DƯƠNG QUANG PHỔ CHIẾU
Đạo diễn: Chung Mạnh Hoành
Diễn viên chính: Vu Kiến Hoà, Trần Dĩ Văn, Kha Thục Cần
Thể loại: Phim Trung Quốc, Phim chính kịch, tâm lý
Độ dài: 2g 36ph
Giới thiệu:
Thông qua một gia đình gồm bốn người, A Sun (Dương quang phổ chiếu) – bộ phim chính kịch của đạo diễn Chung Mạnh Hoành – khai thác chủ đề tội lỗi và cách mỗi cá nhân đối diện với tội lỗi.
Là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 2019 của điện ảnh Đài Loan, A Sun đã chứng minh cho khán giả cùng các nhà chuyên môn thấy tầm ảnh hưởng sau khi được ra mắt. Với thời lượng 150 phút cùng một kịch bản chau chuốt và đầy hấp dẫn, phim xứng đáng được nhắc đến bằng 2 từ “siêu phẩm”. Ngoài ra, phim còn được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto vào tháng 9 năm 2019 và chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo sau đó, nhận được 11 đề cử tại giải thưởng Kim Mã lần thứ 56, giành chiến thắng ở 6 hạng mục, trong đó có Phim truyện và Đạo diễn xuất sắc. Sức hấp dẫn của câu chuyện đã giúp tác phẩm tiếp tục được chọn làm đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) tham gia tranh giải Oscar 2021 tại hạng mục Phim quốc tế xuất sắc.
=====
Mình biết đến bộ phim này qua bạn học Hứa Quang Hán cũng như những giải thưởng mà phim đã giành được tại Kim Mã. Mình luôn tin tưởng vào những bộ phim mà Hán lựa chọn, vậy nên mình luôn muốn xem phim khi nó có trên Netflix nhưng vì một số lý do mà mãi đến hiện tại mình mới có thời gian xem nó. “Dương quang phổ chiếu” là một bộ phim khá thực tế đến đau lòng. Câu chuyện khởi đầu với cậu con trai ngỗ nghịch bị đi tù, lên đến cao trào khi người anh ưu tú của cậu qua đời và kết thúc trong sự yên bình.
Trước tiên mình nói về bạn học Hứa – A Hào đưa mình đến với bộ phim. Đây là nhân vật con nhà người ta trong truyền thuyết, học giỏi, là niềm tự hào và kì vọng của cả gia đình. Một cậu trai ưu tú luôn mang lại niềm vui cho mọi người nhưng không ai biết nguyên nhân tại sao cậu lại tự tử. Tuy nhiên khi mình xem kĩ và để ý một số chi tiết trong phim thì mình có thể nhận ra điều ấy. Bởi vì cậu sống trong một gia đình mẹ bận rộn với công việc trang điểm tại quán bar, người cha dạy tại trường lái luôn quá nghiêm khắc, vậy nên lúc nào chàng trai ấy cũng tự nhủ mình phải thật tốt để không thành gánh nặng cho mọi người, không được làm mọi người thất vọng. Kể cả khi cậu thi rớt trường y cậu vẫn quyết tâm học lại. A Hào đi đến đâu cũng khiến người ta cảm thấy như được ánh nắng ấm áp chiếu rọi. Thế nhưng càng là những người biểu hiện ấm áp bề ngoài thì trong tâm hồn họ lại càng cô độc. Lúc cậu suy sụp vì thi trượt liệu đã có ai an ủi cậu có ổn không? Liệu lúc cậu buồn có ai chia sẽ với cậu không? Liệu khi cậu muốn rẽ qua con đường khác có làm cha mẹ thất vọng chăng? Có lẽ với những người càng ưu tú thì áp lực gánh lên họ càng lớn. Hơn thế nữa cậu cảm thấy sự tồn tại của mình là sự phủ định của người em trong gia đình. Không phải chỉ có người yếu kém mới cảm thấy ghen tị với anh/em mình, ngay cả những người ưu tú đôi khi họ cũng thèm khát được làm một người bình thường mà thôi. Mình không biết trong giây phút nhảy xuống A Hào đã nghĩ gì, nhưng có lẽ cậu nghĩ rằng cuối cùng mình đã được giải thoát khỏi thế giới này, không cần làm một ánh mặt trời giả tạo nữa.
Trái ngược với người anh con nhà người ta thì cậu em A Hoà chính là kẻ cá biệt không một phụ huynh nào muốn con cái mình dây vào. Cậu ta làm bạn gái đang học lớp 9 có thai, gây chuyện là đồng loã khiến người khác bị cụt tay, phải vào trại cải tạo khi chưa tốt nghiệp cấp ba. A Hào hồi nhỏ cũng đã từng là một cậu bé ngoan nhưng có lẽ vì sống dưới cái bóng của người anh ưu tú nên cậu phản nghịch để chứng minh sự tồn tại của mình. Đối với mình những đứa trẻ hư một phần cũng là do chính gia đình tác động vào. Nếu như gia đình dẫn dắt đúng đắn thì đứa trẻ hiếm
khi đi đến con đường tội lỗi. Tiếc thay ở trong gia đình này chỉ có mẹ là còn thương cậu, người cha thì có thương đấy nhưng phần lớn ông không coi cậu tồn tại. Đối với cha thì ông chỉ có một người con trai là anh cậu, vậy nên cậu càng ra sức phản nghịch. Mọi sự phản nghịch đã phải trả giá bằng việc đi trại cải tạo và A Hoà đã thực sự thay đổi nhất là sau cái chết của anh cậu. Mỗi người đều có cơ hội sống thứ hai, ít nhất là đối với những người biết hối lỗi như A Hoà. Mọi đứa trẻ hư chỉ biết trân trọng cuộc sống hơn khi nó được chính cuộc đời vả vào mặt. Sau bao chỗ làm không ai nhận vì tiền án của cậu thì cuối cùng cũng có nơi chịu chứa chấp cậu nhóc. Thật may vì A Hoà còn có cơ hội sửa sai chứ với một số người thì có lẽ phải đánh đổi bằng chính tính mạng.
Nhân vật người bố là nhân vật người ta vừa thương vừa ghét. Ông luôn phủ nhận sự tồn tại của người con thứ hai, nhưng tất cả chúng ta đều phải hiểu rằng không có cha mẹ nào không thương con. Ông thương con đấy nhưng chỉ là cách làm của ông khá sai khiến một đứa thì đi đến đường cùng một đứa thì ngày càng cách xa ông. Cách dạy dỗ con cái không hề đơn giản như ông dạy dỗ người ta lái xe trăm người như một. Có cái cảnh mà mình ghét người bố đến mức cảm thấy sao có người máu lạnh đến vậy. Người cha của nạn nhân cầu xin ông đền bù tiền vì thủ phạm chỉ có người bà già yếu, người bà thủ phạm bị bắt vào trại dưỡng lão còn nhà thì bị bán đi, nhưng ông vẫn không mủi lòng phải đến tận khi người bố kia dùng cách cực đoan ông mới đền tiền nhưng không phải vì thương cảm cho nạn nhân mà là vì không muốn để mọi người biết mình có một đứa con đi trại cải tạo. Thế nhưng càng xem về ông thì chúng ta lại càng hiểu ông cũng như bao người cha trong xã hội này luôn muốn con cái mình thành công, có công việc ổn định, không phải sống cuộc đời vất vả như vậy. Xin đừng để đến khi đầu cha mẹ đã bạc mới nhận ra nỗi vất vả của họ.
Bộ phim có một cái kết có hậu vì sau tất cả mọi người đã vượt được qua đau thương và hướng tới ngày mai. Một chi tiết trong phim thể hiện sự nhân văn mà mình rất thích đó là hoá ra tiệm rửa xe nơi nhận A Hoà làm việc lại hình là nơi bố con nạn nhân cũng làm. Có lẽ họ cũng biết rằng cậu nhóc này xứng đáng được làm lại cuộc đời nên sẵn sàng dang tay chào đón cậu. Tất cả rồi sẽ ổn, mặt trời vẫn sẽ tỏa sáng mọi nơi sưởi ấm cho tất cả. Phim hiện đã có trên Netflix.