SỐNG ĐỂ VIẾT hay VIẾT ĐỂ SỐNG?

by admin

“Người viết kiếm sống” và mình chạm mắt nhau khi mình đang lướt facebook. Tiêu đề của cuốn sách làm mình khựng lại đôi chút. Không rõ màu sắc bắt mắt hay vì cụm từ “Người viết kiếm sống” đã chạm đúng tâm tư của mình lúc ấy. Văn vở hoa mỹ hơn trong marketing thì người ta gọi là trúng insight. Run rủi, cuối cùng mình lại dự thi “Viết và Sống” chỉ vì tên của cuốn sách.

Thú nhận thành thật, mình không phải đứa văn hay chữ tốt lắm (dù cấp hai từng được cô dạy Văn gọi vào đội tuyển). Cái này phần do lười phần thấy cách học văn hồi cấp 2, cấp 3 chán quá nên mình cũng bỏ bẵng đi luôn.

Mấy bạn biết kiểu học văn, mà các thầy cô cứ cho các bạn viết một lô tràng giang đại hải, vài chục trang phân tích một tác phẩm không? Học văn theo cách đó làm mình chán ngán. Hồi đó, cứ học thôi, học thuộc rồi copy – paste y nguyên vào bài thi.

Thành ra, sinh lười suy nghĩ, dần thì cũng ghét việc viết.

Đến năm nay, cái đứa con gái 23 tuổi, bằng một cách thần kì nào đó lại bén duyên với nghiệp viết. “Bén duyên” là cách nói giảm nói tránh, chứ đúng ra thì thấy bản thân viết kém quá, nên cắp sách đi học. Nhân tiện, mình làm việc trong ngành Marketing – chồi non mới chớm, mà mọi người thì hay bảo “Content is King” nên lại càng có lý do để đi học hơn.

Giờ hỏi mình là bỏ ra một số tiền tương đối lớn để đi học viết, mình thấy hữu dụng không thì cũng khó trả lời phết. Nên cứ coi là nửa có nửa không đi.

KHÔNG: vì lúc đầu học về rồi, mình không thật sự chăm viết lắm. Mớ lý thuyết và kỹ thuật viết làm mình đau cả đầu, đọc thì hiểu đấy mà dùng thì chẳng nên khoai sắn gì.

CÓ: vì dù không áp dụng ngay được nhưng nó lại thành động lực thôi thúc mình viết nhiều hơn. Hiếu thắng nằm trong bản tính nên một khi đã muốn thì mình phải làm cho được. Viết hay không bằng hay viết mà.

Sự thôi thúc ấy đẩy mình đến thế giới “viết để thấu hiểu bản thân” mà tác giả Hạ Chi có nhắc đến trong cuốn sách “Người viết kiếm sống” của cô.

Mình dùng nhật ký để thấu hiểu bản thân mọi người ạ. “Nhật ký á? Sến sẩm thế” mình của ngày xưa sẽ nghĩ vậy đó.

Bất ngờ, nó có hiệu quả với mình thật. Buồn, vui, thất vọng hay tức giận mình đều viết. Con chữ nằm trên giấy thì cảm xúc sẽ ở lại đó mãi.

Càng viết càng hiểu mình. Đôi lúc đọc lại, thấy thương bản thân phải vật lộn trong mớ suy nghĩ hỗn độn, không mấy tích cực do mình nhào nặn nên. Nó làm mình phải tự ngẫm, nghĩ quá nhiều và tiêu cực như vậy có để làm gì đâu.

Đương nhiên, ngoài buồn bã, thất vọng, viết cũng giúp mình lưu lại niềm vui từ vài thành công nho nhỏ. Niềm vui cứ le lói trong từng con chữ một cách kì lạ.

Thi thoảng thì tận dụng chữ nghĩa, làm vài bài động viên, cổ vũ bản thân mỗi khi cần.

Bỗng chốc, viết trở thành phương pháp thiền định của mình hàng ngày.

Duy tâm đủ rồi thì mình trở về thế giới vật chất cái nhỉ! Viết có giúp mình kiếm được tiền không?

Câu trả lời chân thật nhất là có, dù mình mới chỉ bắt đầu. Thời điểm thất nghiệp hiện tại, viết freelance trở thành công cụ để mình trang trải cuộc sống. Mọi người cũng biết tình hình dịch ảnh hưởng nhiều đến việc tìm việc ra sao rồi đấy. Nhưng nếu làm freelance, viết đủ tốt, đủ chăm chỉ thì bạn cũng kiếm được khoản tiền tương đối ổn.

Tuy vậy, con đường kiếm sống bằng ngòi bút không dễ dàng, thậm chí khó khăn trải dài. Nhiều bài mình viết bị sửa gần hết, tệ hơn thì không được nhận. Chẳng hiếm lúc mình tự vấn bản thân về năng lực, về sự phù hợp của mình với công việc này.

Nếu bạn đã đọc đến đây, có lẽ chúng ta đang trải qua cùng một hoàn cảnh. Bạn và mình có nhiều điểm chung hơn ta tưởng tượng: Mông lung và tràn ngập lo âu.

Bạn biết không nếu ngày ngày suy nghĩ, lo lắng suốt thì ta sẽ không thực sự sống đâu. Ta gầy rộc và khô héo từ tinh thần cho đến thể xác.

Thay vì thế, vướng chỗ nào ta sửa chỗ ấy. Chưa viết hay thì đọc, viết nhiều thêm. Chưa kiếm đủ tiền bằng việc viết thì ta làm thêm công việc khác, lấy ngắn nuôi dài. Quan trọng là được làm thứ mình yêu thích, nếu bạn đủ tâm huyết thì ước mơ sẽ chẳng phụ mình.

Tặng bạn câu thần chú giản đơn mà hiệu nghiệm khi khó khăn:

“CÀNG CHĂM CHỈ CÀNG MAY MẮN”

_______________

Tác giả: Nguyễn Ngọc Phương Anh

You may also like

Leave a Comment