Sự khác biệt không đến từ việc cố gắng tạo ra, mà làm sao để trở về sự bình thường vốn sẵn có. Bởi khi trở về sự bình thường sẵn có, ta sẽ thấy sự khác biệt bên trong là tự nhiên, bền vững chứ không phải là sự khác biệt tạm thời được tạo ra từ một bản ngã ảo tưởng.
Sống trong cuộc đời, con người thường hướng đến giá trị khác biệt. Nhưng họ không biết rằng, sự khác biệt ấy chỉ đơn thuần là do bản ngã ảo tưởng ra. Bản ngã luôn muốn hơn người, khác người. Nó khoác lên mình những vai diễn hoàn toàn khác biệt. Có kiếp là diễn viên, có kiếp là ăn mày, có kiếp là ông vua, và có kiếp là quân lính,… Vậy thì, sự khác biệt này chỉ đơn thuần là vai diễn tạm thời, và trong từng vai diễn đó, bản ngã cố gắng thể hiện làm sao cho họ thực sự khác biệt giữa đám đông, làm sao cho thật thu hút và nổi bật, làm sao cho gây ấn tượng. Nhưng, dù sự thể hiện có đỉnh cao đến đâu, thì đó vẫn chỉ là do cái ta ảo tưởng dẫn dắt. Rồi tất cả những khác biệt do bản ngã ảo tưởng ra này cũng sẽ hóa thành cát bụi khi họ chết đi, hoặc nó cũng rất vô thường, rất biến đổi giữa trùng trùng duyên khởi.
Vậy nên, cho đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, trong một kiếp sống nào đó khi sự tu học của con người đã đến một điểm nhận thức nhất định, họ bỗng nhận ra rằng bản ngã ảo tưởng luôn tự bày vẽ ra một sân khấu mà chính nó là kẻ diễn tuồng. Cũng lúc này, họ biết cười nhạo cái ta ảo tưởng ấy. Họ cười nhạo chính mình trước bao nhiêu cố gắng, nỗ lực để khác ta, hơn người, để gây sự chú ý, để tạo sự khác biệt. Bởi tất cả chỉ là sự tưởng tượng, chỉ bắt nguồn từ vô minh ái dục mà ra.
Bởi vậy, khi biết nhìn thẳng vào chính mình để thấy sự thật ngay nơi mình, con người ta sẽ không còn cố gắng tạo ra sự khác biệt nữa. Khi Đức Phật ra đời, ngài bèn nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (Ý chỉ trên trời dưới đất, chỉ mình ta là cao quý). Nhiều người cho rằng Thích Ca Mâu Ni tự phụ, nhưng khi biết chân lý, ta thấy câu nói ấy mới thực sự sâu sắc, ám chỉ mỗi người là một pháp (chân lý) duy nhất, không thể lặp lại, không thể sao chép, không thể bắt chước, không thể làm hình mẫu cho bất cứ ai. “Sự khác biệt” này là sẵn có, nó không phải do bản ngã ảo tưởng tạo ra. Trong nhà Phật cũng có câu “gặp Phật giết Phật” để nhấn mạnh đừng có bắt chước Phật, đừng có cầu Phật độ… Vì tất cả chỉ là bản ngã ham muốn mà thôi, còn nơi mỗi người đã là chân lý, hãy biết quay về và trải nghiệm để thấy ra theo cách của mình.
Hãy sống một cuộc đời bình thường cũng ám chỉ việc những người sống thuận chân lý là sống bình thường, và những trường hợp còn lại đều đang bất thường, đều đang bị cuốn trôi trầm luân trong những tạo tác của bản ngã ảo tưởng. Tại sao lại nói bản ngã ảo tưởng? Vì nó không thực có về mặt rốt ráo. Chỉ là vì vô minh tham, sân, si nên ta bị dính mắc vào bản ngã mà thôi. Còn về bản chất, chân tâm ai cũng hoàn toàn rỗng lặng và tịch tịnh. Chân tâm này là sẵn có. Sống một cuộc đời bình thường cũng hàm ý hãy biết quay về mà thấy sự thật ngay nơi mình, thì khi đó, mọi khác biệt cũng là tự nhiên chứ không phải là điều suy diễn.