Quân đội Mỹ và việc sử dụng lưỡi lê.

by admin

Vào ngày 2 tháng 7 năm 1863. ba trăm tám mươi lăm người thuộc Trung đoàn Maine thứ 20 của Đại tá Joshua Lawrence Chamberlain đã chống giữ cánh trái của Quân đội Liên Bang. Nằm trên ngọn đồi có tên Little Round Top, họ liên tục bị các trung đoàn Alabama 15 và 47 của Liên minh miền Nam tấn công. Đạn dược sắp hết. Cuộc tấn công tiếp theo của phiến quân có thể tràn ngập vị trí của họ.

Đến lúc đó, lệnh của Chamberlain vang lên, “Lưỡi lê!” Trong một cuộc tấn công từ trên đồi xuống dốc, quân Liên Bang đã đánh bại quân nổi dậy, bắt giữ 400 tù binh. Có lẽ đó là trận xung phong bằng lưỡi lê thành công nổi tiếng nhất trong cuộc chiến và được mô tả trong bộ phim Gettysburg năm 1993.

Lưỡi lê có nguồn gốc từ 200 năm trước đó ở Pháp. Thị trấn Bayonne, ở xứ Basque, đã sản xuất một loại dao săn được gọi là “bayonette”. Theo truyền thuyết, vào năm 1647, kỵ binh Đức tấn công vào Bayonne. Những người lính cắm cán dao “bayonette” của họ vào nòng súng để chống lại những kỵ sĩ đang tấn công. Từ đó, ông Jean Martinet (mất năm 1672) được ghi nhận là người đã phổ biến lưỡi lê trong toàn quân đội Pháp. Đến những năm 1660, hầu hết quân đội châu Âu đều mang “lưỡi lê cắm”.

Tại Killiecrankie vào năm 1689, trong một cuộc tấn công điên cuồng, những người dân cao nguyên Scotland chiến đấu cho James II đã đánh đuổi một lực lượng lớn hơn những người Bảo hoàng chiến đấu cho Vua William III vì những người Bảo hoàng không kịp lắp lưỡi lê. Lưỡi lê cắm chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; vì muốn bắn phải rút lưỡi lê ra khỏi nòng.

Điều đáng ngạc nhiên là nhiều lưỡi lê cắm vẫn còn trong các viện bảo tàng và bộ sưu tập vũ khí.

Phát minh ra lưỡi lê ổ cắm vào năm 1678 được ghi công cho Hầu tước de Puységur (1656-1743) Thống chế của Pháp dưới thời Vua Louis XV. Lưỡi lê có một vòng cổ lắp quanh đầu súng, cho phép nạp đạn và bắn mà không cần tháo lưỡi lê ra.

Đến thế kỷ 19, thiết kế lưỡi lê chia ra theo hai dạng: mũi nhọn và kiếm. lưỡi lê nhọn là vũ khí đâm đơn thuần; lưỡi lê kiếm có thể đâm hoặc chém. Súng hỏa mai “Brown Bess” của Anh (phục vụ năm 1722-1838) có nòng 17 inch (43 cm). Súng trường “Baker” cùng thời, với nòng ngắn hơn, mang một lưỡi lê kiếm 24 inch (61 cm), cho phép lập một đội hình khối vuông hỗn hợp giữa lính súng trường và lính hỏa mai với một hàng đồng nhất hơn.

Súng hỏa mai nòng xẻ rãnh trong Nội chiến Hoa Kỳ chủ yếu mang lưỡi lê nhọn. Được nuôi dưỡng đều đặn bằng học thuyết Napoléon, các sĩ quan của cả hai bên đều tin rằng lưỡi lê là “vũ khí của những người dũng cảm,” và những mũi xung phong dồn dập bởi những đội hình dày đặc là chìa khóa dẫn đến chiến thắng.

Năm 1852, đại úy công binh George B. McClellan (1826 -1885) đã dịch và xuất bản sách hướng dẫn sử dụng lưỡi lê của Quân đội Pháp. Sách dạy một hệ thống “đấu lưỡi lê”, hoàn toàn không thực tế đối với các chiến trường đã bị biến thành bãi đất chết do khả năng sát thương ngày càng cao của súng hỏa mai. Trong lời tựa của mình, McClellan đã viết:

“Có một ví dụ được ghi lại về một lính bộ binh người Pháp, trong trận chiến Polotsk (1812), đã tự vệ bằng lưỡi lê của mình, chống lại cuộc tấn công đồng thời của 11 lính bộ binh Nga, giết 8 người trong số họ. Trong trận chiến Sanguessa (1813), hai binh sĩ của sư đoàn Abbé đã tự vệ bằng lưỡi lê chống lại 25 kỵ binh Tây Ban Nha, và sau khi gây ra một số vết thương nặng cho đối phương, đã tái gia nhập trung đoàn của họ mà không bị trầy xước gì”.

Trên thực tế, lưỡi lê là một vũ khí tâm lý. Trong chiến tranh hiếm khi xảy ra giao chiến bằng vũ khí lạnh. Quân tấn công đang lao tới sẽ bị bắn tan tành trước khi họ có thể áp sát, hoặc quân phòng thủ sẽ tan vỡ và bỏ chạy.

Bằng chứng là các báo cáo thương vong. Rất ít vết thương do lưỡi lê gây ra trong Nội chiến. Trong số những người được nêu trong báo cáo, nhiều người bị đâm bằng lưỡi lê sau khi bị súng đạn đốn ngã trên chiến trường. Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1864, thời kỳ chứng kiến ​​những trận chiến tàn khốc của Vùng Hoang dã, Spotsylvania, Cold Harbour và Crater, các bác sĩ phẫu thuật của Đội quân Potomac đã điều trị chính xác 37 vết thương bằng lưỡi lê.

Trong hồi ký của mình, tướng William T. Sherman (1820-1891) kể lại rằng trong giao tranh cận chiến, những người lính chiến đấu bằng súng, không phải lưỡi lê.

Quân đội các nước châu Âu đồng lọat bỏ qua những bài học của Nội chiến Hoa Kỳ và giữ niềm tin thần bí của họ vào sự sùng bái lưỡi lê, kết quả là một cuộc tắm máu có thể đoán trước được khi súng máy và dây thép gai được sử dụng trong chiến tranh vào năm 1914.

Vào tháng 9 năm 1943, sổ tay hướng dẫn sử dụng lưỡi lê của Quân đội Mỹ, đã định nghĩa ” bản lĩnh của người sử dụng lưỡi lê ” cho Thế hệ vĩ đại nhất:

“Ý chí quyết chiến và tiêu diệt kẻ thù trong cận chiến là bản lĩnh của người sử dụng lưỡi lê. Nó bắt nguồn từ sự tự tin, lòng dũng cảm và quyết tâm gan dạ của chiến binh và là kết quả của quá trình rèn luyện tích cực ”.

Lần cuối cùng người Mỹ sử dụng lưỡi lê là ở Triều Tiên vào năm 1951. Quân đội Mỹ đã từ bỏ phần lớn việc đào tạo về lưỡi lê. Tuy nhiên, lính thủy đánh bộ vẫn coi đây là một kỹ năng quan trọng của bộ binh, họ cho rằng lưỡi lê là vũ khí không bao giờ hết đạn.

You may also like

Leave a Comment