Vào năm 1990, sau khi đã cho Iran hít no khí độc thần kinh và đấm nhau chí chóe trên thị trường, Iraq nhận ra bản thân đã phải gánh 1 khoảng nợ cực lớn từ những người hàng xóm của mình. Lớn nhất nhì trong số đó chính là 14 tỉ đô mà Iraq đã vay của người hàng xóm bé nhỏ nhiều dầu khí Kuwait.
Nói qua về anh bạn ít người biết này, Kuwait là 1 đất nước nhỏ xíu, nằm ở khu vực Trung Đông, giáp Iraq và Ả Rập Saudi và nơi sâu nhất của Vịnh Ba Tư. Với trữ lượng dầu khai thác mà lúc đó chỉ có Saudi bì kịp, đây là nước đã được chấp nhận có sự bảo hộ của Hoa Kỳ và là đồng minh nằm trong khối các quốc gia OPEC. Vậy nên khi Iraq xâm lược Kuwait thì gần như cả cái Trung Đông đều thấy bất ổn chưa nói đến nhà bảo trợ chính của chúng nó lúc đó là Hoa Kỳ.
Lý do Iraq muốn hốt Kuwait thì nhiều nhưng không phức tạp cho lắm. Cơ bản nền kinh tế của Saddam Hussein đi xuống kịch liệt sau khi đấm nhau chán chê mê mệt với Iran, vậy nên họ muốn giải quyết nợ nần càng nhanh càng tốt. Và có hai cách để làm việc này thông qua Kuwait:
1) Đấm chết thằng chủ nợ để xù nợ (ố zề phết)
2) Vì Iraq cũng là nước xuất khẩu dầu mỏ, giá dầu càng tăng thì tài chính càng sướng. Mà theo như trên thì chỉ cần nắm được nguồn khai thác dầu của Kuwait, giảm nguồn dầu lại thì giá dầu auto tăng.
Và thế là Iraq bắt đầu một cuộc chiến mới chỉ 2 năm sau khi kết thúc chiến tranh Iran – Iraq. Vào ngày 2 tháng 8 năm 1990 lúc 2 giờ sáng giờ địa phương, theo lệnh của Saddam Hussein, Iraq tiến hành cuộc xâm lược Kuwait với bốn sư đoàn Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ của Iraq (Sư đoàn Thiết giáp Hammurabi số 1, Sư đoàn Thiết giáp al-Medinah al-Munawera số 2, Sư đoàn Tawakalna ala-Allah (cơ giới hóa) và Sư đoàn Nebuchadnezzar số 4 (bộ binh cơ giới)) cùng các đơn vị lực lượng đặc biệt tương đương với một sư đoàn đầy đủ. Mũi công chính được tiến hành bởi các toán biệt kích triển khai thông qua trực thăng và thuyền để tấn công Thành phố Kuwait, trong khi các sư đoàn khác chiếm giữ các sân bay và hai căn cứ không quân.
Bởi sự nhỏ bé và thiếu phòng bị của bản thân, Kuwait thất thủ nhanh chóng dù vẫn tổ chức được một vài lần phản công có hiệu quả. 400.000 dân đã phải di tản khỏi đất nước trong khi nhiều người đã ở lại, lập ra các nhà an toàn và bắt đầu tiến hành kháng chiến cầm cự chờ đợi liên quân Mỹ đến cứu. Ahmed ar-Rahmi, một trung tá trong quân đội Kuwait, tuyên bố, “Ở Kuwait, tất cả mọi người từ trẻ em đến người già đều kháng chiến. Không có con rối Kuwait nào mà Iraq có thể sử dụng để thành lập Chính phủ cả”. Và trời không phụ lòng người, Hoa Kỳ mới thấy mâm cơm của mình bị đụng và thằng đệ đang nhận bảo hộ của mình bị đấm sắp chết đến nơi bèn gấp rút chuyển hỗ trợ cho quân kháng chiến Kuwait trong khi thành lập một lực lượng viễn chinh lớn chưa từng thấy kể từ WW2 đến chuẩn bị đấm sấp mặt Iraq, mở ra Chiến tranh Vùng Vịnh 1991. Thành phần liên quân và tài trợ không thiếu bất cứ bộ mặt nào kể cả những anh hàng xóm gần Iraq nhất.
Sau 7 tháng Kuwait bị chiếm đóng với những nỗ lực đưa ra yêu cầu lui quân thất bại từ phía Liên Hợp Quốc, điển hình là Nghị quyết 12 yêu cầu quân đội Iraq trở về nước ngay lập tức thì biện pháp cuối cùng là đem quân đến đánh được chấp thuận. Sau đó, khi Chiến dịch Bão Táp Sa Mạc được tiến hành và quân Iraq bị lùa như vịt về đất của mình, nhận thấy không ăn được thì nên phá, Saddam đã ra lệnh cho quân đội trong khi rút lui thì phải tiêu thổ phóng hỏa càng nhiều giếng dầu càng tốt. Kết quả là hơn 600 giếng dầu của Kuwait bị cháy gần như không thể sử dụng lại, làm ảnh hưởng nặng đến nguồn cung dầu thế giới.
Kết cục của cuộc chiến là quân Iraq thất bại trong việc kiểm soát thị trường dầu, hệ lụy về cả ngoại giao và kinh tế thì tăng đều và Saddam Hussein đã phải chính thức tạ lỗi với Kuwait vào tháng 12 năm 2003, chỉ vài tháng trước khi Mỹ xâm lược Iraq. 2 năm sau đến lượt nhà lãnh đạo Palestine cũng phải tạ lỗi tiếp vì đã để cho một vài thành phần nước mình ủng hộ việc Iraq xâm lược. Hiện nay để tránh lịch sử lặp lại, Kuwait có 6000 quân Mỹ đồn trú cùng 18.000 công dân để đảm bảo không thằng nào dám đấm nó nữa.