Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, lạm phát đang tăng ở mức kỉ lục tại nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hướng tới đời sống người dân. Lạm phát là một khái niệm khá cơ bản trong kinh tế, chỉ sự tăng giá của hàng hóa hay mất giá của tiền tệ theo thời gian. Chúng ta từng nghe về lạm phát phi mã và siêu lạm phát ở Venezuela hay Zimbabwe, nhưng ít ai biết Việt Nam cũng từng trải qua một thời kỳ “đen tối” như thế.
Những năm sau ngày giải phóng, nền kinh tế chìm trong khó khăn do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ; hàng hóa khan hiếm, lương không đủ sống khiến cán bộ – công nhân viên gặp vô vàn khó khăn… Chính sách giá-lương-tiền được đề ra lại không đạt kỳ vọng. Đẩy Việt Nam vào vòng xoáy in tiền cho ngân sách, sau đổi tiền thì đồng tiền mới lại tiếp tục mất giá mạnh.
Việt Nam đã lâm vào tình trạng siêu lạm phát vào năm 1986, khi giá cả tăng 774%. Tưởng tượng đơn giản: một cá nhân gửi 2 chỉ vàng tại thời điểm năm 1983, đến năm 2014 chỉ nhận được số tiền tương đương 1 mớ rau. Tỷ lệ lạm phát 3 con số này còn tiếp diễn trong 2 năm 1987, 1988 đẩy kinh tế Việt Nam vào khủng hoảng trầm trọng.
Đây là động lực để Việt Nam đổi mới hoàn toàn vào cuối những năm 80s. “Đổi mới 1986” có lẽ là bước tiến lớn nhất từ những bài học đau đớn trong quá khứ. Chúng ta dần chấp nhận những quy luật của kinh tế thị trường, từ đó xây dựng nền kinh tế gắn với bền vững và đi lên thịnh vượng cho đến tận bây giờ.
Nguồn: GlobEcom