Về quan hệ chính trị, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, Việt Nam và Ukraine đã ký kết nhiều văn bản hợp tác song phương, với hơn 50 thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, việc làm, bảo hộ đầu tư và hợp tác hải quan. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Ukraine đạt được những kết quả khả quan.
Đặc biệt, năm 2011, hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đưa quan hệ Việt Nam-Ukraine lên tầm cao mới. Theo đó, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, làm cơ sở tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo…
Bên cạnh đó, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, quốc tế để khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng của mỗi bên. Trên các diễn đàn khu vực và đa phương, Việt Nam và Ukraine luôn có sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Trong hợp tác kinh tế, thương mại, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng liên tục. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 644,65 triệu USD. Tính trung bình giai đoạn 2017-2020, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 31%. Năm 2021, kim ngạch song phương đạt 720,4 triệu USD.
Giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ và còn nhiều tiềm năng, đặc biệt trong một số lĩnh vực, như: nông nghiệp, thủy hải sản, dệt may, sản xuất máy móc, linh kiện, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, du lịch… Hiện Việt Nam là một trong 5 đối tác châu Á lớn nhất của Ukraine.
Về đầu tư, tính đến tháng 12/2021, Ukraine có 26 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 30 triệu USD, đứng thứ 69 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 6 dự án đầu tư sang Ukraine với tổng vốn đầu tư là 4 triệu USD.
Hợp tác khoa học-công nghệ là một trong những lĩnh vực có nhiều triển vọng giữa hai nước. Từ năm 2010, Việt Nam và Ukraine đã triển khai một số đề tài, dự án chung, như “Hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu khinh khí cầu có điều khiển với hình dạng tối ưu”, “Cơ sở địa lý học trong quản lý và khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường theo lưu vực sông phục vụ mục đích phát triển bền vững (sông Hương và sông Bug-Ukraine)”…. Kết quả của một số đề tài, dự án hợp tác chung đã được ứng dụng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh của hai nước.
Trong hợp tác quốc phòng, Ukraine là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Việt Nam và Ukraine đã đặt Cơ quan Tùy viên quốc phòng tại Kiev năm 1994 và tại Hà Nội năm 2003 để thúc đẩy quan hệ giữa hai Bộ Quốc phòng. Ukraine cũng cử cán bộ tham gia các lớp học tiếng Việt và khóa học dành cho quan chức quốc phòng các nước tại Việt Nam.
Hiện cả Việt Nam và Ukraine đều mong muốn tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trao đổi đoàn các cấp, hợp tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm xây dựng quân đội. Việc hợp tác sâu, rộng hơn nữa trong tình hình mới góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới của mỗi nước, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
Để khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam và Ukraine đã ký Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Ngoài ra, hai nước thường xuyên tổ chức những ngày văn hóa, tuần lễ văn hóa, triển lãm tranh ảnh, hội thảo giới thiệu về đất nước, con người của mỗi nước.
Trong hợp tác giáo dục-đào tạo, hiện có khoảng 1.400 sinh viên Việt Nam học tại Ukraine và nhiều sinh viên Ukraine học tập tại các trường đại học của Việt Nam. Năm 2021, Chính phủ Ukraine dành cho Việt Nam 30 suất học bổng, bao gồm: 25 suất học bổng đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ, 5 suất học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ theo các khối ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Nhằm tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo, vào năm 2018, Trung tâm hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo Việt Nam-Ukraine (CUVC) đã được thành lập.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine hiện có khoảng 10.000 người, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của nước sở tại và với quê hương. Không những vậy cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine còn là cầu nối hữu hiệu, là nhân tố thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Hiện nay, Hội hữu nghị Việt Nam-Ukraine, tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, được thành lập ngày 12/1/1995 tập hợp những người từng học tập, sinh sống, làm việc tại Ukraine. Trải qua hơn 25 năm phát triển và trưởng thành, Hội đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác nhân dân giữa Việt Nam và Ukraine.
Đánh giá về mối quan hệ đối tác toàn diện, tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ukraine, tổ chức tại Hà Nội tối ngày 21/1/2022 vừa qua, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ukraine Đặng Văn Chiến khẳng định trong suốt chặng đường phát triển quan hệ hai nước, Ukraine luôn là nước bạn bè truyền thống, gắn bó của nhân dân Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng tin rằng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam và Ukraine, cùng với nỗ lực và quyết tâm của hai nước, chắc chắn quan hệ Việt Nam-Ukraine sẽ được tiếp nối bởi sự gắn bó ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc.
Link: