Sau ngàn năm Bắc thuộc, tại sao Việt Nam không bị nhập vào Trung Quốc?

by admin
Sau ngàn năm Bắc thuộc, tại sao Việt Nam không bị nhập vào Trung Quốc?

– Nhà báo Phan Đăng đã chỉ ra 5 lý do:

1. Là tộc Việt ở xa Trung Nguyên nhất: Xưa kia là người Lạc Việt tức là tổ tiên của chúng ta hôm nay là tộc người ở xa Trung Nguyên nhất trong số những tộc người Bách Việt. Đặt trong mối quan hệ với triều đình Hoa Hạ ở Trung Nguyên. Tất cả chúng ta đều biết rằng thuở xa xưa sau khi thống nhất Trung Nguyên là Tần Thủy Hoàng, đã cho một viên tướng của mình là Đồ Thư đem theo hàng chục vạn quân để xâm phạm lãnh thổ của người Bách Việt, và Đồ Thư đã nhanh chóng chiến thắng những tộc Việt ở gần sông Dương Tử ( các tộc người Đông Việt, Nam Việt, Mân Việt… ). Chỉ sau 1 thời gian những tộc Việt đó bị hán hóa bây giờ trở thành những vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang của người Trung Quốc, nhưng khi Đồ Thư tiến quân vào Âu Việt và Lạc Việt ( toàn bộ lãnh thổ miền Bắc VN bây giờ ). Đồ Thư phải đối diện với một vùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt một vùng thổ nhưỡng xa lạ với đoàn quân phương bắc và sau 10 năm chinh chiến ở đây Đồ Thư đã bị đánh bại và phải rút lui trở về và người Âu Việt, Lạc Việt tiếp tục giữ được lãnh thổ của mình.

2. Luôn giữ được tính độc lập tương đối sau lũy tre làng: Trong 1000 năm bắc thuộc những thái thú người Trung Quốc sang đây cai quản một quận, cai quản một huyện ở trung ương chứ những thái thú Trung Quốc và những chính sách của những triều đình phong kiến Trung Quốc không lan tỏa được tới gốc rễ của làng xã VN, điều này vô cùng quan trọng ở một thời điểm nào đó chúng ta có thể bị mất nước nhưng chúng ta không bao giờ mất làng. Sau lũy tre xanh từng thế hệ vẫn lan truyền cho nhau dòng văn hóa Việt, vẫn bảo tồn với nhau những di sản Việt. Việc những thái thú người Trung Quốc không thể đặt cái ách cai trị, áp bức kiệt cùng của mình lên làng xã VN. Đầu tiên là không thể là những tục lệ sau đó là những hương ước của làng xã khiến cho họ không thể tạo thống trị ách cai trị toàn diện và gốc rễ (Làng còn thì nước còn, Làng còn là tổ quốc còn ).

3. Chính sách ngoại vương – nội đế cực kỳ mềm dẻo: Tổ tiên chúng ta hiểu rằng người phương bắc là đầy dã tâm, luôn luôn mang mưu đồ thống trị coi người Nam là man di cần phải thống trị, phải khai hóa thì tổ tiên của chúng ta có những ứng xử một cách tồn tại cực kỳ khéo léo. Ở những thời trung hưng của đất nước các thủ lĩnh như Khúc Thừa Dụ sau khi đánh đuổi được phương Bắc, đã thực sự hoàn toàn làm chủ lãnh thổ của mình thì ông cũng chỉ xưng là Tiết độ xứ. Sau này, khi những triều đình phong kiến Việt Nam xưng đế. Chúng ta vẫn duy trì chính sách là “ngoại vương – nội đế”. Chúng ta là hoàng đế của đất nước chúng ta, một đất nước Đại Việt được hình thành bởi Đinh, Lê, Lý Trần. Nhưng ở bên ngoài chúng ta vẫn xưng vương với người phương Bắc, chúng ta vẫn triều cống với người phương Bắc. Đấy là một cách tồn tại, đấy là một cách ứng xử vô cùng khéo léo để chúng ta thực sự giữ được quyền độc lập tự chủ của mình trước một đối phương đầy dã tâm.

4. Châu thổ sông Hồng tạo nên một sự tích lũy quý báu về tài lực và vật lực: Địa bàn của chúng ta gắn liền với con sông Hồng. Châu thổ sông Hồng tạo ra một sự tích lũy về lương thực, về vật lực, về trí lực rất lớn để cho người Việt có thể tồn tại lâu dài. Trong quá trình chống chọi với âm mưu và dã tâm của người phương Bắc, đã có những lúc ông cha chúng ta phải thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”, rút khỏi kinh đô để tạm thời nhường đất của mình cho giặc. Rồi đợi đến khi thời thế thuộc về mình thì vùng lên đánh đuổi. Để có thể rút khỏi thành Thăng Long, rút khỏi kinh đô như thế, chúng ta phải có một sự tích lũy về vật lực, tài lực và trí lực đầy đủ. Sự tích lũy đó không phải chỉ là sự tích lũy trong một triều đại, nó là sự tích lũy của nhiều triều đại qua nhiều năm lịch sử. Và cái phù sa của dòng sông Hồng, cái địa thế của dòng sông Hồng giúp chúng ta có một căn cứ địa, có một sự tích lũy ổn định về kinh tế, trí lực, vật lực, tài lực như vậy.

5. Vừa Hán hóa vừa giải Hán hóa: Nếu như nhìn vào một chiếc mũ, nếu như nhìn vào một chiếc áo, nếu như nhìn vào hình thức bên ngoài thì một viên quan Việt Nam rất giống với một viên quan Trung Quốc. Nhưng khi cởi cái mũ quan ra, cởi cái áo quan ra thì lại là một người Việt Nam rất khác với người Trung Quốc. Chúng ta học cái hay của văn minh đó, văn hóa đó nhưng không học một cách sao chép, một cách y nguyên. Vẫn là chữ Hán đó nhưng ông cha chúng ta lại phát âm theo cách của người Việt cho nên chúng ta vẫn tạo ra được cái riêng. Và sau này, chúng ta còn tạo ra được một loại chữ của riêng mình đó là chữ Nôm.

Cho nên trong lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân chống quân Thanh, vua Quang Trung đã nói rằng:

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Nếu “như đánh cho chích luân bất phản” – tức là đánh cho con ngựa nó không quay đầu được lại, “đánh cho phiến giáp bât hoàn” – tức là đánh cho tan tành không còn mảnh giáp là đánh giặc về mặt quân sự. Thì “đánh cho để dài tóc”, “đánh cho để đen răng” là đánh giặc về mặt văn hóa. “Đánh sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” – tức là đánh cho chúng biết nước Việt Nam có chủ đó là đánh về mặt lịch sử, về mặt chủ quyền, về mặt hồn cốt của một dân tộc.

Đứng trước một kẻ thù luôn luôn đầy dã tâm và tham vọng, rõ ràng ông cha chúng ta đã tìm ra được phương pháp tồn tại để vừa thích ứng với kẻ thù đó, vừa học cái văn hóa, cái hay của kẻ thù đó nhưng đồng thời vẫn tạo dựng nên cái hồn cốt của mình. Đặc biệt là giữ được độc lập chủ quyền, giữ được nền văn hóa Việt Nam hôm nay.

You may also like

Leave a Comment