Theo chuyên trang khoa học Livescience, khoảng cách trung bình của Trái Đất so với Mặt trời đang tăng lên, xấp xỉ 6 cm một năm. Sự gia tăng đó được cho là không là gì so với sự thay đổi khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt trời xảy ra hàng năm do quỹ đạo hình elip của hành tinh xanh.
Vào những thời điểm khác nhau trong năm, khoảng cách gần nhất giữa Trái Đất và Mặt trời là 147 triệu km và xa nhất là 152 triệu km.
Giới chuyên gia cho biết hiện tượng Trái Đất ngày càng dịch chuyển ra xa Mặt trời cho thấy hệ Mặt trời đang bị lão hóa. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng trên là do Mặt trời bị mất khối lượng liên tục. Các nhà khoa học tính toán với tốc độ di chuyển như hiện nay, nhiệt độ Trái Đất sẽ hạ một chút sau 1 tỷ năm, với năng lượng Mặt trời tác động vào Trái đất ít hơn khoảng 0,4%.
Sau 5 tỷ năm, Mặt trời sẽ chết. Sau khi cạn nguồn hydro, Mặt trời sẽ đốt cháy thành phần trong lõi, khiến nó ngày càng phình ra. Cũng trong thời gian đó, Mặt trời đủ sức đun nóng các đại dương trên Trái Đất và khiến hành tinh xanh không còn là nơi thích hợp cho con người duy trì sự sống. Hầu hết các mô hình thiên văn dự đoán một khi Mặt trời trở thành một quả cầu khổng lồ đỏ, nó sẽ nuốt chửng Trái Đất khi kích thước giãn nở ra 100 lần.