Trả lời bởi Prabhat Kiran, kỹ sư, nhà thiên văn nghiệp dư
——————————————
Danh sách sẽ thế này:
1. Không như những hiểu lầm phổ biến, lỗ đen thực chất không hút thứ gì cả. Có một suy nghĩ phổ biến rằng lỗ đen giống như máy hút bụi của vũ trụ: nó sẽ hút sạch mọi thứ xung quanh. Thực tế, lỗ đen cũng giống như mọi thiên thể khác trong vũ trụ, chỉ khác là nó có trường hấp dẫn rất mạnh.
Nếu bạn đặt một lỗ đen có khối lượng tương đương Mặt Trời vào vị trí ngôi sao chủ của chúng ta, Trái Đất sẽ không bị hút vào mà vẫn sẽ tiếp tục quay quanh lỗ đen giống như quay quanh Mặt Trời hiện tại vậy.
2. Lỗ đen sẽ “mì ống hóa” bạn và mọi thứ khác. Khi rơi vào lỗ đen, đầu bạn sẽ hướng về tâm lỗ đen và bị kéo dãn nhanh hơn chân bạn. Điều tương tự cũng xảy ra trên Trái Đất khi chân bạn bị tâm Trái Đất hút mạnh hơn là đầu. Lực thủy triều này gây ra “hiệu ứng mì ống”!
3. Lỗ đen có thể sinh ra các vũ trụ mới. Về mặt toán học, điểm kỳ dị Vụ Nổ Lớn tạo ra vũ trụ khớp với kết quả xung quanh một lỗ đen. Điểm kỳ dị ở trung tâm lỗ đen phá vỡ các định luật vật lý tiêu chuẩn; và về lý thuyết, có thể thay đổi các điều kiện này để sinh ra một vũ trụ mới, hơi khác một chút.
4. Lỗ đen làm biến dạng không gian xung quanh nó. Khi đặt một vật lên tấm vải, nó sẽ chùng xuống. Vật càng nặng thì vết lõm càng sâu. Hiện tượng này khiến tấm vải không còn phẳng nữa mà đã bị uốn cong. Các thiên thể làm không gian biến dạng và tạo ra những “cái giếng”; thiên thể càng nặng thì giếng này càng sâu. Và những cái giếng sâu nhất được tạo ra bởi lỗ đen: chúng sâu đến mức không thứ gì có đủ năng lượng để “trèo” ra, ngay cả ánh sáng cũng vậy.
5. Lỗ đen là nhà máy sản xuất năng lượng tối thượng. Lỗ đen có thể sản xuất năng lượng hiệu quả hơn cả Mặt Trời vì vật chất quay quanh nó rất nhanh và được gia nhiệt tới hàng tỷ độ. Dưới điều kiện này, khối lượng của vật chất có thể chuyển hóa thành năng lượng dưới dạng bức xạ vật đen. Để so sánh, phản ứng hợp hạch có thể chuyển hóa khoảng 0,7% khối lượng thành năng lượng. Điều kiện chung quanh lỗ đen có thể chuyển 10% khối lượng thành năng lượng.
6. Có một lỗ đen siêu nặng tại tâm Dải Ngân Hà. Trường hấp dẫn tại trung tâm mỗi thiên hà đều rất mạnh để có thể giữ mọi thứ lại với nhau. Lỗ đen Sagittarius A tại trung tâm Dải Ngân Hà nặng hơn Mặt Trời khoảng bốn triệu lần. Mặc dù lỗ đen này cách chúng ta gần 30.000 năm ánh sáng và hiện khá im ắng, nhưng các nhà khoa học tin rằng nó đã “phun” ra một vụ nổ có thể nhìn thấy từ Trái Đất vào hai triệu năm trước.
7. Lỗ đen có thể làm thời gian chậm lại. Do tác dụng từ trường hấp dẫn cực mạnh của lỗ đen nên những thiên thể ở gần nó đều quay rất nhanh. Theo Thuyết Tương Đối, khi tốc độ chuyển động của một vật càng nhanh thì thời gian của nó sẽ trôi càng chậm.
8. Lỗ đen có thể bốc hơi theo thời gian. Các lỗ đen không phải là bất tử vì chúng cũng có thể “chết” theo thời gian! Khám phá bất ngờ này được dự đoán lần đầu tiên năm 1974 bởi Stephen Hawking. Hiện tượng này được đặt tên là “bức xạ Hawking” theo tên ông. Bức xạ Hawking phân tán khối lượng của một lỗ đen vào không gian cho đến khi nó không còn lại gì nữa. Đây là lý do tại sao bức xạ Hawking còn được gọi là sự bay hơi của lỗ đen.
9. Về lý thuyết thì mọi thứ đều có thể trở thành lỗ đen. Mọi vật đều có thể trở thành lỗ đen nếu được nén tới giới hạn (bán kính Schwarzschild)! Khi mật độ khối lượng quá lớn thì lực hấp dẫn sẽ khiến thiên thể co sụp lại mà ngay cả ánh sáng cũng không thoát ra được. Nếu nén Mặt Trời xuống đường kính chỉ còn 6 km, thì nó cũng sẽ trở nên cực kỳ đặc và trở thành một lỗ đen. Điều này cũng có thể áp dụng cho Trái Đất hoặc cơ thể chính bạn, nhưng trên thực tế thì cách duy nhất mà ta biết để tạo ra lỗ đen là sự co sụp của một ngôi sao nặng từ 20 đến 30 lần Mặt Trời.
10. Bạn không thể trực tiếp nhìn thấy lỗ đen. Vì không có ánh sáng từ lỗ đen đến được mắt người quan sát, nên cách duy nhất để tìm kiếm lỗ đen là quan sát tác động của nó tới môi trường xung quanh. Lỗ đen xé toạc các ngôi sao và ngấu nghiến vật chất của chúng. Khi vật chất này tới gần lỗ đen, chúng sẽ càng nhanh và có nhiệt độ càng cao rồi phát ra tia X.
11. Lỗ đen có rất nhiều kích thước. Có ba loại lỗ đen. Lỗ đen nguyên thủy là nhỏ nhất: nó có thể chỉ bằng một nguyên tử cho tới nặng cỡ ngọn núi. Lỗ đen liên sao là loại phổ biến nhất: nặng hơn Mặt Trời khoảng 20 lần và nằm rải rác trong Dải Ngân Hà. Loại thứ ba là những gã khổng lồ nằm ở trung tâm các thiên hà: lỗ đen siêu khối lượng. Mỗi lỗ đen loại này nặng hơn Mặt Trời cả triệu lần.
12. Lỗ đen có một khoảng cách an toàn. Lỗ đen có một vùng gọi là “điểm không thể quay trở lại”: chân trời sự kiện. Đây là vùng mà lực hấp dẫn của lỗ đen vượt qua động lượng của vật chất quay quanh đĩa bồi tụ. Khi thứ gì đó vượt qua chân trời sự kiện, nó sẽ không thể quay đầu lại. Cầu photon là điểm mà tại đó photon không rời khỏi và cũng không rơi vào lỗ đen: nó chỉ tiếp tục quay trong đó. Khí và bụi từ tàn tích của các ngôi sao tới gần lỗ đen nhưng chưa rơi hẳn vào trong tạo thành một dải vật chất quay quanh chân trời sự kiện: đĩa bồi tụ.
Nguồn tham khảo:
[1]https://www.sciencealert.com/10-mind-blowing-scientific…
[2]https://www.universetoday.com/46687/black-hole-facts/
[3]https://space-facts.com/black-holes/
Theo: Hoàng Hải Đăng