Sức mạnh của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng

by admin

 Trong tâm trí mỗi con người luôn tồn tại khoảng trống cho những liên tưởng có vẻ viển vông, và chúng ta thường không quan tâm nhiều đến chúng. Nhưng việc tưởng tượng và mơ mộng cho phép chúng ta thực hiện những gì dường như không thể. Nó giúp chúng ta sáng tạo và bay bổng. Nó cho chúng ta biết chúng ta muốn điều gì sẽ xảy ra, và do đó cho chúng ta sức mạnh để biến mong muốn trở thành hiện thực.

Khoa học viễn tưởng thường được nhìn nhận một cách khá bất công: nó được xem như một thể loại dành cho những cậu bé có đầu óc mơ tưởng với những viễn cảnh kỳ dị và u ám nhất cho tương lai. Thực ra, khoa học viễn tưởng đã bị đánh giá sai lầm, nhất là đối với kinh doanh. Trong những viễn cảnh lý tưởng nhất, tức là ngược lại hoàn toàn với những tưởng tượng tăm tối u ám kiểu tận thế, thể loại này giúp chúng ta hình dung ra một thế giới tương lai mà con người mong muốn hướng tới – chỉ là đi trước một chút so với khả năng thực tế của chúng ta.

 Khoa học viễn tưởng dĩ nhiên cũng không trả lời được cho câu hỏi liệu chúng ta có thể làm cho một con robot biết yêu được hay không. Thay vào đó, nó khuyên chúng ta nên có một thái độ và cái nhìn hợp lý trước khi có thể làm chủ công nghệ: chúng ta nên biết đích xác công nghệ có thể giải quyết những nhu cầu cần thiết gì của con người. Những phát minh vào thế kỷ thứ mười tám ở Anh không chỉ vượt bậc người La Mã về mặt kỹ thuật (dù chúng ta vẫn phải cảm ơn người La Mã vì những thành tựu về kiến trúc và xây dựng của họ, nhất là về cầu đường và bê tông), mà còn về mặt xã hội, do một số điều kiện (đặc biệt là những cấm kị xung quanh việc sử dụng nô lệ tại các mỏ than vùng Trung du) nên các tầng lớp doanh nhân Anh Quốc cũng có nhu cầu sử dụng động cơ hơi nước hơn so với người La Mã trước đây.

Trong cuốn Hai vạn dặm dưới biển xuất bản năm 1870, Jules Verne đã kể lại cuộc phiêu lưu của tàu ngầm Nautilus qua các đại dương trên thế giới (hai vạn dặm, tức là khoảng 80,000 km là nói đến tổng chiều dài quãng đường con tàu đã đi qua). Khi viết cuốn truyện này, Verne không quá lo lắng giải quyết các thắc mắc về kỹ thuật liên quan đến việc thám hiểm đáy biển sâu: ông chỉ nhấn mạnh rằng việc có thể tham quan đáy biển sẽ tuyệt vời đến thế nào. Verne mô tả Nautilus với những cửa sổ lớn, mặc dù ông không biết làm thế nào để có thể chế tạo ra loại kính chịu được áp lực ở độ sâu như vậy dưới đáy biển. Ông tưởng tượng con tàu có một cỗ máy có thể biến nước biển mặn thành nước uống được, mặc dù khoa học đằng sau kỹ thuật khử muối vẫn còn là nguyên thủy vào thời điểm đó. Và ông cho Nautilus chạy bằng năng lượng pin – và vào thời đó công nghệ này vẫn đang còn ở giai đoạn sơ khai.

 ‘Không phải kính sẽ vỡ khi ở dưới đáy biển hay sao?’ Verne không cố gắng trả lời những câu hỏi như vậy để trí tưởng tượng có thể bay xa.

Jules Verne không hề coi thường hay chống lại công nghệ. Ông thậm chí còn là người vô cùng thực tế. Chỉ đơn giản là khi viết tiểu thuyết, ông đã không muốn bị kìm hãm bởi câu hỏi cái gì là hợp lý. Và nhờ vậy, chính ông đã nhen nhóm ý tưởng về tàu ngầm vào tâm trí của hàng triệu người từ rất lâu trước khi công nghệ cho phép điều này thành hiện thực. Cuối cùng, tất nhiên chúng ta vẫn phải trả lời các câu hỏi “làm thế nào mà…” Nhưng khoa học viễn tưởng nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu với sáng tạo và tưởng tượng.

Cuối cùng chúng ta cũng phát minh ra tàu ngầm, đúng như Verne mô tả.

Thông điệp cốt lõi của khoa học viễn tưởng nằm ở chỗ: hãy ngừng suy nghĩ về việc mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Trước hết, hãy chỉ dành thời gian đó để mường tượng về một tương lai: nơi con người có khả năng thần giao cách cảm, các đối tác làm ăn hay thậm chí bạn đời có thể được cân đo đong đếm chính xác bởi máy móc, robot có tình cảm như con người, v.v. Thực tế là, việc hiện tại chưa thể làm bất cứ điều gì nêu trên không nên là vật cản cho trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta phải thực hành tập trung vào cái chúng ta muốn cho tương lai trước đã.

Những kịch bản viễn tưởng về tận thế – giống như trong Mad Max khi tương lai chỉ toàn những điều tồi tệ và khủng khiếp – không quá khó khăn để tưởng tượng ra. Hình dung về thảm họa thì rất dễ dàng. Chúng ta hầu như luôn bận tâm và lo lắng về việc chúng ta sẽ đạt được những gì, mà chúng ta đã quên đi việc hình dung ra những gì chúng ta thực sự mong muốn sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, chúng ta cần khoa học viễn tưởng, để tự khuyến khích bản thân dành một khoảng thời gian cho việc tập trung cao độ  vào những phát triển tích cực mà chúng ta muốn thấy trở thành hiện thực.

Jules Verne là nguồn cảm hứng bất tận trong lĩnh vực này. Trong cuốn Từ Trái đất đến Mặt trăng, ông đã tưởng tượng một cách phóng khoáng về việc bay trong vũ trụ và hạ cánh xuống mặt trăng. Ông thoải mái liên tưởng mà không cần lo lắng hay xấu hổ vì những sự phản đối thông thường rằng một cuộc phiêu lưu như vậy là nằm ngoài tầm với của công nghệ bấy giờ. Ông đang du hành trong một khoảng không gian khác trong chính trí óc của mình.

 

Chúng ta không nên ngạc nhiên rằng mọi thứ dù ban đầu chỉ là tưởng tượng mà bây giờ đã trở thành sự thật.. Chúng biến thành sự thật chính vì chúng đã từng được tưởng tượng ra.

 

Trong câu chuyện của mình, Verne tưởng tượng ra rằng Hoa Kỳ sẽ phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng từ Florida. ông tưởng tượng rằng con tàu vũ trụ đó sẽ được làm bằng một thứ kim loại nhẹ nhất mà ông biết đến (nhôm) – và sau này đúng là con tàu vũ trụ đã được làm bằng nhôm. ông đã đặt ra mức giá rất lớn cho việc xây dựng con tàu – tương đương với hơn toàn bộ GDP của Pháp vào thời điểm đó. Và đó cũng là một dự đoán đáng nể vì say này con tàu Apollo cũng có giá gần như vậy. Mô tả của Jules Verne như một lời tiên tri. Cuốn sách này của ông không giúp ích được gì nhiều cho các kỹ sư xây dựng con tàu, nhưng nó còn đem lại giá trị to lớn và lâu dài hơn. Cuốn sách đã khởi đầu cho ý tưởng xây dựng tàu vũ trụ, và nói với chúng ta rằng nếu điều đó thành sự thật thì quả là rất tuyệt vời. Nó đã thúc đẩy một mơ ước và khát vọng mà sau này đã trở thành sự thật.

Khoang lái của tên lửa, như trong trí tưởng tượng của Jules Verne, được minh họa trong cuốn sách xuất bản năm 1872
Khoang lái của tàu Apollo 13.

Các phát minh không bắt đầu từ những gì công nghệ hiện thời có thể làm được. Chúng được khởi nguồn từ những thứ khác hơn, từ khi con người bắt đầu một khát khao mong muốn – và để đạt được mong muốn đó, con người sẽ phải dùng trí tưởng tượng trong khi chưa có đủ nguồn lực để biến nó thành sự thật.

Ví dụ, ý tưởng về điện thoại di động được phổ biến rộng rãi lần đầu tiên năm 1966, không phải từ một công ty công nghệ mà từ màn ảnh nhỏ, trong seri phim khoa học viễn tưởng Star Trek.

Vào thời điểm đó các tính năng của điện thoại di động cũng chưa được tập trung cụ thể. Những người làm phim không nghĩ rằng Thuyền trưởng Kirk lại có ngày dùng smartphone lướt Twitter hay quẹt Tinder tìm bạn tình từ một hành tinh lân cận.

Nhưng chỉ riêng ý tưởng về một thiết bị liên lạc từ xa đã đủ tác động lên chúng ta mạnh mẽ. Chúng ta cũng muốn có điện thoại di động. Cũng nói theo cách này, thì chính Star Trek đã phát minh ra tai nghe không dây:

Và trong phần tiếp theo của seri này, The Next Generation (Thế hệ mới), chúng ta được biết đến chiếc iPad đầu tiên:

Động thái về tinh thần – ‘chúng ta muốn điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?’ – cho đến nay thường được tập trung vào công nghệ, nhưng khoa học viễn tưởng không chỉ dừng lại ở đó. Mối quan tâm cốt lõi đơn giản là: những nhu cầu chưa được đáp ứng của chúng ta sẽ đưa chúng ta phát triển theo chiều hướng nào? Và điều tốt đẹp gì chúng ta mong muốn sẽ xảy ra trong tương lai?

Những câu hỏi đó có thể được đặt ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Ví dụ, các mối quan hệ. Sau một vài mối quan hệ bế tắc và thất bại, chủ yếu gây ra bởi những khúc mắc trong quá khứ và trong tâm lý con người, chúng ta bắt đầu tự hỏi liệu có ngày nào đó mọi người đều được dạy dỗ và đào tạo trong việc cư xử với nhau, bằng một giáo trình chặt chẽ và nghiêm ngặt như dạy phi công hay không. Trong tương lai, có thể chúng ta sẽ không bao giờ thèm hẹn hò với một người nào mà không qua nổi ít nhất 10,000 giờ học và thực hành với những người dày dạn kinh nghiệm cư xử nhất.

Ngay bây giờ, ngành công nghiệp tư vấn về các vấn đề trong mối quan hệ vẫn đang còn sơ khai. Nhưng, so với những gì Verne đã làm được, chúng ta hoàn toàn có thể tự hỏi: mọi chuyện sẽ như thế nào nếu như việc tư vấn và đào tạo trong lối ứng xử và mối quan hệ trở thành một trong những mối quan tâm chủ đạo trong xã hội? Suy nghĩ như vậy cũng không hẳn là quá điên rồ, vì các vấn đề giữa người với người hiện nay cũng là một trong những khúc mắc mà ai cũng từng đối mặt. Các vấn đề – sự thỏa hiệp, tha thứ, làm thế nào để tìm người phù hợp, làm thế nào để đối phó với sự thất vọng, làm thế nào để giúp đỡ người khác – một ngày nào đó có thể sẽ được đưa vào hệ thống và giáo trình và có quy tắc xử lý với những người hướng dẫn đáng tin cậy. Chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề trong quan hệ như cách chúng ta thi bằng lái máy bay: trước tiên ta cần phải chứng tỏ bản thân mình trong một tình huống với quy mô nhỏ hơn, và sẽ được kiểm ra thực hành mô phỏng nhiều kỹ năng (giải quyết xung đột, cách nói lời xin lỗi, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ gia đình – giống như các phi công thực hành điều hướng qua Eo biển Singapore vào ban đêm).

Qua các thực hành tưởng tượng về tương lai như vậy, chúng ta sẽ có thói quen tự hỏi thế giới xung quanh sẽ thay đổi ra sao. Việc này giúp chúng ta không kháng cự lại với những thứ mà (vào thời điểm hiện tại) dường như là không thể xảy ra. Và điều đó vô cùng quan trọng, vì khi chúng ta nhìn lại, chúng ta có thể nhận ra rằng, đã rất nhiều lần, những thứ chúng ta từng nghĩ rằng không thể xảy ra đều đã trở thành hiện thực và thậm chí đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay.

Trong tâm trí mỗi con người luôn tồn tại khoảng trống cho những liên tưởng có vẻ viển vông, và chúng ta thường không quan tâm nhiều đến chúng. Nhưng việc tưởng tượng và mơ mộng cho phép chúng ta thực hiện những gì dường như không thể. Nó giúp chúng ta sáng tạo và bay bổng. Nó cho chúng ta biết chúng ta muốn điều gì sẽ xảy ra, và do đó cho chúng ta sức mạnh để biến mong muốn trở thành hiện thực.

Theo The School of Life

Thảo Tâm

You may also like

Leave a Comment