Khi Chu Doãn Văn muốn bãi phiên, Chu Đệ nổi dậy và cướp ngôi của cháu. Nhưng về sau chính Chu Đệ cũng nhận ra nguy cơ cho triều đình nên tìm cách tước binh quyền, tổng cộng năm phiên vương bị tước, một bị phế làm dân thường. Tuy nhiên Chu Đệ cũng không ngăn được hai người con của mình có quân đội riêng: Hán vương Chu Cao Húc và Triệu vương Chu Cao Toại.
Sau Cao Húc bất mãn nên rủ Cao Toại khởi binh nhằm cướp ngôi của cháu, tính chơi Tĩnh Nan ver 2.0. Đó là ngày mùng một tháng tám năm Tuyên Đức thứ nhất (2/9/1426), lúc đó có tin Nam Kinh đang bị động đất nên họ nghĩ triều đình sẽ không đủ thời gian đối phó. Ngờ đâu đến ngày thứ tám, Minh Tuyên Tông đã xử lý xong hậu quả và tự mình dẫn 2 vạn cấm quân đi ngày đêm đến vây thành Lạc An ở Sơn Đông.
Lúc Minh Tuyên Tông đến, quân trong thành vẫn đang chuẩn bị lương thảo, khí giới, bò ngựa. Tên bắn vào thành có buộc thư, nói rằng nếu đầu hàng thì tất cả sẽ được ân xá. Sợ bị người xung quanh bắt giao nộp, Chu Cao Húc ra hàng. Lúc đầu ông này chỉ bị giam, nhưng sau Tuyên Tông đến thăm thì lại bị giơ chân đá. Tức giận, Tuyên Tông sai úp thùng đồng lớn lên người Cao Húc, chất than và củi xung quanh đốt suốt 3 tiếng đồng hồ đến khi cái thùng chảy hẳn ra. Sau khi hành quyết hết vợ con chú ruột mình, Minh Tuyên Tông tha cho Chu Cao Toại và ra lệnh các phiên vương trả lại binh quyền cho triều đình. Tất cả ngoan ngoãn nghe lệnh.
Từ mốc 1426 đến khi nhà Minh sụp đổ, do bị cấm rời thành trì, các phiên vương chỉ còn hai việc: ăn chơi và bức hại dân chúng. Do chỉ ăn với đẻ, năm Gia Tĩnh thứ 32 (năm 1553) số lượng thành viên hoàng tộc là 19.611 người, đến năm Vạn Lịch thứ 32 (năm 1604) thậm chí đã cán mốc 8 vạn người, thời điểm người Mãn vào Trung Nguyên lên khoảng 10 vạn. Con số này gây áp lực lớn lên ngân sách do thành viên Chu gia được bao ăn ở, cưới xin, ma chay. Ruộng đất của phiên vương cũng không phải nộp thuế.
Do hà hiếp dân chúng, nói chung số phận các phiên vương không tốt đẹp gì. Lý Tự Thành và Trương Hiến Trung mỗi khi chiếm được thành nào, đều bắt giết Chu gia cứ như là giết gà. Lý Tự Thành sau khi công phá được Lạc Dương đã đem Phúc vương Chu Thường Tuân ra bỏ vạc nấu lên cùng thịt hươu, chia nước canh cho mọi người, gọi là “Phúc lộc yến”, ai nấy đều tranh nhau uống.