Có rất – rất – rất nhiều người hỏi mình và tag mình vào trong các clip từ các anh, các chị đến cả bạn bè đến từ các mạng nền tảng xã hội khác nhau về một khái niệm là “Old Money”. Nhưng mà khi mình xem các clip đó thì thú thực mình không thấy khái niệm “Old Money” mà theo mình tìm hiểu nó nằm ở đâu cả – chỉ thấy những con người đang cố gắng trở nên “sang trọng, fancy, hào nhoáng”. Nó lại cực kì đối lập với “Old Money”.
Trong bối cảnh rất nhiều khái niệm thời trang được mang trở lại bởi những người sáng tạo nội dung trên Tiktok thì không khó hiểu mà sao những cụm từ như Lolita, Gothic, Y2K, Dark Academia hay Preppy Style và Old Money được hồi sinh. Có thể với những thế hệ đi trước thì việc này là một chuyện cũ nhưng đối với thế hệ mới thì nó lại là điều vô cùng mới mẻ. Nhưng nói mới cũng không hoàn toàn đúng vì thực chất các bạn đã biết gần hết những phong cách đó thông qua những bộ phim của thập niên trước, những người nổi tiếng ở giai đoạn trước – cái mà chúng ta không biết đó chính là một từ nào đó để “Khái niệm” chúng lại. Thế nên đánh trúng tâm lý tò mò đó nên việc các cụm từ trên giải thích được, tạo ra thái độ ham muốn khám phá và lật lại ký ức của những người xem trẻ tuổi và tạo nên xu hướng trên mạng xã hội.
Old Money thực ra cũng chẳng mới mẻ gì với cả các bạn trẻ vì các bạn đã được thẩm kiểu ăn mặc của giới thượng lưu xưa thông qua các bộ phim như là God Father, The Great Gatsby, Gone with the wind, Clueless. Thông qua đó, chúng ta có thể hiểu được Old Money là một cụm từ để miêu tả tầng lớp giàu có, thượng lưu ngày xưa theo kiểu “Cha truyền con nối” nhưng theo các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe về học thức, phong thái và địa vị xã hội. Cái khái niệm thượng lưu nó khác bây giờ nhiều lắm – tiền chỉ là thứ cần để bước vào giai cấp này, là thứ đầu tiên nhưng bên cạnh đó là phải có học thức, có giá trị, có địa vị. Phần nào chúng ta hiểu được mong muốn của Thomas Shelby trong Peaky Blinders càng về sau càng muốn vào giới thượng lưu và chính trị của Anh Quốc và mong muốn bỏ đi cái quá khứ những gã du côn sau này. Vì đơn giản trong giới này thì ai cũng có tiền rồi, thế nên lực là chuyện tiếp theo. Trái ngược với Old Money là New Money – là lực lượng giàu có mới, sau này chứ không phải đa phần là kiểu “Danh gia vọng tộc” và thường đi liền với sự thể hiện, hào nhoáng hơn rất nhiều.
Old Money aethestic thường được gọi là “Quiet Luxury” – sự sang trọng trong im lặng. Cái sự sang nó đến từ phong thái, cách thức và quần áo không cần phải nói lên điều đó. Thứ quần áo nên nói lên đó là sự đơn sắc, tối giản, chất liệu vải thượng thừa và được may bởi nhà may nào. (Thế nên mới có những nhà may nổi tiếng trứ danh tới tận hiện nay như là Antonio Liverano, Sartoria Raffaniello, Gieves and Hawkes, Rubinacci hay Huntsman..). Logo là thứ không cần thiết vì nó đi ngược lại những gì mà giới thượng lưu thời điểm đó cần – họ chỉ cần những người cùng đẳng cấp với họ biết, không cần những người bình thường biết làm gì. Sự sang trọng và tỉ mỉ – tinh vi này thường đánh vào cảm xúc, vào những thứ giá trị cao hơn là logo mang tới. Nhưng đối với thế hệ hiện tại thì có vẻ nó đã lỗi thời – đặc biệt khi tầng lớp giàu có của Mỹ nổi lên nhanh chóng. (Thường Old Money các bạn sẽ thấy nó hiện diện ở các nước Châu Âu kiểu cũ như Pháp, Ý, Anh. Còn New Money các bạn sẽ thường thấy ở Mỹ nhiều hơn).
Các thương hiệu của Ý như Brunello Cucinelli hay Zegna Ermernegildo, Salvatore Ferragamo, Armani – từ Pháp như Hermes, Chanel..thường gắn liền với “Old Money” vì thiết kế thanh lịch, chất liệu phải cực tốt và sự khéo léo đi cùng những di sản trong thời trang của họ. Còn New Money thì chắc khỏi phải nói rồi, Louis Vuitton hay Gucci, Balenciaga với những logo quá khổ tạo nên các cảm hứng về sự giàu sang trẻ trung nhiều hơn. Nhưng thế hệ mới lại đang nổi lên những thương hiệu cân bằng được những kiểu “Old Money” và sự trẻ trung của “New Money” để tạo ra một tầng lớp thượng lưu mới – có thể đó là “The Row”, “Lemaire”..
Việc yêu thích New Money hay Old Money phụ thuộc rất nhiều vào tính cách cá nhân của từng người. Với một người yêu thích thời trang như mình thì Old Money rất tập trung vào chất liệu vải, vào trải nghiệm và những giá trị thiết kế để mang tới sự tinh tế cho người mặc – còn New Money thì lại phù hợp với những người kiểu “Tao giàu và tao muốn mày biết” thì không phải là gu của mình và mình cũng không thể nào áp đặt lên được. Nhưng nó tạo ra một điều thú vị rằng có những thứ “trông” không giàu có, hào nhoáng nhưng bản chất lại vô cùng thượng lưu – vì đơn giản, giá trị của nó là vô thời hạn.
Thế nên khi các bạn Tiktoker làm về khái niệm “Old Money” này mình chỉ dám nhìn mà không nói được điều gì vì đơn giản nó đi ngược lại với “Quiet Luxury” (Sự sang trọng tĩnh lặng) khi phải nói rằng tôi “trông” giàu sang như thế nào. Song song, chất lượng của những sản phẩm mặc trên đó cũng không đủ tốt hoặc tạo cho mình 1 feeling “Old Money” nên mình xin phép miễn bình luận. Thôi, đừng cố các bạn nhé. Cố quá thành trò cười í.