[Review] Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

by admin

Thông tin cơ bản

Truyện gốc: Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Tác giả: Yên Bán Căn.

Thể loại: hiện đại, điền văn, ngọt tận răng.

Độ dài: 55 chương + 1 ngoại truyện.

Nhân vật chính: Trình Nặc, Tông Lãng.

Review Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ

Mùa xuân ở căn nhà cũ Review

Điền văn cổ đại không phải hiếm, nhưng điền văn hiện đại mình lại chưa gặp bao giờ. Nếu bạn đã từng nghe qua hoặc mê mẩn các video về cuộc sống nơi thôn dã của Lý Thất Tử hay Vương Nhất Đao thì Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ chính là một câu chuyện với khung cảnh như vậy.

Tan nát cõi lòng sau khi bị phản bội bởi hai người quan trọng nhất trong suốt 28 năm cuộc đời mình, Trình Nặc xách hành lý mua vé chuyến bay bất kì, lại liên tiếp bắt vài chiếc xe buýt ngẫu nhiên. Đến khi dừng chân, cô đã ở một trấn nhỏ xa lạ tên Lan Khê, rồi tình cờ nhìn thấy ảnh của một căn nhà cổ trên cù lao Hà Diệp, nó như gợi lại cho cô kí ức về những ngày tháng sống ở quê cùng bà nội.

 

Dù gì với cô bây giờ thứ thừa thãi nhất là thời gian nên Trình Nặc định bụng ngày mai sẽ đến thăm ngôi nhà đó, trước hết lấp cái bụng trước đã. Ngồi ở quán thịt nướng ven sông, lần đầu tiên Trình Nặc uống say, say đến mức nhìn ra mặt sông mà gào khóc. Trước đó, khi phát hiện chồng mình và bạn thân có con với nhau cô không khóc, khi ly hôn quay bước khỏi tổ ấm 8 năm cô không khóc, vậy mà lại gào khóc ở chốn này.

Thế là nam chính Tông Lãng lên sàn, được ông chủ quán thịt nướng nhờ đưa Trình Nặc về khách sạn, Tông Lãng đã chứng kiến giây phút xấu hổ, yếu đuối nhất của cô. Mọi chuyện qua đi như chưa hề xảy đến, sáng hôm sau cô vẫn qua phà đến thăm ngôi nhà cổ như dự định, vậy mà lại không tìm được. Lúc sắp quay trở về, như một phép màu cô lại được một con mèo trắng dẫn đường rẽ trái rẽ phải đến được căn nhà. Ma xui quỷ khiến thế nào cô lại nghe lời bà lão ngồi trước hiên mà mua lại ngôi nhà.

Mua xuan o can nha cu review

Đọc đến đây nếu ở ngoài đời có lẽ mình đã sợ bỏ chạy mất dép, khi không lại đi mua nhà tại cái nơi hoang vắng toàn người già thế này. Nhưng ấy ấy, mọi người đừng vội, ‘thuyền đến đầu cầu ắt tự thẳng’. Vậy là Trình Nặc mơ mơ màng màng ở lại trên cù lao Hà Diệp, từ đây cô bắt đầu tiếp xúc với Tông Lãng nhiều hơn vì anh là cư dân trẻ tuổi duy nhất còn sinh sống trên cù lao này, gần như có việc gì mọi người đều gọi anh. Nhưng không muốn nhận ơn huệ từ người xa lạ, Trình Nặc chọn cách quy hết ra tiền, từ thuê thợ sửa nhà đến hái rau ở ‘lều lớn’ của anh, nhưng dần dần ơn huệ bắt đầu trả không nổi nữa rồi.

Trái tim vốn đã chết của Trình Nặc bắt đầu loạn nhịp, ban đầu cô không muốn thừa nhận, nội tâm dàn xé, cô không muốn xuất hiện bất cứ bất ngờ nào trong cuộc sống nữa, chỉ muốn sống lặng lẽ qua ngày mà thôi nhưng trái tim lại không nghe lời biết làm sao đây.

Lại nói về Tông Lãng, một người đàn ông 28 năm chưa hề rung động trước bất kì cô gái nào dù anh giỏi giang, tháo vác, dù anh có nhà có công việc kinh doanh ở thị trấn bên kia bờ nhưng anh vẫn ở lại cù lao này. Tới chính anh cũng không biết mình đang chờ điều gì, đến khi cô xuất hiện anh đã biết điều mình chờ đợi cuối cùng đã xuất hiện.

Tuy đã thích cô từ lần đầu gặp mặt, nhưng cũng chứng kiến sự đau khổ của cô, anh biết không thể gấp gáp mà phải từng bước một len lỏi vào thế giới của cô, cũng như anh hay nghĩ mỗi khi bị cô từ chối “không sao, danh phận trước sau gì cũng có”. Là một người đàn ông lưng dài vai rộng nhưng lại hết sức mặt dày mà theo đuổi Trình Nặc, đến tận lúc hôn được cô, anh chôn đầu vào gáy Trình Nặc mà nhỏ giọng “Đây là nụ hôn đầu của anh” – đáng yêu hết sức. Thế mà cô lại bảo với anh “Chỉ là hôn thôi mà” làm anh hết sức bất bình, bất bình chết đi được, nói mạnh miệng thế thôi chứ Trình Nặc lúc đó đã không khống chế được trái tim mình rồi, cô tự bào chữa rằng phụ nữ 30 như hổ, tất cả chỉ là phản ứng sinh lý, chắc chắn là phản ứng sinh lý.

Rồi dưới sự tấn công trường kì của Tông Lãng, hai anh chị cuối cùng cũng về một nhà. Một câu chuyện vui vẻ hài hòa không thể thiếu sự có mặt của các ông bà lão hiền lành chất phác trên cù lao, của cậu lính tính khí trẻ con Bạch Nguyên.

Tuy chỉ miêu tả cuộc sống hàng ngày cũng như hành trình đến với nhau của Trình Nạc và Tông Lãng nhưng truyện không bị nhàm chán, ngược lại ngọt đến sâu răng. Phải chăng chúng ta vào một thời điểm nào đó cũng khao khát một cuộc sống giản đơn dung dị như vậy nhưng lại không bỏ được sự mệt mỏi của cuộc sống nhộn nhịp? Như Tông Lãng từng nói “Những chuyện đã qua chỉ là phong cảnh ven đường, bến bờ của em chính là anh”, ở một nơi nào đó đang có người chờ đợi chúng ta, chỉ là thời cơ chưa đến nên các bạn đừng lo lắng, cứ dũng cảm bước đến phía trước, biết đâu được có một cù lao Hà Diệp đang chờ chúng ta.

Pollen

Nguồn hình ảnh: Internet, Pinterest.

You may also like

Leave a Comment