Tại nước Mỹ, tác phẩm Nền dân trị Mỹ của Alexis de Tocqueville được nhiều người đánh giá là một tác phẩm chính trị kinh điển, còn bản thân triết gia cũng thường được công nhận là một người đã hiểu nước Mỹ hơn cả người Mỹ[1]. Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung tư tưởng bình đẳng của Tocqueville trong tác phẩm Nền dân trị Mỹ, ta hãy thử dựng lại một vài nét về chính trị, kinh tế, văn hoá của nước Mỹ vào những năm 1830, để phần nào thấy được bối cảnh của nước Mỹ mà từ đó tư tưởng về bình đẳng của ông đã nảy sinh.
- Sơ lược thực trạng bình đẳng tại nước Mỹ cho đến thập niên 1830
Sự bình đẳng tại nước Mỹ xuất hiện trước cả sự tồn tại của quốc gia này. Ngay từ những ngày còn là thuộc địa của Anh, những người từ bỏ quê nhà ở châu Âu di cư đến vùng đất mới đó đã hầu như muốn loại bỏ ý niệm về sự phân chia thứ bậc trong xã hội[2]. Thời đó, mỗi người đàn ông tự do sẽ được chia một phần đất đai, mà tuỳ vào sự chăm chỉ của người đó, sở hữu đất của họ có thể tăng lên. Số đất đai đó không chỉ là phương tiện sinh sống, mà quan trọng hơn, nó còn đem lại quyền lực chính trị cho chủ đất: với 50 mẫu, họ có quyền đi bỏ phiếu; còn với 500 mẫu, họ có thể tự ứng cử các chức vụ công[3].
Sau khi cuộc chiến chống sự cai trị của nước Anh nổ ra, trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Jefferson và những người cộng sự đã nhấn mạnh đến giá trị nhân vị cũng như khẳng định về sự bình đẳng giữa những con người[4]. Tiếp theo, tại Hội nghị Lập hiến Liên bang năm 1787, một tư tưởng mang tính bình đẳng cao khác đã được chính thức xác nhận: mọi đặc quyền mà một cá nhân có được do dòng dõi sẽ bị loại bỏ, thay vào đó, tài năng và sự tận tuy với công vụ mới là điều kiện để một người thăng tiến trong bộ máy công quyền[5]. Tuy vậy, bên cạnh những nghị quyết đúng đắn đó, những nhà lập pháp Mỹ vẫn tiếp tục cho duy trì một số bất bình đẳng trong xã hội. Nổi bật nhất trong số đó là việc họ không trao quyền lực chính trị cho phụ nữ, giới bần cùng, và đặc biệt là người nô lệ da màu[6].
Vào đầu những năm 1830, dù đã cố gắng cung cấp một nền giáo dục tri thức cho mọi người, nhưng sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong hệ thống giáo dục của Mỹ thời kỳ này. Thực vậy, giáo dục sau tiểu học vẫn là đặc quyền của giới giàu có, cũng như vẫn có sự chệnh lệch về học vấn giữa hai giới[7]. Dân số nước Mĩ thời kì này được ước tính vào khoảng hơn 13 triệu, trong đó có một lượng người di cư đông đảo. Thế nhưng, những người mới đến đất nước này này thường bị đối xử bất bình đẳng khi họ chỉ có thể kiếm được một đồng lương thấp bằng những công việc lao động chân tay[8]. Về khía cạnh kinh tế, vào những năm 1830, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành sản xuất đã thúc đẩy giới tư bản tìm cách tối đa hoá lợi nhuận bằng cách bòn rút lương của nhân công để tái đầu tư. Điều này đã khiến cho các thành phần dân cư trong nước Mỹ ngày càng trở nên bất bình đẳng sâu sắc hơn về kinh tế[9].
Chính trong bối cảnh nước Mỹ đầy sự đan xen phức tạp giữa bình đẳng và bất bình đẳng đó mà triết gia Pháp quốc Alexis-Charles-Henri Maurice Clérel de Tocqueville (1805–1859) đã thực hiện chuyến du khảo đất nước này cùng với người bạn Gustave de Beaumont của mình. Chuyến đi kéo dài trong chín tháng (11/05/1831-20/02/1832). Hai người đã xuất phát từ New York đi vào vùng Ngũ đại hồ rồi tiến về phía tây qua Ohio và Tennessee mà đi đến tận sông Mississippi. Sau đó họ lại xuôi dòng xuống New Orleans trước khi đi lên phía đông bắc ngang qua Alabam và Washington D.C. mà về lại New York[10]. Dựa vào những biểu hiện kỳ thú đã được mắt thấy tai nghe về nền dân chủ non trẻ nhưng đầy sức sống này, Alexis de Tocqueville đã viết nên bộ sách Nền dân trị Mỹ, được xuất bản thành hai tập vào các năm 1835 và 1840.
- Tư tưởng bình đẳng của Alexis de Tocqueville
Trong tác phẩm Nền dân trị Mỹ, sự bình đẳng của những điều kiện là khái niệm nguyên khởi và trọng tâm của Alexis de Tocqueville[11]. Tiếc rằng ông đã không hề đưa ra một định nghĩa rạch ròi nào về hình thái, tác động hay hệ quả của nó trong cả hai tập sách. Vậy nên người viết sẽ vận dụng chính lối tư duy quy nạp của ông[12], khởi từ các suy luận và đánh giá của Tocqueville đối với những biểu hiện của sự bình đẳng tại nước Mỹ, để thử dựng lại tư tưởng về sự bình đẳng của triết gia.
2.1. Những tán thưởng của Alexis de Tocqueville đối với một vài biểu hiện tích cực của sự bình đẳng tại nước Mỹ
Ngay từ những lời mở đầu tác phẩm, Tocqueville đã tuyên bố rằng sự phát triển của quyền bình đẳng trong các nền dân chủ là một sự kiện mang tính định mệnh bất khả hoán[13]. Bằng những dẫn chứng cụ thể được lấy từ chính xứ sở mà ông rong ruổi trong gần một năm tròn, dường như Tocqueville đã muốn độc giả của mình ngầm hiểu rằng sự bình đẳng ở nước Mỹ chính là nguyên nhân sâu xa khiến cho chính trường, kinh tế, văn hoá và gia đình Mỹ trở nên ưu trội so với các nước châu Âu.
Đầu tiên, Tocqueville xác nhận rằng chính sự bình đẳng đã là nhân tố nền tảng để hình thành nên chính thể cộng hoà dân chủ của nhà nước Mỹ. Chính sự bình đẳng đó đã khiến cho mỗi người dân thường đều có tài sản và quan điểm chính trị riêng, cũng như được pháp luật bảo vệ những quyền đó. Sự kiện trên sẽ tự động dẫn đến việc mỗi người dân Mỹ sẽ công nhận quyền tư hữu và quyền chính trị của nhau mà không cần phải tranh cãi hay chém giết nhau để có được quyền đó. Quả thật, đây chính là một động lực quan trọng để tạo nên sự hợp tác lành mạnh trong xã hội[14].
Thứ đến, Tocqueville đã lý giải về nguyên nhân sâu xa của sự phát triển kinh tế của nước Mỹ khi chỉ ra rằng chính sự bình đẳng đã khiến cho mọi người dân ở Mỹ đều phải công nhận lao động là một hành vi tất yếu và lương thiện của mỗi con người[15]. Chính lối nghĩ tôn vinh lao động đó đã góp phần rất lớn cho sự tăng trưởng của cải của nhà nước non trẻ này. Thêm vào đó, ông còn chỉ ra rằng ở các xứ sở mà sự bất bình đẳng về các điều kiện ngự trị, con người ta thường tự kềm hãm chính mình trong các tư biện lý thuyết. Trong khi đó, sự bình đẳng ở các nền dân chủ như ở Mỹ đã giúp giảm bớt xu hướng trên đồng thời lại khiến cho những công trình khoa học có giá trị ứng dụng cao cho nền kinh tế được khuyến khích nhiều hơn[16].
Tiếp theo đó, khi phân tích về văn hoá xã hội Mỹ, Tocqueville đã chứng minh rằng khi một quốc gia xác lập được sự bình đẳng giữa những người dân, mỗi người sẽ có thể nhanh chóng liên tưởng và đặt mình vào vị thế của người khác bằng cách tự nhìn vào chính bản thân. Khi đó, sẽ khó có nỗi khốn cùng nào lại là không thể hiểu thấu, khó có nỗi đau nào lại không thể cảm thông, và sự thấu cảm sẽ là mối dây tương thích thường tình giữa các cá nhân[17]. Cũng chính sự bình đẳng đó, theo Tocqueville, sẽ xoá nhoà các quy tắc ứng xử theo thứ bậc cứng nhắc của xã hội cũ, khiến cho giờ đây mỗi người khi giao tiếp với nhau sẽ chú tâm đến tâm tình trong các hành vi hơn là để tâm đến hình thức bên ngoài của chúng. Chính điều này đã giúp tiết chế các trường hợp một người có thể gây gổ hay làm đổ máu người khác chỉ vì cho rằng danh dự của mình đã bị xúc phạm bởi một hành vi khinh suất nào đó[18].
Tocqueville đã dành một sự tán thưởng khá lớn cho nước Mỹ khi ông phân tích về những tác động của sự bình đẳng đối với các gia đình Mỹ. Ông chỉ ra rằng chính sự bình đẳng trong xã hội đã khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên thân tình hơn. Ở giữa họ, các luật lệ ít đi mà sự tin cậy lại nhiều hơn, các mệnh lệnh bớt khắc nghiệt đi mà sự bàn thảo lại được tôn trọng hơn. Cũng vậy, sự bình đẳng đã gắn kết các anh chị em một nhà lại với nhau, vì đã không còn nhân vật thừa tự chính trong gia đình, nên tất cả đều được đối xử như nhau. Từ đó, giữa họ sẽ nảy sinh một tình cảm huynh đệ trong sáng và một thói quen hợp tác lành mạnh[19]. Ở một khía cạnh khác, Tocqueville cho rằng sự bình đẳng cũng đã làm cho tương quan giữa hai giới ở Mỹ được nhìn nhận cách đúng đắn: không đánh đồng mà cũng không hạ thấp cách phi lý, thay vào đó là sự nhìn nhận và tôn trọng những điểm khác biệt của đôi bên. Nhờ vậy, mỗi giới sẽ được tự do phát huy hết mức những năng lực đặc thù của mình mà vẫn có được sự tương hợp tốt đẹp với nhau[20]. Ngoài những phân tích về chính tri, kinh tế, văn hoá và gia đình vừa nêu ra, Tocqueville còn trình bày thêm một vài điều khác nữa, nhưng tiếc là không thể kể hết ra ở đây.
Như vậy, dù không đưa ra một định nghĩa rõ ràng nào, nhưng bằng cách trưng ra những biểu hiện tốt đẹp cụ thể, Alexis de Tocqueville đã cho thấy rằng sự bình đẳng thực tế bao hàm các khía cạnh tích cực trong đời sống xã hội như sự công bằng, điều hoà, tương thích, tiết chế, tôn trọng cá nhân, tạo động lực hợp tác lành mạnh. Ông đã chứng thực rằng sự bình đẳng ở nước Mỹ quả đã đem lại một nền tảng thích hợp và một định hướng đúng đắn cho nền dân chủ non trẻ này[21]. Tuy nhiên, sẽ là phiến diện và sai lầm khi cho rằng trong tác phẩm Nền dân trị Mỹ, Tocqueville chỉ cho thấy toàn những điều tốt đẹp do sự bình đẳng tạo ra ở nước Mỹ. Thật thế, cũng chính trong tác phẩm thường được xem như lời tán dương cho sự bình đẳng đó, Tocqueville đã muốn chỉ ra cho mọi người thấy một vài góc khuất nguy hiểm cũng như những hệ luỵ khó lường của một xã hội đặt nền tảng trên sự bình đẳng[22].
2.2. Những quan ngại và giải pháp của Alexis de Tocqueville đối với một vài biểu hiện tiêu cực của sự bình đẳng tại nước Mỹ
Bằng con mắt quan sát nhạy bén, Tocqueville đã cố gắng vạch ra một vài điểm tiêu cực của sự bình đẳng trong xã hội Mỹ. Đầu tiên, ông cho rằng sự bình đẳng có thể làm cho nhiều người trở nên kiêu căng và tự mãn khi suy diễn rằng bản thân bất cần quan tâm đến đánh giá của người khác. Thậm chí những con người tự cao đó có thể còn đi đến chỗ đinh ninh rằng chân lý chỉ hiện diện ở bản thân mình mà thôi[23]. Không chỉ thế, vì họ tin chắc rằng ai cũng giống nhau hết thảy, thế nên một khi phải chứng kiến một người nào đó giàu có đến khó tin hoặc được thăng tiến đến một chức vị quan trọng, hầu như trong họ sẽ luôn bùng lên ngọn lửa đố kị và ghen ghét. Để rồi từ đó, những lời nói và hành động nhằm hạ giá hay gây hấn cách phi lý sẽ từ họ tuôn ra[24].
Thứ đến, Tocqueville cho thấy rằng một khi người dân đã bình đẳng với nhau thì xu hướng trở nên nhẹ dạ và dễ bị dư luận dẫn dắt của họ hoá ra lại trở nên trầm trọng hơn. Bởi lẽ, một khi đã tin chắc rằng ai ai cũng đều sáng láng như nhau, người đó sẽ khó mà cưỡng lại nổi một tư tưởng sai lầm rằng chân lý hẳn sẽ nằm ở ý kiến của phe chiếm đa số. Thực thế, trong một xã hội mà mọi người đều trở nên giống nhau, thì giữa họ sẽ khó hình thành được sự tin cậy và kính trọng lẫn nhau. Thế nhưng, cũng chính sự cào bằng trong thân phận và nhận thức đó lại khiến họ đâm ra tin tưởng mù quáng vào sự phán đoán của đám đông công chúng[25].
Với một cái nhìn tinh tế, Tocqueville đã vạch ra thêm một hệ luỵ khó lường nữa của sự bình đẳng. Theo đó, sự bình đẳng có thể góp phần thúc đẩy ham muốn hưởng thụ của người dân, và khi đó, miễn sao sự phồn vinh của cá nhân họ vẫn được bảo đảm, họ sẽ khá dễ dàng nhường trách nhiệm quản lý đời sống công cho sự điều hành của nhà nước[26]. Vì lẽ sự giàu có và lòng tham thì không có giới hạn, nên xu hướng này thường đưa người dân đến cái hí trường náo loạn của những đam mê bất thoả, mà cùng với nó là một sự rút lui tiêu cực vào đời sống riêng tư, và theo sau là một sự vô cảm và thiếu ý thức về mặt chính trị[27].
Tocqueville còn đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng chính việc người dân trở nên bình đẳng hơn, hoá ra lại gây thêm khó khăn cho họ khi phải đối đầu với những thế lực muốn chiếm đoạt công quyền. Thực vậy, dưới vỏ bọc của sự tôn trọng cá nhân, người dân sẽ đánh đồng chủ trương vị kỉ của họ như là một thái độ chuẩn mực, một thứ đức hạnh công. Dĩ nhiên, những kẻ độc tài thâm hiểm sẽ tận dụng thái độ đó của người dân và làm cho nó ngày một quá quắt và dị hợm hơn, để phục vụ cho dã tâm của chúng[28]. Cùng với đó, một khi mọi người dân trong nước đã nên bình đẳng với nhau, sẽ dẫn đến sự biến mất của những cá nhân sở hữu các sức mạnh cá biệt vốn có thể thúc đẩy xã hội. Thay vào đó, sẽ chỉ còn những con người bất lực và hầu như phân rẽ tồn tại bên nhau[29]. Khi đó, việc kết hợp sức mạnh của tất cả mọi người để có thể dành lại được tự do từ tay những kẻ độc tài sẽ ra như bất khả[30]. Quả vậy, những chiếc đũa đã trở nên đều nhau hơn, nhưng chúng cũng không còn là một bó nữa.
Ngoài những điểm tiêu cực của sự bình đẳng vừa trình bày ở trên, Alexis de Tocqueville còn phân tích một số điều tương tự khác nữa mà không thể kể hết ra ở đây. Tựu trung, ông cho rằng nếu để mặc cho sự bình đẳng giữa người dân phát triển cách thiếu kiểm soát và định hướng, sẽ khiến cho xã hội nảy sinh nhiều thứ nguy hại như sự kiêu căng, đố kị, nhẹ dạ, tham lam, vị kỉ và phân rẽ. Tuy nhiên, ông không cho rằng tình thế éo le này là vô phương hoá giải.
Thực thế, Tocqueville đã đề ra khá nhiều giải pháp, trong đó khá nổi bật là cách thức ông đề nghị nên để cho người dân được tự do hơn nữa trong việc cùng nhau quản lý các việc công[31]. Khi đó, mỗi người sẽ thấy ngay rằng mình hoá ra chẳng có cao cả hay độc lập đối với đồng loại như trước đó họ vẫn tưởng. Không những thế, chính trong một đời sống chung lành mạnh mà một người sẽ nhận ra rằng nếu muốn có được sự ủng hộ của tha nhân trong công việc chung, thì chính họ trước hết phải học cách hạ cái tôi của mình xuống và mở lòng ra để kết nối tình thân cũng như thường xuyên giúp đỡ mọi người[32]. Kết quả đạt được từ tiến trình này có thể là một mẫu hình xã hội mà trong đó tư lợi và sự thăng tiến của mỗi cá nhân sẽ được cân bằng với công ích và sự hài hoà của toàn xã hội.
2.3. Phương pháp tranh thuỷ mặc của Alexis de Tocqueville
Sau khi trưng dẫn các dẫn chứng và suy luận của Alexis de Tocqueville trong tác phẩm Nền dân trị Mỹ, ta có thể tạm thời có một đúc kết sơ lược về tư tưởng bình đẳng của triết gia. Theo Tocqueville, sự bình đẳng có thể bao hàm các hình thái thoạt nhìn đã không thể xếp cạnh nhau, tỉ như sự công bằng và điều hoà hoàn toàn đối nghịch với sự kiêu căng và đố kị. Cũng vậy, thật kì lạ là sự bình đẳng lại có thể gây ra các tác động tưởng chừng như không thể phát xuất từ một nguồn gốc, cụ thể là sự tương thích và tiết chế quả thật trái ngược với sự nhẹ dạ và tham lam. Không chỉ vậy, những tác động ngược chiều đó của sự bình đẳng đã đưa đến các hệ quả rõ ràng là quá sức khác biệt nhau, ví dụ như sự tôn trọng cá nhân hay tạo động lực hợp tác lành mạnh hoàn toàn đi ngược với sự vị kỉ và phân rẽ.
Quả thật, dưới sự mô tả của Tocqueville, sự bình đẳng đã hiện rõ tính chất hai mặt khó lường trong hình thái, tác động và hệ quả của nó. Tuy nhiên, chính sự phức tạp đó của sự bình đẳng lại đã lại làm nổi bật lên tầm quan trọng của việc các nền dân chủ cần phải thấu hiểu rõ ưu khuyết của sự bình đẳng trước khi áp dụng nó vào trong các thiết kế xã hội. Chỉ khi đó các nền dân chủ mới có thể phát huy hiệu quả tốt đẹp của những mặt tích cực đồng thời hạn chế sự nguy hại của những mặt tiêu cực ở sự bình đẳng[33].
Nhìn lại toàn bộ vấn đề, cách thức Tocqueville trình bày tư tưởng của ông về sự bình đẳng dường như khiến ta liên tưởng đến việc một hoạ gia đang phóng bút vẽ nên một bức thuỷ mặc với hai màu đen trắng. Tuy hai màu sắc tương phản rõ rệt với nhau nhưng lại khơi gợi lên trong người thưởng lãm một ấn tượng về sự hài hoà và thống nhất. Tương tự, cách thức diễn giải tư tưởng bằng các góc nhìn đa diện của Tocqueville hoá ra lại là phương pháp hữu hiệu để giúp ta hiểu về sự bình đẳng.
Quả thực, tuy đã không đưa ra một phát biểu cụ thể nào về khái niệm sự bình đẳng, nhưng bằng cách rút ra những luận cứ từ sự kiện cụ thể trong bối cảnh nước Mỹ những năm 1830 và trình bày các luận cứ đó theo phương pháp tranh thuỷ mặc, Alexis de Tocqueville có lẽ đã diễn tả khá rõ ràng tư tưởng của ông về sự bình đẳng. Tiếp theo đây, ta sẽ cùng nhau điểm qua ý kiến của một vài học giả hậu thời về tư tưởng bình đẳng của Tocqueville, để qua đó có thể phần nào thấy được sức ảnh hưởng cũng như vị thế của ông trong con mắt hậu thế.
Lạc Vũ Thái Bình
Huế, 3-2023
[1] X. Bùi Văn Nam SƠN, Lời dẫn Alexis de Tocqueville và sự trầm tư về nền dân trị trong Alexis de TOCQUEVILLE, Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, Nxb Tri thức, HN, 2013, p. 17.
[2] X. Irwin UNGER, Lịch sử Hoa Kỳ, Nguyễn Kim Dân dịch, Nxb Từ điển bách khoa, HN, 2009, p. 84 sq..
[3] X. Niall FERGUSON, Văn minh, Nguyễn Nguyên Hy dịch, Nxb Hồng Đức, HN, 2016, p. 189.
[4] X. Irwin UNGER, op. cit., p. 151.
[5] X. Ibid., p. 171.
[6] X. Niall FERGUSON, op. cit., p. 213.
[7] X. Irwin UNGER, op. cit., p. 281.
[8] X. Ibid., p. 279 sq..
[9] X. Ibid., p. 291 sq..
[10]X. Bùi Văn Nam SƠN, op. cit., p. 23.
[11] X. Alexis de TOCQUEVILLE, Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, Nxb Tri thức, HN, 2013, p. 49.
[12] X. Ibid., p. 60.
[13] X. Ibid., p. 52.
[14] X. Ibid., p. 293.
[15] X. Ibid., p. 617.
[16] X. Ibid., p. 511.
[17] X. Ibid., p. 634.
[18] X. Ibid., p. 639 sq..
[19] X. Ibid., p. 662.
[20] X. Ibid., p. 681.
[21] X. Ibid., p. 49 sq..
[22]X. Ibid., p. 468.
[23]X. Ibid., p. 475.
[24]X. Ibid., p. 277.
[25]X. Ibid., p. 478.
[26]X. Ibid., p. 606.
[27]X. Ibid., p. 726.
[28] X. Ibid., p. 570.
[29]X. Ibid., p. 56.
[30]X. Ibid., p. 109.
[31]X. Ibid., p. 571.
[32] X. Ibid., p. 572.
[33]X. Bùi Văn Nam SƠN, op. cit., p. 23.
Thư mục tham khảo
-Alexis de TOCQUEVILLE, Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, Nxb Tri thức, HN, 2013
-Irwin UNGER, Lịch sử Hoa Kỳ, Nguyễn Kim Dân dịch, Nxb Từ điển bách khoa, HN, 2009
-Niall FERGUSON, Văn minh, Nguyễn Nguyên Hy dịch, Nxb Hồng Đ ức, HN, 2016