NHỮNG CÁNH CHIM TRỜI

by admin

Ngày nhỏ, tuổi thơ tôi ngập tràn những tổ chim treo lủng lẳng trên những cây cao quanh nhà. Không chỉ vậy, ngày đó điện lưới chưa kéo nên trụ điện toàn được người dân cùng nhau kiếm 1 cây gỗ to, chắc rồi chèo kéo tới từng nhà.

Khi đó nhà nào nhà nấy trong làng tôi cũng đều có 1 cột điện gỗ, một chiếc vỏ tụ điện được làm bằng tôn. Những con chim sẻ sẽ rất hay tha rơm về tổ và sinh ra nhiều lứa mới.

Nhưng rồi mấy năm trở lại đây, tôi trở về và chẳng bao giờ thấy tổ chim sẻ trên tán cây nữa. Chúng đã rời bỏ nhưng cây cao và chọn làm tổ trên những mái tôn cao nóng rực mỗi độ nắng.

Nhà tôi có 1 khoảng sân đầy, mỗi độ mùa màng, thóc lúa sẽ được đem phơi khô trên những khoảng sân trống đó, những chú sẻ làm tổ trên nóc nhà bác hàng xóm sẽ xà xuống để nhặt hạt hay tha những cọng rơm khô còn sót lại về tổ.

Giờ thì tôi càng ít thấy chim sẻ và nghe tiếng kêu của chúng. Bởi lẽ rằng thay vì tiếng chiếp chiếp nhấp miệng của bầy sẻ thì quanh nhà tôi, với nhiều cây cối và nhiều chim thường hay lui tới, người ta bắt sẻ bằng bẫy âm thanh mất rồi.

Tiếng loa có thu sẵn tiếng sẻ được ông chú lạ từ đâu đến cắm ngay bên trụ điện lưới mới. 1 cái cây siêu dính trét đầy keo kèm theo mô hình khô mô phỏng, những con sẻ lầm tưởng đó là đồng loại của mình và rồi xà xuống.

Tôi muốn ra nói lý lẽ hoặc rằng đuổi họ đi 1 nơi khác. Cả tôi và em tôi đều cảm thấy khó chịu vì điều này. Tuy nhiên được lần này chứ mấy lần tới cũng chẳng khác. Ông bác cùng thôn tôi vẫn cứ thế, hết bắt sẻ, chim cu gáy lại bẫy chào mào. Tôi ghét lắm nhưng bố mẹ bảo tôi không được nói vì như thế sẽ hỗn. Nhưng mà làm sao chịu nổi khi mảnh vườn nhà tôi chăm chút, đất lành chim đậu, chúng đến ở và sinh ra những lứa con lại tiếp tục bị đe dọa.

Tôi tự nghĩ, không biết trong đám chim chóc bị sập bẫy sẽ có bao nhiêu con còn có con non và có bao nhiêu quả trứng mới ấp chưa kịp nở thành hình, thành dạng. Ắt hẳn rồi chúng sẽ chết khô, rắn sẽ cắn, kiến sẽ tha bởi bố mẹ chúng bị người ta bẫy mất rồi.

You may also like

Leave a Comment