Vậy phải chăng Nỗi buồn chiến tranh là một “tiểu thuyết đen” về chiến tranh, bấn loạn, “rối bời” và đầy những hình ảnh kinh hoàng về chiến tranh giải phóng dân tộc và những mảnh đời chiến bại của những cựu chiến binh trong những năm tháng hậu chiến?
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một tác phẩm có số phận đặc biệt. Xuất bản lần đầu tiên năm 1990 với tiêu đề do các biên tập viên nhà xuất bản Hội nhà văn lựa chọn – Thân phận của tình yêu – chỉ một năm sau đó, cuốn sách đầu tay của nhà văn cựu chiến binh thuộc những thế hệ sinh viên đầu của Trường viết văn Nguyễn Du được tái bản với tiêu đề của chính tác giả – Nỗi buồn chiến tranh. Cũng trong năm đó, cuốn sách giành được giải thưởng của Hội nhà văn, một trong những giải thưởng văn chương quan trọng nhất ở Việt Nam. Khác với những tiểu thuyết khác cùng được trao giải trong năm này (Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Bến không chồng của Dương Hướng), sự lựa chọn của Hội đồng xét giải dành cho tác phẩm của Bảo Ninh đã khiến cho Nỗi buồn chiến tranh trở thành một trong những lựa chọn bị tranh cãi nhiều nhất trong số các giải thưởng văn chương của tổ chức văn học này cho đến hôm nay. Và sau đó là sự im lặng và lãng quên. Cuốn sách hầu như vắng bóng trong các công trình, các tác phẩm phê bình và các chuyên luận về văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Trong khi đó, ngay sau khi dành được giải thưởng ở Việt Nam, cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, được đánh giá một cách nồng nhiệt. Tờ Independent, một trong những nhật báo có uy tín của nước Anh, đã nhận xét về cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh:
Vượt ra ngoài sức tuởng tượng của người Mỹ, Nỗi buồn chiến tranh đi ra từ chiến tranh Việt Nam đã đứng ngang hàng với cuốn tiểu thuyết chiến tranh vĩ đại của thế kỷ, Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque (…) Một cuốn sách viết về sự mất mát của tuổi trẻ, cái đẹp, một câu chuyện tình đau đớn… một thành quả lao động tuyệt đẹp.
Gần mười lăm năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, những câu hỏi đặt ra từ chính tác phẩm dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ. Là một cuốn tiểu thuyết về tình yêu bi thảm trong chiến tranh – về Thân phận của tình yêu – hay là một tiểu thuyết về Nỗi buồn chiến tranh – những suy nghiệm của một cá nhân, một nhân vật có vấn đề (un héros problematique – khái niệm của Lukacs) về thực tại lịch sử? Là một cách tân nghệ thuật dẫn tới một độ chênh với “tầm đón nhận” của công chúng và giới phê bình hay là một cuốn sách suy đồi về chiến tranh? Những câu hỏi vẫn còn đó và sự im lặng hay lảng tránh không phải là một câu trả lời lý tưởng. Chúng ta chỉ thực sự hiểu một văn bản nếu chúng ta thực sự đã hiểu câu hỏi mà văn bản đó trả lời. (H.G.Gadamer)
1. Từ những thách thức của lối viết
Có thể khẳng định, ở thời điểm Nỗi buồn chiến tranh ra đời, Bảo Ninh là một trong những cây bút quan trọng góp phần làm nên một cuộc cách mạng trong nghệ thuật tiểu thuyết ở Việt Nam. Nhân vật chính trong tiểu thuyết của anh không phải là một con người hành động, anh không mô tả, kể, tái hiện lại đời sống xã hội của một con người (tồn tại trong xã hội, tiếp xúc với những nhân vật khác, xung đột và giải quyết xung đột…) để từ đó khái quát những vấn đề nhân sinh. Trái lại, anh tái hiện lại một thế giới tâm lý đầy những dằn vặt, ẩn ức, những hồi ức và những ám ảnh.
Toàn bộ thiên truyện được xây dựng trên một tình huống giả định về một tự sự hai lần hư cấu. Trước hết, đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của nhà văn – cựu chiến binh Kiên về tuổi thơ, tuổi trẻ, những năm tháng trận mạc, cuộc đời hậu chiến và chính hành trình viết tiểu thuyết của anh. Đó là một cuốn tiểu thuyết được sáng tạo trong những cơn dằn vặt tinh thần và những xung đột nội tâm khủng khiếp nhưng câm lặng của Kiên, một cuốn tiểu thuyết mãi mãi không bao giờ được hoàn thành. Đến lượt mình, cuốn sách lại được người trần thuật (xưng tôi, lộ diện trong phần cuối cùng của tiểu thuyết – mà qua sự hé lộ ít ỏi về tiểu sử, người đọc có thể biết rằng cũng là một nhà văn – cựu chiến binh) tiếp nhận, sắp xếp lại, định dạng và hoàn chỉnh lại trong dạng thức cuối cùng.
Những dạng thức kết cấu nói trên khiến cho Nỗi buồn chiến tranh trở thành một thách thức đối với việc đọc của công chúng ở Việt Nam, ít nhất cho đến thời điểm đó. Nó không có những xung đột nguời – người (ta – địch, người xấu – người tốt, người lạc hậu – người tiến bộ…) xuyên suốt toàn bộ thiên truyện. Nó không được phân chia thành những chương phần với những đường dây cốt truyện mạch lạc. Nó tương hợp với đời sống tinh thần của Kiên, một thế giới tâm lý đầy những ám ảnh và những dằn vặt khủng khiếp. Nó tạo nên cho người đọc một thứ cảm giác đúng như cảm giác của người kể chuyện khi lần đầu tiên tiếp xúc với toà núi non bản thảo của Kiên:
Một sáng tác dựa trên cảm hứng chủ đạo của sự rối bời.
Trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, sự thách thức đối với việc đọc còn được gia tăng bởi tính chất gây sốc của những chất liệu cấu thành. Sự bạo hành tràn ngập trong tác phẩm. Và song hành với bạo hành là những cái chết. Có cái chết buồn thảm như cái chết của cha và dượng Kiên hay cái chết của Can, người lính đào ngũ; có cái chết bi thảm như cái chết của những người đồng đội của Kiên trong chiến tranh. Có những hình ảnh trở thành một thứ âm bản của sử thi chiến tranh (mùa mưa, những cánh rừng đại ngàn, thời kỳ bài bạc, ma tuý “hồng ma”, mối quan hệ dị thường giữa những người lính trinh sát trong đơn vị của Kiên và những cô gái thủ kho trong rừng già…) Có hình ảnh buồn bã về ngày chiến thắng trĩu nặng những dự cảm kinh hoàng về sự tổn hại của nhân tính trong nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất.
Vậy phải chăng Nỗi buồn chiến tranh là một “tiểu thuyết đen” về chiến tranh, bấn loạn, “rối bời” và đầy những hình ảnh kinh hoàng về chiến tranh giải phóng dân tộc và những mảnh đời chiến bại của những cựu chiến binh trong những năm tháng hậu chiến?
2. Những mạch ngầm văn bản
Nỗi buồn chiến tranh là một tiểu thuyết hướng nội và chủ quan hoá triệt để. Những xung đột và những vận động cơ bản của tiểu thuyết đều diễn ra trong thế giới nội tâm của nhân vật. Mở ra bằng mùa mưa đầu tiên ở Cánh Bắc sau chiến tranh và cuộc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của Kiên trong những cánh rừng già, những dự cảm của Kiên báo hiệu những xung đột cơ bản trong cuộc đời anh. Những kỷ niệm có thể là êm đềm, có thể là ác hại nhưng đều đã để lại những vết thương mà tới bây giờ một năm đã qua, hay mười năm, hay hai mươi năm nữa vẫn còn đau, đau mãi. Dự cảm đó cụ thể dần thành ý thức về một cuộc đời khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng mà lòng tin và lòng ham sống không phải là những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của hồi tưởng. Hai xung đột nội tâm cơ bản trong cuộc đời của Kiên được anh ý thức một cách thiêng liêng thành một “thiên mệnh” chi phối sự sinh tồn của anh trong những ngày hậu chiến, “thiên mệnh” dẫn dắt anh trong hai cuộc phiêu lưu cuối cùng cả cuộc đời: hành trình tìm lại và phục sinh quá khứ và hành trình sáng tạo văn chương.
Song song với hành trình tâm tưởng tìm về ký ức là cuộc hành trình của sáng tạo văn chương. Mạch vận động này được khởi phát từ phần thứ hai của tiểu thuyết, từ những thôi thúc nội tâm về một cái viết kỳ lạ gắn liền với một “thiên mệnh” của cuộc đời, một cái viết xung đột với tất cả những tín điều văn chương mà Kiên vẫn tin tưởng và theo đuổi. Chỉ đến những phần cuối cùng của thiên truyện thì thiên chức ấy mới được hiển hiện trong một sự thức nhận toàn vẹn: những chân lý về chiến tranh, về trách nghiệm của chính anh – người sống sót sau chiến tranh – trong cuộc đời hậu chiến và về ý nghĩa thực sự của nghề viết văn. Đối với Kiên, một người sống sót qua những khủng khiếp của cuộc chiến, sống nghĩa là mang món nợ với những người đã khuất, đúng như anh thú nhận:
Thực ra thì trong chiến tranh Kiên được hưởng nhiều may mắn hơn thời bình, bởi vì trong chiến tranh anh đã được sống, chiến đấu, trưởng thành lên bên những người đồng chí thật tốt. Tuy nhiên, giá của sự may mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người đồng đội chí thiết nhất. Họ bị giết ngay trước mắt Kiên hoặc là đã chết trong vòng tay anh. Nhiều người đã chết để gỡ cho tính mạng Kiên. Nhiều người hy sinh bởi lỗi lầm của anh.
Và như vậy, đối với Kiên, sống gắn liền với trách nghiệm nói thay lời trăn trối của những nguời đã chết trong chiến tranh, những đồng đội thân yêu và ruột thịt, vô số và vô danh, những liệt sĩ của lòng nhân, đã làm sáng danh đất nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến, để làm cho tiếng nói chung của một thời đại đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh những chan chứa tình người không bị chìm vào quên lãng và sự vô tình của nền hòa bình thản nhiên hậu chiến. “Thiên mệnh” ấy chính là sức mạnh duy nhất duy trì cuộc sống thời hậu chiến của Kiên, là sức mạnh níu kéo anh lại với cuộc đời trong những phút giây cận kề cái chết và sự suy sụp tinh thần. Đó chính là con đường khiến cho Kiên trở thành một nhà văn tồn tại đến trót đời với thiên chức là một cây bút của những người đã hy sinh, là nhà tiên tri của những năm tháng đã qua đi, người báo trước thời quá khứ. Có thể nói, đối với Kiên, thiên chức văn chương cũng chính là thiên chức cuộc đời.
3. Thế giới nhân vật – biểu tượng và ý nghĩa
Có ba tuyến nhân vật chạy song song trong cuộc đời của Kiên: những người phụ nữ, những người đồng đội và những người thân (cha, mẹ, dượng). Đa phần trong số họ hiện diện trong hình hài của những ký ức, không tiểu sử, thậm chí, có những nhân vật chỉ là những tiếng nói vang vọng trong lương tâm của Kiên. Trong hành trình tâm tưởng của Kiên, ký ức về những người đồng đội luôn gắn liền với cái chết. Cái chết phản ánh bản chất hai mặt của chiến tranh. Nó gắn liền với bạo lực, thứ bạo lực tăm tối hủy diệt con người chà đạp, hành hạ, (…), làm nhục, (…), giết chết, (…) chôn vùi, quét sạch, tuyệt diệt, nó chà đạp lên nhân tính của con người, nó khơi dậy bạo lực và sự tàn bạo trong con người, sự dửng dưng với cái ác. Ở phương diện đó, vết thương khủng khiếp nhất mà chiến tranh để lại không chỉ là sự thương tổn và cái chết cụ thể mà quan trọng hơn, là sự chà đạp lên nhân tính. Ở một phía khác, cũng chính cái chết của những người đồng đội phản ánh một phương diện khác của chiến tranh: cái đẹp của tình người. Điều đó được đúc kết trong một chân lý thật đơn giản:
Những con người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi đời này nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống!
Tiếng nói, kỷ niệm và những hồi ức của những đồng đội đồng vọng vào dòng tâm tư của Kiên, chiếu dọi vào hiện thực tàn bạo của chiến tranh, làm phát lộ nỗi đau đích thực của con người trong chiến tranh – nỗi đau của nhân tính – và làm ngời sáng vẻ đẹp của tình người trong chiến tranh.
Hình tượng người phụ nữ trong Nỗi buồn chiến tranh có một sự đồng vọng với hệ thống hình tượng những người đồng đội đã chết của Kiên. Người phụ nữ không chỉ là ánh sáng cứu rỗi cuộc đời con người mà còn là nạn nhân của sự hủy diệt. Điều đó được biểu thị tập trung trong hình tượng Phương, người phụ nữ xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Đối với Kiên, Phương là người đánh thức tình yêu trong anh thời tuổi trẻ, là nguồn sức mạnh chập chờn trong quãng đời chiến trận của anh nhưng đồng thời, Phương cũng là một nạn nhân của chiến tranh, bị làm nhục ngay trong những giờ khắc khởi đầu của cuộc chiến và mối tình của họ mãi mãi là một mối tình đau khổ không thành với những vết thương không thể chữa lành trong cuộc sống thời bình. Cái chết của những người lính, sự tan vỡ của tình yêu và sự chà đạp nhân phẩm người phụ nữ là những mặt biểu hiện sức mạnh hủy diệt của chiến tranh, sức mạnh chà đạp lên đời sống con người.
Phạm Xuân Thạch / Phê bình văn học