NƯỚC MỸ ĐÃ TIẾN BỘ NHƯ THẾ NÀO (P.III): NỖ LỰC XÂY DỰNG XÃ HỘI ĐA DẠNG VÀ NHÂN VĂN HƠN

by admin

“Tôi mơ ước có một ngày kia, trên những ngọn đồi cháy đỏ bang Georgia, con cái của những người nô lệ và của chủ nô xưa có thể ngồi bên nhau như những người anh em”

• Martin Luther King Jr, 1963 –

** NHỮNG CĂN NGUYÊN CỦA PHONG TRÀO ĐÒI QUYỀN CÔNG DÂN **

Những năm sau chiến tranh, người Mỹ gốc Phi đã trở thành vấn đề ngày càng căng thẳng. Trong chiến tranh, họ đã đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển dụng lao động, và họ đã đạt được những thành quả nhất định.

Hàng triệu người Mỹ da đen đã rời bỏ các nông trại miền Nam lên các thành phố miền Bắc nơi họ hy vọng sẽ tìm được công ăn việc làm tốt hơn. Thay vì những gì mơ ước, họ chỉ tìm được một chỗ ở chật chội, chen chúc trong các khu nhà ổ chuột tại các đô thị. Giờ đây các quân nhân người Mỹ da đen đã trở về quê nhà, và nhiều người trong số họ kiên quyết không chấp nhận thân phận công dân hạng hai của mình.

Jackie Robinson đã khuấy động vấn đề chủng tộc vào năm 1947, khi anh phá vỡ ranh giới màu da trong bóng chày và bắt đầu chơi cho các giải đấu bóng chày lớn hơn. Khi là thành viên của đội bóng Brooklyn Dodgers, anh thường phải đối mặt với những rắc rối do đối thủ cũng như các cầu thủ cùng đội gây ra.

Những mùa thi đấu đầu tiên xuất sắc đã dẫn tới việc người ta phải thừa nhận tài năng của anh và khiến sự nghiệp thi đấu của những cầu thủ da đen khác trở nên dễ dàng hơn. Những cầu thủ này bắt đầu rời khỏi các đội bóng chày của người da đen mà trước kia, họ buộc phải thi đấu ở đó.

Các quan chức chính phủ và nhiều người Mỹ khác đã phát hiện thấy mối quan hệ giữa các vấn đề chủng tộc và các vấn đề chính trị trong Chiến tranh Lạnh. Với tư cách là người lãnh đạo thế giới tự do, Hoa Kỳ đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của châu Phi và châu Á. Nạn phân biệt chủng tộc trong chính nước Mỹ đã làm cản trở những nỗ lực lôi kéo đồng minh ở những khu vực khác trên thế giới.

Harry Truman đã ủng hộ phong trào đòi quyền công dân đầu tiên. Cá nhân ông tin vào quyền bình đẳng về chính trị, tuy ông không tin vào quyền bình đẳng xã hội, và ông đã công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của cử tri người Mỹ gốc Phi ở các đô thị.

Năm 1946, khi được thông báo về những vụ hành hình không hề xét xử của đám người phân biệt chủng tộc da trắng đối với người da đen và những hình thức bạo lực chống lại người da đen ở miền Nam, ông đã yêu cầu ủy ban Quyền Công dân có nhiệm vụ điều tra sự kỳ thị chủng tộc và tôn giáo.

Bản báo cáo có nhan đề là Để đảm bảo những quyền con người này, được công bố vào năm sau đó, đã minh chứng rõ ràng địa vị hạng hai của người da đen trong đời sống xã hội Mỹ và đã khuyến nghị rất nhiều biện pháp mà Chính phủ Liên bang cần thực hiện nhằm bảo đảm những quyền vốn được dành cho tất cả công dân.

Truman đã phản ứng bằng việc gửi tới Quốc hội một chương trình 10 điểm về quyền công dân. Các thành viên thuộc Đảng Dân chủ miền Nam trong Quốc hội đã cản trở việc thông qua chương trình này. Một số người giận dữ nhất, đứng đầu là Strom Thurmond, Thống đốc bang Nam Carolina, đã thành lập nên Đảng Bang quyền năm 1948 để phản đối Tổng thống.

Truman đã cho ban hành một sắc luật cấm kỳ thị chủng tộc trong việc tuyển dụng nhân viên cho các cơ quan Liên bang, ra lệnh đối xử bình đẳng trong các lực lượng vũ trang và yêu cầu một ủy ban có nhiệm vụ chấm dứt nạn chia rẽ sắc tộc trong quân đội. Cuối cùng, nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội cũng đã chấm dứt vào thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.

Trong những năm 1950, người Mỹ da đen ở miền Nam được hưởng rất ít (nếu không nói là không được hưởng) quyền công dân và quyền chính trị. Nhìn chung, họ không có quyền bầu cử. Những người cố gắng ghi tên vào danh sách cử tri đều có thể bị đánh đập, mất việc làm, mất tín nhiệm hoặc bị trục xuất ra khỏi nơi cư trú. Các cuộc hành hình không xét xử vẫn tiếp diễn. Các luật Jim Crow đã thực hiện sự chia rẽ sắc tộc trên ôtô, tàu hoả, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, những cơ sở giải trí và trong công ăn việc làm.

Đến năm 1960, nước Mỹ đã sắp sửa chứng kiến sự thay đổi xã hội lớn lao. Xã hội Mỹ luôn là một xã hội cởi mở và linh hoạt hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, xã hội Mỹ cho đến thời điểm đó vẫn do người da trắng thống trị.

Trong những năm 1960, các nhóm dân cư trước kia không có tiếng nói hoặc bị coi là thuộc tầng lớp dưới đã trở nên mạnh mẽ hơn và đã đạt được thành công trong việc đòi quyền dân sự ở các phong trào như: phong trào của người Mỹ gốc Phi, của người da đỏ, phụ nữ, con cái của các dân tộc da trắng mới nhập cư và người châu Mỹ La-tinh.

Phần lớn sự ủng hộ mà họ nhận được đến từ tầng lớp thanh niên đông đảo hơn bao giờ hết, một tầng lớp thanh niên được tiếp cận với hệ thống các trường cao đẳng và đại học đang phát triển với tốc độ chưa từng có trong lịch sử.

Thường đua theo những lối sống phản văn hóa và các hệ tư tưởng chính trị cấp tiến, nhiều con cái của thế hệ Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã nổi lên như những người vận động cho một nước Mỹ mới mà đặc trưng của nó là sự đa văn hóa và đa sắc tộc – một xã hội mà trước đây, ông cha họ thấy khó có thể chấp nhận được.

** CHẤM DỨT SỰ CHIA RẼ SẮC TỘC **

Hiệp hội Quốc gia vì Tiến bộ của Người Da màu (NAACP) đã đi tiên phong trong những nỗ lực lật đổ giáo điều tư pháp đã được thiết lập trong một vụ kiện ở Tòa án Tối cao, vụ Plessy kiện Ferguson năm 1896, trong đó, sự chia rẽ sắc tộc của các học sinh da đen và da trắng ở trường học là hợp hiến nếu cơ sở và phương tiện học tập là riêng biệt nhưng bình đẳng.

Phán quyết đó đã được thực thi suốt nhiều thập niên, càng làm nghiêm trọng hơn sự chia rẽ sắc tộc nghiệt ngã ở miền Nam nơi mà những cơ sở và phương tiện rất hiếm khi, nếu không nói là chẳng bao giờ, bình đẳng.

Người Mỹ gốc Phi đã đạt được mục tiêu của họ trong việc lật lại bản án Plessy vào năm 1954 khi Tòa án Tối cao – được chủ trì bởi người do Eisenhower chỉ định – Chánh án Tòa án Tối cao Earl Warren – đưa ra phán quyết của mình trong vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục.

Tòa đã nhất trí tuyên bố rằng “Các cơ sở và phương tiện học tập riêng rẽ bản thân nó vốn đã là không bình đẳng và do đó, sắc lệnh giáo điều riêng biệt nhưng bình đẳng sẽ không còn được áp dụng tại các trường công”. Một năm sau đó, Tòa án Tối cao yêu cầu các hội đồng trường học ở địa phương phải thực thi quyết định này với nhịp độ khẩn trương.

Mặc dù cảm thông với những nhu cầu của miền Nam khi miền này đang trải qua sự chuyển đổi lớn, song Eisenhower vẫn hành động nhanh chóng để chứng tỏ rằng luật pháp được tuân thủ trước sự phản đối từ phần lớn các bang miền Nam.

Eisenhower phải đối mặt với một vụ khủng hoảng lớn ở Litter Rock, bang Arkansas vào năm 1957, khi Thống đốc bang này, Orval Faubus, có ý định cản trở một kế hoạch chấm dứt sự chia rẽ sắc tộc khi kêu gọi việc nhận chín học sinh da đen vào Trường Trung học Trung tâm của thành phố vốn trước đây chỉ dành cho học sinh da trắng. Sau khi nỗ lực đàm phán không có kết quả, Tổng thống Eisenhower đã cử quân đội liên bang xuống Little Rock để cưỡng chế thực thi kế hoạch này.

Thống đốc Faubus đã đáp trả bằng cách ra lệnh đóng cửa các trường trung học ở Little Rock trong năm học 1958-1959. Tuy nhiên, một tòa án liên bang đã ra lệnh mở cửa lại các ngôi trường này vào năm sau đó. Các trường học đã mở cửa nhưng không khí rất căng thẳng, với một số rất ít các học sinh Mỹ gốc Phi. Vì thế, quá trình bãi bỏ nạn phân biệt chủng tộc trong trường học đã diễn ra rất chậm chạp và không triệt để tại hầu hết các bang miền Nam.

Một dấu mốc quan trọng khác trong phong trào đòi quyền công dân diễn ra vào năm 1955 ở Montgomery, bang Alabana. Rosa Park, một nữ thợ may người Mỹ gốc Phi 42 tuổi, đồng thời là thư ký phân ban Hiệp hội Quốc gia vì Tiến bộ của người da màu (NAACP), ngồi trên ghế trước của một chiếc xe buýt công cộng.

Hàng ghế trước, theo luật và theo tập quán, vốn là dành cho người da trắng. Khi bị ra lệnh phải ngồi ở phía sau xe, chị đã từ chối. Cảnh sát đã tới và bắt giam chị vì tội vi phạm các đạo luật phân chia sắc tộc. Các thủ lĩnh người Mỹ gốc Phi, vốn đang chờ một vụ việc như vậy, liền tổ chức tẩy chay hệ thống xe buýt.

Martin Luther King Jr, một mục sư trẻ thuộc giáo hội Baptist nơi những người Mỹ gốc Phi thường gặp gỡ nhau, trở thành người phát ngôn cho phong trào phản đối đó. Ông nói “Đã đến lúc con người ta đã chán ngấy… vì bị hành hạ và bị đối xử thô bạo bởi những bàn chân tàn ác của nạn áp bức”. Luther King bị bắt giam và sau đó ông còn bị bắt nhiều lần nữa, thậm chí một quả bom đã phá hủy mặt trước ngôi nhà của ông, nhưng những người Mỹ gốc Phi ở Montgomery vẫn tiếp tục tẩy chay không đi xe buýt.

Chừng một năm sau đó, Tòa án Tối cao đã ra quyết định khẳng định rằng việc chia rẽ sắc tộc trên xe buýt cũng như việc phân chia sắc tộc ở trường học là trái với hiến pháp. Cuộc tẩy chay kết thúc, phong trào đòi quyền công dân đã giành được một thắng lợi quan trọng và phát hiện được một thủ lĩnh mạnh mẽ, thông thái và đầy tư chất hùng biện của phong trào, đó là Martin Luther King Jr.

Những người Mỹ gốc Phi cũng nỗ lực giành quyền bầu cử của mình. Mặc dù Điều bổ sung sửa đổi thứ 15 trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã đảm bảo quyền bầu cử, nhưng nhiều bang đã tìm cách tránh không thi hành điều luật này. Các bang đã đánh thuế thân hay kiểm tra trình độ biết đọc biết viết – thường khắt khe hơn đối với người Mỹ gốc Phi để ngăn không cho cử tri da đen có trình độ văn hóa thấp đi bỏ phiếu.

Khi làm việc với thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện – Lyndon B. Johnson – Eisenhower đã ủng hộ ông này trong nỗ lực của Quốc hội nhằm đảm bảo quyền bầu cử cho các cử tri người Mỹ gốc Phi. Đạo luật Quyền Công dân năm 1957, lần đầu tiên sau 82 năm, đã tạo nên một bước tiến vì đã trao cho Liên bang quyền can thiệp vào những vụ án mà trong đó người da đen bị chối bỏ quyền bầu cử.

Tuy vậy, vẫn còn những kẽ hở của luật pháp, và do đó những nhà hoạt động chính trị đã thúc đẩy thành công sự ra đời của Đạo luật Quyền Công dân năm 1960, trong đó, đề ra các mức phạt nghiêm khắc hơn cho những vi phạm về quyền bầu cử. Tuy nhiên, đạo luật này vẫn chưa trao cho các quan chức liên bang quyền được đăng ký danh sách cử tri cho người Mỹ gốc Phi.

Dựa vào những nỗ lực của chính người Mỹ gốc Phi mà phong trào đòi quyền công dân đã phát triển mạnh mẽ vào những năm sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Thông qua Tòa án Tối cao và thông qua Quốc hội, những người ủng hộ quyền công dân đã xây dựng được nền tảng cho một cuộc cách mạng to lớn nhưng hoà bình trong quan hệ sắc tộc của nước Mỹ vào thập niên 1960.

** PHONG TRÀO ĐỎI QUYỀN CÔNG DÂN TỪ 1960 ĐẾN 1980 **

Cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi đã đạt được đỉnh cao vào thập niên 1960. Sau những thắng lợi liên tiếp vào thập niên 1950, người Mỹ gốc Phi càng cam kết mạnh mẽ hơn đối với hình thức đấu tranh trực tiếp không dùng bạo lực.

Các tổ chức như Hội nghị Quyền lãnh đạo Thiên Chúa giáo miền Nam (SCLC) đã tạo ra tầng lớp tăng lữ người Mỹ gốc Phi và ủy ban Phối hợp Ôn hòa Sinh viên (SNCC) gồm các nhà hoạt động trẻ tuổi là những tổ chức đấu tranh cho cải cách thông qua đối kháng hòa bình.

Năm 1960, các học sinh trung học người Mỹ gốc Phi ngồi tại quầy ăn phân biệt sắc tộc tại trường Woolworth, bang Bắc Carolina và cự tuyệt không chịu dời đi. Cuộc biểu tình của họ đã thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và khởi xướng cho các cuộc biểu tình tương tự khắp các bang miền Nam.

Vào năm sau, những người biểu tình đòi quyền công dân đã tổ chức các cuộc diễu hành đòi tự do bằng xe buýt, người da đen và da trắng đều lên những chiếc xe buýt tiến về miền Nam, đi tới những bến xe vẫn còn giữ nguyên thói phân biệt chủng tộc. Ở đó những cuộc biểu tình này có thể thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin và khiến tình hình phải dần dần thay đổi.

Các đại biểu cũng tổ chức những cuộc họp quan trọng mà sự kiện lớn nhất là Cuộc tuần hành Washington năm 1963. Đã có hơn 200.000 người tập trung tại thủ đô nước Mỹ để biểu thị cam kết của họ về quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.

Cao trào của một ngày tràn ngập tiếng hát và những bài phát biểu hùng hồn đã đến cùng với bài phát biểu của Martin Luther King Jr, người đã xuất hiện với tư cách là người phát ngôn tiêu biểu cho quyền công dân. “Tôi mơ ước có một ngày trên những ngọn đồi cháy đỏ xứ Georgia, con cái của những nô lệ và những chủ nô xưa có thể ngồi bên nhau bên chiếc bàn của tình huynh đệ” – Luther King tuyên bố. Mỗi khi ông nói đoạn điệp khúc “Tôi có một ước mơ”, cả đám đông lại hô to hưởng ứng.

Nhưng sự tiến bộ ban đầu đạt được đã không tương xứng với những lời phát biểu hùng hồn của phong trào đòi quyền công dân. Tổng thống Kennedy ban đầu lưỡng lự không gây sức ép với những người da trắng ở miền Nam phải ủng hộ quyền công dân của người da đen vì ông đang cần những lá phiếu của họ cho những vấn đề khác. Tuy nhiên, các sự kiện mà người Mỹ gốc Phi khởi xướng đã buộc ông phải ra tay.

Khi James Meredith bị từ chối không được chấp nhận vào học ở trường Đại học Mississippi vào năm 1962 vì lý do sắc tộc, Kennedy đã phải đưa quân đội liên bang tới vùng này để duy trì luật pháp. Sau những cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc ở Bermingham, bang Alabama, cảnh sát đã phản ứng bằng bạo lực.

Tổng thống đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật mới về quyền công dân, chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ở nơi công cộng. Tuy nhiên, ngay cả cuộc Tuần hành Washington cũng không thể khiến Tiểu ban Quốc hội chịu thông qua. Dự luật đó vẫn còn bị ách lại ở Quốc hội khi Tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963.

Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đạt được nhiều thành công hơn. Với kỹ năng đàm phán mà ông đã thường xuyên sử dụng trong những năm ông còn đảm nhận cương vị lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, Johnson đã thuyết phục được Thượng viện hạn chế các chiến thuật ngăn cản việc bỏ phiếu cuối cùng thông qua Đạo luật mang tính bước ngoặt về Quyền Công dân năm 1964. Bộ luật này đã chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc tại nơi công cộng.

Đạo luật về Quyền bầu cử một năm sau đó, năm 1965, đã cho phép Chính phủ Liên bang đăng ký cử tri tại những nơi mà trước kia, các quan chức không cho phép cử tri da đen đăng ký bỏ phiếu. Cho đến năm 1968, một triệu người Mỹ gốc Phi đã được đăng ký bầu cử tại các vùng xa xôi tại miền Nam. Năm 1968, Quốc hội đã thông qua luật cấm phân biệt chủng tộc trong cung cấp nhà ở.

Tuy nhiên, khi được giải phóng, cuộc cách mạng đòi quyền công dân đã khiến các thủ lĩnh phong trào trở nên nôn nóng vì tốc độ thay đổi diễn ra chậm chạp và người Mỹ gốc Phi vẫn chưa được hòa nhập hoàn toàn vào xã hội chính thống của người da trắng.

Malcolm X, một nhà hoạt động chính trị có tài hùng biện là người tiên phong kêu gọi loại bỏ việc phân biệt người Mỹ gốc Phi khỏi cộng đồng da trắng. Stokely Carmichael, một người lãnh đạo phong trào sinh viên, cũng có những ảo tưởng như vậy về quan điểm không dùng bạo lực và việc hợp tác giữa các chủng tộc. Anh đã khiến cho câu khẩu hiệu quyền của người da đen trở nên nổi tiếng, và phải đạt được bằng mọi giá, theo như lời của Malcolm X.

Bạo lực đã xuất hiện cùng với những lời kêu gọi hiếu chiến về cải cách. Nhiều cuộc bạo loạn đã bùng nổ ở một số đô thị lớn vào năm 1966 và 1967. Vào mùa xuân năm 1968, Martin Luther King Jr. đã ngã xuống dưới viên đạn của một kẻ ám sát.

Với nhiều người thì vụ ám sát này đã đánh dấu sự cáo chung của thời đại ngây thơ và lý tưởng hóa trong phong trào đòi quyền công dân. Tính hiếu chiến ngày càng tăng của cánh tả kết hợp với những phản ứng thái quá của phái bảo thủ đã tạo ra một sự chia rẽ trong tinh thần dân tộc mà người ta đã phải mất nhiều năm mới hàn gắn được.

Tuy nhiên, đến thời điểm đó, phong trào đòi quyền công dân với sự ủng hộ của những quyết định của tòa án, sự thông qua các đạo luật của quốc hội, và các qui định của chính quyền liên bang, đã đan cài vào trong từng khía cạnh của đời sống xã hội Mỹ, và đây là một xu thế không thể đảo ngược.

Các vấn đề quan trọng là thực hiện quyền bình đẳng và sự tiếp cận ngang bằng, chứ không phải là tính hợp pháp của sự phân biệt đối xử hay việc tước quyền bầu cử. Những cuộc tranh luận trong thập niên 1970 và những năm sau đó đều liên quan đến những vấn đề như bắt bọn trẻ phải đi xe buýt ra xa khu vực chúng sống chỉ để có được sự cân bằng về chủng tộc ở các ngôi trường trong thành thị, hay về vấn đề sử dụng các biện pháp khẳng định.

Một số người coi các chính sách và chương trình này là những biện pháp tích cực nhằm đảm bảo cơ hội bình đẳng về giáo dục và việc làm, còn một số người khác thì lại coi những chính sách đó vẫn là nạn phân biệt chủng tộc, chỉ có điều theo chiều hướng ngược lại mà thôi.

Tòa án cũng có cách giải quyết vấn đề riêng của mình, thông qua các phán quyết thường không nhất quán. Đồng thời, việc người Mỹ gốc Phi dần dần có mặt trong tầng lớp trung lưu Mỹ và tại các khu ngoại ô yên tĩnh vốn trước đó chỉ thuộc về người da trắng đã lặng lẽ phản ánh một sự thay đổi sâu sắc về nhân khẩu học trong xã hội Mỹ.

** PHONG TRÀO PHỤ NỮ **

Trong hai thập niên 1950 và 1960, càng ngày càng có nhiều phụ nữ có gia đình tham gia lực lượng lao động, nhưng vào năm 1963, một phụ nữ đi làm chỉ có mức lương trung bình bằng 63% mức lương của một lao động nam giới tương đương.

Vào năm đó, tác giả Betty Friedan đã xuất bản cuốn Điều huyền bí của phái nữ, một tác phẩm phê phán gây chấn động, chỉ trích những mô thức sống của tầng lớp trung lưu, mà bà cho là lối sống đó đã khiến cho nhiều phụ nữ cảm thấy không hài lòng.

Chỉ ra rằng phụ nữ thường không có cách nào khác để bày tỏ suy nghĩ tình cảm của mình ngoài việc lấy chồng và đẻ con, Friedan đã khuyến khích độc giả tìm kiếm những vai trò và những trách nhiệm mới, và tìm ra bản sắc nghề nghiệp và bản sắc cá nhân, hơn là buông xuôi theo một xã hội do nam giới ngự trị.

Phong trào phụ nữ vào những thập niên 1960 và 1970 đã lấy cảm hứng từ phong trào đòi quyền công dân. Phong trào này chủ yếu bao gồm các thành viên của giai cấp trung lưu, do vậy, đã tiếp nhận phần nào tinh thần nổi loạn của thanh niên thuộc tầng cấp trung lưu trong thập niên 1960.

Các luật về cải cách cũng thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội. Trong cuộc tranh luận về dự luật Quyền Công dân năm 1964, phái đối lập hy vọng sẽ làm phá sản hoàn toàn dự luật này bằng cách đề xuất một Điều bổ sung sửa đổi nhằm cấm sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính và chủng tộc. Lúc đầu, điều luật bổ sung này đã được thông qua, sau đó, chính Đạo luật Quyền Công dân đã được thông qua và đem lại cho phụ nữ một công cụ pháp lý giá trị.

Năm 1966, 28 phụ nữ đi làm, trong đó có bà Betty Friedan, đã thành lập Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW) để hành động nhằm đưa phụ nữ Mỹ hòa nhập hoàn toàn vào đời sống xã hội chính yếu của nước Mỹ ngày nay.

Mặc dù NOW và các tổ chức phụ nữ tương tự tự hào rằng ngày nay mình đã có một số lượng thành viên đông đảo, ta có thể nói rằng những tổ chức này đã có ảnh hưởng lớn nhất vào đầu thập niên 1970, thời mà nhà báo Gloria Steinem và một số phụ nữ khác đã lập ra tạp chí Ms.

Họ cũng thúc đẩy sự ra đời của các nhóm chống bình đẳng nghề nghiệp cho phụ nữ, thường cũng do phụ nữ đứng đầu, bao gồm người vận động chính trị nổi tiếng nhất là Phyllis Schlafly. Các nhóm này ủng hộ vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình và phản đối Điều bổ sung sửa đổi hiến pháp được đề xuất mang tên Quyền bình đẳng.

Được Quốc hội thông qua năm 1972, Điều bổ sung sửa đổi đó đã tuyên bố rằng Quyền bình đẳng theo luật định sẽ không bị Hoa Kỳ hay bất kỳ bang nào trên đất nước Hoa Kỳ phủ nhận vì lý do giới tính. Trong vài năm sau đó, 35 bang trong số 38 bang đã phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi này. Các tòa án cũng ra tay để mở rộng quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Năm 1973, trong vụ Roe kiện Wade, Tòa án Tối cao đã thừa nhận phụ nữ có quyền phá thai trong những tháng đầu mang thai. Đây là một trong những thắng lợi quan trọng đối với phong trào phụ nữ, nhưng Roe cũng đã tạo ra một phong trào phản đối việc phá thai của phụ nữ.

Tuy nhiên, vào thời kỳ giữa và cuối thập niên 1970, phong trào phụ nữ dường như đã bị ngưng trệ. Phong trào đã không làm cho những lời kêu gọi của mình đến được với những tầng lớp xã hội khác, ngoài tầng lớp trung lưu.

Những chia rẽ và bất đồng đã bắt đầu xuất hiện giữa các phái ôn hòa và cấp tiến. Phái bảo thủ đối lập đã tổ chức một chiến dịch phản đối Điều bổ sung sửa đổi Các quyền bình đẳng trong Hiến pháp, và Điều bổ sung sửa đổi này đã bị hủy bỏ năm 1982 vì không có đủ sự tán thành của 38 bang, một điều kiện cần thiết để được Quốc hội phê chuẩn.

** PHONG TRÀO VĂN HÓA ĐỐI KHÁNG **

Sự kích động đòi cơ hội bình đẳng đã làm bùng lên những biến động đột ngột khác. Đặc biệt, thanh niên đã phản đối lối sống của tầng lớp trung lưu mà cha mẹ họ đã tạo ra vào các thập niên sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Một số người đã tham gia vào các hoạt động chính trị cấp tiến; nhiều người khác đã chấp nhận những chuẩn mực mới về trang phục và hành vi tình dục.

Những dấu hiệu rõ rệt của phong trào văn hóa đối nghịch đã lan tỏa khắp xã hội Mỹ cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Tóc để dài hơn và mốt để râu trở nên phổ biến. Quần Jean xanh và áo phông đã thế chỗ cho quần tây, áo vét và cà vạt.

Việc sử dụng các loại chất cấm gia tăng. Nhạc Rock and Roll đã phát triển, trở nên hết sức phổ biến và biến thể thành nhiều thể loại âm nhạc khác. Nhạc Hard Rock trở nên thịnh hành với những ca khúc có lời ca đậm tính chính trị xã hội.

Một sự thể hiện tương tự về tính nhạy cảm của giới trẻ là sự ra đời của phái Cánh tả mới, một nhóm thanh niên cấp tiến, tuổi còn đang là sinh viên cao đẳng, đại học.

Những người cánh tả mới này, với những đối tác gần gũi ở Tây Âu, thường là con cái của những người thuộc thế hệ cấp tiến trước đây. Tuy nhiên, họ đã từ chối hệ tư tưởng Mác-xít. Thay vào đó, họ coi các sinh viên đại học như họ là tầng lớp bị áp bức mới, gồm những người có quan điểm đặc biệt về cuộc đấu tranh của những nhóm người bị áp bức khác trong xã hội Mỹ.

Những người thuộc phái cánh tả mới tham gia các phong trào đòi quyền công dân và đấu tranh chống nghèo đói. Cuối thập niên 1970, nhóm sinh viên Cánh tả mới đã giải thể, nhưng nhiều nhà hoạt động của tổ chức này vẫn tiếp tục con đường của họ trong đời sống chính trị xã hội Mỹ.

** CHỦ NGHĨA MÔI TRƯỜNG **

Đã bùng lên phong trào đòi quyền công dân, phong trào văn hóa đối nghịch, và phái Cánh tả mới cũng kích thích sự ra đời của phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường vào giữa thập niên 1960. Nhiều người đã được giác ngộ sau khi cuốn sách “Mùa xuân im lặng” của Rachel Carson được xuất bản năm 1962. Cuốn sách này đã cáo buộc rằng các loại thuốc trừ sâu hóa học, đặc biệt là DDT – làm nguyên nhân gây bệnh ung thư và một số căn bệnh nguy hiểm khác.

Mối lo ngại của dân chúng về môi trường đã tiếp tục tăng lên trong suốt thập niên 1960 và nhiều người đã nhận thức được về các chất gây ô nhiễm xung quanh họ như: khí thải ôtô, chất thải công nghiệp, các vụ tràn dầu, đều là mối đe dọa đối với sức khoẻ của họ và cảnh quan môi trường xung quanh.

Vào ngày 22/4/1970, lần đầu tiên, các trường học và các cộng đồng dân cư trên toàn nước Mỹ đã kỷ niệm Ngày Trái Đất. Các cuộc hội thảo đã giúp người Mỹ hiểu được mối hiểm họa to lớn của ô nhiễm môi trường.

Mặc dù không mấy ai phản đối ô nhiễm là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng các giải pháp đề xuất đều tốn kém và chưa tiện lợi. Nhiều người tin rằng những giải pháp này sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và từ đó khiến mức sống của người Mỹ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, vào năm 1970, Quốc hội đã sửa đổi Điều luật Không khí Sạch năm 1967 nhằm xây dựng những tiêu chuẩn thống nhất trên toàn quốc về chất lượng không khí. Quốc hội cũng thông qua Đạo luật Cải thiện Chất lượng Nước, buộc những người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm dọn sạch những vết dầu loang ngoài khơi.

Cũng vào năm 1970, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã được thành lập và hoạt động như một cơ quan liên bang độc lập kiểm soát các hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường.

Trong suốt ba thập niên sau này, nhờ có luật pháp quy định mà quyền lực của EPA ngày càng được tăng cường, và tổ chức này đã trở thành một trong những cơ quan chính phủ tích cực nhất, chuyên ban hành những quy định về chất lượng không khí và chất lượng nước.

** MỘT DÂN TỘC CỦA NHIỀU DÂN TỘC **

Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có lịch sử gắn bó chặt chẽ với những dòng người nhập cư nhiều như Hoa Kỳ. Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ XX, hơn 13 triệu người đã đến Hoa Kỳ.

Nhiều người trong số họ nhập cư vào nước Mỹ thông qua đảo Ellis – trung tâm nhập cư của Liên bang, được mở cửa năm 1892 tại cảng New York (Mặc dù không còn hoạt động nữa, song đảo này đã được mở cửa lại năm 1992 để làm đài tưởng niệm hàng triệu người đã từng bước qua ngưỡng cửa của nước Mỹ tại đây).

Cuộc thống kê dân số đầu tiên năm 1790 đã ước tính dân số Mỹ là 3.929.214 người. Gần một nửa dân số của 13 bang đầu tiên có nguồn gốc từ nước Anh; phần còn lại là người Scotlen, Ai-len, người Đức, người Hà Lan, người Pháp, người Thụy Điển, người xứ Wales và người Phần Lan. Những người châu Âu da trắng này phần lớn đều theo đạo Tin Lành. Một phần năm dân số Mỹ là những nô lệ châu Phi.

Từ rất sớm, người Mỹ đã coi những người nhập cư như một nguồn lực cần thiết để mở rộng biên giới. Kết quả là chỉ có rất ít quy định hạn chế dòng người nhập cư vào Mỹ cho tới tận thập niên 1920. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dân nhập cư tới nước Mỹ thì một số người Mỹ lại lo ngại rằng nền văn hóa của họ đang bị đe dọa.

Nngười lập quốc, đặc biệt là Thomas Jefferson, đã tỏ ra mâu thuẫn trong quan điểm về việc nước Mỹ có nên chào đón dòng người nhập cư từ mọi nơi trên trái đất hay không. Tổng thống Jefferson đặt câu hỏi liệu nền dân chủ có được an toàn trong bàn tay của những con người mới tới nước Mỹ từ những xứ sở vốn vẫn duy trì chế độ quân chủ hoặc luật lệ hoàng gia hay không. Tuy vậy, ít người ủng hộ việc đóng cửa hoàn toàn đối với lực lượng lao động nhập cư từ nước ngoài.

Phong trào nhập cư có xu hướng chậm lại vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX vì các cuộc chiến tranh đã ngăn cản giao thông xuyên Đại Tây Dương và các chính phủ châu Âu đã ngăn cấm di cư để giữ lại thanh niên trong độ tuổi tòng quân.

Sau đó, dân số châu Âu tăng lên. Việc có nhiều người hơn trên một vùng đất cũ đã khiến nông dân phải thu hẹp các khoảnh đất canh tác, đến nỗi gia đình họ chỉ đủ để tồn tại. Hơn nữa, các ngành công nghiệp nông thôn đang trở thành nạn nhân của cuộc Cách mạng Công nghiệp mà thực chất chính là việc hoạt động sản xuất được cơ khí hóa. Ở châu Âu, hàng ngàn thợ thủ công đã bị thất nghiệp vì họ không muốn hoặc không thể tìm được việc làm trong các nhà máy.

Giữa thập niên 1840, hàng triệu người nhập cư đã tìm đường tới Mỹ vì ở Ai-len, khoai tây bị phá hại do côn trùng và ở Đức, các cuộc cách mạng cứ xảy ra liên miên. Đồng thời, một số người nhập cư từ miền Đông Nam Trung Quốc nghèo khổ cũng đến các bang ở bờ Tây nước Mỹ.

Vào những năm từ 1890 đến 1921, gần 19 triệu người nhập cư đã đến Mỹ. Đây cũng chính là năm mà Quốc hội Mỹ lần đầu tiên thông qua các quy định hạn chế số lượng người nhập cư. Phần đông những người nhập cư này tới từ Italia, Nga, Ba Lan, Hy Lạp và các nước vùng Ban-căng. Những người không phải từ châu Âu cũng đến nước Mỹ: người Nhật đến nước Mỹ từ phía đông, người Canada từ phía nam và người Mexico từ phía bắc.

Cho tới đầu thập niên 1920, một liên minh đã được hình thành giữa những người làm công ăn lương có tổ chức và những người ủng hộ nhập cư hạn chế vì lý do chủng tộc hay tôn giáo – đó là Liên đoàn Ku Klux Klan và Hạn chế Nhập cư. Bộ luật Nhập cư Johnson – Reed năm 1924 đã khiến lượng người nhập cư bị cắt giảm vĩnh viễn bằng các hạn ngạch nhập cư căn cứ trên quốc tịch gốc của họ.

Cuộc Đại suy thoái những năm 1930 đã khiến dòng người nhập cư ngày càng giảm. Nói chung, công chúng phản đối các dòng người nhập cư, thậm chí đối với cả những người thiểu số đến từ châu Âu. Do đó, chỉ có ít người tị nạn tìm được nơi trú ẩn ở nước Mỹ sau khi H***er lên cầm quyền năm 1933.

Trong suốt nhiều thập niên sau chiến tranh, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hạn ngạch dựa vào quốc tịch gốc của những người nhập cư. Những người ủng hộ Đạo luật Mc Carran – Walter năm 1952 cho rằng sự nới lỏng hạn ngạch có thể khiến nước Mỹ chịu nguy hiểm khi quá nhiều người theo tư tưởng Mác-xít đến Mỹ từ Đông Âu.

Năm 1965, Quốc hội đã thay thế hạn ngạch dựa trên nguồn gốc nhập cư bằng các hạn ngạch dựa trên việc người đó đến từ bán cầu Nam hay bán cầu Bắc. Họ hàng của các công dân Mỹ sẽ được ưu tiên, cũng như những người nhập cư có trình độ tay nghề cao – lực lượng mà nước Mỹ đang thiếu.

Năm 1978, hạn ngạch theo bán cầu đã được thay thế bằng mức trần áp dụng cho toàn thế giới là 290.000 người nhập cư mỗi năm. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 thì con số này đã giảm xuống 270.000 người mỗi năm.

Từ giữa thập niên 1970, nước Mỹ đã phải đối mặt với một làn sóng nhập cư mới từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Những cộng đồng dân cư này đã làm biến đổi đáng kể các cộng đồng dân cư khác trên khắp nước Mỹ. Ước tính hiện nay dự báo rằng tổng số người nhập cư vào Mỹ một cách hợp pháp hằng năm chừng 600.000 người.

Tuy nhiên, hạn ngạch về người nhập cư và người di tản đã khiến cho nhu cầu về lao động không được đáp ứng đầy đủ. Do đó, nạn nhập cư bất hợp pháp vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.

Hàng ngày, người Mexico và người châu Mỹ La-tinh vẫn vượt qua biên giới tây nam nước Mỹ để tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn và được hưởng một nền giáo dục cùng chăm sóc y tế tốt hơn cho gia đình họ. Tương tự, dòng người di cư bất hợp pháp vẫn đến Mỹ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác. Các ước tính là khác nhau, nhưng nhiều ước tính cho rằng có tới 600.000 người nhập cư bất hợp pháp đến Hoa Kỳ hàng năm.

Làn sóng nhập cư khổng lồ này gây ra những căng thẳng về xã hội cùng với những lợi ích về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, một điều đã ăn sâu trong tiềm thức của người Mỹ là niềm tin vào Tượng Nữ thần Tự do đang đứng sừng sững như một biểu tượng cho nước Mỹ khi bà giương cao ngọn đuốc trước chiếc cổng vàng chào đón những con người đang nóng lòng được hít thở bầu không khí tự do.

Niềm tin ấy, và sự hiểu biết chắc chắn rằng, tổ tiên của người Mỹ đã từng là những người nhập cư, đã khiến cho nước Mỹ vẫn là một dân tộc của nhiều dân tộc. (Hết)

— Trích Outline of U.S. History (Alonzo L. Hamby) —

Ảnh: Thập niên của sự thay đổi (1960s – 1970s) là lúc nổ ra các phong trào chống phân biệt chủng tộc, đòi quyền công dân cho người da đen, ủng hộ nữ quyền, phong trào bảo vệ môi trường, chống chiến tranh hạt nhân, ủng hộ sự đa dạng sắc tộc, cởi mở tình dục cũng như phản đối lại sự cứng nhắc của truyền thống văn hóa đương thời…v.v

You may also like

Leave a Comment