Từ trước đến nay chúng ta đã nghe rất nhiều giai thoại, chuyện kể, đồn đoán về việc Stalin đã được Anh Mỹ cảnh báo về việc Đức sẽ xâm lược và Liên Xô nên chuẩn bị cho nó càng sớm càng tốt song ông không hề nghe. Thực tế không chỉ mình MI5 và OSS đã gửi báo cáo thông qua kênh ngoại giao cho Liên Xô về vấn đề này, mà chính điệp viên giỏi nhất nhì Liên Xô lúc đó cũng đã liên tục cảnh báo trong vô vọng về cuộc xâm lược chuẩn bị diễn ra.
Richard Sorge, tên đầy đủ là Rikhard Gustavovich Zorge, là một điệp viên của Liên Xô hoạt động tại Nhật Bản và Đức dưới danh nghĩa một nhà báo. Ông được coi là một trong những nhà tình báo giỏi nhất Xô Viết và là người đã liều chết đem về cho Liên Xô những thông tin quý giá vào năm 1940 và 1941. Sorge đã liên tục báo cáo về từ các nguồn tin ở Prague, Nhật Bản hay thậm chí là từ trong chính bộ chỉ huy của Đức về cuộc xâm lược mà vốn Liên Xô đã biết là sẽ xảy ra từ năm 1935 song không biết rõ thời điểm. Theo đó ông cũng dự đoán chính xác rằng sẽ có khoảng hơn 150 sư đoàn của Đức và đồng minh Trục tấn công vào Liên Xô nửa cuối tháng 6 năm 1941, điều mà thực tế đã xảy ra. Vì ngày xâm lược chỉ được tiết lộ 3 ngày trước khi tiến hành, Sorge đã phải làm việc cật lực để đem thông tin Đức chuẩn bị tiến đánh Liên Xô cho chính phủ Xô Viết.
Dù đã nỗ lực hết sức song tất cả hầu như đã phụ lòng Sorge vì sự tự tin và những nghi ngờ của Stalin về các tin tình báo có vẻ như bắt nguồn từ suy đoán của phương Tây. Sorge không phải người đầu tiên đưa ra các thông tin đắt giá vốn có thể giúp Liên Xô không mất đến tận 5 triệu binh sĩ và hàng triệu người dân này. Thực tế mặc dù Liên Xô đã dựng nên một bức tường để ngăn bất cứ tin tình báo nào của các chính phủ phương Tây đến được mình vì e ngại sự nhiễu loạn thông tin, song tình báo Anh Quốc MI5 đã xuyên thủng được bức tường này và chuyển các tài liệu có suy đoán căn cứ rõ ràng cho Liên Xô về một cuộc xâm lược sắp xảy ra. Ngoài ra Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow cũng liên tục dốc hết sức để khuyên bảo chính phủ nước sở tại rằng Đức sẽ tấn công Liên Xô trong tầm hè. Thậm chí còn có rất nhiều điệp viên Xô Viết ở trong các cơ sở xí nghiệp và bộ chỉ huy quân sự Đức đã liên tục gửi thông báo về nhằm giúp Liên Xô chuẩn bị sẵn tinh thần cho tất cả những chuyện sắp diễn ra. Tất cả những thông tin đó, tuy nhiên, đã bị phán xét là sự khiêu khích của phương Tây nhằm khiến Liên Xô chống lại Đức và những người đem thông tin đó lên đều bị điều tra với kết quả là ít nhất 22 nhân viên cấp cao của Liên Xô đã chịu trừng phạt.
Không lâu sau những lời cảnh báo, Đức tấn công vào Liên Xô, bắt giữ hơn 1 triệu binh lính và hàng triệu người dân trước sự bất lực của Hồng Quân vì không nhận được bất cứ lời cảnh báo nào. Bức ảnh Stalin ngồi suy tư có thể đã nêu lên được phần nào tâm lý của Đại Nguyên Soái khi đã bỏ qua các lời cảnh báo từ chính cả những điệp viên của mình. Chiến cuộc suýt nữa thì đã ngả ngũ cho phe Đức nếu không có những nỗ lực đến cùng kiệt của Hồng Quân nhằm phản công lại, song nếu như Stalin và chính phủ Xô Viết có nghe theo những nhà tình báo thì có lẽ mọi chuyện đã không đến mức đó.