1. Xuân Diệu
Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, do quê quán quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng ông sinh tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
2. Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ của chúng ta đã sử dụng hơn 100 tên, biệt hiệu, bút danh. Xin giới thiệu 70 tên gọi, bút danh, bí danh, biệt hiệu Người đã sử dụng trước cách mạng Tháng Tám năm 1945.
3. Nam Cao
Ông Trần Hữu Đạt (em ruột nhà văn Nam Cao) kể: Rất nhiều bạn đồng môn, đồng hữu như ông Hoàng Tùng, Hoàng Cao và một số người có dịp gặp nhà văn đều gạn hỏi: Cớ sao ông lại lấy bút danh Nam Cao? Theo ông Trần Hữu Đạt, thì anh trai mình lấy bút danh là Nam Cao là do nhà văn ghép chữ đầu tên huyện (Nam) với chữ đầu tên tổng (Cao) để nhớ ơn mảnh đất nơi ông đã sinh thành.
“Nam Cao” còn có ý nghĩa là nước Nam, cao cả, cao sang… nữa. Nam Cao vốn là nhà văn có lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu nhân dân vô cùng sâu sắc. Nam Cao đã có những trang viết xứng đáng với niềm tin yêu, quý mến của quê hương ông. Bút danh Nam Cao sống mãi và tỏa sáng mãi với các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn: Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn, Đôi mắt…
4. Chế Lan Viên
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, ông sinh ngày 14/1/1920 tại Đông Hà (Quảng Trị). Ông lấy bút danh họ Chế, với bút danh này ông đã nổi tiếng ngay từ tuổi 17 với tập thơ “Điêu tàn”.
Trong bài giới thiệu tập tiểu luận “Những bước đường tư tưởng của tôi” của Xuân Diệu đăng trên báo Văn học 9 – 1958 ông ký bút danh Thạch Hãn.
Năm 1959 – 1963, Chế Lan Viên làm biên tập báo Văn học (nay là báo Văn nghệ), ông phụ trách chuyên mục “Nói chuyện văn thơ” gồm những bài trả lời bạn đọc về công việc bếp núc văn chương, ông ký tên là Chàng Văn.
Báo Văn học số 29 ra thứ sáu, 13/2/1959 đăng ở trang 16 mục “Nụ cười xuân”, Chế Lan Viên có in hai bài viết ngắn đả kích Mỹ Diệm là “Ngô bói Kiều” và “Lý luận Đờ Gôn” ông ký tên Oah (tức Hoan). Vậy là Chế Lan Viên có 4 bút danh.
5. Tản Đà
Tản Ðà là biệt hiệu (tên ghép của núi Tản và sông Ðà), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1888 lại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (Bắc phần). Thân phụ là cụ Nguyễn Danh Kế, thân mẫu là ả đào hát hay, thơ giỏi, thường gọi Phủ Ba.
6. Tô Hoài
Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: Sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.
7. Một số bút danh đặt theo lối chơi chữ
Ví dụ bút danh nhà thơ Thế Lữ là cách nói lái tên Nguyễn Thứ Lễ, hay nhà thơ Trần Huyền Trân tên thật là Trần Đình Kim, có người yêu cũng họ Trần nên lấy họ Trần làm bút danh Trần Huyền Trân (hai chữ Trần). Hay Nguyễn Tuân có bút danh Tuấn Thừa Sắc khá độc đáo (Tuấn bỏ dấu sắc sẽ thành Tuân).
Học Văn Chị Hiên