Tích cực độc hại là một cái bẫy đẹp đẽ. Dưới danh nghĩa “sự tích cực”, trạng thái ấy từ chối những cảm xúc mà chúng ta có quyền được cảm nhận, khiến tư tự đánh lừa bản thân và cảm thấy thật tội lỗi khi là chính mình.
Người Anh có thành ngữ put yourself in someone’s shoes. Theo nghĩa trên mặt chữ, cụm từ ấy được hiểu là “ướm chân mình vào đôi giày của người khác”. Theo nghĩa ẩn dụ, thành ngữ ấy đưa ra một lời khuyên: hãy biết đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu họ. Đành rằng người ta vẫn thường quen với chuyện “người ngoài cuộc thường sáng suốt hơn người trong cuộc” (và dùng điều ấy làm điểm tựa cho rất nhiều lời khuyên!), nhưng chính lẽ đó cũng là một bất cập: nói cách nào đi nữa, họ vẫn là người ngoài cuộc. Bởi là người ngoài cuộc, họ không thật sự hiểu tình cảnh mà những “người trong cuộc” đang trải qua, không hiểu người kia nghĩ gì hay cảm thấy ra sao. Bởi thế mà người ta mới có lời khuyên: trước nhất, hãy đặt mình vào vị trí của người khác.
Từ trước tới nay, chúng ta đã luôn quen với cụm idiom ấy, và chấp nhận một cách hiển nhiên nghĩa ẩn dụ của nó. Tuy thế, sao ta không thử một lần ướm chân mình vào đôi giày của người khác, theo đúng nghĩa đen của cụm từ ấy?
Những ngày tháng khi đã lớn lên, có dăm ba lần tôi thử xỏ chân mình vào đôi giày của cha, và đột nhiên thấy mình bé lại, bé lại mãi, cho tới khi chỉ bằng đứa bé được ba kiệu trên vai mỗi lần tới công viên. Tôi thấy bàn chân ấy, cái bàn chân to, thô và dày, đi trên những bậc cầu thang mỗi buổi sáng, chân phải dận xuống sàn mạnh hơn đôi chút do chứng đau khớp kinh niên. Tôi thấy, dù chỉ là khi đặt chân mình vào đôi giày ấy, vô vàn nỗi khổ của một cuộc đời vất vả, cuộc đời đã hy sinh vô hạn để thương yêu và nâng giấc tôi. Hơn cả thế, tôi thấy cả nỗi buồn, hoặc một xúc cảm nào đó tương tự như một nỗi buồn không thể cắt nghĩa. Tôi thấy cảm giác cô đơn của một người đàn ông trong thế giới nơi người ta hẵng còn xem thường những vết thương, những gắng gượng, người ta lờ đi những cảm xúc thực mà một con người đôi khi không thể ngăn mình rơi vào. Cứ như thế, những gắng gượng lặn vào trong, hoá thành từng tầng từng tầng trầm tích, nặng trĩu trong mình và hằn sâu lên đôi giày cha vẫn đi.
Bạn thấy đấy, đôi khi chỉ một việc giản đơn như đặt chân mình vào đôi giày của người khác, chúng ta có thể trông thấy ít nhiều cuộc đời họ. Bởi khi ấy ta đang đặt mình vào họ, ta để mình đi theo từng bước họ đi, và chạm tới những điều thường khi có lẽ ta chẳng biết.
Nhưng chúng ta thường chẳng làm điều ấy. Chúng ta không ướm chân mình vào đôi giày của người khác, hay nói cách khác, không đặt mình vào vị trí của họ. Bởi thế, khi có ai đó gặp khó khăn, trong quá trình giúp đỡ họ, ta lại dễ dàng rơi vào bẫy, một cái bẫy quá tươi sáng, quá đẹp đẽ và quá tốt: tích cực độc hại. Tích cực là một điều tốt, nhưng tích cực độc hại thì không.
Thế nào là tích cực độc hại?
Nhiều người trong số chúng ta có thói quen an ủi người khác bằng lời “hãy vui lên” hay “mọi thứ đâu có tồi tệ đến thế”. Để củng cố lập trường ấy, ta mượn dẫn chứng từ rất nhiều tình cảnh kém may mắn khác, để rồi rút ra kết luận: tình huống mà đối phương gặp phải đâu có tệ hại đến thế, mọi chuyện đâu có đáng buồn như vậy. Xuất phát từ mối quan tâm thật sự và, có lẽ là, mong muốn chân thành rằng người đang gặp khó khăn cảm thấy khá hơn, nhưng ta lại hoàn toàn sai cách. Chúng ta chỉ cổ vũ bằng những “cố lên”, “mọi thứ rồi sẽ ổn” mà không hề biết rằng, khi làm như thế, vô hình trung, chúng ta đã xem nhẹ một phần rất con người: quyền được cảm thấy buồn khổ, tức giận hay băn khoăn trước những cảnh ngộ không may xảy ra với mình.
Tin chắc rằng mọi người luôn phải duy trì một suy nghĩ lạc quan bất kể hoàn cảnh khó khăn thế nào, rằng chỉ được phép có những rung cảm tốt đẹp với cuộc sống, từ chối nhìn nhận những cảm xúc và trạng thái tinh thần trái ngược, ấy chính là tích cực độc hại. Sự tích cực ấy chèn ép lên tinh thần, buộc ta phải tròng lên mình một trạng thái giả lạc quan, cố gắng đánh lừa chính mình rằng những cảm xúc tiêu cực là không nên có, hay không đáng có, và một “ngày mai” đầy mông lung nào đó sẽ khá hơn.
Tích cực độc hại là một cái bẫy đẹp đẽ. Dưới danh nghĩa “sự tích cực”, trạng thái ấy từ chối những cảm xúc mà chúng ta có quyền được cảm nhận, khiến tư tự đánh lừa bản thân và cảm thấy thật tội lỗi khi là chính mình.
Có một sự thật mà ta không thể phủ nhận: trạng thái sống tích cực luôn mang lại những giá trị tích cực. Tuy thế, vấn đề nằm ở chỗ: cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy nắng ấm. Tất cả chúng ta, ở một thời điểm nào đó trong đời mình, đều phải đối mặt với đau khổ và mất mát. Tâm trạng chúng ta xoay quanh 8 loại cảm xúc cơ bản: Vui vẻ, Buồn bã, Sợ hãi, Chán ghét, Giận dữ, Ngạc nhiên, Hy vọng, và Tin tưởng. Vui vẻ, hạnh phúc không phải là những cảm xúc duy nhất. Những cảm xúc kém tích cực, mặc dù thường khó chịu đựng và khó giải quyết, nhưng rất quan trọng và cần được cảm nhận và giải quyết một cách cởi mở, trung thực. Có thể hiểu rằng, khi từ chối những cảm xúc tiêu cực, ta cũng đang từ chối một phần con người mình.
Vui vẻ, hạnh phúc không phải là những cảm xúc duy nhất. Những cảm xúc kém tích cực, mặc dù thường khó chịu đựng và khó giải quyết, nhưng rất quan trọng và cần được cảm nhận và giải quyết một cách cởi mở, trung thực. Có thể hiểu rằng, khi từ chối những cảm xúc tiêu cực, ta cũng đang từ chối một phần con người mình.
Khước từ, che giấu và cảm thấy tội lỗi về những cảm xúc đó chưa bao giờ là cách thức tốt nhất để đương đầu với những khó khăn trong đời. Nó chỉ đưa ta đến trạng thái cố gắng giảm thiểu và phủ nhận bất kỳ dấu vết kém tích cực nào của cảm xúc con người, trong khi cảm xúc là điều không thể tránh khỏi. Ta cảm thấy tội lỗi chỉ vì đã buồn khổ, đã ấm ức hay đã mỏi mệt vì một khó khăn trong đời. Ta cố gắng thuyết phục mình rằng ta vẫn còn đang có điều kiện để hạnh phúc, ta vẫn may mắn hơn rất nhiều người khác, hay ngày mai sẽ khá hơn – trong khi ta chẳng thực sự chắc về bất kỳ điều gì trong số đó. Ta chỉ đang nhấn mình sâu hơn vào mặc cảm tội lỗi, mà không thật sự giải quyết những cảm xúc mà ta có. Cảm xúc luôn là quá nặng so với con người, nó tì lên tâm can, nó làm gãy vỡ những trụ chống mà ta xây dựng để bảo vệ mình. Nếu không giải quyết chúng, thì làm sao có thể tìm được trạng thái lạc quan thực sự?
Tại sao chúng ta lại rơi vào cái bẫy tích cực độc hại? Bởi ta chưa một lần ướm chân mình vào đôi giày của người khác. Những gì ta nhận xét đều đến từ góc nhìn của ta. Những gì ta khuyên nhủ đều đến từ kinh nghiệm của ta, hay những gì ta từng học được và nghe được. Chính sự chủ quan ấy làm nên những tổn thương không đáng có mà chúng ta đều nên tránh, và ngăn cản ta thực sự giải quyết vấn đề đang xảy ra.
Làm gì để tránh rơi vào bẫy tích cực không lành mạnh?
Hãy quản lý những cảm xúc tiêu cực, nhưng không phủ nhận chúng
Chúng ta đều là những sinh thể đôi khi dễ bị tổn thương, và học cách chấp nhận rằng trái tim có thể bị tổn thương là một bài học vô giá. Chấp nhận tưởng như giản đơn, thực ra lại chẳng dễ dàng – nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng can đảm với cảm xúc thực của bản thân và những người xung quanh.
Tuy thế, chấp nhận cảm xúc tiêu cực không có nghĩa là dùng chúng để đánh lừa chính mình, hay tạo ra một cái cớ để co mình lại, từ chối nỗ lực và phát triển. Sự chấp nhận là bước đầu tiên để giải quyết khó khăn, và sau khi nút thắt đã được gỡ bỏ, ta cần cố gắng bằng tất cả những gì có thể để gây dựng lại một động lực để bước tiếp.
Tập trung lắng nghe người khác và thể hiện sự ủng hộ của mình
Khi ai đó giãi bày những cảm xúc và khó khăn mà họ gặp phải, đừng áp lên họ những lời động viên độc hại. Thay vào đó, hãy cho họ biết rằng những gì họ đang cảm thấy là có lý, họ không nên cảm thấy tội lỗi chỉ vì điều đó, và bạn luôn ở đó để lắng nghe. Lắng nghe đôi khi quý giá hơn bất kì một lời động viên nào. Chúng ta tâm sự với người khác không phải vì cần lời khuyên mà là vì muốn biết rằng chúng ta không cô đơn.
Hãy biết cách lắng nghe chính mình
Theo dõi các tài khoản mạng xã hội “truyền cảm hứng” đôi khi có thể thật sự truyền cảm hứng, nhưng hãy chú ý đến cảm giác của chính mình sau khi xem và tương tác với nội dung đó. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi sau khi xem các bài đăng “nâng cao tinh thần”, có thể bài đăng ấy chứa những sự tích cực độc hại và ép buộc.
Hãy cho phép bản thân cảm nhận cảm xúc của mình
Thay vì cố gắng trốn tránh những cảm xúc không mấy tích cực, hãy cho phép bản thân cảm nhận chúng. Những cảm giác này là thật, là có giá trị và là quan trọng. Chúng có thể đang gọi bạn, cần bạn lắng nghe và mong muốn giúp bạn nhìn nhận về tình huống mà bạn cần nỗ lực để thay đổi.
Cần lưu ý rằng, điều này không có nghĩa là bạn nên hành động theo mọi cảm xúc mà mình cảm thấy. Điều quan trọng là hãy cho chính mình thời gian tĩnh lặng với chính mình, cho bản thân thời gian và không gian để xử lý tình huống trước khi hành động.
Cách đây xấp xỉ 8 thế kỷ, thi hào Ba Tư Rumi từng cất lên một câu nói:
“These pains you feel are messengers. Listen to them” (Những nỗi đau mà bạn cảm nhận là thông điệp. Hãy lắng nghe chúng.”)
Chẳng có lý do nào để khước từ nỗi đau. Vì vậy, khi phải trải qua một quãng thời gian khó khăn, hãy nghĩ đến những cách truyền tải cảm xúc một cách hiệu quả. Khi đối diện với một người đang ở trong giai đoạn tăm tối và chật vật của đời mình, hãy lắng nghe họ. Hãy đặt chân vào đôi giày của người khác, và đôi khi là của chính mình. Hãy lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận.
Thu Hà