Steve Jobs vs Bill Gates: Ai là người có tầm nhìn giáo dục đích thực?

by admin

Tuyên ngôn tầm nhìn “Nghĩ khác đi” của Apple thách thức sự ì trệ dậm chân tại chỗ, trong khi khẩu hiệu “Trao tự tin cho tất cả chúng ta” của Microsoft chỉ như một bước tiến trên con đường mòn.

Khi bàn về cải cách giáo dục, ta thường thấy có hai quan điểm đối lập: một nhóm muốn cải thiện hệ thống giáo dục sẵn có bằng cách sửa chữa chỗ này chỗ kia, nhóm còn lại muốn xây dựng một hệ thống mới khác biệt hoàn toàn. Không ngạc nhiên khi Steve Job, nhà đồng sáng lập Apple là một nhân tố thuộc nhóm “xây mới”, trong khi Bill Gates từ Microsoft lại ủng hộ Tiêu chuẩn giáo dục của Hoa Kỳ (Common Core State Standards – CCSS) và việc thực hiện cải cách trong hệ thống trường học sẵn có.

Có hai quan điểm trong cải cách giáo dục: sửa đối và “xây mới”
Ảnh: Turgay Mutley

 

Những nỗ lực của quỹ tài trợ Gates

 

Trong vòng 20 năm qua, Quỹ Bill và Melinda Gates đã đổ hàng trăm nghìn đô la vào hệ thống giáo dục K-12 (một hệ thống giáo dục từ cấp 1 đến hết lớp 12 để xây dựng nền tảng kiến thức cho học sinh bước vào đại học – theo Wikipedia), bao gồm 280.000 đô la cho Common Core. Đầu tuần vừa rồi, quỹ tài trợ này thông báo đã dùng thêm 10.000 đô la để đào tạo giáo viên với những khoá học “chất lượng cao”. Cứ đà này, đến năm 2022, quỹ tín thác của vợ chồng nhà Gates sẽ tiêu tốn đến 2 tỉ đô la cho K-12.

Những đóng góp từ thiện này, cộng thêm khoảng 700 tỉ đô mỗi năm mà người dân Hoa Kỳ đóng thuế cho K-12 sẽ biến nước Mỹ trở thành nước đầu tư cho giáo dục nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác, nhưng thực chất kết quả lại chẳng mấy khả quan.

 

Jobs: Cơ hội cho một cuộc cải tổ

 

Steve Jobs đã nhận ra điều này. Ông thấy rằng để có một nền giáo dục mới thì cần phải phá bỏ hoàn toàn hệ thống giáo dục cũ. Như cách ông đã làm với Apple, Jobs hình dung đến một hệ thống giáo dục đột phá, có tính thể nghiệm và được thiết kế riêng cho từng người học. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 với viện Smithsonian, Jobs khẳng định sự ủng hộ của mình cho phiếu giảm giá (voucher) cả những nhà giáo dục sáng tạo:

“Tôi tin rằng nếu chính phủ tặng mỗi cặp cha mẹ một voucher 4400 đô la mà họ có thể sử dụng vào bất kì trường học có uy tín nào thì rất nhiều thứ sẽ xảy ra. Thứ nhất, các trường học sẽ điên cuồng cạnh tranh lẫn nhau để có học sinh đăng kí học. Thứ hai, bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi trường mới được thành lập. Bạn sẽ thấy những anh chàng 25 tuổi tốt nghiệp đại học, tràn đầy lý tưởng và giàu năng lượng, thay vì đầu quân cho một công ty ở thung lũng Silicon, anh ta sẽ mở một ngôi trường. Tôi tin rằng những gì họ làm sẽ tốt hơn rất nhiều những ngôi trường công mà chúng ta đang có. Điều thứ ba là, trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như thế, chất lượng các trường học sẽ bắt đầu đi lên. Rất nhiều trường công sẽ phá sản, không nghi ngờ gì cả. Những năm đầu tiên sẽ rất khó khăn, nhưng những khó khăn ấy chẳng thấm vào đâu so với những gì bọn trẻ đang phải trải qua dưới chế độ giáo dục như hiện tại.”

Jobs hình dung đến một hệ thống giáo dục đột phá, có tính thể nghiệm và được thiết kế riêng cho từng người học
Ảnh: Jack Daly

Đối với Jobs, voucher chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh thay đổi nền giáo dục. Ông nhận ra rằng giải pháp cải thiện hệ thống giáo dục như hiện tại không có tác dụng, vì cấu trúc quyền lực và thói quan liêu đã ăn sâu vào các trường học. Vẫn trong bài phỏng vấn với Smithsonian, Jobs nói:

“Tôi muốn những người dạy con của tôi đủ giỏi để có được một vị trí trong công ty mà tôi đang làm việc, kiếm ra hàng trăm nghìn đô la mỗi năm. Tại sao họ lại làm việc ở một trường học với mức lương ba mươi lăm đến bốn mươi nghìn đô nếu họ có thể có một công việc trăm nghìn đô? Đó có phải là một bài kiểm tra năng lực không? Vấn đề ở đây, dĩ nhiên, nằm ở các công đoàn. Công đoàn là điều tệ hại nhất đối với giáo dục, vì nó không phải là tổ chức tôn trọng người tài. Nó đã biến tướng thành chế độ quan liêu. Giáo viên không có khả năng dạy học, trong khi quản lí nắm mọi quyền và chẳng ai bị sa thải cả. Thật là tệ hại.”

 

Từ trải nghiệm thực tiễn đến thế giới quan

 

Sự khác biệt trong quan điểm của Gates và Jobs phần nào có liên quan tới những trải nghiệm mà họ có từ thời thơ ấu. Gates học trong một trường tư tên Lakeside School ở Seattle, Washington. Năm 2005, ông từng phát biểu: “Lakeside là một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi từng có.”

Jobs thì hoàn toàn ngược lại. Ông chẳng mấy thiện cảm với ngôi trường công mà mình từng học:

“Ban đầu trường học khá khó khăn đối với tôi. Mẹ tôi đã dạy tôi đọc từ trước khi tôi đi học, nên khi đến trường, tôi chỉ muốn làm hai thứ. Tôi muốn đọc sách vì tôi thích đọc, và tôi muốn ra ngoài bắt bướm. Bạn biết đấy, những thứ mà một đứa trẻ 5 tuổi thích làm. Tôi đã phải đối mặt với giáo viên và những kiểu quyền lực tôi chưa từng gặp trước đây và tôi không thích điều đó. Họ gần như lấy hết đi sự tò mò trong tôi.”

Trải nghiệm khác nhau của Steve Jobs và Bill Gates dẫn đến hai thế giới quan khác nhau
Ảnh: Jack Daly

Dù cả hai ông trùm công nghệ này đều bỏ ngang đại học để lập nên những thương hiệu thành công vang dội, những quan điểm về hệ thống giáo dục K-12 đã phần nào khắc họa những khác biệt trong thế giới quan của họ. Tầm nhìn “Nghĩ khác đi” của Apple như thách thức sự ì trệ, trong khi khẩu hiệu “Trao tự tin cho tất cả chúng ta” của Microsoft khơi lên một khát khao đổi mới – trên một con đường mòn.

Theo FEE

Lan Anh (biên dịch)

You may also like

Leave a Comment