“Những giờ cuối cùng của năm cũ đâm ra lại là những thời khắc khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhất, không phải về chính mình, mà là về nơi tôi đang sống”, chia sẻ của tác giả Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện) với độc giả của Trạm Đọc.
Năm đầu tiên không gian gia đình tôi trống vắng cây đào ngày tết là năm 2009 – năm ông nội tôi mất trong một vụ tai nạn. Tết năm đó, thay vì chi tiền cho một cây đào với cái thân mốc xanh và bộ rễ to bằng ngón chân cái, bố tôi cắm một bình hoa trắng trong phòng khách. Tôi nhìn thấy nỗi buồn của một gia đình có tang trong màu trắng ấy, nhưng đồng thời cũng là hi vọng về tương lai, tức là vài năm sau khi nỗi đau lắng xuống. Bố tôi thỉnh thoảng nói thầm: “chuyện này rồi sẽ qua đi”, câu nói này giục giã tôi tin hơn vào những ngày sắp tới. Nụ cười dần xuất hiện khi gia đình quây quần xem Táo Quân vào đêm giao thừa, nghe tiếng pháo nổ vang vọng từ phía Bắc – Hồ Tây, và phía Đông – Hồ Hoàn Kiếm. Tiếc là từ đó đến nay, căn nhà của tôi không còn thấy sắc hồng của đào.
Tin các hộ trồng cây tết ở nhiều khu vực mất mùa, bán lỗ hay có khi là mất trắng xuất hiện với mật độ càng dày đặc. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng tranh luận rằng Tết ta có thực sự cần thiết nữa hay không khi gánh nặng của nó lên nền kinh tế là quá lớn. Giữa một biển thông tin ấy, tôi cũng tự hỏi tinh thần của Tết nằm ở đâu, ở sắc hồng của đào, sắc cam của quất, sắc vàng của mai, hay một thứ gì đó sâu sắc hơn?
Tôi nhớ bên trong những lời kể của bà, của bố mẹ và trong cả những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, năm 2000 được nhắc đến như một dấu mốc cho sự chuyển giao. Ở phía bên kia của mốc thời gian – tức là tương lai – người ta mường tượng về xã hội và nói giá như nó trở thành sự thật. Mùa xuân của 30 năm về trước, một học sinh trường PTTH Hoàn Kiếm từng vẽ ra một tương lai như thế này: “Năm 2000? Tôi hình dung và thành thực mong nó đúng như hình dung của mình. Lúc đó con người trong xã hội biết sống vì nhau, tốt hơn với nhau, không nhỏ nhen và vụ lợi như bây giờ. Mọi người độ lượng và tha thứ cho nhau. Trong xí nghiệp, cơ quan có sự công bằng trong thưởng, phạt. Trong nhà trường học sinh biết tôn trọng và nghe lời thầy cô giáo. Các thầy cô giáo được đảm bảo đời sống, không phải đi làm thêm những nghề như rửa bát, bán thuốc lá… như hiện nay. Trong bệnh viện không còn tình trạng bác sĩ sau một ca mổ, một đêm trực mệt nhoài nhưng chỉ được bồi dưỡng một số tiền không đủ ăn một bát phở”.
17 năm sau cái dấu mốc chuyển giao giữa 2 thiên niên kỷ, có một số điều người ta không còn ước nữa. Không phải vì những điều ước trên đã trở thành hiện thực, mà đơn giản là, những người như Hoài Giang – tác giả bài viết – không còn sống trong hệ quy chiếu của ngày xưa nữa. Bát phở không người lái mà những người sống qua thời bao cấp trân trọng, ngày nay được một số người Hà Nội trẻ quy ra thành một bữa lẩu buffet. Chỉ tiếc, hồi xưa người ta đặt ra 1 quy chuẩn để vin vào, còn ngày nay thì có nhiều quy chuẩn quá. Cùng ở Hà Nội, những người sau một ca trực đêm có tiền bồi dưỡng không đủ ăn một bữa buffet sống cùng với những người sau một ca trực đêm có tiền bồi dưỡng không đủ ăn một bát phở. Những vấn đề này thường trực, những vấn đề này đau nhoi nhói, dù trong lòng của những người công nhân bị nợ lương ở Đồng Nai hay những ông chủ có vấn đề với cơ quan thuế. Nhưng chỉ đến tết người ta mới bàn tán về nó một cách rộn ràng.
Tôi không muốn tin rằng tiếng thì thào của người Hà Nội chỉ còn là những lời lẽ bị chìm nghỉm trong nỗi lo lắng rằng một ngày nào đó, ngôi nhà mình ở sẽ bị san phẳng để xây chung cư, những khu chợ sát vách bị thay thế bằng những trung tâm mua sắm và những cửa hàng tiện lợi, hay xa hơn nữa là nỗi lo về sự thành công như nhà xã hội học Max Weber miêu tả, mà trong trường hợp thế hệ của tôi, Chúa được thay thế bằng những tập đoàn. Sự hạnh phúc bị “tha hóa” khỏi thế hệ của tôi như Karl Marx đã nói, nụ cười của cha mẹ, niềm vui của một bữa cơm gia đình bị thay thế bằng những cốc café ở Starbuck hay một chiếc túi đắt tiền ở Vincom. Tôi không muốn tin rằng xen lẫn những khu đô thị giàu có là những căn trọ chật hẹp dành cho người lao động nhập cư. Là những người lao động nhọc nhằn bên vỉa hè hay trong những nhà máy hay những nhân viên văn phòng làm việc 10 tiếng một ngày thì sự lo lắng ấy là như nhau, và theo Emile Durkheim, khi chiếc chun đã đứt, người ta sẽ lựa chọn từ bỏ cuộc sống của mình.
Những nỗi lo về tài chính, địa vị, xuất thân vẫn ở đó, nó bùng lên như một cơn lốc những ngày cận tết khi người người nhà nhà thi đua xem cây đào nhà ai to hơn, nhưng tôi không tin nỗi lo lắng ấy là câu chuyện của thế hệ thời đại công nghiệp chúng tôi. Từ đây ý nghĩa của ngày Tết cũng rõ ràng hơn bao giờ hết. Đó là khoảng thời gian để chúng ta nhìn lại quãng hành trình chúng ta đã đi trong suốt cuộc đời, mình được gì, mình mất gì, mình phải làm gì. Đó là khoảng thời gian lắng xuống để chúng ta trầm tư hướng mắt về tương lai nơi ánh mặt trời sáng rực rỡ. Đó là khoảng thời gian ánh sáng ấy đi vào từng tế bào của xã hội, nhắc nhở mỗi chúng ta điểu gì mới là giá trị cốt lõi, không chỉ của tết, mà là của cả sự hiện hữu này. Câu trả lời của tôi, đó là giá trị của sự lạc quan và của sự lương thiện. Lạc quan để mong chờ tết năm sau ta sẽ hạnh phúc hơn, còn lương thiện để kìm nén bản thân không bằng những cách tệ hại để nắm giữ được hạnh phúc.
Hà Nội giờ đã khác xa 30 năm trước, nhưng lời ước mùa xuân, hạ, thu hay đông thì vẫn là một thứ quán tính như Đức Hoàng đã viết. Vì vậy, ham muốn “con người trong xã hội biết sống vì nhau, tốt hơn với nhau, không nhỏ nhen và vụ lợi như bây giờ” có lẽ sẽ vẫn còn mãi.
Vũ Hoàng Long – Người Kể Chuyện