RỒI MỌI THỨ SẼ LẠI QUAY TRỞ VÊ?

by admin

Trong suốt thời gian quay cuồng với nhiều kiểu quần áo mang tính thiết kế cao – mang tính trình diễn hoặc nhiều khi oằn tà là vằn một cách không cần thiết thì các sao Việt Nam cũng bắt đầu việc sử dụng những thứ căn bản lên sàn diễn nhiều hơn. Dạo gần đây, người ta nói về outfit của Mono – của Sơn Tùng MTP hay của HieuMonday về việc sử dụng 1 phần top bám sát vào người (có thể là tanktop, có thể long sleeves) và quần denim, quần da. Người ta cảm thấy kỳ lạ về việc sử dụng outfit này, người ta cảm thấy thế là không tôn trọng người xem. Nhưng thực ra đó chỉ là những gì mà nền văn hoá thời trang đã vận hành hàng thập kỉ trước đó.

Nếu mà nói các sao Việt Nam đang chú trọng tới việc thể hiện âm nhạc trên sân khấu hơn là cái quần cái áo thì cũng không hoàn toàn đúng. Vì những gì mà họ mặc là đang dựa theo xu hướng trên toàn cầu – và những món đồ mà họ mặc cũng đến từ các thương hiệu hot nhất trên thế giới (Balenciaga, Chromehearts, Diesel..). Trong khoảng năm 2022 này, rất nhiều những xu hướng cũ quay trở lại và tác động không hề nhỏ tới cộng đồng và các nhãn hàng thời trang lớn. Thế nên rằng những gì họ mặc chẳng có gì là lạ so với ai tìm hiểu về fashion trước đó.

Không cần nói xa, cái kiểu nam giới mặc những phần áo phía trên bó sát vào người khoe cơ bắp chẳng lạ gì với cộng đồng thời trang Việt cách đây phải 2-3 năm. Gen Z là một thế hệ nhận thức vô cùng tốt về nét đẹp của bản thân, của cơ thể và tính cách của họ và họ sử dụng thời trang như một cách để minh chứng cá tính. Nam hay nữ cũng chẳng quan trọng, quan trọng là họ được sống với con người của chính mình. Nên chẳng lạ gì việc thấy các bạn nam sẵn sàng mặc váy, mặc những sản phẩm thời trang bám sát vào cơ thể – thứ mà nhiều người suy nghĩ rằng nó chỉ dành cho nữ. Cũng chính vì nắm bắt được xu hướng và tính cách của Gen Z, những nhà nghiên cứu thị trường nhận thấy sao không cung cấp được các sản phẩm tương tự – nhưng thiết kế hơn hay chỉ đơn giản là mang brand-value (Giá trị thương hiệu) lên các sản phẩm đó. Bingo! Đa dụng, flexing được và thể hiện mình là một người fashionista. Vì thế mà các sản phẩm ready-to-wear, những sản phẩm mặc liền ngày càng thuyết phục được khách hàng.

Và mình lại thấy buồn cười vì cái vòng lặp này nó theo chu kì mà lặp đi lặp lại. Chúng ta như những con thoi dập lên dập xuống theo sự chỉ định của các tập đoàn thời trang lớn. Chu kì của sự đơn giản, đa dụng lên ngôi sau khi những tinh tuý của thời trang, của sự trình diễn đã kết thúc nhiệm kì của nó. Người ta lại mặc đơn giản liên tục – nhưng sau một thời gian thì lại mong muốn có 1 chút gì đó chi tiết, 1 chút gì đó “Fashionable”. Cái tính “Fashionable” này có thể thể hiện được bằng tên tuổi của thương hiệu hay đường may thiết kế. Càng ngày nhu cầu càng cao thì người ta lại chán cái sự đơn giản, lại chạy theo cái sự phức tạp, tỉ mỉ. Vậy cuối cùng, bản chất của con người khi sử dụng thời trang đó chính là “Sự khác biệt” – là “Phân biệt bản thân mình với hàng vạn người khác”. Nhu cầu đó là căn bản.

Sự tưởng tượng của con người chỉ có thể tới một mức nào đó. Ngay cả những NFTs, những thế giới thực tế ảo cũng đạt ngưỡng giới hạn của mình tại thời điểm này. Khi người ta đạt ngưỡng tưởng tượng thì người ta lại dựa trên những thứ cũ để sáng tạo cái mới. Nhìn Sơn Tùng MTP, của Mono – mình liên tưởng tới ngay hình ảnh của Freddie Mercury với chiếc áo ba lỗ trắng bó sát cùng quần jeans bó, mình liên tưởng tới Adam Levine với chiếc ba lỗ màu xám và quần tây. Rồi mọi thứ lại quay trở về?

Nếu mà nói cái sự tôn trọng khán giả thì mình tin chắc ai đi xem nghệ sĩ nào diễn live-show hay concert thì cái thứ mà họ muốn đầu tiên và ưu tiên nhất chắc là sự xuất hiện của nghệ sĩ đó, được nghe họ live bản nhạc mà mình yêu thích, được kết nối với những người cũng yêu thích bài hát đó với mình. Và nghệ sĩ cháy hết mình với họ – đó là điều tôn trọng duy nhất mà họ cần. Còn thời trang ư, nó chỉ là gia vị nêm nếm thêm mà thôi. Việt Nam thì Đen Vâu, Ngọt hay Cá Hồi Hoang rất giản dị – quốc tế thì nhiều khi các sao còn mặc tee + short lên diễn live mà các bạn. Mà khán giả vẫn gào thét trên điệu nhạc đó mà thôi. Giá trị của nghệ sĩ đó là “Thật” – thứ mà chúng ta luôn theo dõi họ đó là “Âm nhạc”. Tất nhiên khi mà nghệ sĩ đó quá nổi tiếng, quá visual và đang muốn xây dựng hình ảnh theo hướng thời trang hơn thì cần những kế hoạch đúng đắn hoặc bám sát nhất với con người của họ. Đó là điều mà mình quan tâm vì nó ảnh hưởng rất nhiều tới công chúng.

You may also like

Leave a Comment