Nghiên cứu của Google chỉ ra rằng, để trả lời cho câu hỏi “Trưa nay ăn gì?”, gần 40% người dùng từ độ tuổi 18 đến 24 sẽ tìm đến Instagram hoặc TikTok, không phải là Google. Điều này cho thấy Google đang dần mất vị thế độc tôn trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin.
Để cải thiện hiệu suất tìm kiếm, ngày 28/9, Google bắt đầu đưa ra nhiều thay đổi với Google Search và Google Maps, nhằm hiển thị nhiều hình ảnh và video hơn trong các kết quả tìm kiếm. Bởi theo Google, người dùng trẻ hiện nay thích tiếp cận các thông tin thị giác hơn.
Thay đổi đầu tiên nằm ở ngay trang chủ của Google. Gã khổng lồ công nghệ sẽ tích hợp thêm nhiều shortcut (“lối tắt”) ngay phía dưới thanh tìm kiếm. Các nút tắt này sẽ giúp người dùng thao tác nhanh hơn cho một số mục đích cụ thể, như dịch văn bản bằng camera, giải toán, tìm bài hát hoặc mua sắm dựa vào hình ảnh chụp màn hình.
Rõ ràng, các tính năng này đang nhắm vào đối tượng người dùng trẻ. Đây là những người có thói quen sử dụng Shazam để tìm tên bài hát, chụp ảnh màn hình những sản phẩm yêu thích cho lần mua sắm tiếp theo, hoặc những người sẵn sàng thử các công nghệ mới, chẳng hạn như Google Lens. Trong lần cải tiến này, không phải toàn bộ các shortcut đưa ra đều là mới, có những chức năng của Google xuất hiện trước đó đã lâu, nhưng chưa được chú ý nhiều, như Google Lens. Có lẽ đây cũng là lúc Google tận dụng cơ hội để tạo bàn đạp quảng bá cho những tính năng này.
Sự thay đổi lớn nhất ở Google Search phải kể đến cách thức nền tảng này gợi ý kết quả cho người dùng. Google vẫn dẫn link cho người đọc, nhưng cũng tân trang giao diện của mình với các hộp thông tin – chứa nhiều hình ảnh/ video từ nhiều nguồn và định dạng khác nhau. Ví dụ, khi tìm kiếm một địa điểm, thay vì chỉ trả về các đường link liên quan, Google sẽ hiển thị thêm các kết quả hình ảnh, địa điểm trên bản đồ, chỉ dẫn đường đi, thời tiết hay cả các video ngắn. Thú vị hơn, những thành tố này không được thể hiện bằng link, mà hiển thị trên các hộp thông tin/ hình ảnh nhiều màu sắc và giao diện thân thiện. Trong một số trường hợp, những kết quả tìm kiếm này còn trả về các nội dung của Youtube, Instagram hay TikTok.
Hiện tại, chức năng này sẽ tạm giới hạn với các từ khóa liên quan đến chủ đề Du lịch.
Phó Giám đốc Kỹ thuật của Google, Cathy Edwards, cho biết những cập nhật này sẽ thiên về việc tạo niềm cảm hứng cho người dùng, thay cho việc “hỏi gì, đáp nấy” như trước đây. Hơn nữa, việc Google gia tăng sự xuất hiện của các kết quả tìm kiếm ở định dạng hình ảnh/ video cũng thể hiện mức độ ảnh hưởng hành vi người dùng của TikTok. Cụ thể, Cathy Edwards cho hay: “Chúng tôi biết rằng rất nhiều người dùng thích tìm kiếm trên TikTok, và tôi nghĩ lý do phần nào bởi vì TikTok đã phá bỏ bớt rào cản trong việc sáng tạo nội dung. Chính vì vậy, những nội dung trên nền tảng này có nhiều điểm hấp dẫn và độc đáo. Vì thế nên Google đang tìm cách để mang những đột phá tương tự lên các kết quả tìm kiếm của mình.”
Thực ra, Google không phải là công ty đầu tiên đưa ra các động thái phản ứng trước những thay đổi trong việc sáng tạo nội dung mà TikTok mang lại. Trước đó, các ứng dụng như Snap, Meta hay Twitter cũng đã khen ngợi, phàn nàn hay thậm chí là bắt chước nền tảng chia sẻ video TikTok.
Trong khoảng thời gian trở lại đây, gã khổng lồ này đã tham vọng đưa những nội dung TikTok vào các kết quả tìm kiếm của mình. Vào năm 2020, Google bắt đầu thử nghiệm tính năng gộp các video ngắn của TikTok hay Instagram vào công cụ tìm kiếm. Năm 2021, tờ The Information cho biết Google đang ngầm thực hiện các thương vụ với Instagram hay TikTok để cho phép Google lấy được dữ liệu của các nền tảng này, phục vụ cho việc đánh giá các chỉ số và thứ hạng của các video.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên ngôi vị độc tôn của Google bị đe doạ. Nhiều năm về trước, Amazon bắt đầu lấn lướt Google trong mảng mua sắm và hiện đang là nền tảng hàng đầu cho người Mỹ khi cần mua bán trực tuyến. Google cũng trả hàng tỷ đô la cho Apple mỗi năm để được giữ vị trí công cụ tìm kiếm độc quyền trên các thiết bị Apple, mặc dù con số cụ thể không được hãng tiết lộ.
Liệu đây có phải là bước đi duy nhất của Google để thích nghi với sự thay đổi hành vi người dùng được tạo nên bởi TikTok? Liệu những chiến thuật này có giúp Google giữ vững được thế độc tôn? Những câu hỏi này có lẽ phải bỏ ngỏ ở thời điểm hiện tại, và sẽ còn rất lâu nữa mới có thể giải đáp.
Nguồn: Tổng hợp từ trang Techie