Mình không biết mình là người khó tính hay tại bây giờ xã hội quá dễ tính đi chăng nữa. Trong ngày hôm nay mình có xem được nhiều bạn chia sẻ về hình ảnh những celebs có lẽ đã đi vào tiềm thức của rất nhiều người ở đây đi dự đám tang của diva Mai Diễm Phương, từ Trương Bá Chi – Tạ Đình Phong – Lưu Đức Hoa và Trương Mạn Ngọc… Mình chỉ dám thốt lên là “Sao mà đẹp thế!”. Vẫn phong thái đó, khí chất đó – mỗi người vẫn toả ra ngút trời. Mà chắc chắn những nhan sắc đó không đụng quá nhiều về dao kéo, mà mỗi người lại có một cái nét khác nhau – cái thần khác nhau. Thế mới nói, thần thái của con người là tất cả.
Nhắc tới đất bạn thì phải nhớ tới quê hương, mình chẳng dám nhận là một người trải nghiệm quá nhiều thứ. Chỉ nhớ rằng cái thời mình mọi thứ giải trí còn rất thô sơ – làm gì có máy tính cá nhân, điện thoại thông minh hay những chiếc máy tính bảng cỡ lớn với đường mạng vèo vèo. Phần mềm mà mình yêu thích nhất lại là offline (Đó là giả lập Pokemon của Gameboy trên PC), không social network, không biết gì cả. Những người nổi tiếng của mình lúc đó hầu hết là những cô chú diễn viên, những nghệ sĩ với chất giọng thanh thoát. Mình vẫn còn nhớ những chiều thu ở Hà Nội, bà bật trên dàn máy đĩa giọng của NSUT Thu Hiền. Đối với mình, đó là thần tượng. Cái thời mà tài năng của mỗi người, phải vật lộn để mà có – để mà sống theo đam mê.
Mỗi thời mỗi khác, không thể nào so sánh ngang như vậy được vì nó sẽ lại đi vào concept giống phụ huynh chúng ta. “Thời bằng tuổi tụi mày ngày xưa tao blah bloh..”. Nhưng thực tế bây giờ cái sự nổi tiếng nó quá dễ dàng, nó quá lệch lạc và đưa những người không nên nổi tiếng lại nổi tiếng. Đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, nhu cầu giải trí càng ngày càng cao và những tiêu chuẩn đã đưa ra những người nổi tiếng 4.0. Những gương mặt phẫu thuật thẩm mỹ na ná nhau (Mình không có ý gì với việc làm đẹp nhé, mình đang nói việc ai cũng áp dụng công thức đó để ra những phiên bản giống hệt nhau), những người “nổi tiếng” mà không có độ sâu – phát ngôn ngờ nghệch, trí thông minh và độ sắc sảo thì bằng không. Buồn thay, những người đó lại đang kiếm rất nhiều tiền dựa trên cái sự dễ tính của thị trường hiện tại. Suy cho cùng, mình lại giống như một thằng ghen ăn tức ở, chưa làm bằng được người khác mà lại nói. Mình buồn chứ.
Nhưng tại sao mình lại nói về vấn đề này. Cái thời mà khó khăn để khẳng định mình với công chúng, với thị trường – các nghệ sĩ hay người nổi tiếng xưa phải thực sự có tài năng, phải khéo léo. Thế hệ trước vô cùng khó tính trong việc chọn lọc ai là người mà họ sẽ yêu thích, sẽ ủng hộ hay thần tượng. Cái sự khó đó đã trui rèn những con người bản lĩnh, tạo dựng cho họ một cái phong thái, một cái thần thái mà không có thể ai có được. “Vàng thật thì cần phải thử lửa. Áp lực sẽ tạo thành kim cương”.
Thế nên, so với thế hệ hiện nay – mỗi một cô chú hay những người nổi tiếng ở giai đoạn trước đều có một cái mà mình gọi là “Nhân tướng” thu hút vô cùng đặc thù. Họ có thể không đẹp ngời ngời nhưng chắc chắn là sẽ hút người ở một điểm nào đó. Còn bây giờ, “Người nổi tiếng” xuất hiện trên mặt báo chí hay truyền thông nhan nhản không có cái “Nhân tướng đó”. Kẻ thì như con chuột, kẻ thì như con cáo. Rất xấu – cái này các bạn kêu mình là faceshaming hay gì gì đó thì mình chịu, nhưng mình không hiểu sao có những người như vậy lại được hâm mộ bởi rất nhiều người. Do dễ tính quá chăng? Chúng ta đừng đổ lỗi cho truyền thông vì truyền thông biết chúng ta tò mò cái gì, muốn nói vì cái gì. Nên trách chúng ta cho những người cơ hội như vậy để nổi tiếng.
Nổi tiếng quá nhanh dẫn tới cái sự trui rèn không có. Những cái “Thần thái” gượng ép tạo ra các trò hề tại các sự kiện, thảm đỏ hay cả những nơi lớn. Thực thà mà nói nhìn cái phong thái và thời trang của những thành phần được gọi là “nổi tiếng” tại Việt Nam, cá nhân mình lắc đầu ngao ngán.
Nếu các bạn để ý thấy những người nào luôn có độ thu hút nhất định trong dàn sao Việt ở bất kì sự kiện nào – bạn sẽ thấy không phải họ đi lên một cách nhanh chóng mà là một chặng đường dài, khó khăn và phải được minh chứng rất nhiều bằng các sản phẩm và tài năng của bản thân.
Quần áo chẳng làm nên nổi cái thần của một con người!