Những dòng thư cuối cùng bác mình gửi về cho gia đình.

by admin

27/7 là ngày Thương binh – Liệt sĩ nên hôm nay mình xin chia sẻ câu chuyện nhỏ về bác mình – một liệt sĩ trong Kháng chiến chống Mỹ.

Trước đây khi ông nội còn sống, ông hay kể là bác mình đúng ra không cần phải đi lính vì trong gia đình đã có 1 liệt sĩ rồi. Nhưng bác mình không chịu, nhất quyết xin viết thư cùng một số thanh niên trong làng xung phong ra trận. Ngày đó chiến tranh ác liệt quá nên thư xin nhập ngũ của bác được nhận luôn.

Bên dưới đây là một trong những bức thư cuối cùng bác mình gửi về cho chị gái, năm đó bác mình 17 tuổi. Trong thư có một số chỗ viết khác chính tả hiện giờ và cách hành văn cũng không được trau truốt. Có lẽ do bức thư này được viết năm 1971 và của một chàng thanh niên quê nên mong mọi người đừng khắt khe quá nhé.

Trong thư bác mình có đề cập đến việc rất đau khổ khi không được gặp chị gái lần cuối, không được gặp bà trước khi bà mất và bác cũng nhắc rất nhiều đến “lần cuối cùng”. Có lẽ bất kì người chiến sĩ nào khi ra trận cũng đã xác định ra đi không hẹn ngày trở lại và bác mình cũng thế. Trong thư bác cũng đề cập đến cuộc sống khó khăn, vất vả nơi rừng núi phía Bắc cũng như những lúc buồn bã, chán nản. Trước đó khi còn ở quê nhà, dù cuộc sống khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc thì vẫn có sự đùm bọc của cha mẹ, nào đã bao giờ ra khỏi lũy tre làng, nghe tiếng bom rơi đạn lạc ngay cả trong lúc ngủ như thế. Tuy nhiên, bên cạnh cảm xúc chân thật của một thanh niên mới lớn, bác mình vẫn nung nấu lý tưởng của thời đại, đó là tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ quê hương, trả thù cho những người đã ngã xuống.

Bức thư này được viết vào tháng 4/1971 thì bác mình hy sinh vào tháng 10 cùng năm, khi chưa tròn 18 tuổi. Bác hy sinh khi đang hành quân gần khu vực đường 9 nam Lào, đến giờ gia đình vẫn chưa tìm được bác. Khi gặp lại đồng đội của bác để có thêm thông tin tìm kiếm thì gia đình mình được biết rằng bác mất lúc đang trong rừng, thiếu thốn đủ đường nên đồng đội chỉ có thể quấn võng bạt xung quanh rồi chôn tạm bợ, đến nén hương cũng không có để thắp.

Sau này, theo di nguyện của ông bà nội, bố và chú của mình sau khi thu thập thông tin ở nhiều nơi thì có đi đến biên giới Việt Lào để tìm bác, trên đường trải qua khá nhiều câu chuyện đáng nhớ nên có lẽ mình sẽ kể sau. Chỉ là khi đến đúng vị trí được cho là nơi chôn cất bác thì mới biết hài cốt liệt sĩ khu vực này đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ ở Huế. Vậy là mọi người lại quay về Huế để tìm. Khi đến Nghĩa trang và tra vị trí thì người quản lý có nói hài cốt ở mộ này khi được quy tập về đã không còn gì cả. Có nghĩa là xương cốt đã hòa vào đất rồi, chỉ còn lại tấm vải bạt rách và bi đông nước thôi. Đến lúc này gia đình mình đã không còn manh mối nào để tìm bác nữa, cũng không xác định được trong mộ kia có phải di vật của bác mình không nên chỉ có thể hàng năm vào thắp nén nhang. Ngồi gõ lại thư của bác cho các bạn đọc mình lại nghĩ, không biết đã có bao nhiêu người như bác mình, ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ như thế, ước nguyện cuối cùng có lẽ là hòa bình được gặp lại người thân mà không được…

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ

….

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

(Thơ: Lê Anh Xuân)

You may also like

Leave a Comment