SỐNG THẬT VỚI CHÍNH MÌNH

by admin

Quá trình sửa bên trong là nhìn thẳng vào chính mình để thấy sự thật ngay nơi mình, thế nên, có thể nói một cách ngắn gọn rằng tu học tức là sống thật với chính mình. Không gạt bỏ các trạng thái đang diễn ra bên trong, dù trạng thái đó là tham, sân, si hay hỷ lạc. Phải nhìn thẳng, quan sát thẳng vào các trạng thái đó để thấy sự đến đi vô thường của chúng nhưng không bị dính mắc vào chúng. Như vậy, dù tâm đang là tham, sân, si nhưng chúng ta không còn bị chúng dẫn dắt lôi cuốn, mà đơn thuần có mặt với chúng mà thôi. 

Nhiều người lầm tưởng rằng thiền là phải đạt đến một lý tưởng nào đó thật cao siêu hay thật an lạc, nhưng một khi đã phát sinh lý tưởng, cũng có nghĩa rằng bản ngã đang khởi sinh. Như vậy thì, đó chẳng còn là sự tu sửa đúng đắn nữa mà chỉ là ảo tưởng rằng mình đang tu sửa. 

Có một độc giả chia sẻ với tôi về nỗi thống khổ hiện tại của chị. Chị cứ làm việc này, thì lại nghĩ việc kia, khoản nợ chồng chất khiến chị ăn không ngon, ngủ không yên, lo âu và suy tư đủ đường. Sau một thời gian ngắn trò chuyện với chị, tôi mới thẳng thắn nhắn lại chân thành: “Em nghĩ bây giờ đau khổ thì chị cứ trọn vẹn cảm nhận đau khổ đấy thôi. Bài học của chị trong thời điểm này là sự nhẫn nại với đau khổ của mình!” Và quả vậy thật! Đang đau khổ là phải sống thật với chính đau khổ đó, chứ không phải là trốn tránh đau khổ. 

Trong một bối cảnh ngược lại, có một độc giả khác, cứ mỗi lần đau khổ là cứ trú vào thiền định để sao cho diệt được đau khổ và có an lạc. Nhưng thực ra là không thể diệt đau khổ triệt để bằng cách nương nhờ vào một phương pháp đối trị. Bởi lúc này, nếu thiền định tạo ra sự an lạc thì an lạc đó cũng chỉ là cái tưởng của mình mà thôi. Còn đau khổ bị đẩy sâu vào tiềm thức, nó chưa được chuyển hóa rốt ráo. Chỉ khi sống thật với đau khổ một cách trong sáng không tạo tác phán xét đúng sai, mà trọn vẹn với nó, thì lúc ấy, đau khổ sẽ như dòng nước trên dòng sông không có một vật cản nào chặn đứng nó lại. Nó được trôi một cách tự nhiên. 

Vậy nên, đừng lý tưởng hóa chuyện tu học là phải đạt đến cái gì đó, mà chỉ đơn giản là sống thật với chính mình mà thôi. Yêu hay ghét, khổ hay sướng, buồn hay vui, ích kỷ hay bao dung, sân hận hay từ bi,… đều là những trạng thái không phải để ta bám giữ mà là để ta thấy chúng thật như chúng đang là. Thì khi đó, ta được tự do khỏi chúng. 

You may also like

Leave a Comment