Tính cách dễ nhận biết, và tất cả chúng ta đều là chuyên gia đọc hiểu tính cách. Chúng ta có thể kết luận một người là vui tính, hướng ngoại, tràn đầy sức sống, lạc quan, tự tin – cũng như một ai đó là quá nghiêm túc, lười biếng, tiêu cực, và hay ngượng – dù là mới gặp hay đã tiếp xúc nhiều lần. Và mặc dù ta cần tương tác, tiếp xúc nhiều hơn để khẳng định sự tồn tại thực sự của các đặc tính này nhưng ngay tại thời điểm hiện tại ta thường đã có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận của mình.
Bản chất, mặt khác, lại tốn nhiều thời gian để giải đáp hơn. Nó bao gồm nhiều đặc tính mà chỉ trong những hoàn cảnh cụ thể – thường là bất thường – mới được bộc lộ rõ ra, ví dụ như sự chân thành, đức hạnh, lòng tốt. Trớ trêu thay, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các đặc điểm tính cách được qui định phần lớn bởi di truyền và mang tính bất biến. Mặt khác, những đặc tính được cho là quan trọng của bản chất thường do luyện tập mà thành – chính xác là luyện tập cộng với nỗ lực mạnh mẽ của bản thân. Đặc tính bản chất, thường ngược lại với tính cách, được dựa trên các niềm tin (ví dụ, tin rằng sự chân thành và tử tế với người khác là quan trọng, nên làm – hoặc ngược lại), và mặc dù niềm tin có thể thay đổi nhưng quá trình thay đổi khó diễn ra hơn ta tưởng.
Tại sao ta cần phân biệt chúng?
Vấn đề trong việc xác định tính phù hợp của những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời chúng ta (đồng nghiệp, bạn bè, người yêu, bạn đời) là ở chỗ ta có xu hướng thích quan sát và nhìn nhận những đặc điểm tính cách tích cực từ một ai đó và mặc định qui kết chúng là những đặc tính tốt đẹp về bản chất (tức có nghĩa khi bạn thấy một ai đó cởi mở, tự tin và hài hước thì bạn lập tức cho rằng họ là người rất chân thành, có đạo đức tốt và tử tế). Đúng là chúng có nhiều điểm tương đồng nhưng cách nhìn nhận như vậy thường sẽ dẫn chúng ta đến nhiều rắc rối.
Ta có xu hướng gắn kết tính cách và bản chất lại với nhau một cách vô thức vì 2 lý do: ta muốn tiếp tục thích một ai đó ta đã đang thích, và việc đánh giá bản chất của một người lúc nào cũng tốn thời gian và đòi hỏi sự nhẫn nại. (Chúng ta thực sự cần quan sát mọi người trong những tình huống mang tính thử thách bản chất của họ để có được nhận xét khách quan nhất về bản chất con người của họ. Ví dụ, nếu ta quan sát một ai đó nói dối một cách dễ dàng, ta có thể ngay lập tức cho rằng họ đã làm như vậy trong quá khứ và có thể sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai, vì cách tốt nhất để dự đoán tương lai là dựa vào các hành vi trong quá khứ.)
Các niềm tin thúc đẩy ta nói dối hoặc nói thật luôn thường trực trong cuộc sống của chúng ta. Chúng có thể “ẩn sâu” chờ đến khi hoàn cảnh đến và khơi dậy chúng, chúng tạo ra động lực giúp ta thể hiện các hành vi cụ thể, nhưng ta hiếm khi điều khiển được sự “ẩn ngầm” của chúng. Câu hỏi ở đây sẽ là: Liệu có cách nào ta nhìn ra được các niềm tin này trước khi chúng bị hoàn cảnh tác động không?
Câu trả lời là “Có’. Không phải bằng cách nói chuyện trực tiếp với những người bạn cần khai thác mà nói chuyện với những người hiểu rõ bản chất của những người này. Đây cũng là lí do tại sao những công ty hay tổ chức đều đòi người ứng tuyển phải có người/thư giới thiệu.
Vấn đề ở đây là các ứng viên sẽ đưa ra một số người giới thiệu có lợi cho họ. Bí quyết là ta phải làm sao đặt ra được các câu hỏi để họ tiết lộ các thông tin cũng như đưa ra các nhận xét chính xác và chân thật nhất.
Các câu hỏi dạng như “Bạn có bao giờ thấy anh X nói dối?” sẽ không có hiệu quả bởi câu trả lời sẽ phụ thuộc vào bản chất của người bạn đang hỏi. Bạn sẽ không biết liệu bản thân người bạn đang tham khảo ý kiến liệu có phải là một người hay nói dối hay không, vậy nên tính xác thực của câu trả lời không phải lúc nào cũng được đảm bảo. Vì lẽ đó, bạn nên hỏi các câu hỏi khiến người kia phải đưa ra chính kiến của mình. Các câu hỏi dạng này sẽ giúp đưa ra các câu trả lời chân thật nhất (mặc dù xác suất không phải là 100%). Ví dụ như câu “Điểm yếu lớn nhất của X là gì?”. Ta đều hiểu bất kỳ ai cũng sẽ có những điểm yếu, vậy nên câu trả lời sẽ không thể nào là “không có gì” được. Bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn hơn khi bịa ra một điểm yếu của một ai thay vì nói về một thứ điểm yếu đang thực sự tồn tại, như vậy khả năng cao là bạn sẽ nhận được một câu trả lời chân thật. Người bạn tham khảo ý kiến có thể làm giảm bớt độ nghiêm trọng của điểm yếu đó nhưng ít nhất bạn sẽ vẫn đoán ra và nghiệm ra được một phần nào đó.
Hạn chế của kỹ thuật này là nó chỉ dựa trên quan điểm của một cá nhân đơn lẻ, mà các quan điểm này thường nhiều định kiến và không toàn diện. Tuy vậy, ta vẫn có thể khắc phục hạn chế này bằng cách hỏi cùng 1 câu hỏi với nhiều người, những người biết về người bạn đang muốn tìm hiểu. Nếu câu trả lời được lặp đi lặp lại bởi nhiều người khác nhau thì có nhận định đó có khả năng chính xác cao.
Mặc dù nghe có vẻ hơi xảo quyệt nhưng bạn có thể áp dụng kỹ thuật này đối với bạn bè và bạn đời tương lai của mình. Độ dài trung bình để các cặp đôi hẹn hò với nhau trước khi tới hôn nhân ở Anh trung bình là 3 năm (số liệu này biến động theo từng nền văn hóa). Rất khó để quyết định kết hôn với một người chỉ sau 3 năm, vì những đặc tính thuộc về bản chất con người, như tốt – xấu, có thể không được bộc lộ bởi chính đối tượng. Đương nhiên là cũng không hay lắm khi tiếp cận bạn bè và gia đình của đối tượng để điều tra. Tôi không khuyến khích bạn làm điều đó nhưng bạn vẫn có thể để ý đến những dữ liệu, thông tin bày ra trước mắt bạn bởi những người xung quanh, những người hiểu rõ đối tượng hơn chúng ta. Con người nói chung thường rất khó che giấu suy nghĩ thật của mình về người khác hết lần này tới lần khác, vì vậy nếu bạn nghe thấy những người thân của đối tượng cùng có chung một quan điểm về một vấn đề nào đó thì hãy chú ý. Đó có thể là sự thật.
Tôi hoàn toàn không nói rằng tính cách không quan trọng. Nhưng khi ta phải đưa ra một quyết định nào đó, đặc biệt là đối với những vấn đề quan trọng trong cuộc sống thì bản chất cần được xem xét một cách cẩn thận, thậm chí còn quan trọng hơn cả tính cách, mặc dù trong thực tế người ta thường bỏ qua nó. Tôi khá may mắn khi hầu hết những đối tượng tôi tham khảo đều đưa ra những ý kiến không chỉ rõ ràng, mạnh mẽ mà còn khá thống nhất.
Nguồn: Tâm lý học tội phạm