Không khó để bắt gặp thông tin “Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới” được “đính kèm” với các chiến dịch, dự án về bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm nhựa.
Thông tin trên xuất phát từ báo cáo Stemming the Tide, được tổ chức về môi trường Ocean Conservancy (OC) công bố vào năm 2015. Nội dung báo cáo xoay quanh nguyên nhân và giải pháp cho vấn nạn rác thải nhựa bị xả ra đại dương.
Trong báo cáo này, OC liệt kê Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là 5 quốc gia hàng đầu thế giới về xả rác thải nhựa ra đại dương. 5 quốc gia này cũng bị OC quy kết có thể phải chịu trách nhiệm cho khoảng 50% rác thải nhựa đại dương.
Bên cạnh đó, trong báo cáo năm 2015, OC khẳng định đốt rác và đốt rác phát điện là những phương án khả thi để ngăn ngừa tình trạng xả rác thải nhựa ra biển. Kết luận này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các tổ chức hoạt động vì môi trường khác trên thế giới.
Sau 7 năm, vào tháng 7 vừa qua, OC đã thừa nhận những nội dung gây tranh cãi trong báo cáo Stemming the Tide là không phù hợp, đồng thời đưa ra lời xin lỗi chính thức tới 5 quốc gia bị nêu tên cũng như các tổ chức hoạt động vì môi trường đã cố gắng đính chính những thông tin được OC đưa ra trong báo cáo.
Cụ thể, đối với việc liệt kê các quốc gia nằm trong top đầu thế giới về xả rác nhựa ra biển, OC cho biết, báo cáo của tổ chức này đã quá tập trung vào riêng khu vực Đông Á và Đông Nam Á, “tạo ra một câu chuyện về việc ai phải chịu trách nhiệm cho khủng hoảng rác thải nhựa” và gán câu chuyện đó với Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
OC đã bỏ quên tính chất toàn cầu của vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, quên mất phần trách nhiệm mà các quốc gia phát triển phải chịu, bao gồm việc sản xuất nhựa nguyên sinh, xuất khẩu sản phẩm nhựa và thậm chí là cả nhựa phế thải sang các nước đang phát triển.
Đối với quan điểm về giải pháp đốt rác và đốt rác phát điện, OC thừa nhận đã chỉ tập trung tới vấn đề rò rỉ nhựa ra biển mà không tính đến giải pháp mang tính gốc rễ hơn. Đốt rác và đốt rác phát điện có thể làm nhựa “biến mất” ngay từ khi còn ở trên đất liền nên có thể làm giảm rác nhựa xả ra biển, tuy nhiên không thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm.
“Chúng tôi đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề gốc rễ của rác thải nhựa”, OC cho biết.
Tuyên bố hủy bỏ mọi chứng thực về tính hiệu quả của phương pháp đốt rác và đốt rác phát điện, OC cũng cho biết sẽ chuyển hướng trọng tâm sang hỗ trợ các giải pháp về kinh tế tuần hoàn. “Quản lý và tái chế chất thải rắn vẫn là giải pháp cho ô nhiễm nhựa nhưng phải được kết hợp với nỗ lực giảm sản xuất nhựa nguyên sinh hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn”, trang thông tin của OC viết.
Hiện tại, báo cáo Stemming the Tide cùng tất cả nội dung liên quan đến thông tin trong báo cáo đã bị xóa khỏi trang chính thức của OC.
Nguồn: TheLEADER.vn
Đôi lời nhắn gửi: Năm 2015, khi báo cáo Stemming the Tide được phát hành, hàng loạt cơ quan báo chí giật tít về việc Việt Nam lọt top xả rác nhựa ra biển, mặc cho những đính chính của các cơ quan Nhà nước, đội ngũ chuyên gia cũng như các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước.
Theo lời các chuyên gia, báo cáo này rất “láo” (nguyên văn), vì số liệu không rõ ràng, mang tính quy chụp và có dấu hiệu phục vụ mục tiêu chính trị. Một số chuyên gia cũng cho biết luôn phải “nhắc” lãnh đạo cấp cao tuyệt đối không được thừa nhận thông tin báo cáo này, nếu không muốn sau này bị quốc tế “bắt đền”.
Tuy nhiên, đến khi xuất hiện thông tin đính chính, có duy nhất tạp chí TheLEADER đăng tải thông tin này.
Qua việc chia sẻ bài viết, mình mong các bạn trẻ có thể đóng góp tiếng nói, cùng lan tỏa thông tin cải chính này tới cộng đồng trong và ngoài nước, vì lòng tự tôn dân tộc và cũng vì những hoạt động bảo vệ môi trường mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn (so với phong trào đổ lỗi cho nhựa).