SINH VIÊN CHƯA CÓ KINH NGHIỆM CẦN LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH FREELANCER?

by admin

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ làm Freelancer, nó trở thành một xu hướng, một làn sóng mạnh mẽ, nhất là kể từ đợt dịch bùng phát 2020.

Freelancer không phân biệt là học sinh, sinh viên hay người đã đi làm. Mà những người làm công việc tự do, không bị ràng buộc quá nhiều về không gian và thời gian, được trả tiền cho một dự án nào đó khi đã thực hiện và đáp ứng đủ nhu cầu cho khách hàng thì được gọi là Freelancer.

Vậy sinh viên chưa có kinh nghiệm có thể làm Freelancer được không?

Câu trả lời là: ĐƯỢC CHỨ

Theo mình tìm hiểu, Freelancer chia làm hai hình thức: full-time và part-time. Hiện tại mình tốt nghiệp rồi nên là làm toàn thời gian. Hồi sinh viên, mình cũng từng làm Content Writer cho 1 tờ báo – Freelancer bán thời gian.

Thế thì, sinh viên cần trang bị những gì để có thể trở thành Freelancer?

Đầu tiên, Freelancer sẽ không giới hạn ở một lĩnh vực hay ngành nghề nào đó, có thể bạn nhận viết Content, quản trị Fanpage, viết Blog, design, marketing, copywriting, gia sư…

1. Học những kiến thức, kỹ năng cần thiết về lĩnh vực mà bạn đang muốn tìm việc

Ví dụ bạn muốn tìm công việc Content Writer, Copywriter, Content Creator… thì bạn phải học kiến thức về Content, Marketing, quảng cáo…

Bạn có thể học từ các Khóa học Online miễn phí trên những nền tảng như Udemy, Hubspot, Linkedln… Nếu muốn tiết kiệm thời gian, hãy tham khảo các khóa học có phí từ Blogger, những anh chị có tiếng trong nghề…

Mình chọn đi học một mentor để có định hướng và được trang bị rất nhiều kỹ năng để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt, giá cao. Có một điều đặc biệt là, mình không tự tìm kiếm mà cơ hội chủ động đến với mình. Nhiều anh chị liên hệ sau khi đọc các bài viết, xem qua Blog đã giới thiệu các dự án, công việc cho mình.

Bên cạnh đó, học từ sách báo, tivi, podcast, các Group cộng đồng trên Facebook là những sự lựa chọn không hề tồi chút nào. Các kênh, phương tiện này không chỉ giúp bạn có thêm kiến thức mà còn cung cấp cho bạn vô số các ý tưởng.

2. Xây dựng thương hiệu cá nhân

Nhắc đến “thương hiệu cá nhân” có lẽ bạn nghĩ là cái gì đó to bự lắm, oách lắm. Nếu bạn đang là sinh viên, bạn có thể định vị bản thân, xây dựng thương hiệu bằng trang cá nhân, Fanpage hoặc Blog chẳng hạn nè.

Thương hiệu là đặc điểm mà người khác nhớ về bạn. Chẳng hạn như hồi sinh viên, mình hay được bạn bè nhớ đến là “một đứa chăm chỉ và viết nghiên cứu khoa học khá tốt”. Ra trường rồi, dựng lên Ý Nhi Blog thì mọi người chú ý “à, bạn này chia sẻ về mảng học tập và phát triển bản thân nè”. Kiểu vậy.

Đầu tiên, bạn cần tối ưu hóa trang cá nhân thật sạch sẽ, chỉn chu. Không nên dùng acc clone, share livestream bán quần áo… Nếu có khách hàng hay nhà tuyển dụng nào đó click vào trang cá nhân và thấy những điều tạp nham trên ấy, họ sẽ không có ấn tượng tốt với bạn đâu.

Hãy viết và chia sẻ thật nhiều những kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức, hành trình mà bạn đã đi qua và đạt được. Thể hiện con người của chính mình một cách tốt nhất (đừng bao giờ tạo 1 hình tượng khác biệt hoàn toàn với chính bản thân bạn nha).

Hiện tại, mình xây dựng thương hiệu bằng trang cá nhân, Page và Blog. Sự hiện diện của mình cũng rải đều khắp các Group thuộc nhóm đối tượng mình hướng đến như: Tâm sự Con Sen, GenZ tập viết content, Đại học đừng học đại, Mỗi ngày một chút content, Viết lách mỗi ngày GenZ, Study Better With Me…

Thông qua các bài viết và Blog của mình, một số khách hàng tìm đến mình trao đổi công việc. Thế là mình có job Freelance rồi đó.

3. Xây dựng các mối quan hệ

Muốn tìm việc Freelance, mạng lưới quan hệ là điều rất quan trọng.

Bạn có thể bắt đầu bằng mạng xã hội, join nhiều Group học tập, việc làm để tìm hiểu và làm quen với những người giỏi. Đừng vồ vập quá nhé, có thể mở đầu bằng cách like, cmt bài viết, gửi lời mời kết bạn, nhắn tin chào hỏi, giới thiệu…

Sinh viên nên tham gia nhiều hoạt động xã hội và ngoại khóa, đặc biệt là các buổi workshop. Bạn có thể làm quen và xin phương thức liên lạc với những vị tiền bối ấy.

Thứ 7 vừa rồi mình có tham gia buổi Workshop “Người chọn nghề, nghề chọn người” ở trường và được nói chuyện với các anh chị diễn giả, cựu sinh viên trong buổi trà chiều. Bọn mình đã có phương thức liên lạc của các anh chị, và ngược lại. Nếu sau này có công việc phù hợp, họ sẽ giới thiệu và kết nối với bạn.

4. Không ngừng trau dồi bản thân, học luôn đi đôi với hành

Hãy luôn học, học nữa, học mãi, luôn cập nhật và nắm bắt những luồng thông tin, kiến thức mới để không bị đào thải cũng như tụt về phía sau.

Đừng chỉ chăm chăm đăng ký tham gia hàng loạt các webinar, hàng loạt khóa học, đọc cả chục cuốn sách mà không chịu thực hành. Kiến thức mà không được áp dụng vào công việc thực tế sẽ chẳng có giá trị gì cả.

Mình thích viết, lại mê KPOP nữa nên hồi năm 4 đã có ứng tuyển làm Content Writer cho 1 tờ báo online. Mấy bài đầu tiên mình viết í ẹ lắm, chị BTV bôi đỏ 1 đống lỗi và bảo mình phải sửa lại. Sửa tận 3 lần mới được duyệt luôn đấy. Nhờ thực hành nhiều, mình viết ổn hơn hồi đó nhiều rồi. Có tháng mình chỉ viết có 4 bài nhưng đều khá viral, lọt top Google vị trí cao nữa cơ, tiền lương tháng đó 1 triệu mấy lận.

Mình nghĩ rằng, sinh viên nên một lần được trải nghiệm làm những công việc của một Freelancer để học hỏi thêm kinh nghiệm, thấy được năng lực của bản thân, đồng thời giúp bạn có thêm nguồn thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt.

Tuy nhiên, các bạn cũng cần phải tỉnh táo, chọn lọc kĩ càng các job freelance để tránh trường hợp bị lừa đảo, có những job như 25-30k/1500 chữ, cmt review sản phẩm mà mỗi ngày kiếm được 300-500k, bắt đóng tiền vô kích hoạt tài khoản… thì nên né nhé!

Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cái nhìn đa chiều hơn, giải đáp thắc mắc của những bạn sinh viên đang muốn tìm công việc freelance, muốn có thêm thu nhập.

You may also like

Leave a Comment