Những đứa trẻ mang thân xác người trưởng thành.

by admin

Bài viết này mang tính chất châm biếm khá mạnh, đề nghị mang não, giữ vững trái tim và bảo vệ chính mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới rất tuyệt vời. Khi mà ăn uống, ngủ nghỉ không còn là mối lo nữa, chúng ta được vui chơi, được thỏa mãn những nhu cầu kể cả thể chất lẫn tinh thần.

Thế nhưng, cậu biết không, thế giới chúng ta đang sống thật ra cũng rất khắc nghiệt. Khi mà những đứa trẻ càng lúc càng phải bắt đầu học sớm hơn trước, với cường độ nhiều hơn, thời gian dài hơn, và khắc khe hơn. Khi mà những yêu cầu của người lớn đối với chúng càng đáng sợ hơn.

Bọn trẻ trưởng thành sớm hơn rất nhiều. Bởi vì thân xác chúng phát triển nhanh hơn, dậy thì sớm hơn, trông chúng có vẻ lớn hơn nhiều so với chúng ta lúc tuổi đó, nên hình như người lớn hiện tại sắp quên đi chúng chỉ là những đứa trẻ.

Khi mà mạng xã hội bây giờ đang dạy bọn trẻ quá nhiều thứ, nên hay không nên, tốt hay không tốt, bọn trẻ đều học rất nhanh. Đến nổi, chúng ta cảm thấy chẳng thể giao tiếp, chẳng hiểu biết nhiều như chúng nó.

Khi mà chương trình học cải tiến ngày một nhiều, ngày một khó khăn, nhồi nhét đến căn phồng ra những kiến thức mà đáng lý chúng nó phải lớn hơn mới được tiếp xúc tới. Chúng ta cảm thấy, bọn trẻ đã đủ hiểu biết, dù tuổi còn nhỏ, nhưng đã đủ lớn để hiểu hết.

Bọn trẻ ngây thơ chẳng còn ngây thơ, biến thành lũ con nít ranh, lũ ranh con phiền nhiễu. Ba mẹ ngày càng bất lực khi theo không nổi sự tiến bộ của quốc gia, cũng như sự phát triển chóng mặt của suy nghĩ con trẻ. Dần dà, chúng biến tướng thành bỏ bê, mặt kệ, miễn là con vẫn ngoan là được.

Khi mà bao nhiêu đứa trẻ vì đã lớn trước khi thân xác kịp lớn, mà những thứ được học quá tạp nham, những thứ nên học thì chẳng học tới, trưởng thành, chúng biến thành những đứa con nít trong thân xác người lớn.

Chúng học được cách để yêu đương sớm hơn, nhưng lại không được chỉ cho cách để bảo vệ bản thân.

Chúng được học cách để trở thành học sinh xuất sắc, nhưng lại không được dạy cách để chơi đùa như những đứa trẻ.

Chúng được dạy cách để đánh nhau, bắt nạt, chúng học được tự do ngôn luận, học được quy chụp, điều khiển tâm lý, cô lập người khác, học được phản pháo trên mạng, mắng chửi làm tổn thương người khác một cách trực tiếp mà chẳng sợ hay cần bận tâm đến hậu quả.

Chúng được người lớn dạy cho cách nói tục chửi thề trước cả khi hiểu rõ ý nghĩa.

Đáng lý chúng nên được dạy cách cảm thông, cách im lặng, cách hiểu đúng câu chuyện thay vì bình luận vào những ngôn từ cực đoan có thể g.i.ế.t người trong những bài viết công khai khi còn chưa được xác thực.

Đáng lý chúng nên được dạy cách bảo vệ lập luận của bản thân thay vì cố gắng dìm người khác xuống để bao biện cho logic toàn lỗ hổng của mình.

Đáng lý chúng nên được dạy cách suy nghĩ logic và đúng đắn thay vì cố gắng tìm kiếm một đám đông để cố gắng chứng minh rằng mọi người nghĩ như vậy, nên chúng cũng như vậy.

Đáng lý chúng nên được dạy cách tránh né tiêu cực, thay vì nhấp liên tục vào những content giật tít trên mạng.

Đáng lý chúng nên được dạy cách chấp nhận, thay vì cố chấp vào một vài thứ phi lý và yêu cầu mọi người đồng tình dù xã hội đang muốn vả vào mặt chúng, thay vì bao biện rằng mình ít tuổi hơn, hay mình đã “già” , cần “kính già yêu trẻ”.

Đáng lý chúng nên được dạy cách phân biệt giữa bảo vệ quan điểm cá nhân và cố chấp giữ tư tưởng sai lầm.

Đáng lý chúng nên sống mãi với thân xác thiếu nhi đó để ta dễ dàng phân biệt người trưởng thành và con nít đội lốt người trưởng thành.

Thật là không may khi chúng ta chưa thể phát minh ra sản phẩm có thể giữ bề ngoài và tâm hồn đồng điệu về tuổi tác.

Đáng buồn thay, đáng buồn thay.

Khi xã hội càng ngày càng nhiều người, nhưng người thích tiêu cực, sống trên mạng càng lúc càng nhiều, còn người thật sự sống, thật sự quan tâm đến cuộc đời thì càng lúc càng ít.

Khi nạn “Đói drama” ngày càng lan rộng, công lý và nhân đạo bị càng nhiều người biến thành lý do cho việc bắt nạt, chửi rủa, sẵn sàng đẩy người ta vào bước đường cùng nếu cần thiết.

Khi mà sự thật chẳng còn là điều gì quá quan trọng nữa.

Thật đáng thương cho những đứa trẻ đó, khi mà tư tưởng còn chưa vỡ lòng, đã phải đối diện với việc lập luận và suy nghĩ bằng não, khiến cho chúng chẳng còn cách khác, ngoài việc lên mạng và thể hiện tâm hồn non nớt ngây thơ của mình.

Chúng ta cần phải thông cảm, nỗ lực né xa những đứa trẻ đó. Thật ra chúng cũng không cố tình đâu, thế giới này phát triển nhanh quá, chúng bị ép phải lớn.

You may also like

Leave a Comment