Nói về Napoleon I – Phần 14: Viễn chinh Ai Cập (1798)

by admin

Nói về Napoleon I – Phần 14: Viễn chinh Ai Cập (1798) – Thắng trên bộ, bại trên biển
Tên các địa danh sẽ được in đậm để phân biệt với tên người.
Tên người Pháp trừ Napoleon sẽ in nghiêng để phân biệt với những người thuộc các thế lực khác.
Napoleon rời đảo Malta đến Ai Cập. Sau khi tránh bị phát hiện bởi Hải quân Hoàng gia trong 13 ngày, hạm đội Pháp đã nhìn thấy thành phố Alexandria và đổ bộ vào ngày 01/07, mặc dù ban đầu Napoleon định đổ bộ ở một nơi khác. Vào ngày đổ bộ, Napoleon nói với quân đội của mình: “Ta hứa bất kỳ người lính nào trở về từ lần viễn chinh này sẽ có đủ tiền để mua 3.1 ha đất”. Đồng thời ông cũng yêu cầu quân lính của mình tôn trọng văn hóa, tín ngưỡng địa phương, nói việc cướp bóc sẽ làm ô nhục mọi người và biến những người bằng hữu nơi đây thành kẻ thù: “Thành phố đầu tiên chúng ta đến được xây dựng bởi Alexander Đại đế. Chúng ta sẽ tìm thấy những thứ vĩ đại còn sót lại kích thích cả nước Pháp theo từng bước chân của chúng ta”.
Menou là người đầu tiên hướng đến Ai Cập và ông cũng là người Pháp đầu tiên đổ bộ xuống đây. Napoleon và Kléber đổ bộ cùng lúc và hội quân với Menou tối đó tại Marabou, cũng là nơi lá cờ ba màu của Pháp được dựng lên đầu tiên tại Ai Cập. Napoleon được thông báo rằng thành phố Alexandria có ý định chống lại ông nên ông nhanh chóng đưa một lực lượng lên bờ. 2 giờ sáng ông bắt đầu hành quân với 3 đạo quân, gây bất ngờ cho quân canh giữ khi xuất hiện phía dưới tường thành Alexandria và hạ lệnh công thành – quân địch nhanh chóng bỏ chạy. Thành phố không có thời gian đầu hàng và hoàn toàn bất lực trước người Pháp. Trái ngược với mệnh lệnh của Napoleon, quân Pháp đã xông vào thành phố.
Cũng vào ngày 01/07, trên kỳ hạm L’Orient, Napoleon đã viết một thông báo cho toàn thể cư dân Hồi giáo của Alexandria. Ông tuyên bố Ai Cập đã nằm dưới ách thống trị của chính quyền Mamluks quá lâu, và ông là một người bạn, mang quân đến giải phóng họ, giải phóng ‘vùng đất xinh đẹp của thế giới’. Ông đến không phải để tiêu diệt tính ngưỡng của họ, ông đến để khôi phục quyền lợi, trừng phạt những kẻ lạm quyền, và ông tôn trọng Thánh Allah, nhà tiên tri Muhammad, cũng như kinh Quran hơn cả người Mamluks. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước Chúa, trí tuệ, tài năng và đức hạnh là điều duy nhất khiến mọi người khác biệt với nhau. Ông đã đánh bại Giáo hoàng, hiệp sĩ Malta, những kẻ thù của đạo Hồi, nên ông là bạn của người Hồi giáo.
Tới đây mới nói, Napoleon cũng như Hitler, cả hai người đều không theo một tôn giáo nào rõ rệt, họ xem tôn giáo là một công cụ, phương thức để có thể lấy được lòng yêu mến của người dân. Hitler cũng đã có kế hoạch làm bạn với những người Hồi giáo ở Trung Đông để chống lại phe Đồng minh, còn Napoleon mặc dù là quốc gia Thiên chúa giáo nhưng tự xưng là bạn của người Hồi giáo, lại còn khoe khoang chiến tích đập anh Giáo hoàng với hiệp sĩ Malta, những biểu tượng của Thiên chúa giáo. Napoleon khi lên ngôi hoàng đế, thay vì để Giáo hoàng trao vương miện như những hoàng đế hay vua chúa châu Âu khác, ông lại tự mình đội vương miện cho mình, như chính cau nói của ông: “I saw the crown of France laying on the ground, so I picked it up with my sword” – Ta nhìn thấy vương miện của nước Pháp đang nằm trên mặt đất, thế nên ta nhặt nó lên bằng thanh kiếm của mình.
Khi toàn bộ quân viễn chinh đã đổ bộ, Đô đốc Brueys nhận lệnh đưa hạm đội đến vịnh Aboukir trước khi thả neo hạm đội chiến đấu tại cảng cũ của Alexandria nếu có thể hoặc đưa hạm đội đến Corfu. Những biện pháp phòng ngừa này để bảo vệ hạm đội tránh hạm đội của Anh đang đến, vì họ vốn đã được nhìn thấy gần Alexandria khoảng 24 trước khi hạm đội Pháp đến. Đây là một quyết định khôn ngoan tránh rủi ro của một trận hải chiến – một thất bại sẽ là thảm họa và quân đội tốt hơn nên hành quân bằng đường bộ với tốc độ nhanh nhất đến Cairo để đe dọa các chỉ huy quân địch cũng như gây bất ngờ cho họ trước khi họ kịp tổ chức bất kỳ phòng ngự nào.
Tướng Louis Desaix hành quân xuyên sa mạc với sư đoàn của mình và 2 khẩu pháo, ông đến Demenhourcách Alexandria 24 km vào ngày 06/07. Trong khi đó, Napoleon rời Alexandria, để Kléber chỉ huy lực lượng đồn trú tại đây. Tướng Dugua hành quân đến Rosetta cùng mệnh lệnh chiếm giữ lối vào hải cảng của hạm đội Pháp, hạm đội lúc này đã xuôi dòng hướng về Cairo phía bờ trái và hội quân với lục quân tại Rahmanié. Vào ngày 08/07, Napoleon đến Demenhour, nơi ông gặp quân đội đã hội quân và ngày 10/07 họ hành quân tới Rahmanié, nơi sau đó họ chờ hạm đội tiếp viện. Hạm đội đến vào ngày 12/07 và lục quân tiếp tục hành quân trong đêm, theo sau là hạm đội.
Cơn gió thổi bất ngờ buộc hạm đội trôi về phía trái của lục quân thẳng đến hạm đội quân địch, vốn được yểm trợ bởi hỏa lực của 4,000 Mamluks, với nông dân Arabs tiếp viện. Hạm đội Pháp có quân số áp đổi nhưng vẫn mất vài pháo hạm vào tay kẻ thù. Thu hút bởi tiếng súng, Napoleon lệnh cho lục quân xung phong và tấn công ngôi làng Chebreiss, sau đó chiếm được ngôi làng sau 2 tiếng ác chiến. Quân địch tháo chạy hỗn loạn về Cairo, bỏ lại 600 xác chết trên chiến trường.
Sau 1 ngày nghỉ ngơi tại Chebreiss, lục quân Pháp tiếp tục tiến lên. Ngày 20/07, họ cách làng Embabé chỉ 800 mét. Sức nóng khiến họ gần như không thở nổi và cả đội quân kiệt sức cần nghỉ ngơi, tuy nhiên do không đủ thời gian nên Napoleon đã kéo 25,000 quân đi tiếp cho một trận đánh chỉ cách Kim tự tháp Giza 15 km: Trận Kim tự tháp.
Diễn ra vào ngày 21/07, 20,000 quân Pháp dưới sự chỉ huy trực tiếp của Napoleon chiến đấu chống lại 25,000 quân Mamluks do Murad Bey chỉ huy. Trong một quyển sách viết sau này, có đề cập đến câu nói của Napoleon với các binh sĩ trước khi ra lệnh tấn công: “Soldiers, remember that from the top of these pyramids, 40 centuries of history contemplate you” – Binh sĩ, hãy nhớ rằng từ đỉnh của những kim tự tháp kia, 40 thế kỷ lịch sử đang nhìn ngắm chúng ta”.
Napoleon lệnh tiến công quân đội Murad với mỗi 5 sư đoàn tổ chức thành một hình chữ nhật rỗng, hành lý bên trong, pháo ở các góc. Quân Pháp tiến về phía nam theo đội hình bậc thang, cánh phải dẫn đầu và cánh trái được sông Nile bảo vệ. Từ phải tới trái, Napoleon cho các sư đoàn của Louis Charles Antoine Desaix, Jean-Louis-Ébénézer Reynier, Charles-François-Joseph Dugua, Honoré VialLouis André Bon sắp xếp theo thứ tự. Ngoài ra, Desaix cũng cho một biệt đội nhỏ chiếm ngôi làng Biktil gần đó ở phía tây. Murad để cánh phải đóng bên bờ sông Nile tại làng Embabeh, lúc bấy giờ đã được xây dựng công sự và phòng thủ bởi bộ binh cùng một số đại bác cổ. Kỵ binh Mamluk của ông triển khai bên cánh sa mạc. Ibrahim, chỉ huy thứ hai của quân Mamluks, với đạo quân thứ hai của mình chỉ biết đứng nhìn từ bờ đông sông Nile, muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm. Sử gia cho rằng Napoleon với 25,000 quân đã áp đảo số lượng quân của Murad gồm 6,000 kỵ binh Mamluk và 15,000 bộ binh.
Khoảng 15:30, kỵ binh Mamluk bắt đầu tấn công người Pháp. Các sư đoàn đã tạo thành đội hình vuông của Desaix, ReynierDugua đã đứng vững và đẩy lùi cuộc tấn công bằng súng hỏa mai và pháo. Không thể kích phá đội hình quân Pháp, một số kỵ binh Mamluks thất vọng đã chuyển sang tấn công biệt đội của Desaix. Nhưng họ cũng thất bại luôn. Trong khi đó, gần con sông, sư đoàn của Bon triển khai thành đội hình tấn công và xông thẳng về Embabeh. Chọc thủng phòng ngự của ngôi làng, quân Pháp tiêu diệt quân phòng thủ. Bị mắc kiệt giữa quân Pháp và con sông, nhiều kỵ binh Mamluk và bộ binh đã cố gắng bơi qua sông để trốn chạy, kết quả hàng trăm người chết đuối (sông Nile thì cũng không phải con sông nhỏ, mặc dù không phải là con sông lớn nhất nhưng cũng là con sông dài nhất hành tinh). Napoleon được các sĩ quan báo cáo 29 người thiệt mạng và 260 người bị thương. Thương vong phía Murad nặng nề hơn nhiều, với hơn 3,000 kỵ binh Mamluk không thể thay thế đã thương vong cùng một số thương vong bộ binh không rõ. Murad trốn chạy lên Thượng Ai Cập, sau đó ông tổ chức chiến dịch du kích trước khi bị đánh bại bởi Desaix cuối năm 1799.
Khi nghe tin chiến bại của lực lượng kỵ binh Mamluk huyền thoại, quân đội Mamluk còn lại đang đóng ở Cairo hoảng loạn và lui về Syria để tái tổ chức lại quân đội. Trận Kim tự tháp được xem như là dấu hiệu cho sự kết thúc 7 thế kỷ người Mamluk cai trị Ai Cập. Đáng tiếc, bất chấp khởi đầu được xem là cực kỳ tốt, tốt hơn cả chiến dịch Italia, với trận thắng mang tính biểu tượng này, chỉ 10 ngày sau, Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh Horatio Nelson đã dội cả một xe bồn nước lạnh vô mặt Napoleon, với chiến thắng tại Trận sông Nile, kết thúc luôn tham vọng chiếm Trung Đông của anh Na nhà ta, và biến cả chiến dịch viễn chinh Ai Cập vốn đầy hứa hẹn này, thành một thảm họa đáng quên trong sự nghiệp của Napoleon.
Các tàu vận chuyển đã giong buồm về Pháp, nhưng hạm đội chiến thuyền vẫn ở lại để có thể yểm trợ hỏa lực cho lục quân dọc theo bờ biển. Hạm đội Anh dưới sự chỉ huy của Đô đốc Horatio Nelson đã tìm kiếm hạm đội Pháp trong vô vọng hàng tuần lễ. Hạm đội Anh đã không phát hiện kịp để ngăn chặn người Pháp đổ bộ lên Ai Cập (phát hiện kịp thì anh Na đã làm mồi cho cá rồi, chứ đâu có chuyện của mười mấy năm sau nữa). Nhưng ngày 01/08, Nelson phát hiện chiến hạm Pháp đang thả neo tại vịnh Abukir, nơi đây được phòng thủ rất nghiêm ngặt. Người Pháp tin rằng họ chỉ có thể bị tấn công từ một phía, vì bên còn lại được bảo vệ bằng bờ biển.
Sự thật đáng buồn là trong Trận sông Nile, hạm đội Anh đã cho phân nửa tàu của họ chen vào giữa tàu Pháp và đất liền, đơn giản là do các thuyền trưởng Pháp không làm đúng yêu cầu và bản thân đô đốc hải quân Pháp Brueys cũng đã tính sai khi chừa khoảng cách đủ lớn để tàu Anh có thể chen vào. Bằng cách đó, hải quân Anh đã cho hải quân Pháp ăn hành ngập miệng từ cả hai phía. Thậm chí, do không ngờ đến việc này, các họng pháo bên mạn thuyền hướng về phía bờ biển cũng không mở ra, và người Pháp chất đủ thứ đồ bên phía đó, nên khi bị tấn công, họ không kịp thời triển khai pháo bên mạn thuyền này bắn trả.
Kết quả chỉ trong vài giờ, mặc dù lực lượng hai bên là 15 tàu Anh tấn công 17 tàu Pháp, nhưng trong khi phía Anh không mất chiếc tàu nào, 218 người chết và 677 người bị thương, thì hạm đội Pháp gần như bị hủy diệt: 2 tàu chiến tuyến (ship of the line) bị chìm, 9 tàu chiến tuyến khác bị chiếm, 2 tàu hộ vệ (frigates) bị đánh chìm, 4 chiếc còn lại chạy thoát. Thậm chí, kỳ hạm L’Orient của Pháp (chiếc này anh Na ngồi tới Ai Cập, soạn thông cáo cho dân Alexandria này nọ đồ) cũng bị nổ kho thuốc súng banh xác. Brueys, đô đốc chỉ huy hạm đội, bị thương 2 lần trong suốt cuộc chiến, và suýt bị một trái đại bác xẻ làm hai, ông vẫn tiếp tục chỉ huy bằng cách ngồi trên một chiếc ghế bành trong phòng chỉ huy, do hai chân đã bị một phát đạn pháo chặt đứt. Vụ nổ của kỳ hạm ước tính đã giết chết khoảng 800 thủy thủ đoàn và ngọn lửa bốc lên có thể nhìn thấy từ xa hàng km. Thực ra Brueys bị chỉ trích ở Pháp vì cho tàu neo đậu mãi đến khi cuộc tấn công bắt đầu, cũng như những sai lầm chiến thuật. Tuy nhiên Napoleon đã nói: “If, in this disastrous event, he made mistakes, he expiated them by his glorious end” – Nếu, trong sự kiện thảm khốc này, ông ta đã phạm sai lầm, ông ta cũng đã chuộc lỗi bằng cái chết vẻ vang của mình”.
Kết quả này đi ngược lại với mong muốn củng cố vị thế của Pháp ở Địa trung hải, thay vào đó, đặt toàn bộ Địa trung hải vào vòng kiểm soát của người Anh. Tin thảm bại đến với Napoleon khi ông đang trên đường đến Cairosau khi bán hành cho Ibrahim, nhưng, thay vì lo lắng, Mullié đã kể lại phản ứng của vị hoàng đế tương lai: Sự kiện này tai hại này thậm chí không làm mất lòng Napoleon. Ông không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào trên mặt. Khi bình tĩnh đọc thông chiến báo đồng nghĩa ông và lính của ông đang bị cầm tù ở Ai Cập, Napoleon chỉ nói “Chúng ta không còn hải quân nữa. Chà! Chúng ta phải ở đây, hoặc rời đi như những người vĩ đại giống như cổ nhân đã làm”. Phản ứng mạnh mẽ này khiến quân đội vui mừng, tuy nhiên người Ai Cập bản địa xem chiến bại này là điềm tốt để họ đánh đuổi những kẻ xâm lược đang cố gắng áp đặt họ bằng vũ lực ngay trên chính đất nước của họ.
Hải chiến chưa bao giờ là điều quân Pháp tự hào, mà thật ra cho đến thế chiến thứ hai, hải quân hoàng gia Anh mới là ông kẹ của cả thế giới, tiếp theo là hải quân Tây Ban Nha, hải quân Hà Lan. Ngược lại, lục quân chưa bao giờ là thế mạnh của Anh (chỉ có lính trường cung thời Trung cổ của Anh là đủ mạnh, mạnh như hack game), lục quân, xưa nay là cuộc chiến của Pháp và Đức, sau này thêm anh Liên Xô (lính đông như kiến, giết 5 triệu xong lại lòi ra thêm 5 triệu, chơi vậy ai chơi lại).
Thực ra chiến dịch Ai Cập, như đã nhắc đến ở trên, là một thảm họa quân sự với Napoleon, tuy nhiên với khả năng tuyên truyền của mình, ông đã biến nó thành một thành công rực rỡ (năng lực tuyên truyền thuộc hàng top của anh Na, vậy nên có rất nhiều tranh vẽ về các chiến thắng, các trận đánh của ảnh). Dù là thiên tài về quân sự, như ông đã từng nói: “Ability is nothing without opportunity” – Năng lực chả là gì nếu như không có cơ hội. Lần viễn chinh này, năng lực thì ông có, nhưng cơ hội đã bị hạm đội Anh tước mất.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, dù là thảm họa về mặt quân sự (do hải quân quá phế), nhưng ông lại đạt nhiều thành tựu tại đây, Napoleon được gọi là vĩ nhân, cũng không phải đơn giản vì tài hoa quân sự của ông, mà còn nhiều khía cạnh khác.
Phần sau mình sẽ tìm một số tư liệu về các thành tựu của ông tại Ai Cập để mọi người cùng xem. Đánh đấm suốt chắc mọi người cũng ngán.
Hết phần 14.
#Napoleon #Napoleonphan14





You may also like

Leave a Comment