SỬ DỤNG NHIỆT KẾ THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?

by admin

  • Anh ơi, con em 3 tháng tuổi anh ạ. Nó bị sốt, nhưng sốt kiểu gì ấy. Em dùng nhiệt kế đo tai cho con em mà cứ nhảy lung tung số. Lúc thành sốt, lúc lại không. Hay là nhiệt kế đểu anh nhỉ ? Nhưng em mua loại xịn rồi cơ mà ?
  • Không phải nhiệt kế đểu đâu, mà do em dùng chưa đúng thôi. 3 tháng mà em đi đo tai là không được rồi. Đừng vội đổ cho cái nhiệt kế, tội nó. Chúng mình vẫn đang nghĩ là dùng nhiệt kế thì loại nào cũng thế, tuổi nào cũng dùng được, chỗ nào cũng dùng được. Nhưng đâu phải thế đâu. Để anh nói cho mà nghe. Nghe kỹ này, những điều này không phải ai cũng nói cho em đâu:
    Hiện nay, chúng ta vẫn đang quen với chuyện sử dụng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ cho trẻ. Hầu như từ nhà đến trường, đều dùng nhiệt kế này. Nhưng từ lâu, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã không khuyến cáo sử dụng nhiệt kế thủy ngân để đo nhiệt độ ở trẻ nhỏ vì nhiệt kế thủy ngân làm bằng thủy tinh và rất dễ vỡ. Khi vỡ, thủy ngân bên trong rơi ra, bay hơi và trẻ nhỏ có thể hít phải hơi thủy ngân đó gây nguy hiểm. Một vấn đề nữa, nhiệt kế thủy ngân muốn đo chính xác thì cần thời gian đo từ 3-5 phút, và thời gian này là rất khó thực hiện đối với trẻ em. Thế nên hiện nay, nhiệt kế điện tử mới là lựa chọn tốt hơn và được khuyên dùng nhưng… nó đắtttt. Nhiệt kế điện tử cũng có nhiều loại, vậy dùng loại nào thì phù hợp ?
  • Nhiệt kế điện tử đầu mềm: Nhiệt kế điện tử loại này có thể đo nhiệt độ ở miệng, nách, trực tràng của trẻ. Cũng như những thiết bị số khác, một số nhiệt kế điện tử loại này lại chính xác, một số khác lại kém chính xác hơn. Thế nên, điều quan trọng khi sử dụng các nhiệt kế điện tử là sử dụng cẩn thận theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cần đảm bảo nhiệt kế được hiệu chỉnh theo thiết kế của nhà sản xuất.
  • Nhiệt kế điện tử đo tai: Đây cũng là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, độ chính xác của nhiệt độ lại dựa vào việc đầu đo có hướng đến đúng vị trí của màng nhĩ hay không. Nếu đầu đo không hướng đến đúng màng nhĩ, hoặc lỗ tai của trẻ quá nhỏ, hoặc trẻ có nhiều ráy tai gây cản trở việc đo thì con số bạn nhận được không chính xác. Những vấn đề trên hay gặp ở trẻ nhỏ, vậy nên đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ nhi khoa thường không khuyên dùng loại nhiệt kế này.
  • Nhiệt kế điện tử đo động mạch thái dương (mình vẫn hay gọi là đo trán): Trước nay chúng mình vẫn dùng nhiệt kế điện tử này để đo ở vị trí trán (hay gọi là bắn trán) và thấy rất thuận tiện. Nhiệt kế điện tử này dùng tia hồng ngoại để cảm nhận nhiệt độ của động mạch thái dương (chạy ngay dưới da vùng trán và thái dương). Loại nhiệt kế này rất phù hợp cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sử dụng nhiệt kế điện tử loại này cho trẻ nhỏ hơn 3 tháng đưa lại kết quả hoàn toàn đáng tin. Một điểm cộng nữa cho loại nhiệt kế này là thuận tiện, dễ sử dụng kể cả khi trẻ đang ngủ.

You may also like

Leave a Comment