minh của Trung Quốc như thuốc súng, ván in rồi phát triển lên. Kim Hoa Bà Bà là nhân vật tượng trưng cho Lâm Bưu, vị tướng sau này bị kết tội câu kết tư bản nước ngoài phản bội cách mạng. Đáng chú ý, rằng Ỷ Thiên viết năm 1961, 10 năm trước sự kiện Lâm Bưu công khai phản bội Mao và bị rơi máy bay tử nạn ở Mông Cổ. Cái chết của Lâm Bưu cho đến hiện nay vẫn là ẩn số lịch sử. Điều này cho thấy nhãn quan chính trị thiên tài của Kim Dung, dự báo được những sự kiện chính trị sắp xảy ra.

=> Ân Thiên Chính ( Bạch Mi Ưng Vương) là người cao tuổi nhất trong Minh Giáo, tượng trưng cho Chu Đức, lão Đại trong thập đại nguyên soái CHND Trung Hoa. Chu Đức gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1922, nhưng có thời gian mâu thuẫn với Mao nên tách ra hoạt động riêng, đến năm 1928 thì mới quay lại phục vụ Mao, điều này ám chỉ việc Ân Thiên Chính rời bỏ Minh Giáo tự tách ra thành lập Thiên Ưng Giáo, rồi quay trở lại phục vụ Minh Giáo sau sự kiện Minh Giáo bị Lục Đại Môn Phái trên Quang Minh Đỉnh.

=> Tạ Tốn ( Kim Mao Sư Vương) tượng trưng cho Hạ Long, vị nguyên soái có cuộc đời bi tráng nhất trong Thập Đại Nguyên Soái, Tạ Tốn tan cửa nát nhà vì Thành Côn, giống như cuộc đời của Hạ Long, cả gia đình bị bọn quân phiệt giết hại, hai tay hai con dao đi làm cách mạng

=> Vi Nhất Tiếu ( Thanh Dực Bức Vương), xếp hàng cuối trong Tứ Đại Hộ Giáo Pháp Vương, tượng trưng cho nguyên soái Diệp Kiếm Anh, tuy xếp hàng cuối trong Thập Đại Nguyên Soái nhưng quân công to nhất, chữ Thanh trong ” Thanh Dực Bức Vương” = chữ Diệp đều có nghĩa là màu xanh. Vi Nhất Tiếu là trợ thủ bằng khả năng khinh công của mình không ít lần cứu thoát Minh Giáo. Công lao to lớn của Diệp Kiếm Anh chính là diệt trừ bọn Tứ Nhân Bang, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước sau những tháng ngày tăm tối thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.

13. Trương Tam Phong

Cụ 3 gió là nhân vật cao tuổi nhất, tính khi bắt đầu truyện thì cụ đã sống trên đời ngót 100 năm, chứng kiến bao đổi thay nhân tình thế thái

=> Cụ 3 gió là nhân vật tượng trưng cho Trương Chi Động, 1 trong 4 người của nhóm Thanh mạt tứ đại thần. Trương Chi Động là người theo chủ nghĩa Vô Vi giống cụ 3 gió, tuy là đại thần phái thủ cựu, sống trong lòng xã hội thủ cựu, nhưng cụ lại cởi mở ủng hộ ngầm cho phong trào Dương Vụ vận động, cải cách duy tân đất nước. Điều này thể hiện rõ ở việc Trương Tam Phong dù là trưởng môn sáng lập một môn phái lớn, không hề câu nệ lễ giáo, hoan nghênh cuộc hôn nhân của Trương Thúy Sơn với Ân Tố Tố- con gái của Thiên Ưng Giáo, một giáo phái bị các danh môn chính phái coi là tà ma ngoại đạo

You may also like

Leave a Comment