Nếu bạn có thể “giác ngộ” được những chỉ dẫn của Seth Godin ở trong cuốn sách “Những bộ lạc” này, thì bạn có thể sở hữu cả một “vương quốc” và bạn là vị “vua” cai trị chứ không phải là chạy theo những nền tảng quảng cáo đâu.
Tribes – Những Bộ Lạc: Marketing Thống Lĩnh Người Dùng
Mặc dù đã đọc xong cuốn sách “Những bộ lạc – Marketing thống lĩnh người dùng” chỉ trong 2 – 3 tiếng ngay sau khi nhận sách, nhưng lúc này tôi mới tĩnh tâm để ngồi viết những dòng review này gửi đến các bạn.
Tuy mới bắt đầu nghiên cứu về Marketing cách đây vài năm (bởi tôi được đào tạo là Sales chuyên nghiệp chứ không phải marketing) thế nhưng không dưới 10 lần tôi đã vô tình được nghe những chuyên gia về marketing nhắc đến Seth Godin.
Họ coi Seth Godin như một người thầy và trích dẫn rất nhiều những tư tưởng của ông. Sau khi gấp lại những trang cuối cùng của cuốn sách Những bộ lạc, tôi cũng đã phải thừa nhận: “Seth Godin là doanh nhân xuất sắc nhất của thời đại thông tin” – đúng như tạp chí Business Week đã từng ca ngợi về ông.
Những nội dung và tư tưởng của ông thật sự quá thông thái, nó vượt qua cả thời gian và không gian. Bằng chứng là mặc dù cuốn sách này được xuất bản từ năm 2008 nhưng đến nay những lời khuyên của Godin vẫn không hề sai một tẹo nào và chắc chắn sẽ còn đúng đến rất nhiều năm sau nữa. Tất nhiên nó không chỉ đúng ở Mỹ mà tôi thấy đã có rất nhiều người ở Việt Nam đang truyền bá và hấp thu những tư tưởng của ông. Có lẽ, dành bao nhiêu lời ca ngợi cho tài năng của Seth Godin cũng là dư.
Bởi vậy nên mới nói, tư tưởng của ông thực sự đã vượt qua cả thời gian và không gian. Tôi thật sự thấy tiếc nuối thời gian vô cùng. Tiếc nuối bởi đã dành thời gian để đọc cuốn sách này quá muộn mà không phải sớm hơn.
Cuốn sách đẹp về hình thức, chất lượng dịch tốt
Trước khi đi sâu vào chi tiết nội dung cuốn sách, tôi muốn dành lời khen ngợi vì Alpha Books đã làm bìa cuốn sách này quá chất lượng. Bìa bọc bên ngoài rất “xịn sò” khiến lúc đầu cầm cuốn sách tôi cứ tưởng đây là một cuốn sách bìa cứng (hard cover) chứ không phải bìa mềm. Ngoài ra thì bìa minh họa cuốn sách cũng được giữ nguyên bản, nên đã truyền tải được hết tư tưởng đột phá của tác giả.
Và cũng phải thừa nhận một điều, đúng là sách của bậc thầy Marketing có khác – bìa bên ngoài rất đẹp và ấn tượng. Cuốn sách này thì khá mỏng thôi, chỉ khoảng 209 trang, áng chừng độ dày tầm 2cm, khổ giấy tiêu chuẩn, nên rất vừa tay khi mang vác hay nằm đọc.
Về chất lượng dịch thuật thì lúc đầu tôi hơi e dè một chút khi đọc cuốn sách này bản tiếng Việt. Bởi vì tôi biết nhiều dịch giả không am hiểu về marketing, đặc biệt là digital marketing nên nhiều từ họ dịch rất ngây ngô như là Google dịch (Nhiều lúc tôi còn tưởng họ là bậc thầy về Google Translate chứ không phải là dịch giả nữa).
Tôi đã đọc khá nhiều cuốn sách vừa mới xuất bản đầu năm 2020, thì đến giữa năm đã có bản tiếng Việt. Kết quả là lần nào cũng thất vọng. Tôi đã tự rút ra được kinh nghiệm cho mình, đó là chỉ nên đọc bản tiếng Anh chứ với thời gian gấp gáp, những dịch giả khó có thể toàn tâm toàn ý và trau chuốt cho bản dịch của mình được.
Ơn giời là cuốn sách này không dạy ta bất cứ thủ thuật marketing nào như: cách chạy quảng cáo Facebook hay cách đấu giá từ khóa Google… nên không có quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Do đó, bản dịch khá nuột nà. Seth Godin là bậc thầy về ngôn từ nhưng dịch giả cũng là người có vốn từ phong phú không kém mới có thể truyền đạt lại được hết dụng ý của tác giả.
Thật là bất ngờ với một cuốn sách như này.
Và đẹp cả về nội dung
Vậy thực sự cuốn sách này có gì thú vị để tôi phải dành những lời có cánh suốt từ đầu đến vậy?
Trước hết, tôi cần phải cảnh báo bạn: Nếu bạn nghĩ rằng đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ trở thành bậc thầy về marketing hay có thể bán được nghìn đơn trên Facebook thì cuốn sách này không dành cho bạn đâu. Cuốn sách này cũng sẽ không chỉ cho bạn bất kỳ một cách “hack” nào để có hàng triệu lượt xem hay cách viết content viral…
Như tôi đã nói ở phía trên, cuốn sách này được xuất bản từ năm 2008, tức là lúc đó Facebook chỉ mới bắt đầu, nhưng cuốn sách vẫn được đánh giá cao cho đến tận bây giờ và trong tương lai nữa, vậy thì chắc chắn nó phải có điều gì khác biệt chứ không phải chỉ là dăm ba mẹo mực để chạy Ads “cắn” tiền rồi đúng không nào?
Câu trả lời là cuốn sách Những bộ lạc- Marketing thống lĩnh người dùng sẽ bật mí cho bạn tư tưởng và chiến lược của một huyền thoại kinh doanh trong thời đại thông tin.
Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn nhiều hơn là những mẹo mực để lách luật Google, Tiktok hay Facebook. Nếu bạn có thể “giác ngộ” được những chỉ dẫn của Seth Godin ở trong cuốn sách “Những bộ lạc” này, thì bạn có thể sở hữu cả một “vương quốc” và bạn là vị “vua” cai trị chứ không phải là chạy theo những nền tảng quảng cáo đâu.
Trong cuốn sách này, Godin chỉ dành 1 vài trang rất ngắn để nói về marketing. 95% nội dung còn lại, tác giả chia sẻ về cách để LÃNH ĐẠO những nhóm người. Những thành viên mà tác giả đã dùng một từ rất hay để miêu tả, đó là “bộ lạc”.
Nếu nói đây là cuốn sách truyền cảm hứng về thuật lãnh đạo thì cũng không có gì sai cả.
Chỉ có điều, Godin không khuyến khích lãnh đạo những đám đông hàng ngàn người, thay vào đó, ông truyền cảm hứng để giúp bạn trở thành “những tộc trưởng của các bộ lạc”.
“Đám đông và bộ lạc thì khác gì nhau?
Chúng khác nhau ở hai điều:
Đám đông là một bộ lạc không có người lãnh đạo
Đám đông là một bộ lạc không có sự giao tiếp
Hầu hết các tổ chức dành thời gian để làm marketing với đám đông. Các tổ chức khôn ngoan thì tập hợp một bộ lạc”
Lúc đọc đến đoạn này, tôi chợt nhớ đến một cuốn sách rất nổi tiếng của John Maxwell có tên là: “Everyone communicates, few connect” (tên sách tiếng Việt là: “Ai cũng giao tiếp nhưng mấy người kết nối”.
Trước kia mục tiêu của tôi khi làm bất kỳ điều gì cũng hướng đến “số lượng”. Tôi cố gắng làm mọi thứ để có được nhiều hơn.
Thực tế là tôi không tự dưng có ý nghĩ đó, mà chính là các “chuyên gia” marketing đã nhồi vào đầu tôi tư tưởng đại loại như:
- Nhiều bạn hơn trên Facebook cá nhânđể có thêm tương tác
- Nhiều lượt theo dõi hơn trên Instagram để có uy tín hơn
- Nhiều thành viên hơn trong các nhóm kín để tiếp cận nhiều người hơn
- Nhiều địa chỉ email hơn để có thể lọc phễu tốt hơn
- Nhiều nick Zalo để kết bạn full nick với nhiều người hơn.
- ….
Và còn nhiều thứ khác nữa để những “chú cừu non” như tôi lao đầu vào tìm những công cụ “hack”, để vượt qua rào cản bảo mật, chống spam của Google, Facebook
Thế nhưng càng làm, tôi lại càng thấy điều đó hoàn toàn không mang lại bất kỳ kết quả nào cả. Tôi có đến cả ngàn địa chỉ email khách hàng, nhưng chỉ có khoảng vài chục người mở email của tôi mỗi khi tôi gửi.
Những nhóm mà tôi quản lý có đến hàng ngàn thành viên nhưng cũng chỉ có một vài người là tương tác với các bài viết nào tôi đăng. Nếu như tôi cứ tiếp tục đi vào con đường “làm nhiều” để “được nhiều” đó thì vòng quay đó sẽ không bao giờ chấm dứt cả.
Trên hết, tôi thực sự không cảm thấy có bất kỳ “giá trị” nào khi có trong tay những đám đông đó. Cái tôi thật sự cần là một nhóm người nhỏ, nhưng tôi có thể kết nối, giao tiếp và truyền cảm hứng, giúp họ đạt được những mục tiêu của họ đúng như tư tưởng của Seth Goain đã được truyền tải trong cuốn sách Những bộ lạc- Marketing thống lĩnh người dùng của ông.
Đọc đến đây, có thể một vài người sẽ nghĩ: “Thôi đi ông ơi, marketing là trò chơi của những con số, hàng trăm ngàn người theo dõi còn chưa ra đơn, chưa bán được xu nào nữa là ông đòi nhóm nhỏ, có mà chết đói”. Tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, cho đến khi đọc được cuốn sách này của Godin.
Vậy thì một “bộ lạc” cần bao nhiêu thành viên để có thể giúp bạn tồn tại và trên hết là phát triển?
Godin đã đưa ra một con số vô cùng kinh ngạc.
Ông đã mô tả thế giới của “1000 người hâm mộ đích thực” từ Kevin Kelly trong một bài báo trên trang Technium.
Ông nói rằng: “1000 người hâm mộ đích thực sẽ luôn ân cần quan tâm đến bạn và công việc của bạn, người đó sẽ băng qua đường để mua hàng của bạn, đưa bạn bè đến nghe bạn nói hoặc đầu tư một số tiền nhỏ để ủng hộ bạn”.
“Một nghệ sĩ chỉ cần 1000 người hâm mộ đích thực. Vậy là đủ”
Rất nhiều tổ chức chỉ tập trung vào những con số thay vì người hâm mộ thực sự. Họ bận tậm về lượt tương tác, số lượt truy cập hay giá tiền quảng cáo mà không thực sự gắn kết có chiều sâu với những người hâm mộ đích thực.
Godin nói: “Chiến thắng đúng nghĩa nằm ở việc biến người hâm mộ bình thường thành người hâm mộ trung thành”.
Để làm được điều này không phải dễ dàng. Chúng ta đã được nhồi vào đầu rất nhiều tư tưởng của những tập đoàn lớn, của những hệ thống giáo dục, trường học. Họ dạy cho chúng ta cách tuân thủ, nghe lời và không được trái lệnh. Godin gọi đó là những “kẻ chăn cừu”
Tôi thấy thật thú vị khi ông dám đưa ra những tư tưởng và ý kiến đi ngược lại đám đông như thế. Vì lẽ đó, nên tác giả đã dành rất nhiều giấy mực để “tẩy não” bạn đọc.
Ông chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm để có thể tập hợp những thành viên để tạo thành một bộ lạc, cách để dẫn dắt và lãnh đạo bộ lạc và truyền cảm hứng để giúp chúng ta trở thành những người lãnh đạo bộ lạc của mình.
“Một nhóm người chỉ cần hai thứ để trở thành một bộ lạc: mối quan tâm chung và phương thức truyền đạt thống nhất”. “Tất cả chỉ có ba bước: truyền động lực, kết nối và gây ảnh hưởng”.
Mặc dù cuốn sách khá mỏng nhưng như tôi đã chia sẻ ở phần đầu, bất kỳ lời khuyên nào của Godin trong sách cũng có thể viết thành những cuốn sách dày hàng trăm trang. (Và Godin có cả trăm lời khuyên giá trị như thế trong cuốn sách này)
Hãy chuẩn bị một cây bút note còn nhiều mực vì bạn có thể đánh dấu chi chít ở bất kỳ trang nào đấy.
Tôi suýt quên có một đặc điểm rất hay mà lần đầu tiên tôi bắt gặp ở trong cuốn sách này.
Tôi có một thói quen trước khi đọc bất kỳ một cuốn sách nào là phải đọc mục lục để hiểu sơ bộ về cấu trúc của cuốn sách cũng như những ý chính mà tác giả sẽ dẫn dắt trong vài tiếng tiếp theo.
Với cuốn sách Những bộ lạc – Marketing thống lĩnh người dùng, sau khi đọc vài trang mở đầu, tôi đã thấy có cái gì đó là lạ. Tôi nhận ra rằng mình đã đọc khoảng 20 trang, nhưng hình như vẫn chưa có phần mở đầu, mà cũng không biết chương mình đang đọc tên là gì cả.
Tôi lật lại phía đầu sách để tìm kiếm mục lục nhưng không có. Lật ra phía sau, cũng không có. Tôi tự hỏi “Ủa sao lạ vậy? Cuốn sách này không có mục lục, thế thì làm sao biết được ông tác giả này nói về những cái gì nhỉ?”
Vậy là tôi kệ, và tiếp tục đọc.Mãi đến khi gấp lại cuốn sách và ngước mắt lên nhìn đồng hồ, tôi mới hiểu lý do tại sao Godin lại không viết mục lục cho cuốn sách này.
Cuốn sách nhỏ này giống như là một cuộc trò chuyện thân tình mà Godin chia sẻ những quan điểm của mình về cách làm marketing bằng cả trái tim, cách để giúp cho những “chú cừu non” có thêm sức mạnh, nguồn lực, khát khao để có thể quyết tâm lãnh đạo “bộ lạc” của mình. Ông không chia ra thành mục lục vì các bạn sẽ nhanh chóng muốn tìm ra “đáp án” để làm điều đó.
Trong cuốn sách này ông kể phải đến hàng trăm câu chuyện. Có những chuyện kéo dài vài trang. Nhưng cũng có những chuyện chỉ vài dòng. Độc giả khi đọc từng trang sẽ phải rất chú ý vì có rất nhiều “từ khóa” mà Godin lồng vào trong đó.
Như tôi đã nói ở phần đầu, đây không phải là cuốn sách “How to” dạy bạn từng bước từng bước phải làm gì. Đây là một buổi trò chuyện thân mật của Godin để khích lệ và chia sẻ những tư tưởng của ông cho những người thật sự quan tâm đến một cách làm marketing “khác người” – có khả năng dẫn dắt và truyền cảm hứng đến những thành viên trong bộ lạc của mình. Và Godin là một thiên tài về kể chuyện.
Một điều quan trọng nữa là độc giả có thể yên tâm dùng những chia sẻ này để dùng trong 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa vì đây hoàn toàn là những chiến lược của nhà lãnh đạo chứ không phải những thủ thuật nhỏ để giúp bạn tồn tại với Google hay Tiktok.
Do đó đây thực sự là một cuốn sách cần phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần để nghiền ngẫm.
Mỗi khi bạn cảm thấy bế tắc vì con đường mà mình đã chọn, băn khoăn về những việc mình sẽ làm, hay đơn giản là chỉ cần một lời động viên để sốc lại tinh thần thì hãy giở cuốn sách này ra. Chắc chắn, bạn sẽ luôn luôn tìm được câu trả lời cho bất kỳ vấn đề nào của mình.
Tôi xin mượn một câu trích dẫn của Godin để kết lại bài review dài gần 3000 từ này, và cũng là lý do để tôi lọ mọ ngồi viết những dòng này vào lúc 2 giờ sáng:
“Một con đường không bao giờ mang lại hiệu quả chính là con đường phổ biến nhất: Không làm gì cả. Dấn thân, rút lui, nhưng không được không làm gì”.
Hãy nối gót Seth Godin trở thành người truyền động lực, gắn kết và gây ảnh hưởng cho “bộ lạc” của mình bạn nhé.
Hoàng Huynh – Trạm đọc