Đến với Café’ Sách số 13, Trạm Đọc mời bạn tham gia cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Viện phó Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương. Là một người rất gần gũi và sát sao với các sinh viên, những chia sẻ của cô Hoàng Ánh chắc chắn sẽ mang lại những góc nhìn thực tế cho các độc giả về phong trào đọc trong các trường đại học.
Tự học thì không có cách nào khác ngoài…Đọc sách
Trạm Đọc: Xin cảm ơn cô đã nhận lời tham gia phỏng vấn của Trạm Đọc. Đầu tiên em xin được hỏi về sự đánh giá của cô đối với tầm quan trọng của việc Đọc với giáo dục? Đặc biệt là “tự giáo dục” (Tự học)
Cô Hoàng Ánh: Giáo dục hiện nay đã chuyển từ giáo dục đại chúng sang giáo dục tailor-made, tức là giáo dục theo nhu cầu cá nhân. Tất cả chúng ta đều biết do sự ra đời của mạng Internet thì tất cả mọi kiến thức đều dễ dàng tìm được. Cho nên, vai trò của giáo dục nhà trường trong việc cung cấp kiến thức đã bị hạn chế đi rất nhiều. Thật sự trong một biển thông tin thì không dễ để tìm ra một con đường đúng cho tất cả mọi người. Chúng ta phải tự tìm ra con đường phù hợp với mong muốn, năng lực và những tài nguyên của chính bản thân mình.
Hiện nay rất nhiều trường trên thế giới có xu hướng cắt giảm thời gian đào tạo, và điều đó đồng nghĩa với việc ta phải tự học nhiều hơn. Và khi tự học nhiều hơn thì không còn cách nào khác ngoài đọc sách.. Đọc sách không những cung cấp những kiến thức, công cụ để bạn thành công về mặt sự nghiệp, mà còn góp phần tạo nên giá trị tinh thần của mỗi người. Cho nên, từ ngày xưa rồi chứ không phải đến tận bây giờ, thì tất cả những nhà triết học, những nhà hiền triết đều nói rằng: Sách vở chính là nguồn gốc văn minh của nhân loại. Và văn minh của nhân loại là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Vì vậy nên việc đọc sách là việc tất yếu thôi.
Trạm Đọc: Sự xuất hiện của Internet đã làm giảm vai trò giáo dục của nhà trường nhưng có lẽ đồng thời cũng gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen đọc. Cô đã từng chia sẻ về việc ngày xưa cô đọc sách, cô lên thư viện hàng ngày và ngồi đọc từ sáng đến tối, nhưng bây giờ thì với sự tác động của nhiều thứ trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội Facebook đã khiến cho bản thân đọc ít hơn. Vậy theo cô, những thách thức lớn nhất dành cho việc đọc hiện nay là gì?
Cô Hoàng Ánh: Thực ra câu chuyện này có lẽ chúng ta đều đã được nghe, và nghe đi nghe lại. Bởi vì, chúng ta phải thấy một vấn đề là thời gian của chúng ta từ xưa đến nay vẫn chỉ là 24 tiếng một ngày, nhưng chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình thì một món hàng nào đó sẽ bị giảm thời gian chú ý đi. Ngày trước thì chúng ta chỉ đọc sách giấy, bây giờ chúng ta có thể đọc online, đọc ebook. Tivi xưa kia chỉ có 3, 4 kênh, bây giờ tivi nhà mình có hơn 100 kênh. Tất cả những chuyện ấy làm ta mất thì giờ hơn. Thêm vào đó, cuộc sống bây giờ căng thẳng hơn khiến chúng ta về nhà cũng mệt mỏi hơn, bận rộn hơn, buổi tối thì có rất nhiều event ngoài đường. Vậy thì thời gian dành cho sách sẽ bị giảm đi.
Nhưng tôi không nghĩ đây là một nguy cơ to lớn lắm, mà nó là một thách thức để cho sách vở phải vượt qua thì chính xác hơn. Tức là, trước kia chúng ta muốn có sách thì bắt buộc chúng ta phải đến thư viện, hoặc là ra hiệu sách. Nhưng giờ chúng ta có thể đọc bằng rất nhiều hình thức như đọc online hay sử dụng sách nói. Vậy thì việc của sách là làm thế nào để sách tiếp cận đến nhu cầu của người đọc dễ dàng hơn, không nên ngồi chờ người ta đến tìm mình như trước nữa.
Thư viện có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao dân trí
Trạm Đọc: Ngày xưa thư viện là một nơi được thường xuyên lui tới để tìm sách, ngày nay thì sao? Cô có thể đánh giá thực trạng thư viện trong nhà trường hiện nay ở Việt Nam?
Cô Hoàng Ánh: Thành thật mà nói, hệ thống thư viện Việt Nam là một trong những điều thảm họa nhất của giáo dục. Tôi thấy khá ngạc nhiên là tại sao báo chí chưa đề cập nhiều đến chuyện này từ trước.
Điều đầu tiên, chúng ta thường đếm số đầu sách để nói rằng thư viện của mình giàu hay không giàu. Nhưng đúng ra, số đầu sách ở thư viện là điều cuối cùng nên tính đến. Thư viện bây giờ, như thư viện của các trường đại học lớn ở nước ngoài, điều đầu tiên là tính database, tức là sách online là chính. Thế nhưng có bao nhiêu thư viện ở các trường đại học Việt Nam có database? Không có. Ví dụ trường tôi có năm được năm mất, có năm xin được tiền thì mua, không xin được thì thôi.
Điều thứ hai, dù chúng tôi có đặt mua database nhưng sinh viên vẫn không đọc. Bởi vì trong tất cả các bài giảng của giáo viên, họ không kích thích sinh viên phải đọc những bài trong database đó. Thế thì sinh viên không có động lực để đọc. Bản thân giáo viên có lẽ cũng không đọc .
Hơn nữa, thư viện trong nhà trường của chúng ta không hề thân thiện với người đọc. Phòng đọc sách thường không được chăm chút khiến sinh viên vào đọc cũng không thoải mái. Bên cạnh đó việc cho mượn sách cũng rất hạn chế, đến giáo viên mượn còn khó chứ không nói đến sinh viên. Và một điều nữa là thư viện các trường đại học Việt Nam rất “cổ hủ” khi không có sách giải trí, kể cả những sách văn học đứng đắn, vì chúng ta cứ luôn nghĩ chỉ ưu tiên đọc sách chuyên ngành. Việc đọc cũng giống những việc khác, chúng ta cần làm từ dễ khó, từ những thứ mình thích đọc, muốn đọc rồi mới đến thứ mình cần đọc.
Câu chuyện về thư viện của chúng ta là như vậy. Tôi đã khảo sát về thái độ nhân viên ở thư viện tất cả các trường thì tất cả đều rất chán nản. Năm nào chúng ta cũng nói là cải cách thư viện nhưng không làm gì ngoài sắm thêm vài đầu sách và bàn ghế trong khi việc cần làm thực sự là nâng cấp đội ngũ nhân sự của thư viện. Mà mỗi khi có ai góp ý về việc đó thì đều không được tiếp thu một cách thiện chí.
Trạm Đọc: Khi đọc cuốn “Giải mã Hàn Quốc sành điệu” và tìm hiểu về văn hóa đọc của Hàn Quốc thì em thấy rằng ở nước họ đã có một cuộc đại cách mạng về thư viện công và điều này đã góp phần nâng cao dân trí Hàn Quốc, tạo nên những thành tựu phát triển vượt bậc. Là dịch giả của cuốn sách này, đồng thời là giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Hàn Quốc của Đại học ngoại thương, cô có thể chia sẻ thêm về điều này?
Cô Hoàng Ánh: Điều đầu tiên thì Hàn Quốc không phải là một nước có nền giáo dục cởi mở mà có một nền giáo dục rất là khắc nghiệt. Khi bạn đọc cuốn đó bạn có thể thấy được điều họ làm được rất tốt là cách dạy của giáo viên bắt sinh viên phải đọc rất nhiều. Ví dụ như họ nói là học bài hôm nay thì phải đọc thêm 2,3 cuốn sách này và ngày hôm sau thì phải đến trình bày thì 3 cuốn sách ấy sẽ được vét sạch ngay lập tức
Điều thứ hai, tôi thấy thư viện ở Hàn Quốc tốt không kém bất kì một thư viện nào trên thế giới. Thư viện nằm trong những khuôn viên rất đẹp, đường truyền internet rất tốt, khu ngồi đọc rộng rãi và sách cực kì nhiều.
Tôi đến thư viện đại học quốc gia Seoul ngay sau chuyến đi Mỹ. Khi đó tôi mua một bộ sách về leadership (lãnh đạo) rất mới nhưng vì nó nặng quá nên tôi không mang đi được. Thật sự tôi rất tiếc vì tôi nghĩ sẽ không mua được ở Hàn Quốc, bộ sách rất đắt và chỉ vừa mới xuất bản. Nhưng thật ngạc nhiên là khi tôi tìm kiếm thì họ đã có. Điều ngạc nhiên thứ hai là họ có một khu đặc biệt dành cho sách văn học nghệ thuật. tôi nhớ là tôi đã đọc Chạng Vạng, Harry Potter ở đấy. Trong khu đó có sách bằng Tiếng Anh, có sách bằng tiếng Đức, có sách bằng tiếng Hàn và họ đổi mới các đầu sách liên tục. Trong trường hợp như thế nó sẽ giúp đời sống tinh thần của sinh viên được phong phú và kích thích họ đọc nhiều hơn. Nhân viên ở thư viện thì vô cùng lịch sự nhưng cũng rất đúng nguyên tắc. Bạn chỉ mượn được 5 cuốn sách thì muốn mượn thêm quyển thứ 6 bạn có vật đầu vật trán cũng không ăn thua gì. Nếu mà cuốn bạn muốn mượn đã bị người khác mượn trước thì bạn có thể đặt. Họ có một hệ thống báo cho bạn khi cuốn sách đó được trả về.
Tất cả những việc đó đã làm cho dân trí và trình độ nghiệp vụ của người Hàn tăng lên rất nhiều. Chúng ta có thể thấy số lượng bài báo quốc tế và bằng sáng chế của họ liên tục tăng.
Muốn con đọc sách, hãy tự tạo thói quen cho chúng
Trạm Đọc: Từ những điều cô chia sẻ thì có thế thấy rằng thói quen đọc không chỉ xuất phát từ mỗi cá nhân mà còn có ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Theo cô, gia đình có vai trò như thế nào trong việc định hướng đọc?
Cô Hoàng Ánh: Tôi luôn luôn nói là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Thế nên điều đầu tiên là gia đình phải tự lo đi. Muốn con đọc sách thì phải bắt đầu từ đọc từ chính trong ngôi nhà của mình.
Bố tôi đã tạo thói quen đọc cho chị em tôi từ rất sớm. Trong nhà phải có nhiều sách và sách phải nằm trong tầm tay trẻ con để kích thích trí tò mò của chúng. Thêm vào đó là từ khi tôi còn nhỏ, bố tôi hay dịch sách và đọc sách cho tôi nghe. Thế nên khi mình biết đọc một tí, mình tự nhiên sẽ thích “lăn xả” vào để đọc. Nhà tôi có giá sách rất cao, từ dưới đất cho đến tận trần nhà. Bố tôi sẽ sắp xếp những cuốn dành cho trẻ con dưới tầng thấp, còn những cuốn sách người lớn thì tít ở trên cao. Tôi nhớ em trai tôi ban đầu không thích đọc, con trai nhiều trò nghịch ngợm mà. Cả nhà lúc nào ngồi nói chuyện đều nói về cuốn sách vừa đọc xong, thế là nó cảm thấy bị cho ra ngoài. Rồi tôi thách nó, đố nó đọc được cuốn này, cuốn kia trong một tuần. Và thế là nó sẽ thấy tức và lao vào đọc thôi.
Còn trong gia đình của riêng tôi, tôi nhớ lúc sinh con đầu lòng là thời điểm bắt đầu có những truyện như Doraemon hay Totochan – Cô bé ngồi bên cửa sổ. Đấy là đợt sách xuất bản đầu tiên của nhà sách Kim Đồng mà được gọi là đổi mới cách mạng. Thế là tôi mua trọn bộ ấy về để sau này cho con tôi lớn lên đọc. Khi con bắt đầu biết biết một chút thì tôi đọc cho con nghe. Tôi nghĩ khi con đọc thì đừng định hướng con quá khắt khe. Có một thời gian tôi từng cấm đoán con không được đọc truyện tranh hay ngôn tình. Lúc đó tôi tin là chúng độc hại, vô bổ. Nhưng trên thực tế con tôi vẫn đọc vì chúng có rất nhiều đường để có sách chứ không nhất thiết phải phải từ tôi, mượn bạn chẳng hạn. Sau đó thì tôi nhận ra rằng mỗi người có một nhu cầu đọc khác nhau, không nên quá gượng ép vì bản thân mình cũng không kiểm soát được những thứ con đọc khi chúng lớn lên.
Trạm Đọc xin cảm ơn cô về những chia sẻ!
Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc