SỰ TRƯỞNG THÀNH VỀ MẶT CẢM XÚC LÀ KHI….

by admin

———-

Trưởng thành về cảm xúc (emotional maturity), không phải là trở nên lạnh lùng sắt đá, dập tắt hết những biến động tâm can để thành người vô cảm.

Ngược lại, trưởng thành về cảm xúc, là sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm trong lò.ng mình, mà lại chẳng để bị những cảm xúc ấy khuất phục.

Việc này không hẳn là dễ dàng, vì những cảm xúc như đau khổ, mặc cảm, lo âu… thường gai góc và khó gần, khiến bạn muốn né tránh, chối bỏ, hay dồn nén. Nhưng những nỗ lực ấy thường không có tác dụng, hay thậm chí còn làm vấn đề trầm trọng hơn.

Vì cảm xúc đâu thể bị kiểm soát. Nó là tạo phẩm của tự nhiên và vận hành bởi những quy luật riêng, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của ý chí cá nhân.

Trong “Treatise of Human Nature” (1740), triết gia David Hume còn từng khẳng định: không phải lý trí, mà chính cảm xúc mới là căn nguyên của mọi hành động, là cấu phần không thể thiếu làm nên “tính người” bên trong mỗi chúng ta. “Reason is, and ought only to be the slave of the passions”.

Ngày nay, cảm xúc thường bị xem là điểm yếu, như thể chúng là chướng ngại của thành công, là mối bận tâm thứ yếu nếu như so với tư duy lý tính.

Vậy nhưng, tác giả Alain De Botton của “The School Of Life” cho rằng việc ấy là sai lầm. Nếu như coi thường cảm xúc, chúng ta sẽ bế tắc với những phản ứng kém lành mạnh, không được giáo dục đúng cách về việc cần đón nhận và nuôi dưỡng những cảm xúc của mình thế nào.

Và như nghiên cứu của David Barlow và Stephen Hayes có chỉ ra: nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những vấn đề tâm lý, chính là thói quen “né tránh cảm xúc” (emotional avoidance), vốn chỉ xoa dịu trước mắt nhưng để lại hậu quả lâu dài.

Vậy, chúng ta cần làm việc với cảm xúc của mình thế nào?

Khi cho phép bản thân mình có những phản ứng cảm xúc, hãy thừa nhận sự hiện diện của chúng bằng sự bao dung, và trải nghiệm chúng thật trọn vẹn. Và rồi bạn sẽ nhận thấy: mỗi cảm xúc đều có những giá trị riêng. Chúng mang những thông điệp quan trọng giúp bạn thấu tỏ hơn về bản thân, nhưng đồng thời chẳng hề nắm quyền thống trị được bạn.

Dù là thăng hoa hay trầm mặc, là rõ ràng hay xáo trộn… mọi cảm xúc đều chỉ là những “vị khách” nhất thời ghé đến lại rời đi. Không có cảm xúc nào sẽ ở lại mãi, hoặc làm thay đổi giá trị con người bạn. Đó là tính “vô thường” (impermanence) của mọi trải nghiệm, mà Phật giáo và nhiều truyền thống triết lý từ nhiều đời nay đã nhắc đến.

Bên cạnh đó, bạn cũng đừng nên phán xét những cảm xúc của mình. Cảm xúc luôn là đa chiều và phức tạp, và không thể bị dán nhãn “tích cực” hay “ti.êu c.ực” một cách giản đơn.

Vì cảm xúc, đơn thuần chỉ là những rung động bên trong đang hiện diện. Nó chẳng hề muốn làm hại bạn. Nó là một phần con người bạn. Và nó “ổn” theo những cách riêng.

Theo cố thiền sư Henepola Gunaratana, trước sự hiện diện của cảm xúc, chúng ta nên trải nghiệm và soi xét thật trọn vẹn những cảm nhận mà nó mang đến. Chỉ khi sẵn sàng quan sát và lắng nghe những rung cảm bên trong mình như vậy, mà một người mới thấu hiểu được bản chất và cội nguồn của cảm xúc, đồng thời tách biệt được nó khỏi những trải nghiệm tinh thần khác.

Tâm lý học gọi phương pháp tiếp cận này là “chấp nhận cảm xúc” (emotional acceptance). Phương pháp này mang lại những hiệu ứng tâm lý tích cực, đặc biệt dành cho những người thường gặp vấn đề với nỗi lo âu.

Một nghịch lý tôi tự rút ra từ trải nghiệm của bản thân cũng phản ánh điều này: càng chạy trốn khỏi cảm xúc, mình lại càng bị nó kiểm soát. Nhưng khi chấp nhận sự hiện diện của cảm xúc, mình lại được tự do khỏi nó.

Như nhà thơ người Mỹ Robert Frost từng viết: “the only way out is through”.

Tiến sĩ Noam Shpancer trên trang PsychologyToday cũng có một phép so sánh mà tôi thấy ấn tượng: cảm xúc cũng “thất thường” như thời tiết vậy. Có khi nắng, có khi mưa, nhưng dù gì đi nữa, nó cần được mình nhận biết, để từ đó có thể hành động khôn ngoan và tỉnh thức hơn (như bôi kem chống nắng hoặc mặc áo mưa chẳng hạn).

Dù đẹp xấu tùy lúc khác nhau, mọi cảm xúc, đều cần được mình chấp nhận và thấu hiểu. Nói cách khác, sẵn sàng làm bạn với cảm xúc, mới là trưởng thành về cảm xúc thật sự.

Nguồn: Cosmic Writer

Hình ảnh: pinterest (đoạn trích phim Home Alone)

Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản cho biết 'Cháu nghĩ vậy ạ. Trái tim bà có thể lại bị tổn thương, nhưng nó không mất đi. Nếu mất đi, bà đã không từ tế thế này. TRƯỞNG THÀNH VỀ MẶT CẢM XÚC Không phải là chúng ta trở nên lạnh lùng, sắt đá rồ“i vô cảm. Ngược lại, là sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm trong lòng mình mà không để những cảm xúc ấy khuất phục!'

You may also like

Leave a Comment