NHỮNG NGƯỜI NHỜ VÀO SỰ GIÚP ĐỠ CỦA HỌ HÀNG MÀ THAY ĐỔI CẢ CUỘC ĐỜI BÂY GIỜ RA SAO RỒI?

by admin

Chị J là cháu của em gái bà ngoại tôi, quê ở Sơn Đông, gia đình mấy đời đều làm nông, nghèo vô cùng. Hồi thi đại học, chị J muốn vào học viện quân đội trọng điểm vì được miễn học phí, lại được vào thẳng ngành quân đội nữa. Nhưng mà năm ấy cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, trường học chỉ nhận duy nhất một người mà thôi, chị J thi được hạng 8 nên trượt. Lúc này, em gái của bà ngoại mới tới tìm ông ngoại tôi nhờ giúp đỡ, vì ông từng là sĩ quan quân đội. Thời điểm này, bà ngoại tôi đã mất được mười mấy năm rồi. Ông ngoại tôi đúng là đã giúp được họ, ông liên hệ với hiệu trường của trường học đánh tiếng, cuối cùng họ không nhận người đứng đầu vào học nữa mà nhận chị J. Năm đó khi công bố kết quả thi, ông tôi ngồi chờ điện thoại tới tận 2 giờ sáng, dốc lòng dốc sức giúp đỡ chị.

Sau này, chị J lại muốn học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ,…đều là do ông ngoại tôi nhờ người giúp đỡ. Đúng vậy, bạn không đoán sai đâu, lần thi nào chị ấy cũng trượt. Thế nhưng, nhờ vào quan hệ mà chị ấy từng bước học lên tận học vị sau tiến sĩ, có được hộ khẩu ở Bắc Kinh, trong thời gian đi học, vì là học viện quân đội nên còn được trợ cấp 5000 – 10000 tệ mỗi tháng nữa (~17.5 triệu – 35 triệu).

Sau đó nữa, chị ấy kết hôn cùng với một đồng nghiệp cũng là nghiên cứu sinh. Nhà anh này cũng có một người họ hàng khác là sĩ quan quân đội, vẫn thường xuyên để mắt tới anh ấy. Sau khi hai người họ kết hôn, công việc của chị J cũng được người này giúp đỡ rất nhiều.

Đến bây giờ chị J đã 35 tuổi, tốt nghiệp học vị sau tiến sĩ, làm việc trong viện nghiên cứu, thế nhưng chị ấy vẫn luôn bất mãn với công việc của mình. Về phương diện công việc, ông ngoại của tôi đã không thể giúp đỡ được gì nữa rồi. Năm ngoái nghe nói khi tới thăm ông ngoại tôi, chị ấy còn than trách với ông là cảm thấy bản thân mình bị xem nhẹ ở chỗ làm, kiếm tiền ít, không có cơ hội phát triển lên, mà người họ hàng bên nhà chồng kia cũng chẳng giúp đỡ chị ấy được bao nhiêu. Chị ấy cảm thấy mình nên làm giáo viên trong học viện quân đội (nhưng mà lúc tuyển dụng thì có rất nhiều người cùng cạnh tranh vào cái suất đó). Lúc đó, tôi đã cảm thấy hơi ngờ ngợ rồi, trong lòng nghĩ thầm: Chị ấy oán trách gia đình chồng không giúp được mình, vậy thử lật ngược lại, có phải chị ấy cũng sẽ oán trách ông ngoại tôi đã không giúp được gì nữa rồi hay không?

Hôm nay về thăm ông ngoại, cảm nhận được giọng điệu của ông khi nhắc về chị không còn xem trọng như xưa nữa. Nguyên nhân là vì, chị J nhiều lần mang quà tới thăm ông đều là đồ hỏng, thậm chí có món là hết hạn rồi. Mỗi năm chị ấy đều gửi biếu ông một thùng táo to, như trước đây đều là đồ ngon cực phẩm, còn bây giờ thì lại toàn là mấy quả bị dập và để lâu ngày. Ban đầu ông ngoại tôi cũng không muốn nói, nhưng về sau không nhịn được nữa, cực kỳ uyển chuyển nói với chị J, đồ hỏng rồi thì không cần gửi tặng nữa đâu. Cũng từ đó, ông hoàn toàn thất vọng về chị.

Chuyện này khiến tôi suy nghĩ khá nhiều, không chỉ vì những suy nghĩ ích kỷ tư lợi, không từ thủ đoạn của chị ấy, mà điều khiến tôi thấu rõ hơn hết là lý do vì sao con người ta lại trở nên kiêu ngạo mù quáng, không biết biết ơn người đã giúp đỡ mình sau khi đã trải qua nhiều hoàn cảnh thuận lợi cũng như nhận được nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài như thế. Lần than trách kia của chị J đã thể hiện rõ rằng chị ấy muốn tiến xa hơn nữa. Chị ấy cảm thấy mình chưa leo lên cao được như ý muốn là do người họ hàng bên nhà chồng chưa giúp chị ấy đủ nhiều.

Vì thế, điều mà một người ngoài như tôi nhìn vào chỉ thấy rằng là: Chị J cho rằng mình đi được đến ngày hôm nay, trở nên giỏi giang ưu tú thế này, có được địa vị cao trong xã hội, hoàn toàn là nhờ vào sự thông minh, năng lực cũng như sự cố gắng của bản thân. Mọi người đều nên chiều theo chị, chỉ cần hơi không đạt được như yêu cầu của chị một chút thôi, chị sẽ oán trách chính ân nhân của mình. Trong khi sự thật lại là, nếu như không có ông ngoại tôi, có khi chị ấy vẫn còn đang ở quê làm ruộng chưa biết chừng.

-Cá-

You may also like

Leave a Comment